BBT nhẹ như bông gòn!

LƯƠNG MINH| 30/06/2008 08:49

BBT nhẹ như bông gòn! Cổ phiếu BBT của Công ty cổ phần bông Bạch Tuyết là CP đầu tiên trên thị trường vừa bị Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) đưa vào diện bị kiểm soát, do đó việc giữ hay bán là câu hỏi lớn của các nhà đầu tư.

BBT nhẹ như bông gòn!

Cổ phiếu BBT của Công ty cổ phần bông Bạch Tuyết là CP đầu tiên trên thị trường vừa bị Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) đưa vào diện bị kiểm soát, do đó việc giữ hay bán là câu hỏi lớn của các nhà đầu tư.

Dây chuyền sản xuất Bông Bạch Tuyết


Theo quy chế niêm yết chứng khoán của HOSE thì CP được đưa vào diện bị kiểm soát khi xảy ra một trong các trường hợp sau: Công ty niêm yết có nợ quá hạn trên một năm hoặc tỷ lệ nợ quá hạn cao hơn 10% tổng vốn chủ sở hữu; không có đủ 100 cổ đông nắm giữ tối thiểu 20% CP có quyền biểu quyết của công ty; sản xuất, kinh doanh lỗ, ngưng sản xuất kinh doanh chính; không chấp hành đúng thời hạn nộp báo cáo định kỳ theo quy chế thông tin của Sở Giao dịch chứng khoán; CP không giao dịch trong vòng 90 ngày.

Như vậy, trường hợp của BBT là do không chấp hành đúng hạn nộp báo cáo định kỳ. Ngày 6/5, Bông Bạch Tuyết (Cobovina) đã xin gia hạn công bố thông tin báo cáo tài chính kiểm toán năm 2007 đến cuối tháng 5. Sau đó, ngày 9/6, Cobovina lại giải trình về việc chậm báo cáo, trong đó có nêu việc muốn làm minh bạch tình hình tài chính và giải quyết tồn đọng thua lỗ của các năm trước, nhưng bộ phận kiểm toán của công ty làm chưa xong nên hẹn lại đến ngày 12/6. Cùng lúc với bản giải trình trên, chủ tịch HĐQT của Cobovina đã thay đổi kế toán trưởng.


Sự việc bắt đầu từ việc công nhân của Cobovina đình công, họ kiến nghị phải đảm bảo mức lương tối thiểu. Ban giám đốc không thể giải quyết thỏa đáng và có giải trình với UBCKNN về việc này, qua đó Ủy ban biết được mấy năm qua Công ty báo cáo lời giả lỗ thật. Báo cáo quý 1, Cobovina lỗ 4,2 tỷ đồng do phải bán bông cho các bệnh viện, công ty dược với giá cũ theo hợp đồng từ trước, trong khi giá nguyên liệu tăng 20% đến 25%.

Công ty phát hành thêm CP để bổ sung vốn không được, vay vốn ngân hàng cũng khó dẫn đến vốn hoạt động thiếu trầm trọng, không có tiền mua nguyên vật liệu, sản xuất cầm chừng, sản lượng giảm, doanh thu giảm nhưng vẫn phải trả lương cho công nhân theo phương thức bù lương để đảm bảo mức sống tối thiểu, đưa đến chi phí tăng và kết quả kinh doanh lỗ. Thế mà đầu năm, Cobovina báo cáo doanh số năm 2007 đạt 68,8 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 3 tỷ đồng, tăng 34,5% so với năm 2006 (!?).

Điều đáng nói là trong suốt thời gian qua, các báo cáo tài chính của Cobovina đều được HOSE đăng tải phục vụ nhà đầu tư trên tờ tin Thị trường chứng khoán và trên trang tin điện tử của Sở mà không có hậu kiểm, trong khi đội ngũ phân tích không thiếu. Không cần phải hỏi các cơ quan quản lý thị trường, người ta cũng biết HOSE không có đủ nhân viên để giám sát việc kinh doanh của từng công ty, trong khi trên sàn có hơn 150 công ty niêm yết.

Vấn đề đặt ra là còn bao nhiêu công ty niêm yết đang lời giả lỗ thật mà công ty kiểm toán đã che đậy và bộ phận giám sát thị trường chưa phát hiện, đến khi đưa CP vào diện kiểm soát thì đã có hàng ngàn nhà đầu tư lỡ “ôm” các CP loại này. Nhà đầu tư Đoàn Minh Mẫn lạc quan cho rằng HOSE dư sức kiểm soát từng công ty, bằng chứng là hiện nay HOSE đang tổ chức đánh giá từng báo cáo thường niên năm 2007 của các công ty niêm yết để bình chọn trao giải thưởng.


Trở lại vấn đề CP thuộc diện kiểm soát, Tiến sĩ Lê Vũ Nam - Giảng viên khoa Kinh tế Đại học Quốc gia TP.HCM cho rằng, đưa vào diện kiểm soát nhằm bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư; nhắc thị trường lưu ý rằng công ty đang được thanh tra, giám sát đặc biệt do chưa có báo cáo minh bạch. Công ty cũng nên nhanh chóng hoàn thiện báo cáo rõ ràng cung cấp cho nhà đầu tư, khắc phục tình trạng kinh doanh lỗ để được dỡ bỏ ký hiệu kiểm soát.

Anh Vũ Việt Ký - Trưởng phòng môi giới Công ty cổ phần chứng khoán Mirae Asset cho rằng không nên thấy CP giá thấp mà ham vì thị trường vẫn còn những mã chứng khoán giá dưới 7.000 đồng, nhưng qua đó có thể biết rõ tình hình tài chính của đơn vị niêm yết. Tuy nhiên, anh Đoàn Minh Mẫn - nhà đầu tư sàn SBS - cho rằng nếu BBT xuống tới giá dưới 7.000 đồng thì sẽ “múc” vào. Theo anh, không hy vọng gì để thấy BBT có lãi trong năm nay vì chỉ trong quý 1/2008 đã lỗ hơn 4 tỷ đồng, quí 2 không sản xuất mạnh thì kết quả còn tệ hơn.

Với giá CP ngày càng rẻ cộng với thương hiệu Cobovina đã tồn tại gần nửa thế kỷ, sớm muộn gì cũng có tổ chức tài chính hay công ty nước ngoài cùng ngành nhảy vào, hoặc Công ty sẽ thay đổi lãnh đạo có năng lực hơn. Sự kiện này có thể vài năm nữa mới xảy ra, lúc đó giá CP không cần phải bàn, có thể tăng giá đến mức... lại phải “cảnh báo”! Là nhà đầu tư không thích lướt sóng, anh Mẫn nhắc nhở bạn bè nên bình tĩnh, chờ báo cáo tài chính có kiểm toán của Công ty AISC rồi hãy quyết định.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
BBT nhẹ như bông gòn!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO