Chưa đầy 8 tháng kiếm 1 tỷ đô nhờ tiền mã hoá. Tiền thật hay tiền ảo?

31/03/2018 02:29

Câu chuyện Zhao Changpeng - cha đẻ của sàn giao dịch tiền mã hóa Binance - kiếm hơn 1 tỷ USD trong vòng chưa đầy 8 tháng đang "hút" sự quan tâm của không chỉ giới công nghệ mà cả các chính phủ.

Chưa đầy 8 tháng kiếm 1 tỷ đô nhờ tiền mã hoá. Tiền thật hay tiền ảo?

Cha đẻ của sàn giao dịch tiền mã hoá Binance. Ảnh: Bitcoinist.com

Zhao Changpeng bắt đầu khởi nghiệp trong lĩnh vực tiền mã hóa vào năm 2013 tại blockchain.info - một đơn vị cung cấp ví điện tử, sau khi theo học ngành kỹ sư máy tính và đã có vài năm phát triển hệ thống giao dịch cho nhiều công ty, trong đó có Bloomberg L.P. Tới năm 2014, vì tin chắc vào triển vọng của tiền mã hoá, nên Zhao đã bán căn hộ của mình ở Thượng Hải với giá 1,1 triệu USD và đổ hết tài sản vào Bitcoin.

Cuộc đời "lên hương" nhờ tiền mã hoá...

Tháng 7/2018, Zhao Changpeng trở thành cha đẻ của sàn giao dịch tiền mã hoá Binance - chỉ 11 ngày sau khi anh được góp vốn 15 triệu USD từ quá trình ICO (Initial Coin Offering - lần phát hành token đầu tiên ra sàn chứng khoán các đồng tiền ảo, tương tự IPO nhưng sử dụng tiền mã hoá thay cho cổ phiếu) cho Binance. Sàn giao dịch của Zhao nhanh chóng trở nên phổ biến với người có nhu cầu; có thời điểm, lượng giao dịch một ngày tương đương với 11 tỷ USD.

Zhao Changpeng, nickname là CZ, khá khác biệt so với các tỷ phú tiền ảo thông thường. Cha đẻ của sàn giao dịch tiền mã hoá Binance già dặn hơn so với những người cũng theo đuổi tiền mã hoá khác và không mấy hứng thú với lối sống xa hoa lẫn vị trí tỷ phú mà tiền mã hoá mang lại. Trang phục thường thấy của Zhao là áo hoodie hoặc áo phông với dòng chữ Binance. Ngoài tiền mã hoá ra, tỷ phú trẻ này có rất ít sở thích.

Khi trả lời báo giới hay trong các cuộc nói chuyện cá nhân, Zhao đều nhấn mạnh việc chỉ tập trung vào tiền mã hoá và mục tiêu phục vụ cho khoảng 8 triệu người tin dùng Binance cũng như mong muốn biến Binance thành sàn giao dịch mang đẳng cấp quốc tế. Cha đẻ của sàn giao dịch tiền mã hoá Binance chia sẻ: “Tôi thực sự không thể ngừng suy nghĩ về Binance”.

Và, ước mơ trên đã trở thành hiện thực, khi trong chưa đầy 8 tháng, Binance đã trở thành sàn giao dịch tiền mã hoá lớn nhất thế giới, nếu xét theo giá trị giao dịch. Được biết, trong quý gần nhất, lợi nhuận của Binance lên tới 200 triệu USD, góp phần mang về cho Zhao khối tài sản khổng lồ.

Bởi lẽ đó, mà Zhao Changpeng đã từ chàng lập trình viên vô danh trở thành tỷ phú đô la giàu có và được Forbes ưu ái dành hẳn một trang bìa vào số ra ngày 28/2/2018. Cũng theo tạp chí này, tính đến ngày 29/3/2018, tài sản ròng của Zhao đã cán mốc 1,39 tỷ USD.

Link bài viết

Đối mặt với rủi ro cũng vì tiền mã hoá

Tuy nhiên, sau đà tăng trưởng chóng mặt bất chấp tính chính danh đương nhiên phải có của các tổ chức tài chính (lý do là Binance không có tài khoản ngân hàng hoặc địa chỉ công khai cụ thể), Binance và Zhao đang phải đối mặt với nhiều rủi ro đe dọa sẽ đánh sập sàn giao dịch này cũng như làm bốc hơi toàn bộ tài sản. 

Những rủi ro đó bao gồm: Lượng giao dịch và giá trị tiền mã hóa giảm dần sau đợt chạm đỉnh hồi tháng 12/2017, số vụ tấn công các sàn giao dịch từ hacker ngày một tăng v.v... Song, điều đáng lo ngại nhất cho Binance cũng như các sàn tiền mã hóa khác, chính là việc chính phủ nhiều nước tiếp tục siết chặt quản lý thị trường cũng như hạn chế giao dịch bằng tiền mã hóa.

Binance vốn có trụ sở đầu tiên được thành lập tại Hong Kong vào năm 2017, song trước sức ép từ các cơ quan chức năng trong việc kiểm soát hoạt động của những sàn tiền mã hóa, sàn giao dịch này cũng như những người bạn khác của nó khó tìm được một nơi để đặt văn phòng lâu dài.

Mới đây, Binance đã xin được cấp phép hoạt động cho một văn phòng ở Nhật, nhưng kế hoạch này cũng đã thất bại. Thứ Sáu tuần trước, Cơ quan Dịch vụ Tài chính Nhật Bản (FSA) đã ra cảnh báo và yêu cầu sàn giao dịch này ngừng ngay việc hoạt động  không có giấy phép. Bên cạnh đó, nguồn thạo tin cũng cho hay Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch kỳ hạn Hong Kong (Hong Kong’s Securities and Futures Commission) đã yêu cầu Binance dừng việc giao dịch với tiền mã hóa, thứ được quy định như là chứng khoán.

Và, dầu cho những rủi ro trên có thể khiến cho vị tỷ phú tiền mã hóa lo lắng, song có một điều chắc chắn là cha đẻ của sàn giao dịch tiền mã hoá Binance không hề bộc lộ nó ra bên ngoài. Khi bị FSA cảnh báo hồi tuần trước, Zhao đã đăng trên trang Twitter của mình như sau: “Cơ hội mới (thường là tốt hơn) lúc nào cũng xảy đến khi có sự thay đổi”. Trong 2 tháng gần đây, Zhao đã trả lời Bloomberg rằng đối với anh, chính sách quản lý của các nước là một loại rủi ro và anh rất muốn cùng làm việc với các cơ quan có thẩm quyền về vấn đề tiền mã hóa. 

Đồng thời, cha đẻ của sàn giao dịch tiền mã hoá Binance luôn bày tỏ sự lạc quan đối với tiền mã hóa. Zhao nói: “Tôi cam đoan 100% rằng tiền mã hóa chính là tương lai của chúng ta”.

Hai chiều dư luận

Tuy nhiên, không phải ai cũng đồng quan điểm với Zhao Changpeng. Thomas Glucksmann - Trưởng phòng phát triển kinh doanh khu vực Châu Á - Thái Bình Dương của Gatecoin Ltd - cho biết: “Điều kiện pháp lý và quy định đối với tiền mã hóa hiện nay không khác gì một bãi mìn cả. Số lượng các cơ quan có thẩm quyền chào đón các mô hình kinh doanh tiền mã hóa chỉ có thể được đếm trên đầu ngón tay và con số này còn ít hơn nữa đối với các sàn giao dịch”.

Còn David Shin - Chủ tịch của Hiệp hội Asia Fintech Singapore - thì đánh giá như sau: “Binance thiếu hẳn quy định cũng như tính minh bạch. Nó giống như việc một chiếc xe tải tự do đậu trước cửa một tòa cao ốc văn phòng để bán cà phê, trong khi cửa hàng bán cà phê hợp pháp trên phố phải gánh đủ loại thiệt hại”.

Về mức độ minh bạch thông tin của sàn giao dịch, Zhao cho biết chính sách thông tin khách hàng của Binance giống với chính sách tại các sàn giao dịch đặt tại Mỹ. Ngoài ra, trong việc đánh giá một đồng tiền có đủ điều kiện để được niêm yết lên sàn hay không, thì Binance có cách tiếp cận tương tự với các quỹ đầu tư mạo hiểm. Zhao nói rằng Binance ưu tiên các đồng tiền mã hóa có thể truy xuất được lịch sử giao dịch. 

Dầu vậy, Zhao nói rằng sàn giao dịch của mình muốn giảm thiểu sự giám sát từ phía chính phủ. Cha đẻ của sàn giao dịch tiền mã hoá Binance từng trả lời phỏng vấn như sau: “Chúng tôi cảm thấy ổn khi tiến hành công việc một cách sáng tạo để có thể tránh vướng phải những quy định không cần thiết”.

Link bài viết

Cụ thể, Zhao giữ kín địa chỉ các văn phòng và máy chủ của Binance, đồng nghĩa với việc rất khó để xác định xem chính phủ nước nào có quyền quản lý sàn giao dịch này. Ngoài ra, Zhao cũng căn dặn nhân viên giữ kín về mối liên hệ của họ đối với Binance trên các mạng xã hội. Tỷ phú tiền mã hóa cho biết anh không sống tại một chỗ cụ thể mà thuê nhà hay khách sạn ngắn ngày ở Singapore, Đài Loan hay Hong Kong.

Zhao cũng giữ cho Binance có khoảng cách đối với hệ thống tài chính truyền thống cũng như các quy định đi kèm với nó. Sàn giao dịch của Zhao chỉ cho phép mua bán qua lại giữa các đồng tiền mã hóa với nhau, chứ không được từ tiền mã hóa sang các loại tiền pháp định như USD hay Euro. Để chuyển lương cho nhân viên, Binance cũng không dùng tài khoản ngân hàng, mà thay vào đó là sử dụng các sàn giao dịch cho phép đổi từ tiền mã hóa sang tiền pháp định.

Cha đẻ của sàn giao dịch tiền mã hoá Binance cũng từ chối yêu cầu cung cấp bằng chứng cho tài sản cá nhân của mình cũng như không đồng ý chia sẻ báo cáo tài chính của công ty cho Bloomberg. Và, trong khi lợi nhuận của Binance đứng đầu thế giới trong vòng 24 giờ qua, theo thông tin từ Coinmarketcap, hiện Binance cũng chưa có bất kỳ một đơn vị kiểm toán nào cho lượng giao dịch của mình.

Dầu cách làm của Binance có thể bị nhiều người chỉ trích, song sàn giao dịch này cũng có không ít người ủng hộ, ít nhất là ở đảo quốc Malta. Ngày 23/3 vừa qua, Thủ tướng của Malta - Joseph Muscat - đã đăng dòng tweet chào đón sàn giao dịch này đến với nước mình, sau khi Bloomberg đưa tin Binance đang lên kế hoạch mở văn phòng tại Malta. Lý do là vì Malta đang đặt mục tiêu trở thành trung tâm tiền mã hoá cũng như một nút giao của công nghệ blockchain tại Liên minh châu Âu.

Được biết, Zhao đã trao đổi với chính phủ Malta về việc hợp pháp hoá tiền mã hoá. Trong một buổi phỏng vấn, Zhao cho biết sẽ sớm khởi động dịch vụ “đổi tiền pháp định ra tiền mã hoá” tại đảo quốc này và hiện đang tiến gần tới việc đạt được thỏa thuận với các ngân hàng Malta.

Đây sẽ có thể được xem là bước ngoặt lớn cho Binance cũng như Zhao. Tuy nhiên, có một điều chắc chắn là nó sẽ không thể giúp cho sàn giao dịch tiền mã hoá này tránh khỏi sự giám sát từ phía chính phủ Malta. Hơn nữa, trong bối cảnh mà các chính sách có liên quan đến giám sát tiền mã hoá từ phía nhiều quốc gia ngày một tăng và vụ "bốc hơi" số tiền mã hoá tương đương 500 triệu USD của sàn Coincheck còn chưa lắng dịu, thì ước muốn “tránh vướng phải những quy định không cần thiết” của cha đẻ của sàn giao dịch tiền mã hoá Binance xem ra khó thành hiện thực.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Chưa đầy 8 tháng kiếm 1 tỷ đô nhờ tiền mã hoá. Tiền thật hay tiền ảo?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO