Âm ỉ lạm phát

TRIỀU ANH| 12/09/2013 08:35

Lạm phát vẫn là một thử thách, giá cả các mặt hàng đã tăng trong tháng 8 và dự báo sẽ còn tăng cao hơn nữa trong tháng 9.

Âm ỉ lạm phát

Lạm phát vẫn là một thử thách, giá cả các mặt hàng đã tăng trong tháng 8 và dự báo sẽ còn tăng cao hơn nữa trong tháng 9.

Đọc E-paper

Gánh nặng lạm phát

Lạm phát có chiều hướng âm ỉ tăng trở lại từ nhiều tháng qua. Bà Nguyễn Thị Phương Lam, chuyên viên phân tích của Công ty Chứng khoán Rồng Việt khẳng định, việc tăng giá xăng vào từ giữa tháng 7 đã tác động mạnh đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) từ đó đến nay.

Theo bà Lam, chỉ số giá tiêu dùng nửa đầu năm 2013 tăng khoảng 2,4% so với cuối 2012, là mức thấp nhất kể từ năm 2009. Tuy nhiên, lạm phát tăng chậm trong 6 tháng đầu năm đang mở ra cơ hội đẩy nhanh lộ trình quản lý giá theo cơ chế thị trường đối với các mặt hàng như điện, than, xăng dầu và dịch vụ công.

"Do đó, trong 6 tháng cuối năm, chúng tôi cho rằng một số nhóm hàng cơ bản và thiết yếu tăng giá sẽ là yếu tố gây bất lợi lớn nhất đến chỉ số giá tiêu dùng", bà Lam nói.

Quả vậy, sau nhiều nỗ lực, kinh tế Việt Nam tháng 8/2013 vẫn tiếp tục đi ngang. Cán cân thương mại tháng 8 ước thâm hụt khoảng 300 triệu USD, nâng thâm hụt thương mại lũy kế 8 tháng 2013 lên 577 triệu USD. CPI tháng 8 tăng mạnh 0,83% so với tháng 7 và 7,5% so với cùng kỳ.

Dù đưa ra nhiều yếu tố lạc quan nhưng trong bản báo cáo về Kinh tế vĩ mô - triển vọng thị trường Việt Nam số tháng 9/2013, khối Nghiên cứu Kinh tế của Ngân hàng HSBC (HSBC Global Research) chứng minh lạm phát đã tăng cao hơn.

Theo bản báo cáo, lạm phát vẫn là một thử thách, giá cả các mặt hàng đã tăng trong tháng 8 và dự đoán sẽ còn tăng cao hơn nữa trong tháng 9 do giá năng lượng, giáo dục và chăm sóc sức khoẻ đang tăng.

Trong khi đó, Ngân hàng Nhà nước lại muốn đẩy mạnh tín dụng 12% như kế hoạch nên liên tục điều chỉnh giảm trần lãi suất. Đáng nói hơn cả là khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế quá yếu, vì kinh doanh của doanh nghiệp không đạt hiệu quả. Giảm lãi suất tiếp tục gia tăng áp lực lạm phát.

Áp lực lạm phát đang cao nhưng lạm phát toàn phần có thể sẽ ở dưới mức 8% trong bốn tháng tới

Không dễ đầu tư

Lạm phát tác động đến cả nền kinh tế, nhưng tác động khốc liệt nhất luôn hướng tới người tiêu dùng, những người phụ thuộc hoàn toàn vào giá cả ngoài thị trường. Tuy nhiên, sống chung với lạm phát trong nhiều năm, người dân đã quen dần.

Điều quan tâm nhất lúc này là người dân đang mất dần phương hướng đầu tư, nói nôm na là các kênh kiếm tiền dành cho người ít tiền bị bó hẹp. Nói như thế vì nền kinh tế của Việt Nam rơi vào tình trạng suy giảm từ năm 2008 đến nay.

Những thời điểm kinh tế bất ổn, các ngân hàng rơi vào tình trạng thiếu thanh khoản đã đẩy lãi suất huy động tăng cao, người gửi tiền được lợi. Tuy nhiên, đó là những người có của ăn của để, nhiều tiền nhàn rỗi hay quen biết với ngân hàng thì mới được hưởng các loại lãi suất "vượt rào" cao hơn nhiều so với mức niêm yết chính thức.

Trong khi đó, những người dân bình thường, chỉ có vài chục triệu đồng dành dụm, không quen biết ngân hàng thì lại chỉ được hưởng mức lãi suất niêm yết. Đến nay, sau 5 năm sóng gió, thị trường đã yên ắng trở lại, lãi suất đang giảm dần thì những người dân bình thường kia cũng không được hưởng nhiều hơn.

Thậm chí, với mức lãi suất hiện nay chỉ khoảng 5 - 6%/năm trong khi lạm phát dự kiến 7% thì người gửi tiền đang phải chịu mức lãi suất thực âm. Như vậy, kênh gửi tiết kiệm ngân hàng để lấy lãi tính đến nay không chạy theo kịp lạm phát.

Không dừng lại ở đó, đầu tư vàng cũng đang rơi vào "bế tắc". Người mua vàng phải chấp nhận thực tế là giá vàng Việt Nam đang cao hơn nhiều so với giá vàng thế giới.

Tính theo giá vàng thế giới quy đổi tính đến đầu tháng 9 thì giá vàng trong nước vẫn cao hơn giá thế giới trên dưới 4 triệu đồng/lượng (tương đương 12%). Một mức rủi ro quá lớn để người có vài lượng, thậm chí vài chục lượng dám mạo hiểm để đầu tư.

Chứng khoán lại càng không phải kênh đầu tư của những người dân thường có ít tiền để dành. Cứ nhìn thị trường vài năm trở lại đây, khi kênh này vẫn tiếp tục "lình xình" và chưa có dấu hiệu cho thấy sẽ phục hồi trong tương lai gần.

Đó là chưa kể, khi kinh doanh gặp khó khăn, lợi nhuận vẫn chịu sức ép từ hai nhân tố: Thứ nhất, giá cả đầu ra chỉ thay đổi chút ít vì sức ép cạnh tranh, những nỗ lực thúc đẩy bán hàng.

Thứ hai, giá cả đầu vào đã tăng đáng kể và ngày càng nhanh do lạm phát ở mức cao nhất kể từ tháng 3, chi phí vận chuyển cao hơn, dầu và các sản phẩm phát sinh liên quan đều tăng giá, các doanh nghiệp buộc phải giảm chi phí hoạt động và thứ bị cắt phổ biến nhất đó là lương nhân viên, hay giảm nhân sự, cách làm dễ dàng và có hiệu quả ngay tức thì.

Nói như giám đốc khối khách hàng cá nhân của một ngân hàng tại TP.HCM, ban lãnh đạo ngân hàng của ông cũng đang muốn học hỏi những ngân hàng lớn khác, cắt giảm đồng loạt lương của nhân viên để đảm bảo lợi nhuận, hay đảm bảo lợi ích cho cổ đông. "Dường như lương nhân viên là thứ dễ cắt giảm nhất trong bối cảnh như hiện nay", ông nói.

Nói như một nhà kinh tế: "Báo động ở mức nào thì còn phải nhìn nhận, nhưng rõ ràng, năm 2013 sẽ là năm người dân và nền kinh tế phải chịu những thách thức quá lớn".

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Âm ỉ lạm phát
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO