Đầu tư chứng khoán: Cẩn trọng với tin đồn

GIA LÊ| 17/08/2017 02:10

Việc thị trường chứng khoán dễ bị tổn thương trước những tin đồn trong thời gian qua cho thấy niềm tin của giới đầu tư vẫn ở mức thấp, cộng thêm tâm lý bầy đàn ở mức độ cao càng làm thị trường bị tổn hại nặng nề.

Đầu tư chứng khoán: Cẩn trọng với tin đồn

Thị trường chứng khoán ngày 9/8 đã có phiên giảm điểm mạnh nhất kể từ tháng 1/2016, với chỉ số VN-Index giảm gần 18 điểm, tương đương 2,3%, khiến vốn hóa toàn thị trường bị "thổi bay" hơn 40.000 tỷ đồng, tương ứng gần 2 tỷ USD.  

Đọc E-paper

Nguyên nhân lý giải cho phiên điều chỉnh giảm mạnh đến từ tin đồn bắt cựu Chủ tịch Ngân hàng BIDV Trần Bắc Hà. Được biết, tin đồn tương tự xuất hiện vào năm 2013 cũng đã làm vốn hóa thị trường "bốc hơi"1,5 tỷ USD.

Dù muốn dù không thì tin đồn luôn là một trong những yếu tố đi song hành với các giao dịch trên thị trường chứng khoán. Đặc biệt tại những thị trường đang phát triển, với độ minh bạch, công khai thông tin còn kém, khả năng xử lý khủng hoảng truyền thông chậm và còn nhiều hạn chế, thì khả năng hoành hành của tin đồn càng cao.

Trong một thị trường mà hành vi bầy đàn luôn ở mức cao như trên thị trường chứng khoán, với các nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ chiếm tỷ trọng lớn, thì những tin đồn luôn được lợi dụng triệt để để dẫn dắt tâm lý và hành vi của nhà đầu tư.

Về cơ bản, tin đồn là những tin tức chưa được kiểm chứng, có thể tiêu cực nhưng cũng có thể tích cực, tuy nhiên phần lớn là các tin tiêu cực và luôn tác động xấu, đưa đến triển vọng bi quan cho doanh nghiệp, thị trường. Đặc biệt, do chưa được kiểm chứng nên khả năng lan truyền của tin đồn rất nhanh và rộng, nhất là trong bối cảnh các phương tiện truyền thông và mạng xã hội phát triển như hiện nay. Tin đồn sau đó có thể được xác nhận hoặc nhanh chóng dập tắt do sai sự thật, tuy nhiên cũng có những thông tin ban đầu được chối bỏ nhưng sau đó một thời gian lại được xác nhận là đúng.

>>Giới đầu tư quá "nhạy cảm" với tin đồn thất thiệt

Chính vì vậy, mỗi khi tin đồn xuất hiện thì đa số nhà đầu tư thường phản ứng tức thời mà ít khi đợi thêm thời gian để kiểm chứng, xác nhận. Thậm chí khi tin đồn được người liên quan hoặc các cơ quan, doanh nghiệp bác bỏ thì một bộ phận nhà đầu tư vẫn cho rằng đó đơn thuần là cách xử lý mang tính truyền thông và khả năng một thời gian sau thì sẽ được chính thức xác nhận.

Thực tế tại Việt Nam, diễn biến như trên lại hay xảy ra, nên càng khiến phần lớn nhà đầu tư, giới quan sát cho rằng thực tế rồi sẽ diễn ra đúng như tin đồn. Cũng có một bộ phận nhà đầu tư muốn "té nước theo mưa", dù không tin vào tin đồn nhưng vẫn muốn lợi dụng sự "hoảng loạn" của nhà dầu tư do tin đồn gây ra, từ đó nương theo xu hướng thị trường hòng tìm kiếm lợi nhuận. Vì vậy hành vi của nhóm nhà đầu tư này càng gây áp lực lên các giao dịch trên thị trường, đồng thời có thể góp sức đẩy tin đồn lan rộng hơn và mang lại hiệu ứng mạnh hơn.

Trong khi tin tức chính thức được công bố (thường là trễ nải) và thị trường cần có thời gian để "tiêu hóa" thông tin, nhà đầu tư phải đánh giá liệu hiệu ứng của thông tin ấy là tốt hay xấu trong ngắn hạn và dài hạn, phía sau những thông tin đó thực sự là gì, khả năng thông tin có được truyền đạt sai hay nhầm lẫn, thì những thông tin mang tính chất tin đồn lại thường có sự ảnh hưởng, tác động ngay tức khắc.

Thực tế là trước khi mỗi tin đồn xuất hiện, trước đó đã có những sự kiện, dữ liệu, thông tin mà nếu kết nối, xâu chuỗi với nhau khiến nhiều người tin vào một hệ quả, kỳ vọng nào đó có thể sẽ xảy ra tiếp theo, và đến lúc bất kỳ tin đồn nào được lan truyền đáp ứng kỳ vọng, hệ quả đó càng khiến người ta tin nhiều hơn vào tin đồn được tung ra đúng thời điểm.

Về mục đích, động cơ của người tung tin đồn có thể ban đầu không nhằm gây rối loạn thị trường, mà có thể nhắm đến những mục tiêu khác như muốn cảnh báo trước, đả kích, nói xấu cá nhân, doanh nghiệp nào đó, hoặc thậm chí chỉ để "đùa cho vui". Nhưng hiệu quả tin đồn có thể tác động mạnh đến đâu là điều không bao giờ lường trước được. Những đối tượng hưởng lợi trong các tin đồn càng nhiều thì khả năng lan truyền và mức độ tác động của tin đồn càng cao.

Thị trường chứng khoán dễ dàng bị tổn thương và thiệt hại trước những tin đồn như trong thời gian qua cho thấy niềm tin của giới đầu tư vẫn ở mức thấp, cộng thêm tâm lý bầy đàn ở mức độ cao càng làm thị trường bị tổn hại nặng nề. Do đó, việc nâng cao niềm tin của nhà đầu tư thông qua các hành động thưc tiễn, chính sách phù hợp nhằm nâng cao độ minh bạch, công khai hóa thông tin là rất cần thiết, chứ không chỉ đơn thuần kêu gọi nhà đầu tư phải tin tưởng vào sự điều hành.

Đối với các doanh nghiệp, cần xây dựng, thực hiện chiến lược quan hệ nhà đầu tư (IR) một cách hiệu quả để nâng cao niềm tin của cổ đông, giới đầu tư, đồng thời cải chính kịp thời và xử lý khủng hoảng truyền thông phù hợp, đúng lúc. Còn đối với các nhà đầu tư cá nhân thì nên có những giải pháp tự bảo vệ, cần đánh giá độ hợp lý của thông tin khi tiếp nhận, tuân thủ kỷ luật giao dịch đã đặt ra để hạn chế thiệt hại thay vì chạy theo các tin đồn và chịu sự dẫn dắt bởi cảm xúc và tâm lý bầy đàn trên thị trường.

>>Xử lý tin đồn thất thiệt: Để tránh "được vạ má sưng"

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Đầu tư chứng khoán: Cẩn trọng với tin đồn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO