Doanh nghiệp lớn lên sàn: Cơ hội cho giới đầu tư

THÀNH LONG| 05/11/2016 06:53

Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (DNNN) có sức hấp dẫn bởi vì đây không chỉ là mục tiêu dài hạn của Chính phủ để cơ cấu lại nền kinh tế mà còn là cơ hội cho giới đầu tư khi lựa chọn mua cổ phần.

Doanh nghiệp lớn lên sàn: Cơ hội cho giới đầu tư

Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (DNNN) có sức hấp dẫn bởi vì đây không chỉ là mục tiêu dài hạn của Chính phủ để cơ cấu lại nền kinh tế mà còn là cơ hội cho giới đầu tư khi lựa chọn mua cổ phần. 

Đọc E-paper

Cổ phần hóa đã trở thành đề tài "nóng" thời gian qua gần đây. Trong giai đoạn 2011 - 2015 đã cổ phần hóa 499 DNNN, trong đó năm 2015 đã cổ phần hóa 299 DNNN. Theo báo cáo về tình hình thực hiện tái cơ cấu DNNN 9 tháng đầu năm 2016 trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, đến ngày 28/9/2016, cả nước đã cổ phần hóa 48 DNNN và 3 đơn vị sự nghiệp công lập.

Đây là các doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Xây dựng, Tập đoàn Công nghiệp Cao su, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước, Tổng công ty Lương thực Miền Nam và một số công ty lương thực tỉnh - thành.

Quá trình cổ phần hóa được đẩy mạnh và đã mang lại những hiệu ứng tích cực. Bộ máy DNNN dần được tinh gọn và đổi mới. Đến hết năm 2015, chỉ còn 652 DNNN trong các lĩnh vực then chốt như an ninh, quốc phòng, công ích chưa cổ phần hóa và sẽ có những doanh nghiệp không cổ phần hóa vì có tính đặc thù.

Tổng nguồn thu từ cổ phần hóa năm 2015 là 900 ngàn tỷ, trong đó có khoảng 30 - 40 ngàn tỷ từ DNNN. Số tiền này được phân bổ chung cho cả nền kinh tế từ nông nghiệp, y tế tới xây dựng cơ sở hạ tầng.

Bên cạnh đó, quá trình cổ phần hóa đã làm cho thị trường chứng khoán trở nên năng động hơn, làm tăng quy mô cũng như vốn hóa của thị trường. Tính đến ngày 28/10/2016, vốn hóa thị trường chứng khoán đạt hơn 1.543 nghìn tỷ đồng, xấp xỉ 36,3% GDP năm 2015. Ngày 28/10/2016, cổ phiếu của Tổng công ty Cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco) đã tiến hành giao dịch làm vốn hóa thị trường tăng hơn 10.000 tỷ đồng.

Dự kiến vào tháng 12, cổ phiếu của Tổng công ty Cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) sẽ niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM sẽ làm tăng thêm hơn 70.000 tỷ đồng vốn hóa cho thị trường chứng khoán Việt Nam.

>>3 lưu ý khi đầu tư cổ phiếu IPO

Thống kê cho thấy, những doanh nghiệp sau khi cổ phần hóa đều có tốc độ tăng trưởng tốt, sản xuất - kinh doanh hiệu quả, tăng thêm tính cạnh tranh cho nền kinh tế. Mặt khác, nhiều DNNN sau khi cổ phần hóa được chủ động trong việc đổi mới quá trình quản trị, nâng cao năng lực nhân sự, đẩy mạnh áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật , nâng cao năng suất lao động.

Sự thành công sau cổ phần hóa như Vinamilk, Vietcombank, Sabeco, Habeco, Bảo Việt... đã làm cho cơ hội đầu tư của các nhà đầu tư tổ chức cũng như cá nhân được mở rộng. Trong khi các nhà đầu tư trong nước tập trung vào DNNN sở hữu quỹ đất lớn, vị trí đẹp, có nhiều tài sản thì các nhà đầu tư nước ngoài lại tỏ ra hứng thú với lĩnh vực tiêu dùng, bao gồm hàng tiêu dùng, dịch vụ tiêu dùng, chăm sóc sức khỏe, dược phẩm, dịch vụ tiện ích công cộng.

Bên cạnh những mặt tích cực nhìn thấy được, công cuộc cổ phần hóa DNNN vẫn tồn tại những thách thức gây ảnh hưởng đến kế hoạch kinh tế giai đoạn 2016 - 2020. Thủ tục pháp lý là rào cản lớn nhất cần phải gỡ bỏ. Không những còn vướng mắc về "room" khối ngoại mà còn tồn tại những vướng mắc kéo dài trong các thủ tục thẩm định hồ sơ, tư vấn làm chậm tiến độ cổ phần hóa, gây nản lòng doanh nghiệp.

Vấn đề xác định giá trị của DNNN để tiến hành cổ phần hóa cần được quan tâm đúng mức. Thực tế cho thấy điều kiện và cơ sở cho việc xác định giá trị doanh nghiệp chưa được thiết lập đầy đủ, đồng bộ, thiếu văn bản hướng dẫn và quy định cụ thể việc định giá cho các loại tài sản trong doanh nghiệp, đặc biệt là giá trị quyền sử dụng đất và lợi thế kinh doanh.

Tính minh bạch trong quá trình cổ phần hóa cần được giám sát và xem xét kỹ càng. Doanh nghiệp bắt buộc phải công bố báo cáo tài chính từng thời điểm, có kế hoạch phát triển kinh doanh rõ ràng để cổ đông, nhà đầu tư và cơ quan quản lý giám sát chặt chẽ.

Như vậy, cơ hội luôn song hành với thách thức, nhưng với sự quyết liệt và phối hợp chặt chẽ của các thành viên trên thị trường, tiến trình cổ phần hóa DNNN sẽ đúng tiến độ và mang lại hiệu quả cao, hoàn thành mục tiêu to lớn hơn nữa là tái cơ cấu nền kinh tế.

>>Lý giải nguyên nhân thị trường IPO Trung Quốc "tăng nhiệt"

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Doanh nghiệp lớn lên sàn: Cơ hội cho giới đầu tư
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO