Chạy Thông tư không khỏi nợ xấu

LINH CHI| 18/12/2013 08:04

Các ngân hàng (NH) đang tích cực đẩy nợ cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) để làm sạch bản báo cáo tài chính cuối năm và chạy đua dọn nợ trước khi Thông tư 02 được áp dụng. Tuy nhiên, vào thời điểm này, nợ xấu của nhiều NH không ngừng phát sinh từ khoản vay cũ, lợi nhuận giảm mạnh.

Chạy Thông tư không khỏi nợ xấu

Các ngân hàng (NH) đang tích cực đẩy nợ cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) để làm sạch bản báo cáo tài chính cuối năm và chạy đua dọn nợ trước khi Thông tư 02 được áp dụng. Tuy nhiên, vào thời điểm này, nợ xấu của nhiều NH không ngừng phát sinh từ khoản vay cũ, lợi nhuận giảm mạnh.

Đọc E-paper

Nợ xấu càng thêm xấu

Kinh tế khó khăn, hàng tồn kho tăng khiến nhiều doanh nghiệp (DN) thua lỗ, nợ nần chồng chất, gia tăng thêm gánh nặng nợ xấu cho NH. Bên cạnh đó, việc phá giá lãi suất cho vay để giành thị phần tín dụng cũng khiến nợ xấu của nhiều NH càng thêm xấu. Hàng loạt vụ vỡ nợ xảy ra gần đây bộc lộ sơ hở của nhiều NH.

Điển hình là số nợ của Công ty Xuất khẩu cà phê Trường Ngân khi tài sản thế chấp ước chỉ 100 tỷ đồng, nhưng có 7 NH cho vay đến 600 tỷ đồng, gồm: Techcombank, MB, MSB, Vietinbank, VIB, OCB và Agribank.

Khi Trường Ngân không trả được nợ vay đúng thời hạn, các NH này đã cưỡng chế tài sản thế chấp thì mới vỡ lẽ: có không ít NH đã cho vay dựa trên hàng tồn kho luân chuyển (được xem là cho vay tín chấp), không đúng theo quy định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN).

Vụ việc này cho thấy, đã có NH cho vay với phương thức lựa chọn tài sản đảm bảo cũng như kiểm soát chất lượng khoản vay quá lỏng lẻo, cạnh tranh không lành mạnh, dẫn đến tình trạng nhiều NH tranh chấp một tài sản.

Đó cũng là lý do mà NH không dám trao vốn cho DN có nợ xấu theo tinh thần tại Công văn 7558 ban hành ngày 14/10. Theo ông Lê Hùng Dũng, Chủ tịch HĐQT Eximbank, trao vốn cho DN có nợ xấu, rủi ro sẽ càng gia tăng. Bởi vì, rất khó kiểm soát được dòng tiền của DN và khó loại trừ việc DN lấy tiền vừa vay mới đi trả nợ cũ.

Đây là xu hướng hết sức nguy hiểm cho NH khi hạ chuẩn cho vay. Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc NH OCB, cũng cho biết, nợ xấu đối với khoản vay mới đã được kiểm soát, nhưng các khoản vay cũ trước đây vẫn không ngừng phát sinh.

Theo ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc NHNN TP.HCM, nợ xấu của các NH trên địa bàn thành phố đến thời điểm này vẫn ở mức 6,2%, không giảm so với đầu năm. Vì thế, các NH phải kiểm soát chặt chất lượng tín dụng thì mới hạn chế được nợ xấu.

Nhằm chấn chỉnh tình trạng các NH cạnh tranh cho vay không lành mạnh, ngày 10/12, NHNN đã có Công văn số 9312/NHNN-TTGSNH, yêu cầu Giám đốc NHNN chi nhánh thanh tra, kiểm tra các tổ chức tín dụng (TCTD) cho vay lãi suất thấp hơn huy động.

Đòi hỏi dự phòng cao

Giải thích vụ cho Trường Ngân vay 93 tỷ đồng, ông Nguyễn Đình Tùng cho biết, OCB đã phải trích lập dự phòng gần 100 tỷ đồng, cho dù việc thu hồi nợ của NH vẫn khả thi hơn các NH khác. Số tiền Trường Ngân nợ OCB khoảng 93 tỷ đồng, được cầm cố bởi 3.000 tấn cà phê đang ở trong kho.

12.430 tỷ đồng
Đến 10/11, VAMC đã mua 12.430 tỷ đồng nợ xấu của 15 NH. Theo đó, tổng số NH đã đề nghị bán nợ cho VAMC đến thời điểm này là 23 NH với tổng số nợ xấu đề nghị mua lên đến 38.000 tỷ đồng. Hiện VAMC đang trong quá trình thẩm định trước khi phê duyệt. Mục tiêu từ nay đến cuối năm, VAMC sẽ mua 30.000 - 35.000 tỷ đồng nợ xấu.

Đồng thời, khoang cà phê của OCB trong kho của Trường Ngân là khoang riêng được bảo vệ OCB canh giữ, các đơn vị khác không được xâm phạm. OCB cho vay nhận bảo đảm bằng lô hàng hóa cụ thể theo nguyên tắc tiền vào hàng ra, còn một số NH nhận bảo đảm theo phương thức vô cùng rủi ro trong quản lý tín dụng là thế chấp hàng tồn kho luân chuyển.

Thế nhưng, theo một chuyên gia đánh giá, trước thực trạng hàng loạt DN đang đứng trước bờ vực phá sản như Trường Ngân cũng chưa thể khẳng định được việc các NH có thu hồi được nợ cho vay hay không. Vì thế, đòi hỏi các NH phải trích dự phòng đẩy đủ mới đảm bảo phòng tránh rủi ro.

Do đó, theo Tổng giám đốc một NH cổ phần có vốn điều lệ trên 4.000 tỷ đồng, nếu không phải trích dự phòng rủi ro, lợi nhuận đạt được của NH trong năm nay sẽ hơn 500 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau khi trừ chi phí dự phòng, lợi nhuận còn lại chỉ hơn 300 tỷ đồng.

Theo kế hoạch Sacombank đưa ra cho năm 2013, tín dụng cả năm tăng 12%, nợ xấu kiểm soát ở mức không quá 3%. Tuy nhiên, trước diễn biến thị trường hiện nay, nợ xấu của Sacombank cũng không thể tránh được.

Vừa qua, Sacombank đã bán hơn 800 tỷ đồng nợ xấu cho VAMC và dự kiến sẽ còn bán tiếp, tổng số nợ bán cho VAMC là trên 1.000 tỷ đồng đến cuối năm 2013 để kéo tỷ lệ nợ xấu về dưới 1,8%. Lãnh đạo Sacombank cho biết, nợ xấu của NH hiện nay tập trung chủ yếu ở Nhóm 4 và Nhóm 5.

Tuy nhiên, Sacombank đã chủ động trích lập dự phòng đầy đủ. Đó cũng chính là lý do hoạt động tín dụng của Sacombank tăng trưởng tốt trong năm nay (đến cuối tháng 11, dư nợ tín dụng Sacombank đạt hơn 13% và dự kiến cả năm 15%), song lợi nhuận thu về cũng chỉ đạt kế hoạch xây dựng ở mức khiếm tốn 2.800 tỷ đồng.

Ông Lê Hùng Dũng cũng cho rằng, chính vì phải trích dự phòng cao nên lợi nhuận đạt được trong hoạt động của Eximbank năm nay không hoàn thành chỉ tiêu. Kế hoạch lợi nhuận trước thuế Eximbank xây dựng cho năm 2013 là 3.2000 tỷ đồng, nhưng khả năng đến cuối năm NH chỉ đạt 1.600 tỷ đồng.

Nguồn thu từ hoạt động tín dụng giảm, trong khi nợ xấu tăng đòi hỏi trích lập cao là điều khiến lợi nhuận của NH bị thu hẹp. Tuy nhiên, theo chỉ đạo của Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình, với các TCTD, trong bối cảnh hiện nay không thể kỳ vọng lợi nhuận mà yêu cầu trước hết là phải trích lập dự phòng đầy đủ trước khi chia cổ tức.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Chạy Thông tư không khỏi nợ xấu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO