Chủ tịch Hồ Chí Minh - tấm gương sáng ngời về tinh thần học và tự học

DNSG| 20/05/2023 00:00

Bằng sự yêu kính và sự ngưỡng mộ dành cho Chủ tịch Hồ Chí Minh, tác giả Đông Phương đã sưu tầm, tuyển chọn thực hiện cuốn sách “Học Bác tinh thần học và tự học”.

Sách do NXB Dân Trí phát hành năm 2022, gồm 18 bài về những chiêm nghiệm, suy ngẫm của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, giảng viên, nhà báo và cả các em học sinh về tư tưởng học và tự học của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Theo tác giả Đông Phương, tự học và học tập suốt đời là luận điểm quan trọng trong tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục. Và Bác cũng chính là tấm gương mẫu mực nhất cho tinh thần tự học và học tập suốt đời.

Cả cuộc đời học và tự học

Hành trình tự học của Chủ tịch Hồ Chí Minh bắt đầu từ thuở ấu thơ, khi được thừa hưởng truyền thống của gia đình và quê hương xứ Nghệ. Sinh ra trong một gia đình nhà nho yêu nước, từ nhỏ, Nguyễn Tất Thành đã được gửi đi học chữ Hán với các bậc trí thức yêu nước.

Sách gồm nhiều bài viết cho thấy tinh thần tự học không ngừng nghỉ của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Bìa sách Học Bác tinh thần học và tự học

Năm 1908, Nguyễn Tất Thành học trường Quốc học Huế, sau đó, Người học lớp Cao đẳng tại Trường Tiểu học Pháp - Việt (Quy Nhơn). Tốt nghiệp, Người dừng chân ở Phan Thiết làm trợ giáo ở trường Dục Thanh. Đây là quãng thời gian Người học thêm nhiều kiến thức từ tủ sách của trường.

Năm 1911, ra đi tìm đường cứu nước, Nguyễn Tất Thành chỉ có một khát vọng duy nhất là tìm đường giải phóng dân tộc. Đến đâu, Người cũng tìm mọi cách để học. Những năm tháng bôn ba hải ngoại, làm đủ nghề để kiếm sống, Người đều tranh thủ thời gian tự học.

Sau một thời gian tự học miệt mài, hiểu biết sâu rộng, Nguyễn Ái Quốc viết báo và trở thành nhà báo có tiếng ở Paris. Người là chủ nhiệm kiêm chủ bút tờ báo “Le Paria” (Người cùng khổ). Đỉnh cao phải kể đến tác phẩm Bản án chế độ thực dân Pháp, thể hiện ngòi bút sắc bén, trình độ lý luận sâu sắc, là thành quả lớn lao quá trình tự học của Bác.

Người không chỉ dừng chân ở Pháp mà còn đến Italy, Đức, Thụy Sĩ, Anh… để học hỏi, mở mang tầm mắt và bổ trợ những kiến thức đọc trong sách. Những ngày bị giam trong nhà tù của chế độ Tưởng Giới Thạch, Người vẫn nêu cao tinh thần học tập.

Sau này, trên cương vị cao nhất của Đảng và Nhà nước, bận trăm công nghìn việc, Bác vẫn không ngừng học tập, đọc thêm nhiều tài liệu, sách báo nước ngoài.

Cần xây dựng một xã hội học tập

Theo Bác, tự học là tự động học tập, việc học tập do chính bản thân người học quyết định, không cần sự nhắc nhở của ai. Đồng thời, học tập phải có phương pháp, có sự lựa chọn vì kiến thức là vô hạn, trong khi trình độ của con người là hữu hạn. Phương pháp tự học của Bác là: Tranh thủ thời gian và những điều kiện sẵn có (thư viện, Câu lạc bộ, sách báo, bảo tàng, các buổi nói chuyện, hội thảo…). Ngoài ra, cần tranh thủ sự hướng dẫn của bạn bè, đồng nghiệp, thực hiện phương pháp học mọi lúc mọi nơi, học trong giao tiếp hằng ngày, học trong việc lớn cũng như việc nhỏ, trong thành công cũng như thất bại.

Trong lao động, làm việc là quá trình tự học tập, tích luỹ, bổ sung kinh nghiệm, nghiên cứu kinh nghiệm cũ cho việc thực hành cái mới, lại đem cái mới để phát triển kinh nghiệm cũ sao cho đầy đủ, dồi dào thêm.

Để đạt kết quả tốt, phải có tinh thần vượt gian khó để học tập. Người lưu ý mỗi người phải học với thái độ khiêm tốn, không được tự cho mình biết hết mọi thứ. Người phê bình việc học để chạy theo thành tích.

Theo Bác, việc học phải là suốt đời, cần xây dựng một xã hội học tập. Người cho rằng “giặc dốt” đáng sợ không kém gì “giặc đói”. Con đường để Việt Nam tiến lên, để non sông gấm vóc được tươi đẹp trường tồn chỉ có thể là con đường của khoa học, của tri thức.

Bác Hồ luôn tranh thủ học mọi lúc, mọi nơi...
Bác Hồ luôn tranh thủ học mọi lúc, mọi nơi... Ảnh: Tư liệu

Người chia sẻ với các đảng viên, “Học để làm việc, làm người, làm cán bộ. Học để phụng sự đoàn thể”; “Học phải có ý chí quyết tâm để phục vụ nhân dân, chứ không phải học để thăng quan, tiến chức”.

Bác đề cao việc học ngoại ngữ. Trong bản lý lịch dự Đại hội Quốc tế Cộng sản lần thứ 7, Người ghi nói được 7 thứ tiếng: Pháp, Anh, Trung Quốc, Ý, Đức, Nga. Tuy nhiên, dựa vào những lần Bác đi học nước ngoài cũng như đón tiếp phái đoàn đến Việt Nam, có thể thấy, Bác còn có thể sử dụng nhiều ngoại ngữ khác như: Thái Lan, Tây Ban Nha, Ả Rập và tiếng nhiều dân tộc thiểu số Việt Nam…

Phương pháp học ngoại ngữ của Người là phải yêu thích ngôn ngữ mới và không sợ mắc lỗi khi nói cũng như sử dụng văn phạm; Học từ vựng có hệ thống; Vận dụng kiến thức đã biết và thường xuyên sử dụng; Học đều đặn, kiên trì, mỗi ngày học 10 từ ở bất kỳ nơi nào cho đến khi thuộc, hôm sau lại học 10 từ khác, cứ thế tích luỹ dần.

Ngoài ra, Bác cũng nhấn mạnh việc đọc sách báo. Người đọc sách bằng chữ quốc ngữ, sách Hán và đọc cả sách Pháp. Theo Người, làm công việc gì cũng cần đọc sách báo, đặc biệt, làm lãnh đạo phải đọc để quản lý, lãnh đạo tốt hơn. Làm nhà báo, nhà văn càng cần phải đọc.

Cán bộ, nhân viên Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn chia sẻ những bài học từ Bác Hồ qua cuốn sách

Quá trình học và tự học đã giúp Bác có hiểu biết rộng, có tư duy độc lập, sáng tạo, tự chủ, có trí tuệ thiên tài, dù Người từng tâm sự: “Về văn hóa tôi chỉ học hết tiểu học, về hiểu biết phổ thông, 17 tuổi tôi mới nhìn thấy ngọn đèn điện đầu tiên”.

Học Bác tinh thần học và tự học là cuốn sách đáng đọc để hiểu hơn quá trình học và tự học của Bác. Qua đó, giúp người đọc ở mọi thành phần, lứa tuổi trong xã hội học hỏi, noi theo để phấn đấu hơn trong công việc và cuộc sống.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Chủ tịch Hồ Chí Minh - tấm gương sáng ngời về tinh thần học và tự học
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO