Chứng khoán bao giờ "ngừng rơi"?

Khánh Phương| 23/03/2020 06:00

Chỉ trong một tuần (từ ngày 9-13/3/2020), chỉ số VN-Index đã rớt 168 điểm, tức bốc hơi gần 19% giá trị, đánh dấu chuỗi giảm điểm mạnh nhất kể từ trước đến nay. Câu hỏi đặt ra là bao giờ thị trường mới "ngừng rơi"?

Chứng khoán bao giờ

Sợ hãi và hoảng loạn

Tâm lý sợ hãi bao trùm dẫn tới những hành động bán hoảng loạn là điều dễ nhận thấy trên thị trường trong những ngày vừa qua. Chỉ mới tuần 2-6/3, VN-Index vẫn còn cho thấy tín hiệu có thể phục hồi, khi nhiều tổ chức tin rằng thị trường đã tìm thấy đáy ngắn hạn quanh vùng 875 điểm, nhiều nhà đầu tư đang xem xét nhập hàng trở lại, thì bệnh nhân Covid-19 thứ 17 xuất hiện đã khiến bao công sức chống dịch đổ sông đổ biển, và thị trường chứng khoán cũng đánh mất luôn niềm tin quay trở lại.

Hệ quả là VN-Index giảm liền một mạch xuống tận mức thấp nhất ở vùng 723 điểm, trước khi hồi lại phần nào vào cuối phiên 13/3. Tuy nhiên, tính chung cả tuần, chỉ số này vẫn giảm điểm mạnh nhất trong lịch sử. Đáng lưu ý, vẫn có ngày hiếm hoi thị trường bật lại, như phiên giao dịch ngày 10/3 VN-Index có lúc tăng gần 30 điểm, nhưng xu hướng đó đã không thể duy trì khi tâm lý thị trường vẫn rất mong manh và dễ vỡ.

Link bài viết

Công bằng mà nói, ngoài những diễn biến về tình trạng dịch bệnh lây lan nhanh hơn, dù so với các quốc gia khác, Việt Nam vẫn kiểm soát và cách ly người bệnh, nghi bị bệnh khá tốt, thì thị trường chứng khoán Mỹ liên tiếp lao dốc với mỗi phiên mất cả nghìn điểm đã ảnh hưởng rất lớn lên tâm lý nhà đầu tư tại Việt Nam.

Như trong phiên ngày 12/3, chỉ số Dow Jones đã giảm hơn 2.000 điểm, đánh dấu ngày giảm điểm tồi tệ nhất tính từ ngày 19/10/1987, bất chấp thông tin Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đưa ra gói hỗ trợ tín dụng 1.500 tỷ USD.

Nói về tâm lý sợ hãi, diễn biến giá của cổ phiếu Công ty CP Đầu tư Thế Giới Di Động (HOSE: MWG) có thể là minh chứng rõ nhất. Sau khi xuất hiện thông tin một nhân viên của Điện máy Xanh tại Đà Nẵng nhiễm Covid-19, các nhà đầu tư đã đồng loạt bán tháo cổ phiếu này, đẩy giá cổ phiếu liên tiếp giảm sàn và rớt về mức thấp nhất trong gần hai năm trở lại đây.

Mọi chuyện chưa dừng lại ở đó, hàng loạt cổ phiếu ngành bán lẻ khác cũng chịu chung số phận từ hiệu ứng của MWG, khi nhà đầu tư cho rằng dịch bệnh lan rộng sẽ khiến người tiêu dùng không chỉ thắt chặt chi tiêu mà còn hạn chế mua sắm tại các trung tâm thương mại, cửa hàng, vốn là nơi tập trung đông người. 

Bao giờ "ngừng rơi"?

Trong bối cảnh các thị trường hỗn loạn, các chính phủ và ngân hàng trung ương đã hành động một cách quyết liệt, khi liên tiếp giảm lãi suất, bơm tiền kích thích và hỗ trợ thanh khoản. Tuy nhiên, các thị trường dường như vẫn chưa thể gượng dậy, khi nỗi sợ hãi vẫn lan tràn theo con số các bệnh nhân nhiễm bệnh tăng nhanh. Do đó, một phát minh đột phá về giải pháp y tế để ngăn ngừa SARS-CoV-2 đang được mong chờ nhiều hơn để giúp nhà đầu tư lấy lại niềm tin.

Link bài viết

Thời gian gần đây, hàng loạt cuộc thử nghiệm để tìm vắc xin chống SARS-CoV-2 của nhiều quốc gia đã đạt được một số kết quả khả quan và bắt đầu cho thử nghiệm trên người, nhưng sẽ cần thêm thời gian để sản xuất hàng loạt. Trong khi đó, Trung Quốc cho biết đã có phương thuốc chữa trị người nhiễm SARS-CoV-2 biến thể bán ra thị trường. Có thể thấy các phương pháp chống Covid-19 đang có tiến triển khả quan, kỳ vọng sự lây lan dịch sẽ sớm được ngăn chặn.

Tuy nhiên, từ giờ đến lúc đó, thị trường có thể sẽ chưa thể phản ứng tích cực, nhất là khi dịch bệnh vẫn lan rộng tại châu Âu và chưa tìm thấy đỉnh, trong bối cảnh nhiều ý kiến tin rằng các nước này đang thực hiện giải pháp miễn dịch cộng đồng. Một khi số bệnh nhân châu u đạt đỉnh điểm, hy vọng có thể giúp thị trường chứng khoán tạo đáy và đi lên trở lại?

Dù vậy, ngoài sợ hãi dịch bệnh thì nỗi lo suy thoái kinh tế cũng là yếu tố làm những nhà đầu tư chứng khoán tháo lui. Do đó, chính sách nới lỏng tiền tệ và tài khóa đang được kỳ vọng sẽ kích thích kinh tế phục hồi, tránh tình trạng suy thoái sâu.

Một yếu tố quan trọng khác là khi nào khối ngoại thôi bán ròng cũng sẽ hỗ trợ tâm lý cho nhà đầu tư trong nước. Tính từ sau Tết Canh Tý đến nay, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng hàng trăm tỷ đồng mỗi phiên, khi các quỹ lần lượt rút vốn và đổ tiền vào các kênh tài sản an toàn như trái phiếu hay vàng.

Với việc các nước phương Tây đang tung ra các gói kích thích hàng nghìn tỷ USD, tiền rẻ lan tràn khắp nơi, không ít người cho rằng dòng tiền này sẽ sớm quay trở lại các kênh đầu tư rủi ro như chứng khoán. Dù vậy, mọi thứ sẽ không có gì chắc chắn và vẫn rất khó lường trong tình hình như hiện nay. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Chứng khoán bao giờ "ngừng rơi"?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO