4 tiêu chí đánh giá hiệu quả việc niêm yết

NGỌC THỦY| 08/01/2015 06:53

Có 4 tiêu chí để đánh giá việc niêm yết của doanh nghiệp là "được" hay là "mất".

4 tiêu chí đánh giá hiệu quả việc niêm yết

Trưa 8/1/2015, tại Nhà hàng STIX (15 Lê Quý Đôn Quận 1, TP.HCM) diễn ra chương trình Ăn trưa và chia sẻ kinh nghiệm quản trị - BIZLUNCH với chủ đề đầu tiên “Cổ phần hóa và niêm yết doanh nghiệp: Được và mất” do Hội các Nhà quản trị Việt Nam (VACD), Báo Doanh Nhân Sài Gòn và ANHGROUP đồng tổ chức.

Đây là chủ đề thu hút sự chú ý của khá đông doanh nghiệp (DN), nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ đang trong quá trình phát triển, muốn tìm hiểu những được - mất khi cổ phần hóa (CPH) và niêm yết.

Theo ông Đỗ Văn Trắc - Tổng giám đốc Công ty SAM (mã chứng khoán: SAM), khi triển khai CPH và niêm yết, DN có được và cũng có mất.

Cái được lớn nhất là công ty trở nên đại chúng và cổ phiếu phát hành đạt được thanh khoản cao. Từ đây, người mua và người bán có cơ hội thực hiện các giao dịch chuyển nhượng cổ phần cho nhau.

Cái được quan trọng khác là DN có nhiều cơ hội để phát triển. Đơn cử, từ một DN nhỏ, SAM giờ trở thành tập đoàn với quy mô vốn 1.730 tỷ đồng.

Cổ phần hóa (CPH) cũng là con đường giúp DN tối đa hóa lợi nhuận, có được đội ngũ lãnh đạo và nhân sự tốt hơn, xây dựng được bộ quy chế hoạt động chuyên nghiệp cho công ty.

Thông qua CPH và niêm yết, DN còn có điều kiện thực hiện minh bạch hoạt động, thu hút nguồn vốn, tập trung nguồn lực cho những cơ hội mới.

Tuy nhiên, cũng chính vì minh bạch thông tin mà DN niêm yết dễ bị lộ các bí mật kinh doanh, hướng đi sản phẩm.

Lưu ý thứ hai là sau CPH và niêm yết, hoạt động của DN sẽ chịu sự kiểm soát cao từ ban kiểm soát, hội đồng quản trị, cổ đông và đại hội đồng cổ đông.

Ông Trần Hữu Chinh - nguyên Chủ tịch Công ty Fidico (mã chứng khoán: FDC) hiện là Phó chủ tịch VACD chia sẻ, khi tiến hành CPH hay niêm yết, DN cần xác định mình muốn phát triển công ty theo dạng nào: Dạng công ty cần phát triển lớn hơn hay chỉ cần dừng ở mức phát triển vừa phải là đủ.

Nếu xác định cần mở rộng DN lên tầm vóc mới thì CPH là cần thiết. Vì CPH giúp DN triển khai được các chiến lược huy động vốn hiệu quả. Mặt tích cực của CPH là DN được định giá tương đối chính xác. Toàn bộ tài sản, nợ, thương hiệu… đều được tính toán và định thành giá trị, chia ra thành cổ phiếu. Cổ phiếu được mua bán trên thị trường, tạo tính thanh khoản và đem lại lợi ích cho cổ đông.

Nhưng CPH và niêm yết cũng đặt ra nhiều vấn đề cần cân nhắc. Đó là rủi ro quyền hành có thể về tay người khác. Từ đây, chiến lược phát triển công ty cũng có thể bị thay đổi.

Theo ông Chính, đó là rủi ro mà DN cần học cách chấp nhận và nếu rơi vào tình cảnh này, DN có thể coi đó là biến cố trong kinh doanh. Những DN nhỏ, dạng quy mô gia đình, đã phát triển ổn định trên thị trường, đủ nguồn vốn, định hướng phát triển trong tầm kiểm soát thì không cần thiết phải niêm yết.

Ông Johan Nyvenne - Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán HSC cho rằng, để đánh giá được - mất từ cổ phần hóa và niêm yết DN, cần nhìn lại 4 khái niệm mà Việt Nam hay nhầm lẫn.

Ông Johan Nyvene - Tổng giám đốc Công ty chứng khoán HSC chia sẻ tại sự kiện

Đầu tiên, CPH, niêm yết chỉ là một công đoạn của phát hành cổ phiếu ra công chúng. CPH là đặc thù của Việt Nam, chỉ những DN có vốn Nhà nước mới cổ phần hóa. Còn niêm yết chỉ là thủ tục hành chính.

Mục đích cuối cùng của phát hành ra công chúng là để DN tiếp cận thị trường vốn. Những mục tiêu khác như minh bạch thông tin, yêu cầu xây dựng ban bệ, điều hành, quản trị… chỉ là công cụ và là điều kiện giúp DN huy động vốn và nhà đầu tư thoái vốn thuận lợi.

Ở một công ty niêm yết, người chủ thực sự là các cổ đông. Nếu nhân viên là cổ đông, họ không còn là người làm thuê mà là chủ. Họ có quyền lên tiếng về bất cứ điều gì.

Ở DN niêm yết, định giá cổ phiếu không phải nhìn ở giá cao hay thấp mà ở khả năng kiếm tiền của DN là bao nhiêu. Nếu DN “nhiều chấm” nhưng cho khả năng sinh lời cao hơn nhiều lần giá cổ phiếu thì giá này không đắt. Ngược lại, một cổ phiếu 2 đồng nhưng không tạo ra được lợi nhuận thì đây là khoản đầu tư đắt đỏ và thua lỗ.

Trên cơ sở nhìn vào 4 tiêu chí: Lợi nhuận trên vốn (ROE), chỉ số thị giá phải trả trên lợi nhuận tạo ra (P/E), chỉ số chia cổ tức trên giá cổ phiếu, giá trên giá trị sổ sách, mới có thể biết được niêm yết đó là được hay mất.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
4 tiêu chí đánh giá hiệu quả việc niêm yết
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO