Chứng khoán trước thách thức sức ép lãi suất

Khánh Phương| 11/05/2022 06:09

Tín hiệu tăng lãi suất nhanh hơn của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) chỉ càng củng cố thêm lo ngại Việt Nam rồi sẽ đi theo kịch bản tương tự. Thực tế lãi suất tiền gửi đã tiếp tục bật tăng trở lại trong những tuần gần đây, trong khi lợi suất trái phiếu chính phủ cũng đi lên trở lại, gây ra nỗi lo ngại thị trường chứng khoán sẽ còn bị ảnh hưởng mang tính dài hạn hơn.

Lại bán tháo

Phiên giao dịch cuối tuần rồi chứng kiến thị trường chứng khoán tiếp tục bị bán tháo không thương tiếc, với chỉ số VN-Index bốc hơi hơn 31,4 điểm, tương đương giảm 2,3%, còn chỉ số HNX-Index lao dốc gần 15,3 điểm, tương đương giảm gần 4,3%, trong khi chỉ số UPCOM-Index rớt gần 1,9%. Như vậy, chỉ trong ba ngày giao dịch đầu tiên của tháng 5, VN-Index đã mất 37,5 điểm, tương đương giảm 2,7%, theo đó vốn hóa trên sàn HOSE đã bốc hơi hơn 147 nghìn tỷ đồng.

Sau giai đoạn bán tháo trong tháng 4 vì áp lực bán giải chấp cổ phiếu của nhà đầu tư từ các công ty chứng khoán, có vẻ như thị trường xu hướng này vẫn chưa kết thúc, trong bối cảnh thị trường dường như vẫn chưa tìm thấy đáy, cộng thêm nỗi lo ngại về các thông tin xấu sẽ còn tiếp tục xuất hiện trong thời gian tới. Thực tế trong phiên giảm cuối tuần rồi, nhiều nhóm cổ phiếu có liên quan với nhau giảm sàn trở lại, cho thấy nhà đầu tư đang lo ngại những rủi ro tiềm ẩn liên quan đến lãnh đạo doanh nghiệp có thể lại xuất hiện.

Cũng cần nhắc lại rằng, diễn biến tăng nóng của các cổ phiếu đầu tư ở giai đoạn cuối năm 2021 đã tạo nên làn sóng sử dụng vốn vay ký quỹ (margin) mạnh mẽ để lướt sóng cổ phiếu và thời quan gần đây các cổ phiếu có tính đầu cơ này bị bán giải chấp rất lớn, khiến nhiều phiên xuất hiện tình trạng "trắng bên mua". Khi việc bán giải chấp những cổ phiếu này không thành công, hiệu ứng lây lan sẽ xuất hiện khi các công ty chứng khoán kích hoạt bán tất cả cổ phiếu còn lại của nhà đầu tư để thu hồi nợ, tạo nên  lực bán lan rộng trên thị trường, ngay cả ở nhóm cổ phiếu cơ bản và vốn hóa lớn.

Bên cạnh đó, việc thị trường chứng khoán Mỹ bất ngờ đảo chiều và giảm mạnh trong phiên ngày 5/5, với chỉ số Dow Jones bốc hơi 1.000 điểm, còn chỉ số Nasdaq lao dốc 5%, cũng ảnh hưởng đáng kể lên tâm lý nhà đầu tư trong nước, kéo theo đà giảm điểm của chứng khoán Việt Nam trong phiên ngày 6/5. Việc FED tăng lãi suất đến 0,5% trong cuộc họp tháng 5 đang gây xáo trộn các thị trường và khiến những kênh đầu tư có tính nhạy cảm với lãi suất như chứng khoán chịu áp lực lớn nhất. 

Ngoài ra, thị trường trái phiếu kho bạc cũng chứng kiến sự đảo chiều đầy kịch tính so với đà phục hồi trong ngày thứ tư. Lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm, vốn đi ngược với giá trái phiếu, nhảy vọt hơn 3% trong ngày thứ năm và chạm mức cao nhất kể từ năm 2018. Lãi suất cao có thể gia tăng áp lực đối với các cổ phiếu công nghệ thiên về tăng trưởng vì khiến cho lợi nhuận từ nước ngoài kém hấp dẫn đối với nhà đầu tư.

20220506-VNIndex-9890-1652257411.jpg

Nỗi lo lãi suất

Tín hiệu tăng lãi suất nhanh hơn của FED chỉ càng củng cố thêm lo ngại Việt Nam rồi sẽ đi theo kịch bản tương tự. Thực tế lãi suất tiền gửi đã tiếp tục bật tăng trở lại trong những tuần gần đây, trong khi lợi suất trái phiếu chính phủ cũng đi lên trở lại, gây ra nỗi lo ngại thị trường chứng khoán sẽ còn bị ảnh hưởng mang tính dài hạn hơn.

Cụ thể, trong tuần đầu tiên của tháng 5, "cuộc đua" tăng lãi suất huy động đã có thêm sự góp mặt của một số ngân hàng thương mại với mức tăng từ 0,1-0,4%/năm so với thời điểm này tháng trước. Với mặt bằng lãi suất cao hơn không chỉ thúc đẩy dòng vốn đang nằm ở các kênh đầu tư như chứng khoán dịch chuyển ngược trở lại các ngân hàng, mà còn có thể kéo theo áp lực chi phí lãi vay của các doanh nghiệp gia tăng, ảnh hưởng lên lợi nhuận và định giá cổ phiếu của doanh nghiệp.

Cần nhớ rằng trong hai năm qua, trước xu hướng lãi suất liên tục giảm xuống mức thấp để hỗ trợ nền kinh tế ứng phó với đại dịch Covid-19, một dòng tiền rất lớn đã chuyển dịch từ kênh tiền gửi tiết kiệm ngân hàng để rót vào đầu tư trên thị trường chứng khoán, thể hiện qua sự tham gia ồ ạt của các nhà đầu tư F0 với hàng trăm nghìn tài khoản mở mới mỗi tháng. Nay nếu nhận thấy lãi suất đã tạo đáy và đang có xu hướng trở lại, xu hướng này sẽ đảo chiều có lẽ là điều tất yếu.

Nếu tính từ đỉnh cao 1.530 điểm đạt được vào ngày 4/4, chỉ số VN-Index tính đến ngày 6/5 đã giảm hơn 200 điểm, tương đương giảm hơn 13%. Mức thấp nhất gần đây nằm tại 1.261 điểm vào ngày 26/4, tương đương mức sụt giảm 17,6%. Những đợt phục hồi yếu ớt sau đó với thanh khoản thấp mang đến lo ngại về các bẫy tăng giá nhiều hơn. Một số ý kiến cho rằng xu hướng điều chỉnh có thể còn chưa kết thúc, với dự báo VN-Index thậm chí có thể tiếp tục rớt xuống vùng 1.200 điểm.

Tuy nhiên, cũng cần lưu ý nếu để mất mốc này, VN-Index cũng sẽ ghi nhận mức sụt giảm trên 20% tính từ đỉnh cao mới thiết lập gần nhất, chính thức báo hiệu chứng khoán Việt Nam đã bước vào thị trường con gấu. Với những gì đang diễn ra, triển vọng của thị trường vào lúc này dường như vẫn đang khá ảm đạm và bi quan.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Chứng khoán trước thách thức sức ép lãi suất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO