Dòng tiền giúp thị trường chứng khoán phục hồi đến từ đâu?

Khánh Phương| 28/04/2020 00:00

Hòa cùng xu hướng chung của thị trường chứng khoán toàn cầu, chứng khoán Việt Nam đã tăng trở lại kể từ đầu tháng 4 đến nay, cũng là thời điểm Chính phủ quyết định giãn cách xã hội trên diện rộng để đối phó với dịch Covid-19.

Dòng tiền giúp thị trường chứng khoán phục hồi đến từ đâu?

Dòng tiền đến từ đâu?

Theo dữ liệu thống kê gần đây của hãng tin Bloomberg, chỉ số VN-Index của Việt Nam đã phục hồi 15%, trở thành chỉ số chứng khoán tăng mạnh nhất thế giới. Đà tăng mạnh này diễn ra sau mức lao dốc 25% trong tháng 3 do nỗi lo về tác động của đại dịch Covid-19. Cập nhật đến phiên giao dịch ngày 20/4/2020, VN-Index đã tăng gần 23% từ mức đáy gần nhất ở quanh 650 điểm vào ngày 31/3/2020, cũng là mức thấp nhất từ tháng 12/2016.

Câu hỏi đặt ra là đà phục hồi này đến từ đâu trong bối cảnh các nhà đầu tư nước ngoài vẫn không ngớt bán ròng? Tính từ đầu năm tới nay, khối ngoại đã bán ròng hơn 12.200 tỷ đồng trên HOSE, 1.500 tỷ đồng trên sàn HNX và 344 tỷ đồng trên sàn UPCoM, trong đó tập trung vào các cổ phiếu vốn hóa lớn thuộc nhóm VN30. Như trong vòng một tháng qua (từ ngày 20/3 đến 19/4/2020), cổ phiếu của VIC bị bán ròng mạnh nhất với giá trị gần 1.200 tỷ đồng, MSN hơn 694 tỷ đồng, HPG 369 tỷ đồng, VRE 250 tỷ đồng.

Trước tình hình này, dòng vốn nội địa đang trở thành lực hỗ trợ chính kéo thị trường phục hồi. Theo dữ liệu từ Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD), tháng 3 vừa qua, trong thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp và thị trường chứng khoán chìm sâu, nhà đầu tư trong nước đã mở hơn 32.000 tài khoản chứng khoán. Đây là số lượng tài khoản mở cao kỷ lục kể từ thời điểm VN-Index lập đỉnh hơn 1.200 điểm cách đây hai năm.

Việc hàng loạt công ty, ban lãnh đạo đăng ký mua vào cổ phiếu cũng hỗ trợ tâm lý cho các nhà đầu tư nội khác. Chỉ trong tháng 3, dòng tiền từ các doanh nghiệp đăng ký mua cổ phiếu quỹ, lãnh đạo và người liên quan đăng ký mua đã lên tới hơn 6.000 tỷ đồng. Ngay cả Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) cũng muốn bắt đáy khi đăng ký mua 1 triệu cổ phiếu FPT.

Thống kê trong nửa đầu tháng 4 cho thấy, trong khi tự doanh tại các công ty chứng khoán bán ròng gần 684 tỷ đồng, các tổ chức trong nước bán ròng gần 320 tỷ đồng và tổ chức nước ngoài bán ròng hơn 2.400 tỷ đồng, thì nhóm cá nhân trong nước đã mua ròng gần 1.300 tỷ đồng, trở thành lực đỡ chính cho thị trường. Một số ý kiến cho rằng, lực kéo có thể còn đến từ các nhà tạo lập thị trường, nhằm cứu giá chứng khoán để qua đó cứu các doanh nghiệp và cả nền kinh tế, khi chứng khoán hiện nay đã trở thành kênh dẫn vốn quan trọng.

Link bài viết

Nhiều thông tin hỗ trợ

P/E của thị trường chứng khoán Việt Nam đã rơi về mức 10-11 lần sau đợt bán tháo trong tháng 3, thấp hơn mức định giá vào cuối năm 2017 là 20 lần và đỉnh điểm tháng 4/2018 là 22 lần, làm cho lòng tham của các nhà đầu tư trong nước có vẻ đã trỗi dậy. 

Theo Bloomberg, VN-Index đang giao dịch với P/E forward khoảng 11 lần, thấp hơn so mức bình quân 5 năm là 14 lần.

Ông Patrick Mitchell - Giám đốc Khối khách hàng định chế của Công ty Chứng khoán ACB (ACBS) tại TP.HCM nhận định: "Thị trường đã bị chi phối bởi dòng vốn nhỏ lẻ và người mua đã trở lại với các mức định giá siêu rẻ tại các công ty mình thích, vì thế mua thêm tại các mức này để đầu tư dài hạn là hợp lý".

Rõ ràng việc thị trường giảm sâu đã khiến nhiều người quan tâm hơn đến kênh đầu tư chứng khoán, trong bối cảnh thị trường bất động sản ảm đạm, kênh tiền gửi ngân hàng thôi hấp dẫn vì lãi suất thấp. Đặc biệt thời gian qua, các cơ quan chức năng giảm nhiều loại chi phí giao dịch, các công ty chứng khoán miễn phí giao dịch và giảm mạnh lãi suất vay margin, nên cũng thu hút dòng tiền đã rút ra khỏi thị trường trước đây quay trở lại. 

Trên các diễn đàn thảo luận về chứng khoán cho thấy, khá nhiều nhà đầu tư cá nhân gạo cội, vốn đã thoát ra khỏi thị trường từ đỉnh cao năm 2018 hoặc chỉ mới đầu năm nay, nhưng đã bắt đầu quay lại thị trường khi chứng kiến đợt bán tháo hoảng loạn trong tháng 3, đẩy giá nhiều cổ phiếu rớt về mức đáy một cách bất hợp lý. 

Bên cạnh đó, hàng loạt thông tin hỗ trợ tích cực khác bắt đầu tác động đến tâm lý thị trường, từ các gói hỗ trợ tài khóa lên đến hàng chục nghìn tỷ đồng, những chương trình hỗ trợ tín dụng, giảm mạnh lãi suất, vay ưu đãi mà các ngân hàng cam kết cũng đã lên tới hàng trăm nghìn tỷ đồng. Mặt bằng lãi suất trên thị trường liên tục được kéo xuống luôn là chất xúc tác quan trọng cho các kênh tài sản như chứng khoán. 

Chính phủ đang tập trung đẩy mạnh đầu tư công, mở rộng tài khóa, triển khai nhanh các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Việc dịch bệnh được dự đoán đã đạt đỉnh tại các nước phương Tây khi số người nhiễm chậm lại, cũng như những thông tin về nghiên cứu vắc xin có bước tiến mạnh cũng hỗ trợ tâm lý nhà đầu tư toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng.

Dù thị trường đã phục hồi ấn tượng trong thời gian ngắn vừa qua, nhưng hầu hết ý kiến phân tích đều cho rằng, một đợt phục hồi theo mô hình chữ V là khó có thể xảy ra. Chẳng những vậy, trước diễn biến tăng nóng vừa qua, không loại trừ khả năng áp lực chốt lời ngắn hạn sẽ tăng dần và ngăn cản giá cổ phiếu bứt phá, nhất là khi các ngưỡng kháng cự quan trọng của VN-Index ngày càng đến gần hơn. 

Dù thị trường đã phục hồi ấn tượng trong thời gian ngắn vừa qua, nhưng hầu hết ý kiến phân tích đều cho rằng, một đợt phục hồi theo mô hình chữ V là khó có thể xảy ra. Chẳng những vậy, không loại trừ khả năng áp lực chốt lời ngắn hạn sẽ tăng dần và ngăn cản giá cổ phiếu bứt phá.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Dòng tiền giúp thị trường chứng khoán phục hồi đến từ đâu?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO