Giải pháp nào thúc đẩy tăng trưởng?

LÊ PHAN| 09/07/2016 06:17

Theo lý thuyết thúc đẩy tăng trưởng GDP nhìn về phía tổng cầu, hoặc Chính phủ phải tìm cách tăng trưởng đầu tư, tiêu dùng hoặc xuất khẩu, thông qua các chính sách nới lỏng tài khóa hoặc tiền tệ.

Giải pháp nào thúc đẩy tăng trưởng?

Theo số liệu Tổng cục Thống kê công bố, tổng sản phẩm trong nước (GDP) 6 tháng đầu năm nay ước tính tăng 5,52% (mức tăng giảm đều so với cùng kỳ năm 2015), thấp hơn nhiều so với mức tăng trưởng 6,28% của 6 tháng đầu năm 2015.

Đọc E-paper

Theo lý thuyết thúc đẩy tăng trưởng GDP nhìn về phía tổng cầu, hoặc Chính phủ phải tìm cách tăng trưởng đầu tư, tiêu dùng hoặc xuất khẩu, thông qua các chính sách nới lỏng tài khóa hoặc tiền tệ. Với tình hình hiện nay, giải pháp nào có thể được lựa chọn để thúc đẩy tăng trưởng?

Có thể mở rộng chính sách tài khóa?

Chính sách tài khoá mở rộng được hiểu là chính sách tăng cường chi tiêu của Chính phủ thông qua mở rộng chi tiêu, đầu tư và giảm bớt nguồn thu thuế. Tuy nhiên thâm hụt ngân sách hiện nay ở mức khá cao, nợ công ngày càng phình to thì việc theo đuổi chính sách tài khóa mở rộng e khó thực hiện.

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, thâm hụt ngân sách 6 tháng qua là 83 nghìn tỷ đồng, thu từ dầu thô tiếp tục giảm 15 nghìn tỷ so cùng kỳ và thu từ xuất nhập khẩu giảm 10 nghìn tỷ đồng.

Nguồn thu ngân sách bị tác động bởi giá dầu thô giảm, thuế xuất nhập khẩu giảm do phải cắt giảm thuế nhập khẩu theo lộ trình của các hiệp định thương mại tự do Việt Nam đã ký kết trong những năm qua. Theo dự kiến của Bộ Tài chính thì thu từ xuất nhập khẩu trong năm 2016 chỉ còn khoảng 3,4% GDP, trong khi mức bình quân giai đoạn 2006 - 2010 là 5,9% GDP.

Trong cơ cấu dòng chi, chi thường xuyên tiếp tục tăng thêm 18 nghìn tỷ đồng, chiếm đến 72% tổng chi trong khi chi đầu tư phát triển tiếp tục co hẹp với mức sụt giảm 6 nghìn tỷ đồng. Với cấu trúc ngân sách thiên về tiêu dùng hơn đầu tư như hiện tại thì rất rủi ro và tác động tiêu cực đến tăng trưởng.

Trong khi đó, việc giảm bớt nguồn thu thuế là khó có thể xảy ra. Với áp lực ngân sách khá lớn như hiện nay, Chính phủ tập trung tăng thu ngay cả khi doanh nghiệp gặp khó khăn, mà việc điều chỉnh thuế, phí liên tục trong thời gian qua là một minh chứng.

Hay nới lỏng tiền tệ?

Chính sách nới lỏng tiền tệ được nhắc đến khá nhiều trong thời gian qua, thể hiện qua mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2016 ở mức cao 18 - 20% và tổng phương tiện thanh toán tăng trưởng 16 - 18%. Tuy nhiên, kết quả 6 tháng qua cho thấy tăng trưởng tín dụng đạt 6,2%, thấp hơn mức 6,28% của cùng kỳ năm 2015 và còn cách khá xa so với mục tiêu kế hoạch.

Với tình hình như hiện nay thì việc hoàn thành kế hoạch tăng trưởng tín dụng năm 2016 khó khả thi, do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã định hướng thắt chặt dòng vốn vào thị trường bất động sản và cho vay xây dựng cơ sở hạ tầng. Mặt bằng lãi suất thời gian qua tuy có ổn định, nhưng nhiều dự báo cho thấy khả năng lãi suất cho vay có thể tăng trở lại; tác động đến nhu cầu vay của doanh nghiệp (DN) và hạn chế mục tiêu nới lỏng tiền tệ.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tiếp tục đi lên trong 6 tháng đầu năm nay. Sau khi xuống mức 0% vào tháng 9 và tháng 10/2015, chỉ số CPI so với cùng kỳ đã liên tục đi lên trong 8 tháng qua và ở mức 2,4% tính đến tháng 6/2016. Mặc dù còn cách khá xa so với mục tiêu 5% trong năm nay, nhưng với áp lực giá dầu đang tăng trở lại, nguồn cung lương thực, thực phẩm sụt giảm và khả năng điều chỉnh tỷ giá chắc chắn sẽ có tác động lên chỉ số CPI trong những tháng tới, từ đó càng tạo áp lực lên mặt bằng lãi suất hiện tại.

Với dự trữ bắt buộc khó có thể giảm thì điều mà NHNN cần làm là tiếp tục đảm bảo thanh khoản của hệ thống, ổn định và duy trì mặt bằng lãi suất ở mức phù hợp để kích thích tiêu dùng và đầu tư từ khối tư nhân, trong tình hình tiêu dùng và đầu tư từ Chính phủ bị giới hạn.

Với dự trữ bắt buộc khó có thể giảm, điều NHNN cần làm là tiếp tục đảm bảo thanh khoản của hệ thống, ổn định và duy trì mặt bằng lãi suất ở mức phù hợp để kích thích tiêu dùng và đầu tư từ khối tư nhân, trong tình hình tiêu dùng và đầu tư từ Chính phủ bị giới hạn.

Với kết quả phát hành trái phiếu 6 tháng đầu năm nay của Kho bạc Nhà nước là 182.271 tỷ đồng và đạt 82,9% kế hoạch năm, thì áp lực trong những tháng còn lại của năm không quá lớn, giúp lãi suất trái phiếu chính phủ ổn định và nguồn cung vốn cho DN tăng lên. Tuy nhiên, điều này cũng có ẩn số vì Chính phủ vừa công bố tăng chỉ tiêu phát hành trái phiếu năm 2016 thêm 30.000 tỷ đồng.

NHNN còn một công cụ để điều tiết lãi suất chưa sử dụng là lãi suất tái cấp vốn, hiện duy trì ở mức 6,5% trong suốt hai năm qua.

Đẩy mạnh xuất khẩu, duy trì xuất siêu

Xuất siêu 6 tháng qua đạt 1,5 tỷ USD, là kết quả rất tích cực nếu so với con số nhập siêu đến 3,8 tỷ USD của cùng kỳ năm 2015. Tuy nhiên, khu vực trong nước tiếp tục chứng kiến mức nhập siêu 9,7 tỷ USD, như vậy con số xuất siêu 1,5 tỷ USD trên hoàn toàn đến từ mức xuất siêu 11,3 tỷ USD của khu vực DN nước ngoài.

Điểm cần chú ý là nhập khẩu sụt giảm chủ yếu do kim ngạch nhập khẩu máy móc thiết bị giảm 970 triệu USD. Điều này cho thấy dấu hiệu sản xuất đang chậm lại và có thể ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới.

Kim ngạch xuất khẩu mặc dù có tăng, nhưng nếu loại trừ yếu tố giá thì 6 tháng qua chỉ tăng 10,1%, trong khi cùng kỳ 2015 tăng đến 13,4%, do sự suy giảm của nông nghiệp và sản lượng dầu thô, cụ thể kim ngạch xuất khẩu dầu thô giảm hơn 1 tỷ USD. Giá dầu tuy đã phục hồi phần nào gần đây nhưng vẫn còn rất thấp so với mức 100 USD/thùng và định hướng của Chính phủ sẽ không xuất khẩu tài nguyên thô.

Mặc dù tỷ giá thời gian qua được điều chỉnh linh hoạt và ổn định, tuy nhiên tỷ giá thực của VND đang định giá khá cao so với USD và các đồng tiền khác mất giá so với USD khá lớn trong thời gian qua đồng thời với sự kiện Brexit đã và sẽ còn kích thích các đồng tiền khác tiếp tục phá giá. Những điều này sẽ khiến hàng Việt Nam mất tính cạnh tranh nếu VND không điều chỉnh theo kịp. Bên cạnh đó, tình hình ô nhiễm nước biển, thiên tai chắc chắn đã và sẽ còn ảnh hưởng đến xuất khẩu trong thời gian tới.

Tổng cục Thống kê đã nhận định tăng trưởng xuất khẩu năm nay khó đạt mục tiêu 10%. Nhập khẩu lại thường tăng mạnh trong quý IV, việc duy trì xuất siêu là khó có thể xảy ra. Do đó, có vẻ như Chính phủ chỉ còn cách kích thích đầu tư và tiêu dùng ở khu vực tư nhân thông qua chính sách nới lỏng tiền tệ, mà việc duy trì mặt bằng lãi suất phù hợp là điều cần thiết trong thời điểm hiện nay.

>Năm 2016, tăng trưởng xuất khẩu đạt 10%: Có khả thi?

>Châu Á hướng về chính sách nới lỏng tiền tệ

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Giải pháp nào thúc đẩy tăng trưởng?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO