Chứng khoán cuối năm: Nỗi lo trước dịch bệnh trở lại

Khánh Phương| 28/10/2020 06:00

Các thị trường chứng khoán toàn cầu lại đứng trước rủi ro điều chỉnh mạnh khi dịch bệnh Covid-19 đang bùng phát mạnh mẽ tại nhiều quốc gia, khiến chính sách tái giãn cách xã hội lại được thực thi. Liệu chứng khoán Việt Nam có chịu ảnh hưởng tiêu cực từ nỗi lo sợ này đang ngày càng gia tăng?

Chứng khoán thế giới vẫn phản ứng mạnh với dịch bệnh

Chỉ số chứng khoán Euro Stoxx 50 - chỉ số cổ phiếu của 50 công ty lớn nhất khu vực đồng euro đã đột ngột lao dốc gần 2,4% trong phiên giao dịch ngày 15/10/2020. Diễn biến tương tự cũng xảy ra trên khắp thị trường chứng khoán tại châu Âu và gây ra hiệu ứng tiêu cực lan tỏa sang châu Mỹ và châu Á. Đơn cử như chỉ số FTSE 100 của Anh - đo lường 100 công ty có giá trị vốn hóa thị trường lớn nhất niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán London, cũng bị bốc hơi 2,5% trong cùng ngày, ghi nhận phiên thứ tư giảm mạnh liên tiếp với tổng mức giảm gần 4%.

Lý do chính đứng sau sự sụt giảm mạnh này đều đến từ nỗi lo ngại dịch bệnh Covid-19 đang bùng phát trở lại, khiến một số nước châu Âu phải áp dụng chính sách tái giãn cách xã hội. Khu vực này mới đây ghi nhận tới hơn 100.000 ca nhiễm Covid-19 mới chỉ trong một ngày, mức kỷ lục mới. Hiện tại, chính phủ nhiều nước châu Âu thẳng thắn thừa nhận rằng làn sóng dịch thứ hai đã ập đến, với cường độ mạnh hơn rất nhiều so với đợt dịch đầu tiên hồi tháng 3-4/2020.

chung-khoan-9748-1603766328.jpg

Hệ quả là mới đây ngày 12/10/2020, chính phủ Anh đưa ra hệ thống cảnh báo 3 cấp độ, tái lập các biện pháp hạn chế tụ tập đông người, đóng cửa các nhà hàng, quán bar, khu vui chơi giải trí, thể dục thể thao... Còn tại Pháp đã có 7 thành phố lớn bị đặt trong tình trạng “báo động tối đa”, tức cấp cuối cùng trước khi phải tái phong tỏa, bao gồm cả thủ đô Paris. 

Các quốc gia khác có số ca nhiễm lây lan mạnh như Tây Ban Nha, Bỉ, Ý... cũng áp dụng các biện pháp tương tự. Hơn 50% các nước thành viên Liên hiệp châu Âu (EU), cùng với Anh, đã phải dán nhãn màu đỏ trên bản đồ cảnh báo mới của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh châu Âu (ECDC), trong nhiều quan chức cấp cao cũng không tránh khỏi việc nhiễm virus.

Trong ngày 17/10/2020, theo số liệu trang Worldometers, thế giới tiếp tục ghi nhận 390.778 ca nhiễm Covid-19. Đây là ngày thứ hai thế giới ghi nhận số ca mới ở mức gần 400.000 ca/ngày - mức kỷ lục mới. Riêng Mỹ ghi nhận thêm 68.095 ca mới trong 24 giờ qua, cao nhất thế giới, nâng tổng số ca tại quốc gia này lên hơn 8,2 triệu trường hợp với 223.605 ca tử vong. Các quốc gia khác có tình trạng lây lan mạnh như Brazil, Nga, Ấn Độ hay Chile tiếp tục ghi nhận các con số lây nhiễm kỷ lục. 

Việt Nam liệu có tránh khỏi hiệu ứng tiêu cực?

Thị trường chứng khoán Việt Nam thời gian qua dù vẫn đang thể hiện sức bật tốt, khi tăng hơn 4% trong nửa đầu tháng 10 và bứt phá hơn 18% tính từ cuối tháng 7 đến nay, trong bối cảnh chính sách tiền tệ tiếp tục tăng cường độ nới lỏng thông qua việc lãi suất trên thị trường giảm mạnh, cũng như ngày càng nhiều người hứng thú và tham gia vào thị trường chứng khoán. 

Nền kinh tế có dấu hiệu hồi phục từ mức đáy bên cạnh sự dẫn dắt của nhóm cổ phiếu ngân hàng trước làn sóng niêm yết mới và chuyển sàn, cũng như sự bứt phá của một số cổ phiếu vốn hóa lớn có kết quả kinh doanh vẫn giữ được sự tăng trưởng, đã giúp kéo thị trường tiếp tục đi lên thời gian qua. Dù vậy, rủi ro điều chỉnh đang ngày càng lớn dần khi đã bắt đầu xuất hiện những tín hiệu chốt lời trong các phiên giao dịch gần đây.

Những phiên giao dịch có thanh khoản tăng vọt hơn 400 triệu cổ phiếu/phiên tính riêng trên sàn HOSE, thậm chí là 500 triệu cổ phiếu/phiên đang khiến nhiều người nhớ lại những ngày đầu tháng 6 năm nay, khi khối lượng giao dịch trên thị trường cũng tăng vọt trước khi rơi vào giai đoạn điều chỉnh mạnh. 

Vì vậy, cộng thêm nỗi lo ngại dịch bệnh quay trở lại mà sẽ kéo các thị trường chứng khoán toàn cầu đối mặt với cảnh bán tháo lần nữa, có thể sẽ càng thúc đẩy các nhà đầu tư trong nước nhanh chóng chốt lời và tạm thoát khỏi thị trường. 

bai-2-20201020-VN-Index-8450-1603766328.

Đây không phải là những những dự báo thiếu cơ sở, khi mà Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ngày 13/10/2020 cũng đã đưa ra cảnh báo các thị trường chứng khoán có thể sụt giảm trong những tháng tới nếu cuộc khủng hoảng Covid-19 vẫn tiếp diễn và sự phục hồi kinh tế mất nhiều thời gian hơn dự kiến. Theo IMF, một trong những động lực chính dẫn đến sự lạc quan của thị trường chứng khoán năm 2020 là số lượng lớn biện pháp kích thích tiền tệ được các ngân hàng trung ương bơm vào các nền kinh tế nhằm ngăn chặn sự sụp đổ. Tuy nhiên, IMF cho rằng cách tiếp cận này cần được duy trì vì tình trạng khẩn cấp về sức khỏe do Covid-19 có ít dấu hiệu chậm lại.

Nỗi lo ngại về dịch bệnh quay lại còn thể hiện qua việc một loạt nước đang bắt đầu tích trữ lương thực trở lại, để đối phó với nguy cơ khan hiếm thực phẩm và giá cả có thể leo thang khi dịch bệnh có thể bùng phát mạnh hơn trong mùa Đông sắp tới. Trong khi nhiều quốc gia tăng cường nhập khẩu, gỡ bỏ các thuế quan thì ngược lại một số nước bắt đầu có động thái hạn chế xuất khẩu để ổn định nguồn cung trong nước.

Cũng cần biết rằng sau những dự báo lạc quan cho tháng 9, hàng loạt công ty chứng khoán trong nước đã đưa ra những dự báo khá tiêu cực cho thị trường trong tháng 10 này cũng như giai đoạn cuối năm, với xu thế điều chỉnh chiếm đa số. Dù vậy, hầu hết nhà đầu tư đều kỳ vọng sự điều chỉnh có xảy ra cũng chỉ trong ngắn hạn và là bước củng cố cần thiết để thị trường tiếp tục đi lên, khi mà Việt Nam được cho là sẽ tiếp tục kiểm soát dịch bệnh tốt và đang có lợi thế đón đầu dòng vốn đầu tư quốc tế.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Chứng khoán cuối năm: Nỗi lo trước dịch bệnh trở lại
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO