Chứng khoán trong vòng xoáy bán giải chấp

Khánh Phương| 10/11/2022 05:53

Nếu như trước đây chỉ có các nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ, những người thiếu khả năng quản trị tiền mặt và thường sử dụng vốn vay ký quỹ quá đà mới là nạn nhân bị bán giải chấp cổ phiếu trong những giai đoạn thị trường điều chỉnh, thì nay ngay cả những lãnh đạo doanh nghiệp (DN), cổ đông lớn với tiềm lực tài chính vững mạnh, cũng không tránh khỏi vòng xoáy bị bán giải chấp cổ phiếu.

Đến lượt lãnh đạo, cổ đông lớn bị bán giải chấp cổ phiếu

Cổ phiếu Công ty CP Phát triển bất động sản Phát Đạt (HoSE: PDR) đã có những phiên giảm sàn liên tiếp gần đây, trong bối cảnh nhóm ngành bất động sản (BĐS) liên tục bị bán tháo khiến nhiều cổ đông nội bộ, lãnh đạo DN rơi vào vòng xoáy bị bán giải chấp cổ phiếu. Cụ thể vào sáng 7/11/2022, Công ty CP Chứng khoán Tân Việt (TVSI) thông báo sẽ bắt đầu bán giải chấp cổ phiếu đối với ông Nguyễn Văn Đạt - Chủ tịch HĐQT PDR, với số lượng dự kiến 750.000. Cùng với đó, TVSI cũng sẽ bán giải chấp 720.000 cổ phiếu PDR thuộc sở hữu của Công ty TNHH Phát Đạt Holdings.

Ông Nguyễn Khánh Hưng - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư LDG cũng bị buộc bán ra 713.000 cổ phiếu LDG thông qua phương thức khớp lệnh trong ngày 28/10/2022. Hay như ông Đinh Văn Thanh - Phó tổng giám đốc Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HBC) cũng bị Chứng khoán VPS bán giải chấp 24.500 cổ phiếu vào ngày 24/10/2022. 

Trước đó, do bị giải chấp cổ phiếu, ông Nguyễn Tuấn Anh - thành viên HĐQT độc lập của Công ty CP Phát triển nhà Bà Rịa - Vũng Tàu (HDC) bán 105.000 cổ phiếu và Công ty CP Đầu tư Thiên Anh Minh, tổ chức liên quan ông Nguyễn Tuấn Anh bán 105.000 cổ phiếu trong hai ngày 25 và 26/10/2022.

Diễn biến giá cổ phiếu DIG trong một năm qua

Diễn biến giá cổ phiếu DIG trong một năm qua

Tuy nhiên, tâm điểm bán giải chấp có lẽ phải nhắc đến cổ phiếu Tổng công ty CP Đầu tư Phát triển Xây dựng (HoSE: DIG). Ngày 7/1/2022, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam (YSVN) thông báo sẽ bán giải chấp hơn 2,13 triệu cổ phiếu DIG thuộc sở hữu của ông Nguyễn Thiện Tuấn - Chủ tịch HĐQT Tổng công ty CP Đầu tư Phát triển Xây dựng (DIC Corp). Tương tự, ông Nguyễn Hùng Cường - con trai ông Tuấn và bà Nguyễn Thị Thanh Huyền - em dâu ông Tuấn, cũng sẽ bị ép bán lần lượt 1,47 triệu cổ phiếu và 1,44 triệu cổ phiếu DIG. Cả hai cổ đông này đang là Phó chủ tịch HĐQT DIC Corp.

Trước đó, Công ty Chứng khoán Mirae Asset (MAS) đã thông báo về việc sẽ bán giải chấp 2,8 triệu cổ phiếu DIG thuộc sở hữu của ông Nguyễn Thiện Tuấn từ ngày 4/11/2022. Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) mới đây cũng công bố một loạt báo cáo giao dịch của cổ đông lớn, người nội bộ và người có liên quan của DIC Corp (mã DIG). Theo đó, chỉ trong vòng ít ngày, các lãnh đạo và cổ đông lớn của DIC Corp đã đồng loạt bị công ty chứng khoán bán giải chấp tổng cộng 8,6 triệu cổ phiếu DIG.

Khan hiếm thanh khoản và cuộc chơi mạo hiểm

Nếu như trước đây chỉ có các nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ, những người thiếu khả năng quản trị tiền mặt và thường sử dụng vốn vay ký quỹ quá đà, mới là nạn nhân bị bán giải chấp cổ phiếu trong những giai đoạn thị trường điều chỉnh, thì gần đây ngay cả những lãnh đạo DN, cổ đông lớn với tiềm lực tài chính vững mạnh, cũng không tránh khỏi vòng xoáy bị bán giải chấp cổ phiếu.

Trong chuỗi giảm điểm mạnh mẽ hơn 6 tháng qua, áp lực từ việc bán giải chấp cổ phiếu là một trong những yếu tố kéo thị trường rớt sâu. Ban đầu chỉ là những nhà đầu tư cá nhân, sau đó đến các tổ chức bị bán giải chấp khiến cổ phiếu càng giảm sâu, khiến lần lượt các cổ đông lớn rồi đến lãnh đạo DN cũng liên tục bị bán giải chấp cổ phiếu. Và với lượng cổ phiếu sở hữu khổng lồ thì lại càng khiến giá tiếp tục giảm mạnh và rồi áp lực bán giải chấp cứ thế tiếp tục.

Nhiều chủ DN thường cầm cố cổ phiếu công ty để vay vốn ngân hàng phục vụ sản xuất, kinh doanh. Và nếu như trước đây với lượng tiền rẻ dễ dàng tiếp cận, thanh khoản trong nền kinh tế dồi dào, khả năng tiếp cận tín dụng không quá khó khăn, mỗi khi chịu áp lực cần phải bổ sung tiền ký quỹ, chủ DN thường cầm cố cổ phiếu để vay vốn ngân hàng để đỡ giá, nhưng giờ đây điều đó không dễ dàng nữa. 

Với dòng vốn tín dụng ngân hàng đang bị kiểm soát chặt chẽ, đặc biệt là vốn rót vào lĩnh vực chứng khoán hay BĐS, thời gian qua nhiều chủ DN buộc phải sử dụng luôn cả vốn vay ký quỹ ở các công ty chứng khoán, để bổ sung vốn lưu động hoặc nhu cầu mua lại trái phiếu trước hạn. Nhưng đây lại là con dao hai lưỡi vì một khi giá cổ phiếu liên tục đi xuống, lượng cổ phiếu sẽ bị bán giải chấp, nhất là khi chính các công ty chứng khoán chịu áp lực thanh khoản và nguồn tiền để mua lại trái phiếu trước hạn theo yêu cầu của nhà đầu tư. Hệ quả là nhiều cổ phiếu đã bị bung ra bán giải chấp tại mức giá sàn với hàng triệu đơn vị trong những phiên vừa qua.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Chứng khoán trong vòng xoáy bán giải chấp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO