Đầu tư tài chính: Các quỹ đã sẵn sàng

NGUYÊN BẢO - HẢI ÂU| 07/11/2016 06:47

Bên cạnh những quỹ đầu tư tài chính mới, gần đây, những quỹ đầu tư đã gắn bó khá lâu với thị trường Việt Nam đều tiến hành hoặc dự định thành lập quỹ mới để đón đầu các cơ hội.

Đầu tư tài chính: Các quỹ đã sẵn sàng

Bên cạnh những quỹ đầu tư tài chính mới, gần đây, những quỹ đầu tư đã gắn bó khá lâu với thị trường Việt Nam, điển hình như VinaCapital, Mekong Capital, Saigon Asset Management đều tiến hành hoặc dự định thành lập quỹ mới để đón đầu các cơ hội từ cổ phần doanh nghiệp nhà nước, các công ty niêm yết tăng trưởng ổn định lẫn những doanh nghiệp (DN) tư nhân tiềm năng.

Đọc E-paper

Mới đây, khi chia sẻ với giới truyền thông bên lề một hội nghị, đại diện Tập đoàn VinaCapital (hiện đang quản lý ba quỹ đầu tư được niêm yết trên thị trường chứng khoán Luân Đôn, với giá trị tài sản quản lý hơn 1,5 tỷ USD) cho biết, vào tháng 11, VinaCapital sẽ đưa thêm quỹ nội địa thứ hai vào hoạt động tại thị trường Việt Nam, dành cho cả giới đầu tư trong nước lẫn nước ngoài, với giá trị đầu tư khởi điểm khoảng 5 triệu USD. Mục tiêu đầu tư của quỹ là nhắm vào các công ty trên thị trường OTC, hoặc thị trường UPCoM...

Trước đó, vào tháng 8/2016, VinaCapital đã hợp tác với Shinhan BNP Paribas Asset Management (Shinhan) phát triển các quỹ dành cho các nhà đầu tư Hàn Quốc, nhằm tham gia đầu tư vào các loại hình tài sản tại Việt Nam cũng như kế hoạch giới thiệu sản phẩm đầu tư của Shinhan đến thị trường Việt Nam trong tương lai.

Theo đó, hai bên cùng phát triển VIP Equity Fund - quỹ chuyên đầu tư vào các công ty đại chúng tại Việt Nam cũng như tại Indonesia và Philippines. Xa hơn nữa, VinaCapital và Shinhan sẽ cùng hướng đến phát triển quỹ đầu tư cho phép tham gia đầu tư vào nhiều loại hình tài sản như cổ phần, trái phiếu, bất động sản tại Việt Nam.

Được biết, Shinhan BNP Paribas Asset Management là liên doanh giữa Tập đoàn Tài chính Shinhan và Tập đoàn BNP Paripas của Pháp - một trong những công ty hàng đầu tại Hàn Quốc về đầu tư với tổng giá trị tài sản quản lý 34 tỷ USD.

Mở màn cho việc thành lập quỹ mới sau khủng hoảng tài chính thế giới, kéo dài từ năm 2008 đến nửa đầu năm 2014, có thể kể đến Mekong Capital - công ty quản lý quỹ đầu tư chuyên về vốn cổ phần chưa niêm yết lớn nhất tại Việt Nam. Từ năm 2001 đến nay, Mekong Capital quản lý 4 quỹ đầu tư (đã thực hiện 30 khoản đầu tư vốn cổ phần chưa niêm yết, trong đó có trên 19 khoản đã thoái vốn hoàn toàn và 2 khoản thoái vốn một phần), riêng quỹ Mekong Enterprise Fund III (MEF III) ra mắt vào tháng 5/2015.

Một năm sau, MEF III đã hoàn tất việc huy động 112,5 triệu USD vốn cam kết và đã có những khoản đầu tư nhất định (đầu tư vào chuỗi nhà hàng cuốn Wrap&Roll và Công ty CP Giải pháp thương mại ABA). Mục tiêu của MEF III là tập trung đầu tư vào các DN tiêu dùng Việt Nam thuộc các ngành bán lẻ, nhà hàng, sản phẩm và dịch vụ tiêu dùng.

Trong khi đó, Saigon Asset Management (SAM), hiện đang quản lý Quỹ Vietnam Equity Holding (VEH) và Vietnam Property Holding (VPH) - cả hai cùng thành lập từ năm 2007, cho biết, sau khi trở thành đối tác chiến lược của hệ thống nhà thuốc Mỹ Châu vào đầu năm 2016, đến nay, SAM vẫn không ngừng tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư với các công ty tư nhân có mức tăng trưởng cao cũng như các tập đoàn lớn, nổi tiếng trong và ngoài nước.

Theo đó, SAM phối hợp với Sunwah Kingsway (thuộc Tập đoàn Sunwah, Hồng Kông - một trong những tên tuổi đã đầu tư ở Việt Nam từ rất sớm và là chủ nhân của tòa nhà Sunwah Tower, Nguyễn Huệ, quận 1, TP.HCM) công bố thành lập công ty liên doanh nhằm cung cấp dịch vụ đầu tư cho các DN Việt Nam. Được biết, vốn hai bên huy động vào khoảng 100 triệu USD.

Những ngành có thể thu hút đầu tư nhiều nhất

DN thực hiện IPO, gọi vốn từ các tổ chức tài chính, DN cùng ngành không ít, nhưng theo bà Nguyễn Thị Thu, Quỹ VVF, nhà đầu tư vẫn khu biệt ở một số ngành trọng điểm. Chẳng hạn, với VinaCapital, sắp tới, Quỹ sẽ đầu tư vào những ngành có cơ hội tăng trưởng tốt hơn so với mặt bằng chung, cụ thể là tiêu dùng bán lẻ. Bởi, thị trường Việt Nam được đánh giá cao từ các tập đoàn tiêu dùng nước ngoài. Việt Nam đang sở hữu dân số hơn 90 triệu dân thì 2/3 trong số đó ở độ tuổi đi làm, tức cứ hai người đi làm thì hỗ trợ một người trong độ tuổi chưa đi làm, tỷ lệ phụ thuộc này thấp nhất trên thế giới. Hơn nữa, GDP trên đầu người đạt 2.200 USD/năm, bằng với mức của Trung Quốc đầu những năm 2000. Điều đáng nói, hiện nay, nhiều mặt hàng tiêu dùng còn dư địa để phát triển. Chẳng hạn, thị trường ô tô vừa rồi đạt mức tăng trưởng 20%, trong khi tỷ lệ sở hữu ô tô chỉ 3%, bán lẻ hiện đại mới chỉ chiếm 20%.

Ngành thứ hai thu hút các nhà đầu tư là cơ sở hạ tầng (đường sá, cảng biển) và thứ ba là công nghiệp và xây dựng, do gần đây đạt được tăng trưởng cao nhất trong vòng 6 năm. Thêm nữa, các công ty trong ngành điện, nước, khí gas cũng có mức hấp dẫn nhất định vì với mục tiêu tăng trưởng GDP đạt trên 6% và Việt Nam vẫn tiếp tục thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa thì ngành điện phải tăng trưởng 10 - 15%/năm, đó là chưa kể giá điện ở Việt Nam đang thấp nhất trong khu vực nên dư địa để phát triển vẫn còn lớn để nhà đầu tư chen chân.

>Thị trường BĐS: Quỹ đầu tư ngoại vừa thoái vừa mua

>Startup Châu Á thu hút Quỹ đầu tư mạo hiểm hơn Silicon

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Đầu tư tài chính: Các quỹ đã sẵn sàng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO