![]() |
Không có nhiều khả năng cho thấy nhà đầu tư nước ngoài sẽ giải ngân mạnh trong nửa đầu năm 2015.
Không thu hút được vốn ngoại
Giá trị mua ròng của khối ngoại năm 2012 đạt 154 triệu USD, năm 2013 đạt 263 triệu USD, năm 2014 đạt 136 triệu USD. Sự sụt giảm đầu tư của khối ngoại xuất phát từ nhiều lý do, trong đó có việc Mỹ nâng lãi suất cơ bản, ngân sách chính phủ các nước dầu mỏ thâm hụt nặng, bùng nổ tâm lý rời bỏ các khối tài sản rủi ro cao nên tâm lý đầu tư tại toàn bộ khu vực thị trường mới nổi sẽ trở nên bi quan... Về cơ bản, thị trường Việt Nam cũng sẽ chịu chung tình trạng này.
Tuy nhiên, theo giới phân tích, đầu tư dài hạn trên thị trường Việt Nam vẫn còn bền vững vì yếu tố hỗ trợ đầu tư dài hạn vẫn còn. Chẳng hạn, hưởng lợi từ việc Trung Quốc tái cơ cấu kỳ vọng về TPP và AEU, vốn FDI vẫn duy trì. Rủi ro đầu tư giảm xuống nhờ cán cân thương mại cải thiện, tỷ giá ổn định, khả năng trả nợ tốt, xếp hạng tín nhiệm quốc gia được nâng lên. Đồng thời, khả năng nới room khối ngoại cuối năm 2014 vẫn là 49%. IPO các doanh nghiệp (DN) lớn... cũng là những yếu tố tích cực.
Mặc dù vậy, còn rất nhiều yếu tố chưa được cải thiện khiến giải ngân của khối ngoại không cao. Đó là thị trường bất động sản (BĐS) đang hồi phục nhưng vẫn chưa đủ sức lôi cuốn dòng vốn trên thị trường. Thanh khoản tăng, công ty chứng khoán hỗ trợ thêm margin sẽ thúc đẩy nhà đầu tư cá nhân tham gia thị trường, nhưng rủi ro về tín dụng vẫn rất lớn khiến số đông chùn tay.
Tốc độ thoái vốn ngoài ngành vẫn còn khá chậm. Cụ thể, DN nhà nước bắt đầu thoái vốn đầu tư ngoài ngành từ 2011. Chủ yếu tập trung vào 5 lĩnh vực như chứng khoán, BĐS, ngân hàng, bảo hiểm và quỹ đầu tư. Kế hoạch đặt ra là tổng vốn phải thoái trong 2 năm 2014 và 2015 là 22,5 ngàn tỷ đồng, nhưng năm 2014 chưa đạt được kế hoạch thoái vốn nào đáng kể.
>Thoái vốn ngoài ngành: DNNN có chấp nhận mất vốn?
Và năm nay, Chính phủ chưa có kế hoạch cụ thể IPO DN lớn nào nhưng khả năng sẽ ít hơn năm trước nên khó thu hút nhà đầu tư nước ngoài giải ngân vốn.
Một yếu tố nữa cũng khá quan trọng đó là thị trường chứng khoán Việt Nam kém hấp dẫn hơn trước, cho dù vẫn hơn các thị trường lân cận. Áp lực về mặt giá trị giảm xuống sau khi chỉ số bị điều chỉnh trong 2 quý 2014. PE trong năm 2013 là 11.0, năm 2014 là 16.1 và tháng 1/2015 là 12.7. Chỉ số PB năm 2013 là 2.0 đến năm 02014 là 2.0 và tháng 1/2015 chỉ còn lại 1.9...
Năm cơ cấu lại danh mục đầu tư
Với diễn biến hiện tại, theo một số chuyên gia, năm nay, thay vì để thị trường dẫn dắt, việc lựa chọn mã và điều chỉnh danh mục đầu tư mới là quan trọng. Dự báo xu thế giá cổ phiếu của các mã niêm yết sẽ rất khác nhau do tác động từ thị trường thế giới. Khả năng lợi nhuận của các DN nhập khẩu/lưu thông dầu khí và sản phẩm hóa dầu, vận tải, tiện ích đồ điện gia dụng... sẽ được cải thiện.
Các nhóm ngành BĐS, DN có tỷ trọng xuất khẩu sang Mỹ cao, các mã đầu tư dài hạn có liên quan đến FDI và TPP sẽ được quan tâm nhiều hơn. Khả năng mở cửa thị trường hơn nữa vào cuối năm là rất cao, các mã có nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ cao sẽ được quan tâm.
Trong đó, một số cổ phiếu được các nhà phân tích để ý đến khả năng sinh lợi trong 6 tháng đầu năm gồm có HPG, HSG, KBC, MWG, TCM, VHC, VIC... Các cổ phiếu này đều có điểm nhấn đầu tư khá rõ ràng. Chẳng hạn, MWG đang khẳng định được vị thế đứng đầu trên thị trường bán lẻ. Năm 2015, dự báo doanh thu thuần của MWG tăng trưởng 42% so với cùng kỳ, đạt 22,418 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 924 tỷ đồng, tăng 38% so với cùng kỳ.
Như vậy, với thị giá 107.000 đồng/cổ phiếu, MWG đang được giao dịch ở mức PE 13.0, tương ứng với PE bình quân toàn thị trường và các công ty cùng ngành trong khu vực. Giá mục tiêu 129.000 đồng trong 6 tháng tới cao hơn 20% giá hiện tại.
Tương tự, VIC là nhà phát triển BĐS dẫn đầu tại Việt Nam với vốn hóa 3,33 tỷ USD. Các thương hiệu chủ lực là Vinhomes, Vincom, Vinpearl và đang phát triển mạnh mảng bán lẻ. VIC có lợi thế là đang nắm giữ hơn 40 dự án quy mô lớn với quỹ đất hơn 100 triệu m2, tập trung tại các trung tâm kinh tế và du lịch lớn để đảm bảo đủ dự án tăng trưởng trong 5 năm tới.
Dự kiến, VIC có thể trở lại giai đoạn tăng trưởng từ năm 2016 sau khi bắt đầu ghi nhận nguồn thu từ 2 dự án chủ lực là Central Park và Vinhomes Nguyễn Chí Thanh. Ước tính, doanh thu và lợi nhuận của DN này tăng trưởng bình quân giai đoạn 2016 - 2020 lần lượt 37% và 31%.
Đối với HPG, tình hình kinh doanh tiếp tục cải thiện dẫn đến cổ phiếu còn lực tăng trưởng. Về diễn biến giá, so với mức giá từ đầu năm 2015 thì HPG hiện tại đã tăng 3%, tiềm năng tăng trưởng 18% và giá mục tiêu của cổ phiếu này lên tới 65.000 đồng. Cổ phiếu HSG cũng đang có lợi thế cạnh tranh vượt trội so với các đối thủ khác trong ngành.
Doanh thu 2015 dự kiến đạt 18.500 tỷ đồng, tăng trưởng 23% so với năm 2014. Lợi nhuận sau thuế đạt 550 tỷ đồng, tăng trưởng 34% so với năm trước. Các yếu tố tích cực hỗ trợ cho tăng trưởng doanh thu của HSG gồm: Thị trường BĐS ấm dần lên, quy mô sản xuất được mở rộng, xu hướng nguyên vật liệu đầu vào giảm mạnh sẽ làm giảm giá vốn bán hàng...
Rõ ràng, nhiều cổ phiếu đang thể hiện được tính khả thi, đặc biệt là lợi nhuận DN vẫn tiếp tục tăng lên. Lời khuyên của giới phân tích là nên xem xét lại danh mục đầu tư ở những DN có doanh thu trên đà tăng trưởng, sẽ có sức ảnh hưởng lớn hơn các cổ phiếu còn lại.
>Khuyến khích DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn
>Nhà đầu tư nước ngoài còn ngần ngại
>Đầu tư vừa tầm và đúng ngành