Ai thiệt, ai hơn?

QUỲNH VŨ| 21/02/2012 06:01

Gần đây, tin đồn về việc sáp nhập, phá sản các ngân hàng (NH) ngày càng nhiều, khiến thị trường tài chính trong nước trở nên phức tạp hơn. Hành động phân nhóm NHcủa Ngân hàng Nhà nước trong mấy ngày vừa qua đã phần nào hạn chế được một số tác động xã hội của tin đồn và giúp các NH định rõ được chiến lược phát triển.

Ai thiệt, ai hơn?

Gần đây, tin đồn về việc sáp nhập, phá sản các ngân hàng (NH) ngày càng nhiều, khiến thị trường tài chính trong nước trở nên phức tạp hơn. Hành động phân nhóm NH của Ngân hàng Nhàn nước (NHNN) trong mấy ngày vừa qua đã phần nào hạn chế được một số tác động xã hội của tin đồn và giúp các NH định rõ được chiến lược phát triển.

Khoanh vùng “thoát nạn”

NHNN chính thức công bố phân loại và phân bổ chỉ tiêu tín dụng theo 4 nhóm, trong đó nhóm tốt được tăng trưởng tín dụng ở mức tối đa 17%, nhóm 2 là 15%, nhóm 3 tăng trưởng 8%, còn nhóm 4 thuộc diện phải cơ cấu lại và không được tăng trưởng tín dụng được xem như một liều thuốc ngắn hạn cho thị trường.

Dẫu rằng đến thời điểm này nhiều người vẫn xôn xao vì NHNN chưa công bố thông tin của các NHTM rơi vào nhóm 4, song Phó thống đốc NHNN ông Nguyễn Đồng Tiến cho biết con số này không lớn, chỉ đếm trên đầu ngón tay, đã phần nào ổn định được thị trường cũng như chuyển tải được nội dung chính là lãi suất sớm giảm.

Tính đến nay, các NH nằm trong nhóm này đang lâm vào tình trạng mất khả năng thanh toán, có nguy cơ đổ vỡ và đang trong quá trình tái cơ cấu đã được khoanh vùng và rất dễ nhận biết dù không được công bố.

Vì trên thực tế, các NH “thoát nạn” hoặc được xếp vào nhóm cao ngay lập tức công bố thông tin rộng rãi cho khách hàng yên tâm đồng thời gấp rút bắt tay thực hiện kế hoạch của năm mới.

Chẳng hạn, NH Nam Á khi biết được xếp vào nhóm 2, ông Trần Anh Tuấn, Tổng giám đốc Nam A Bank, nói rằng, xếp vào nhóm 2 tức là chỉ tiêu được giao tăng trưởng tín dụng tối đa 15% trong năm 2012 thì toàn thể Nam A Bank rất vui mừng.

Với kết quả này, Hội đồng quản trị Nam A Bank đã tiến hành họp bàn và đi đến thống nhất kế hoạch hoạt động cho năm 2012. Theo đó, về cho vay, NH sẽ tập trung vào đối tượng doanh nghiệp vừa và nhỏ, hạn mức từ 10 tỷ đồng trở xuống.

Hay NH Đại Á trước nay cũng có nhiều thông tin sẽ bị sáp nhập với 2 NH khác cùng chủ, nhưng nay khi biết mình được được xếp vào nhóm 2 cũng chính thức công bố thông tin như một lời bào chữa về việc mất thanh khoản trong thời gian qua.

Theo nguồn tin từ NH Đại Á, lúc đầu Đại Á được xếp vào nhóm 1, nhưng do một số lý do khách quan nên Đại Á ở vào nhóm 2. Dù ở nhóm nào đi chăng nữa, điều này cũng cho thấy Đại Á đang hoạt động tốt.

Cũng theo vị này, chuyện NH có quy mô lớn - nhỏ hiện nay đã không còn quan trọng mà vấn đề nằm ở chiến lược của từng NH thực hiện như thế nào để tạo được niềm tin ở khách hàng cũng như đơn vị quản lý. 

Sẽ ngừng cuộc đua lãi suất?

Có thể thấy, hành động chia nhóm để quản lý của NHNN lần này không chỉ hạn chế được tin đồn gây hoang mang cho người gửi tiền mà còn nhận được nhiều ủng hộ từ phía người vay tiền.

Bởi thực tế, ở một khía cạnh khác, nỗ lực phân nhóm tín dụng của NHNN về sâu xa vẫn là việc ngăn ngừa nguy cơ bùng nổ các cuộc đua tranh lãi suất. Vì đơn giản là các NH nhỏ không có động cơ huy động nhiều khi không thể cho vay.

Tuy nhiên, nếu xét về thực tế thì chuyện giảm lãi suất để doanh nghiệp dễ vay trong thời điểm này vẫn chỉ là lý thuyết và người đi vay vẫn không thể nào tiếp cận được nguồn vốn vay, nhất là thời điểm này.

Nói như thế vì trước nay, bản thân các NH nhỏ đã rất hạn chế cho vay, bằng chứng là trong năm 2011, phần lớn các NHTM có quy mô vừa và nhỏ đều nói không với việc cho vay cá nhân. Đối với doanh nghiệp, một số NH đưa ra mức lãi suất cao, số còn lại thì đưa ra điều kiện vay rất ngặt nghèo.

Ở các NHTM lớn thì thực tế giới này cũng hạ lãi suất cho vay với mức thấp nhất 14,5%/năm, chỉ chênh 0,5% với lãi suất huy động.

Cụ thể, BIDV đang tạm dẫn đầu trong cuộc đua hạ lãi suất cho vay. Mức thấp nhất tại BIDV là 14,5% một năm, áp dụng cho khắc phục hậu quả bão lũ, cho vay xuất khẩu là 15%, còn nông nghiệp nông thôn 15,5%.

Tiếp theo, Vietcombank, Vietinbank cũng tiếp tục công bố giảm lãi suất cho vay. Hiện lãi suất cao nhất tại Vietcombank đối với sản xuất kinh doanh là 16 - 17%/năm, lãi suất cho vay đầu tư chứng khoán, bất động sản áp dụng mức 20%/năm.

Còn Vietinbank hạ lãi cho vay thấp nhất là 15,5% một năm, giảm so với 16 - 17% trước đây. Ngoài ra, ACB cũng đang triển khai chương trình cho vay mua nhà, với mức lãi suất thấp hơn thông thường 0,5%. Trước đó, NH VIB cũng thông báo hạ lãi suất cho vay 1% đối với các hộ sản xuất, kinh doanh...

Tuy nhiên, giám đốc một NH cổ phần thừa nhận, nhiều khi, niêm yết là 16% một năm, nhưng thực tế là cao hơn. Theo ông, mức lãi suất công bố tối đa, tối thiểu của các NH chỉ là con số tương đối, có tính linh hoạt. Do đó, với mỗi kiểu khách hàng, con số thực tế lại khác nhau.

Vậy rõ ràng, chuyện giảm lãi suất thực sự đã có, mức lãi suất cũng đã phù hợp cho một số đối tượng doanh nghiệp. Nhưng làm thế nào để doanh nghiệp có thể tiếp cận được nguồn vốn mới là vấn đề mà họ quan tâm lúc này.

Một doanh nghiệp kinh doanh lâu năm trong ngành thép cũng chia sẻ, việc phân nhóm của NHNN mang ý nghĩa cải thiện mặt bằng lãi suất nhưng xét thấy biện pháp này chưa hẳn các NHTM nhỏ cho vay không được hoặc họ sẽ ngưng chạy đua huy động lãi suất.

Bởi thực tế các NHTM nhỏ vẫn còn chôn vốn vào nợ xấu ở lĩnh vực bất động sản, việc mất cân đối trong nguồn vốn vẫn còn hiện hữu và tình trạng nợ liên NH chưa được giải quyết. Không loại trừ khả năng các NHTM nhỏ vẫn huy động lãi suất cao để giải quyết thanh khoản trước mắt.

Như vậy, thiết nghĩ điều này chỉ có thể chấm dứt khi NHNN tiến hành hỗ trợ các NHTM nhỏ xử lý nợ xấu và tái cơ cấu hoạt động.

Theo NHNN, tỷ lệ nợ xấu đối với lĩnh vực đầu tư kinh doanh bất động sản tính đến 31/10/2011 là 4,36%. Tuy nhiên, tính đến 31/12/2011, tỷ lệ nợ xấu giảm còn 3,52%. Con số này, theo lãnh đạo NHNN là khá cao, do nhiều dự án mà các NH đã mạnh tay cho vay trước đây đã bị mất khả năng thanh khoản, cộng với lãi suất từ đầu năm tăng cao khiến DN khó khăn trong việc trả nợ. Với mặt bằng giá hiện nay và sự sôi động của thị trường bất động sản thời điểm đầu năm 2011 trở về trước, NHNN cho rằng việc DN bất động sản phản ánh tình trạng thua lỗ là thiếu cơ sở. Do đó, trong năm 2012, cần phải rà soát, đánh giá để xác định thực trạng tài chính và nguyên nhân nếu có sự thua lỗ thực sự.


(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Ai thiệt, ai hơn?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO