Chứng khoán Mỹ 2018: Bong bóng cổ phiếu công nghệ vỡ tung lần hai?

KHÁNH PHƯƠNG| 01/02/2019 07:00

Năm 2018, trong khi cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 diễn ra sôi nổi thì các công ty công nghệ lớn lại vướng vào hàng loạt vụ bê bối và giá cổ phiếu lao dốc không phanh.

Chứng khoán Mỹ 2018: Bong bóng cổ phiếu công nghệ vỡ tung lần hai?

FAANG - viết tắt tên các doanh nghiệp Facebook, Apple, Amazon, Netflix và Google, là nhóm cổ phiếu tăng mạnh nhất trong những tháng đầu năm 2018 và là động lực chính thúc đẩy các chỉ số chứng khoán Mỹ đi lên. Tuy nhiên, càng về cuối năm, nhóm cổ phiếu này lại là "tội đồ" kéo các chỉ số chìm sâu và ảnh hưởng tiêu cực lên tâm lý thị trường.

Tính đến phiên giao dịch ngày 27/12, ngoại trừ cổ phiếu Google, cả 4 cổ phiếu còn lại đều đã bước vào thị trường con gấu, được đánh giá bằng mức giảm ít nhất 20% so với đỉnh cao gần nhất. Cụ thể, cổ phiếu Facebook giảm 38,2%, cổ phiếu Apple giảm 32,7%, cổ phiếu Amazon rớt 28,3%, cổ phiếu Netflix lao dốc đến 39%, cổ phiếu Google rớt 18,1%, ngấp nghé bước vào thị trường con gấu.

Link bài viết

Những cổ phiếu công nghệ nổi tiếng khác như Tesla đã giảm 16,7%. Cổ phiếu của một mạng xã hội nổi tiếng khác là Twitter cũng giảm đến 42,9%.

Giá của nhóm cổ phiếu công nghệ bắt đầu lao dốc từ nửa cuối quý III cho đến tận quý IV năm 2018 phần nào thể hiện bức tranh chung của thị trường chứng khoán Mỹ, đồng thời phản ánh những khó khăn mà nhóm các "ông lớn" công nghệ này liên tiếp phải đối mặt.

Có lẽ không ngoa khi nói rằng bong bóng cổ phiếu công nghệ dường như đang vỡ tung lần thứ hai, sau bong bóng công nghệ Dot com vào những năm 2000.

Một năm thảm họa

Sự lao dốc của các cổ phiếu công nghệ trên cũng không có gì quá bất ngờ khi nhìn vào những vụ bê bối mà nhóm doanh nghiệp này vướng vào trong năm. Nếu như đầu năm, Tesla phải đối mặt với việc các dòng xe điện tự lái của Hãng gây chết người và dính vào các cáo buộc điều tra của FBI, thì đến gần cuối năm, người sáng lập Elon Musk phải rời khỏi vị trí chủ tịch vì những "vạ miệng" khi tuyên bố có thể mua hết lượng cổ phiếu đang giao dịch trên thị trường để biến Tesla thành công ty tư nhân, khiến thị trường rối loạn và không ít nhà đầu tư bị thiệt hại.

Bên cạnh đó, những thông tin xấu liên tiếp xuất hiện như hàng loạt lãnh đạo của Công ty từ chức, Chủ tịch Elon Musk xuất hiện trên truyền hình với hình ảnh sử dụng các chất kích thích như cần sa, rượu nặng càng khiến hình ảnh của Tesla trở nên thảm hại.

Về kinh doanh, dòng tiền của doanh nghiệp này luôn ở tình trạng âm, và theo Bloomberg, cứ mỗi phút trôi qua, Tesla lỗ đến 6.500 USD. Chính vì vậy, không ít nhà đầu tư đã bán khống cổ phiếu này.

Sau Tesla đến lượt Facebook cũng rơi vào tình cảnh khốn đốn khi phải đối mặt với những cáo buộc về việc làm lộ thông tin người dùng khi cung cấp dữ liệu của hơn 50 triệu người dùng cho tổ chức Cambridge Analytica sử dụng, làm ảnh hưởng đến kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016; rồi bị tin tặc đánh cắp 29 triệu tài khoản khiến Chủ tịch Mark Zuckerberg phải ra điều trần trước Quốc hội Mỹ. 

Facebook cũng phải đối mặt với hàng loạt án phạt lên đến hàng tỷ USD từ nhiều quốc gia, đồng thời phải ra điều trần trước quốc hội của những nước này.

Chưa dừng lại ở đó, ông chủ của Facebook còn bị các cổ đông yêu cầu từ chức, đặc biệt sau khi lộ thông tin, mạng xã hội này đã thuê một công ty quan hệ công chúng thực hiện chiến dịch bôi nhọ những người phê phán mình, như nhà đầu tư Soros, một số nghị sĩ Mỹ và tìm cách nói giảm nhẹ tác động của Nga khi can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016. 

Trong khi đó, giới lãnh đạo của Facebook không chỉ tìm cách chối bỏ mà còn vận động hành lang ráo riết và tận dụng quan hệ với Washington để chuyển hướng sang đối thủ và xoa dịu làn sóng chỉ trích.

Trước những bê bối liên tiếp, mạng xã hội lớn nhất này không chỉ chứng kiến hàng loạt nhân sự cấp cao từ chức và ra đi, mà còn phải đối mặt với làn sóng người dùng đóng, xóa tài khoản Facebook và tẩy chay thương hiệu này, trong đó có không ít nhân vật nổi tiếng thế giới, đã ảnh hưởng không ít đến sự phát triển và doanh thu quảng cáo của Facebook.

Link bài viết

Tiếp đó, vào cuối năm, giới công nghệ lại hướng sự tập trung vào hãng sản xuất điện thoại thông minh nổi tiếng nhất thế giới là Apple, khi doanh số bán bộ ba sản phẩm iPhone là XS, XS Max và XR không như kỳ vọng. Trước đó, kết quả kinh doanh quý III Apple công bố đã đánh dấu lần đầu tiên doanh số bán iPhone ngừng tăng trưởng. Cùng ngày hôm đó, Giám đốc Điều hành Apple là Tim Cook thông báọ sẽ ngừng đề cập đến doanh số bán iPhone trong tương lai và thông tin trên ngay lập tức khiến cổ phiếu Apple giảm đến 7%.

Giới phân tích cho rằng có vẻ như Apple đang muốn che giấu điều gì đó khi ngừng tiết lộ doanh số bán iPhone hằng quý. Tuy nhiên, nhìn vào việc các nhà cung cấp linh kiện cho hãng này phải cắt giảm triển vọng lợi nhuận và doanh thu cũng đủ thấy Apple đang phải thu hẹp sản xuất. Hệ quả là không loại trừ Tập đoàn sẽ phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng trong thời gian tới, cũng như dự báo doanh số của iPhone sẽ sụt giảm trong cả năm 2018 lẫn 2019, đồng thời hạ khuyến nghị đối với cổ phiếu Apple.

Tương lai sẽ ra sao?

Với những khó khăn đang gặp phải và chưa thể giải quyết, các hãng công nghệ lớn trên được dự báo sẽ tiếp tục có một năm đầy khó khăn, nhất là khi cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, vốn ảnh hưởng rất lớn đến các hãng công nghệ, chưa có hồi kết.

Mỹ đang thực hiện những biện pháp trừng phạt và cấm vận các hãng công nghệ lớn của Trung Quốc: bắt Phó chủ tịch Tập đoàn Huawei Mạnh Vãn Chu, Tổng thống Trump sắp sửa thông qua chính sách buộc các công ty Mỹ không mua sản phẩm công nghệ của Huawei và ZTE của Trung Quốc vì lo ngại ảnh hưởng đến an ninh quốc gia.

Và Trung Quốc đã đáp trả bằng việc kêu gọi người dân tẩy chay sản phẩm, dịch vụ của công ty công nghệ Mỹ. Vào những ngày cuối tháng 12/2018, các công ty Trung Quốc đã yêu cầu nhân viên tẩy chay điện thoại iPhone của Apple và có chính sách trợ giá khi mua điện thoại Huawei.

Trước diễn biến trên, có thể thấy những công ty như Apple sẽ có thêm một năm đầy khó khăn, không chỉ bởi thị trường điện thoại di động thông minh có xu hướng bão hòa, các thị trường mới nổi suy yếu làm giảm nhu cầu, mà còn do những chính sách bảo hộ đang quay trở lại. Thời gian qua, Tổng thống Trump đã hối thúc CEO Tim Cook của Apple chuyển dịch các nhà máy sản xuất iPhone từ Trung Quốc về Mỹ.

Những công ty công nghệ khác như Google hay Facebook cũng gặp khó khăn khi muốn bước chân vào thị trường rộng lớn Trung Quốc, do chính sách buộc chuyển giao công nghệ hoặc phải thỏa hiệp với cơ quan quản lý. Dù Chính phủ Trung Quốc gần đây tuyên bố sẽ mở rộng cửa cho các công ty nước ngoài, nhưng thực tế mọi việc diễn ra rất chậm chạp.

Trong khi đó, tại các thị trường khác như châu Âu, các điều luật về bảo vệ thông tin người dùng đã có hiệu lực, khiến Facebook có thể phải đối mặt thêm án phạt nếu vi phạm, cũng như phải có giải pháp để kiểm soát, chống tin giả tràn lan.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Chứng khoán Mỹ 2018: Bong bóng cổ phiếu công nghệ vỡ tung lần hai?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO