Chứng khoán: Những tín hiệu rủi ro dần xuất hiện?

Khánh Phương| 12/05/2021 01:00

Sau những điều chỉnh mạnh trong nửa cuối tháng 4, thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam đã phục hồi khá tốt trong những phiên đầu tháng 5, mà một số nhận định cho rằng chỉ số VN-Index sẽ sớm chinh phục mục tiêu kế tiếp ở 1.300 điểm. Tuy nhiên, không thể phủ nhận đã có những tín hiệu rủi ro đang dần xuất hiện.

Những tín hiệu cảnh báo

Đầu tiên là dư nợ vay ký quỹ (margin) đang ở mức quá cao có thể tạo ra áp lực lên thị trường hiện nay. Với việc thị trường trong xu hướng đi lên mạnh mẽ trong hơn một năm qua, hàng loạt nhà đầu tư mới tham gia thể hiện qua số lượng tài khoản mở hằng tháng tăng mức kỷ lục, việc sử dụng vốn vay margin để lướt sóng ngày càng gia tăng, trong đó nhu cầu không nhỏ là đến từ những nhà đầu tư F0 vốn ít nhiều còn thiếu kinh nghiệm, nên dễ rơi vào tình trạng bán tháo khi thị trường điều chỉnh.

Dư nợ cho vay (chủ yếu là cho vay margin) trên toàn thị trường tính đến cuối quý I/2021 vào khoảng 110.000 tỷ đồng, tương đương 4,8 tỷ USD và đây là con số kỷ lục trên TTCK Việt Nam từ khi thành lập tới nay. Dù vậy, theo quy định hiện hành, công ty chứng khoán (CTCK) chỉ được phép cho vay không quá hai lần vốn chủ sở hữu và trên thực tế không ít CTCK đã gần tới ngưỡng giới hạn.

Nhu cầu vay margin tăng cao đến mức bên cạnh các CTCK buộc phải tăng mạnh vốn điều lệ, đã có những công ty tận dụng lãi suất tiền gửi ngân hàng thấp để huy động vốn từ khách hàng thông qua sản phẩm hợp tác đầu tư hay tiết kiệm tiền gửi, dù theo quy định, CTCK không được phép nhận tiền gửi từ khách hàng. Đáng lưu ý là mới đây, Bộ Tài chính đã phải "tuýt còi" một số CTCK huy động vốn, theo đó thời gian tới lượng vốn huy động từ các hình thức này càng bị thắt chặt.

Bai2-2-2485-1620720684.jpg

Trong bối cảnh các thị trường tài sản tăng nóng thời gian qua, cùng với diễn biến tín dụng ngành ngân hàng tăng vọt kể từ những tháng cuối năm ngoái, nhiều ý kiến lo ngại đã có một dòng vốn vay từ hệ thống ngân hàng rót vào những tài sản rủi ro này qua hợp đồng tín dụng lách mục đích vay. Trước tình trạng này, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết sẽ thắt chặt và kiểm soát dòng vốn vay, hạn chế rót vào những kênh đầu tư rủi ro như chứng khoán hay bất động sản.

Cũng cần nhắc lại, môi trường lãi suất thấp sau điều chỉnh giảm mạnh lãi suất trong hơn một năm qua đã góp phần kích thích dòng vốn đổ vào các kênh đầu tư, theo đó không chỉ ở dòng tiền vay mà dòng tiền gửi ngân hàng cũng dịch chuyển sang các thị trường tài sản một cách rõ rệt. Tuy nhiên, một khi lãi suất có xu hướng tăng trở lại, thị trường tài sản sẽ bị ảnh hưởng trước tiên là điều tất yếu.

Trong khi đó, diễn biến lãi suất trong những tuần gần đây đang cho thấy những tín hiệu đáng lo ngại. Mặt bằng lãi suất trên thị trường liên ngân hàng đã bất ngờ tăng vọt kể từ nửa cuối tháng 4 đến nay. Trên thị trường 1, lãi suất tiền gửi của một số ngân hàng được điều chỉnh tăng trở lại. Một số dự báo đưa ra cho thấy lãi suất có thể nhích dần lên trong 6 tháng cuối năm từ mức đáy hiện nay.

Một tín hiệu rủi ro đáng lưu ý khác là hàng loạt doanh nghiệp trên sàn lên kế hoạch tăng vốn khủng trong năm nay nhằm tận dụng diễn biến tích cực của TTCK và tâm lý lạc quan của các nhà đầu tư. Tuy nhiên, quá khứ cũng cho thấy một khi nhiều doanh nghiệp lên kế hoạch tăng vốn, phát hành thêm hàng chục triệu cổ phiếu là dấu hiệu cảnh báo thị trường sắp lập đỉnh.

Chờ yếu tố hỗ trợ mới

Trước những yếu tố tiêu cực trên, CTCK VN Direct mới đây dự báo chỉ số VN-Index có thể về dưới 1.200 điểm trong tháng 5, nhất là khi hiệu ứng "Sell in May and go away" và nỗi lo dịch bệnh bùng phát trở lại càng tạo áp lực lên tâm lý nhà đầu tư. Công ty này cũng cho rằng mặt bằng định giá hiện tại của thị trường đang ở mức hợp lý, cần thêm thời gian để kết quả kinh doanh cải thiện và kéo mặt bằng định giá về mức hấp dẫn hơn.

Có thể thấy dịch bệnh bùng phát trở lại đang tạo ra những nỗi lo lắng và ảnh hưởng lên hoạt động kinh tế, nhưng cũng cần nhắc lại rằng, vào cuối tháng 3 năm ngoái, khi dịch bệnh lan rộng, buộc Chính phủ phải giãn cách xã hội toàn quốc, thị trường chứng khoán đã chính thức tạo đáy và đi lên mạnh mẽ kể từ đó đến nay.

Ở chiều ngược lại, CTCK BSC dự báo VN-Index có thể hướng về ngưỡng 1.300 điểm ở tình huống lạc quan với xác suất xảy ra cao hơn, nhờ sự hỗ trợ từ dòng tiền từ các quỹ ngoại quay trở lại đồng thời các nhà đầu tư mới trong nước tham gia nhiều hơn vào thị trường. Ở tình huống thứ hai, trường hợp thị trường thế giới bước vào giai đoạn điều chỉnh, dịch bệnh trong nước lan rộng và khối ngoại quay trở lại trạng thái rút ròng vốn, VN-Index có thể điều chỉnh về quanh mốc 1.200 điểm.

Có thể thấy dịch bệnh bùng phát trở lại đang tạo ra những nỗi lo lắng và ảnh hưởng lên hoạt động kinh tế, nhưng cũng cần nhắc lại rằng, vào cuối tháng 3 năm ngoái, khi dịch bệnh lan rộng, buộc Chính phủ phải giãn cách xã hội toàn quốc, thị trường chứng khoán đã chính thức tạo đáy và đi lên mạnh mẽ kể từ đó đến nay. 

Do đó, ảnh hưởng của dịch bệnh lên TTCK trong một số trường hợp lại có thể gây bất ngờ cho nhà đầu tư, khi nền kinh tế chững lại có thể kéo dòng tiền sản xuất, kinh doanh lại chạy vào lướt sóng trên TTCK, cũng như nhà đầu tư có thêm hy vọng NHNN sẽ tiếp tục duy trì các biện pháp nới lỏng cũng như  triển khai thêm các gói kích cầu mới. Mới đây, Chính phủcó Nghị định 52 về gia hạn tiền nộp thuế, tiền thuê đất... với tổng giá trị lên tới 115.000 tỷ đồng, sau gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng đã triển khai vào năm ngoái.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Chứng khoán: Những tín hiệu rủi ro dần xuất hiện?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO