Bán vốn nhà nước: SCIC tìm cách tiếp cận mới

TUYẾT ÂN| 22/11/2017 08:45

Hàng loạt buổi giới thiệu cơ hội đầu tư (roadshow) vào các doanh nghiệp niêm yết được Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) thực hiện.

Bán vốn nhà nước: SCIC tìm cách tiếp cận mới

Việc chào bán cạnh tranh từ cá nhân tới tổ chức, trong hay ngoài nước với quy trình thuận tiện, hàng hóa hấp dẫn hơn đang tạo ra cách tiếp cận mới mẻ hơn.

5 doanh nghiệp được SCIC giới thiệu cuối tuần rồi gồm Công ty CP Nhựa Thiếu Niên Tiền phong (NTP); Công ty CP Nhựa Bình Minh (BMP); Công ty Xuất nhập khẩu Y tế Domesco (DMC), Công ty CP FPT và Tổng công ty CP XNK và Xây dựng Việt Nam - Vinaconex (VCG). Đáng chú ý SCIC sẽ bán 100% vốn nhà nước tại NTP, BMP và DMC với tỷ lệ đang nắm giữ lần lượt là 37,1%; 29,51% và 34,71% (riêng NTP số bán cụ thể sẽ chốt sau 30/11). Cả ba đơn vị này được Chính phủ cho phép thoái hết vốn nhà nước từ 2015 nhưng đến nay mới thành hiện thực.

Căn cứ vào thị giá cổ phiếu sáng 20/11, nếu thoái vốn thành công tại 5 doanh nghiệp (DN) này, SCIC sẽ thu về hơn 10.000 tỷ đồng, sau khi đã thu về gần 9.000 tỷ đồng từ việc bán 3,33% cổ phần Công ty CP Sữa Việt Nam (VNM) cách nay hơn tuần. Ông Nguyễn Chí Thành, Phó tổng giám đốc SCIC cho biết sẽ hoàn tất bán vốn tại 5 DN này trong năm nay theo lộ trình. Tổng kết lại, vốn nhà nước được SCIC chào bán trong năm 2017 đều tại các DN đang niêm yết, chủ yếu là DN đầu ngành và nằm trong top 30 công ty có vốn hóa lớn nhất tại sàn HOSE hoặc HNX.

SCIC vừa thoái vốn thành công tại Vinamilk - doanh nghiệp có vốn hóa thị trường lớn nhất trên sàn chứng khoán Việt Nam. Nguồn: Ảnh cuộc thi Tự hào hàng Việt do báo DNSG tổ chức.

SCIC vừa thoái vốn thành công tại Vinamilk - doanh nghiệp có vốn hóa thị trường lớn nhất trên sàn chứng khoán Việt Nam. Nguồn: Ảnh cuộc thi Tự hào hàng Việt do báo DNSG tổ chức.

Từ việc JC&C chi hơn tỷ đô nắm VNM

Chỉ trong vòng một tuần, Công ty Jardinr Cycle & Carriage (JC&C) có trụ sở tại Singapore đã nhanh chóng thâu tóm 10% cổ phần VNM và để ngỏ khả năng mua thêm. Trong phiên bán vốn theo phương thức chào bán cạnh tranh 3,33% vốn điều lệ VNM ngày 13/10, JC&C đã mua trọn 48,3 triệu cổ phiếu VNM với giá đẩy lên 186.000 đồng/cổ phiếu, cao hơn 24% giá khởi điểm.

Sau phiên mua toàn bộ cổ phần từ SCIC, JC&C chi 400 triệu USD mua thêm 48,83 triệu cổ phiếu VNM và chốt phiên cuối tuần (17/11) JC&C lại tiếp tục mua thêm 16,46 triệu cổ phiếu VNM. Nhà đầu tư này trong vòng một tuần đã nâng tỷ lệ sở hữu VNM lên 145,6 triệu cổ phiếu, tương đương 10% vốn điều lệ với tổng trị giá nắm giữ hơn 1,15 tỷ USD.

Thành công của việc bán vốn nhà nước tại VNM được SCIC xem là "công thức" cho các đợt thoái vốn tiếp theo. VCG là thương vụ thoái vốn lớn thứ hai sau VNM, dự kiến vào ngày 8/12 với buổi chào bán cạnh tranh tại Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội. Nhà nước đang sở hữu đến 51% VCG nhưng trong đợt này SCIC đưa ra bán đấu giá 21,8% và còn lại sẽ tiến hành thoái toàn bộ cho đến năm 2020. Tuy nhiên các nhà đầu tư cho rằng nhà nước sở hữu tại VCG khá lớn nhưng thành tích kinh doanh của VCG lại không mấy nổi bật.

Hiện NawaPlastic Industries của Thái Lan (TPC) nắm giữ 20,4% cổ phần BMC (16,7 triệu cổ phiếu). Trước đó, Nawaplastic Industries cũng nắm 23,84% cổ phần NTP (21,3 triệu cổ phiếu) nhưng đã thoái vốn toàn bộ. Trong khi Sekisui Chemical, một công ty Nhật Bản, đã mua lại 15% cổ phần NTP từ Nawaplastic, đồng thời sở hữu 25% cổ phần tại Nhựa Tiền Phong Miền Nam thông qua một đợt phát hành riêng lẻ.

Cả Nawaplastic lẫn Sekisui Chemical được đánh giá là những người mua tiềm năng với số cổ phần do SCIC thoái vốn. Tuy nhiên tại buổi giới thiệu, các nhà đầu tư e ngại biên lợi nhuận ngành nhựa đang giảm và là ngành phụ thuộc nguyên liệu nhập khẩu làm kém sức hấp dẫn của hai công ty này.

Nút thắt, nút mở với FPT và DMC

SCIC cũng sẽ bán gần 6% vốn còn lại tại FPT nhưng tiếp tục nắm giữ trên 50% cổ phần tại FPT Telecom. Có thể nói FPT là trường hợp cá biệt khi room mở cho nhà đầu tư ngoại đã hết nên SCIC chỉ có thể thoái vốn cho nhà đầu tư trong nước. Hiện nay nhà đầu tư ngoại đã nắm hết room 49% nhưng FPT chưa có kế hoạch nới room lên 100% như DMC, BMP...

Trả lời nhà đầu tư, ông Nguyễn Thế Phương - Phó tổng giám đốc FPT cho biết: "FPT có những ngành nghề kinh doanh có điều kiện như viễn thông, báo chí...". FPT Telecom hoạt động trong lĩnh vực hạ tầng đặc thù do nhà nước chi phối đến năm 2020. Đây cũng là mảng kinh doanh có tỷ suất lợi nhuận cao hàng đầu của FPT, ông Phương cho biết sẽ tiếp tục đầu tư nâng cấp hạ tầng và mở rộng vùng phủ để khai thác thị trường bên cạnh phát triển các dịch vụ nội dung.

Theo lịch trình dự kiến, SCIC sẽ tổ chức chào bán cạnh tranh vốn tại Nhựa Bình Minh và Vinaconex ngày 8/12, ngày 11/12 với FPT, ngày 12/12 là với Domesco và Nhựa Thiếu niên Tiền phong vào ngày 13/12. Tất cả các giao dịch hoàn tất chậm nhất vào 26/12/2017.

Theo lịch trình dự kiến, SCIC sẽ tổ chức chào bán cạnh tranh vốn tại Nhựa Bình Minh và Vinaconex ngày 8/12, ngày 11/12 với FPT, ngày 12/12 là với Domesco và Nhựa Thiếu niên Tiền phong vào ngày 13/12. Tất cả các giao dịch hoàn tất chậm nhất vào 26/12/2017.

Hiện tỷ lệ nắm giữ của SCIC tại FPT Telecom là 50,17% và FPT sở hữu 45,66%. Trả lời về lộ trình thoái vốn của SCIC tại FPT Telecom, ông Nguyễn Chí Thành cho biết, nhà nước vẫn nắm giữ trên 50% đối với mảng viễn thông đến năm 2020 nên chưa có kế hoạch thoái vốn tại đây.

Ngược lại với FPT, tại DMC nhà đầu tư CFR International SPA - thành viên của Tập đoàn Abbott đang nắm giữ 51,7%, SCIC sở hữu 34,71% và 13,6% của hơn 1.500 cổ đông lớn nhỏ. Bà Lương Thị Hương Giang, Tổng giám đốc DMC đồng thời là đại diện phần vốn của CFR, từ chối bình luận liệu CFR có mua toàn bộ phần vốn SCIC để trở thành công ty 100% nước ngoài hay không. Bà Hương cho biết: "Cho đến nay chưa thấy động thái của đối tác nước ngoài có mua lại phần sở hữu của SCIC hay không".

DMC có chỉ số kinh doanh tốt và hoạt động ở lĩnh vực giàu tiềm năng. Suốt giai đoạn 2004 - 2017, lợi nhuận tăng trưởng bình quân 16,6%/năm, hiện khoản nợ phải trả chỉ bằng 6% tổng tài sản, không có nợ vay ngân hàng và luôn duy trì lượng tiền mặt 300 tỷ đồng.

Trong ngắn hạn, DMC sẽ hợp tác toàn diện với cổ đông chiến lược để nâng công suất hai nhà máy Non và Peni, hợp tác chuyển giao công nghệ và nhượng quyền sản xuất kinh doanh 25 sản phẩm. Nếu CFR mua thành công toàn bộ vốn SCIC thì đây là thương vụ đầu tiên đối tác nước ngoài thâu tóm thành công một DN niêm yết.

Danh mục SCIC nắm giữ tính đến 30/9/2017 gồm 133 khoản đầu tư với tổng vốn theo giá thị trường chứng khoán khoảng 5,4 tỷ USD. Dự kiến nếu việc thoái vốn tại các DN đợt này thành công, SCIC có thể thu về hơn 20.000 tỷ đồng (kể cả VNM) tính theo giá trị trên sàn chứng khoán hiện tại.

Ông Thành cho biết giai đoạn 2018-2020, SCIC dự kiến thoái vốn tại các công ty lớn như Công ty CP Hạ tầng và bất động sản Việt Nam - VIID; Cơ khí và Khoáng sản Hà Giang - HGM; Tổng công ty CP Tái bảo hiểm Việt Nam - VNR; Công ty CP Xuất nhập khẩu Sa Giang - SGC; Tổng công ty CP Bảo Minh - BMI...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Bán vốn nhà nước: SCIC tìm cách tiếp cận mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO