Cho vay ngân hàng: Thách thức chực chờ

LINH CHI| 18/12/2015 01:35

Hiện ngân hàng thương mại đang đối mặt với thách thức lớn là dễ huy động vốn nhưng khó cho vay trong nguồn thu đóng góp chính vào tổng lợi nhuận của ngân hàng lại chính từ tín dụng, chiếm đến 80 - 90%.

Cho vay ngân hàng: Thách thức chực chờ

Cạnh tranh cho vay giữa các ngân hàng (NH) hiện nay quá khắc nghiệt, nên mục tiêu đạt được kế hoạch lợi nhuận đề ra của nhiều NH ngày càng xa vời. 

Đọc E-paper

Ông Nguyễn Văn Hưng - Phó giám đốc NH Agribank Chi nhánh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, khi Agribank chào lãi suất cho vay ưu đãi 5,5%/năm, sẽ có NH khác chào với mức thấp hơn 5%/năm hoặc thậm chí là 3,8%/năm.

Điều đáng quan tâm hơn là một số NH TMCP quy mô vừa và nhỏ, không chỉ giảm lãi suất mà còn sẵn sàng chi tiền để trả khoản nợ cũ cho khách hàng để chuyển khoản vay với lãi suất thấp hơn.

"Vì vậy, dù lãi suất cho vay của NH có vốn nhà nước như Agribank luôn ổn định, ưu đãi ở mức thấp cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn... nhưng vẫn bị mất khách hàng", ông Hưng chia sẻ.

Chưa kể, nếu so sánh, quá trình thẩm định hồ sơ cũng như cho vay của một số NH lớn luôn chặt chẽ hơn so với NH quy mô nhỏ. Giá trị định giá của NH quy mô lớn cũng thường thấp hơn so với NH nhỏ nên NH lớn gặp nhiều khó khăn trong cạnh tranh.

Tuy nhiên, cạnh tranh trong ngành NH thời điểm này đang bị "méo mó” vì lượng khách hàng không tăng so với tốc độ tăng trưởng số lượng NH.

Đơn cử, hiện trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, số dân không tăng nhưng số lượng NH vẫn tăng, hiện có đến 45 NH hoạt động, đó là chưa kể đến 200 điểm giao dịch nhỏ.

Kết quả là cạnh tranh chỉ mang tính "luẩn quẩn" theo kiểu một khách hàng chạy vòng vòng NH tìm lãi suất ưu đãi hơn. Điều này cũng giải thích vì sao nhiều NH bị hụt chỉ tiêu kinh doanh, bị rơi vào kiểm soát đặc biệt vì cho vay quá dễ, thẩm định tài sản cao hơn giá trị thực nên dẫn đến rủi ro nợ xấu.

Thực tế cho thấy, NHTM đang đối mặt với một thách thức lớn là dễ huy động vốn nhưng khó cho vay, nhất là khi kinh tế khó khăn. Trong khi đó, nguồn thu đóng góp chính vào tổng lợi nhuận của NH lại chính từ tín dụng, chiếm đến 80 - 90%.

Chưa nói đến chuyện được mất trong cạnh tranh, lợi nhuận cho vay dần thu hẹp khi chênh lệch lãi suất đầu vào và đầu ra cũng thu hẹp dần: chênh lệch giữa lãi suất huy động và cho vay chỉ còn 1 - 2%.

Trong khi đó, với hoạt động tín dụng, chênh lệch giữa huy động và cho vay phải từ 3% trở lên mới đủ trích lập dự phòng rủi ro và kỳ vọng thu được lợi nhuận.

Vì theo quy định, mỗi đồng vốn đi ra, NH phải trích lập ngay 0,75% dự phòng chung. Nhưng trong bối cảnh khó khăn, nợ xấu tăng, không chỉ trích lập dự phòng mà NH phải hy sinh lợi nhuận để trích dự phòng rủi ro riêng.

Do đó, nếu chênh lệch giữa lãi suất huy động và cho vay chỉ còn 1,5 - 2% thì dự phòng đã ăn hết lợi nhuận.

Với cách vận hành hiện tại, một chuyên gia tài chính đánh giá lãi suất hiện đã giảm nhiều và trở về mức năm 2007-2008. Thậm chí, lợi nhuận của NH trong những năm qua cắm đầu đi xuống, thậm chí không đủ trích dự phòng rủi ro.

Tình hình cạnh tranh không lành mạnh giữa các NH cùng ngành khiến nhiều chi nhánh NH ở các tỉnh đang cầm chắc không thể đạt kế hoạch chỉ tiêu lợi nhuận đề ra. Nhưng không chỉ dừng lại ở việc không đạt kế hoạch, tình trạng này sẽ là tác nhân gây rủi ro hệ thống.

Cụ thể, các chi nhánh NH huy động lãi suất cao, không cho vay được, chi phí vận hành phát sinh lớn sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến NH mẹ, thậm chí lan rộng ra cả hệ thống tài chính chung.

Một lãnh đạo của NHTM cổ phần thừa nhận chưa đạt 80% chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế mà NH này xây dựng cho cả năm nay.

>Doanh nghiệp nhỏ vay ngân hàng: Khó ở đâu?

>Có thể vay vốn ngân hàng để chăn nuôi được không?

> 45% người dân có xu hướng vay vốn ngân hàng để mua nhà

>Vay vốn ngân hàng thông qua Quỹ Bảo lãnh tín dụng

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Cho vay ngân hàng: Thách thức chực chờ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO