Ảnh: PH |
* Trước đây ông nói thị trường chứng khoán tăng hay giảm là do nền kinh tế tốt hay xấu. Đến thời điểm này, quan niệm ấy vẫn đúng?
- Về bản chất, nếu chỉ một vài cổ phiếu tăng giá thì có lẽ không xuất phát từ điều kiện kinh tế, nhưng nếu cả thị trường cùng tăng thì chắc chắn do nền kinh tế tác động, vì thị trường chứng khoán là hàn thử biểu của nền kinh tế.
Hiện nay, kinh tế nước ta đã tốt hơn nhiều nếu nhìn vào một loạt chỉ số. Trước đây tăng trưởng kinh tế chủ yếu dựa vào khai thác tài nguyên khoáng sản, hiện nay đã chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng tích cực, tức dựa nhiều hơn vào công nghệ tiên tiến và năng suất, dịch vụ. Đó là yếu tố nền tảng cho phát triển bền vững. Có thể thấy, GDP tăng trưởng nhưng nợ xấu không tăng, tỷ giá trong vòng kiểm soát. Trước đây kinh tế tăng trưởng là kèm với lạm phát và lãi suất rất cao.
Chính phủ đang có nhiều chính sách sát đúng về tài chính - tiền tệ, trong đó có cơ cấu lại hệ thống ngân hàng, xử lý nợ xấu, hài hòa giữa chính sách tiền tệ và tài khóa; cổ phần hóa hầu hết doanh nghiệp nhà nước, giảm thiểu việc Nhà nước can thiệp vào việc kinh doanh, trao vai trò kinh doanh cho tư nhân và coi việc phát triển kinh tế tư nhân là động lực quan trọng của nền kinh tế. Tất cả điều đó tạo ra sự minh bạch và gia tăng niềm tin cho các nhà đầu tư. Một khi niềm tin có cơ sở thì các nhà đầu tư sẵn sàng đầu tư vào kinh doanh, mua cổ phiếu.
* Vừa rồi, khi thị trường Mỹ lao dốc thì chứng khoán Việt Nam cũng "đỏ sàn". Quan điểm của ông về hiện tượng này?
- Bản thân thị trường tài chính là thị trường nhạy cảm, không có thị trường chứng khoán nào trên thế giới có thể biệt lập. Thị trường Mỹ ảnh hưởng thì tác động đến thị trường châu Âu, Nhật Bản, và ngược lại. Thị trường chứng khoán Việt Nam cũng không ngoài quy luật này. Thị trường tài chính là thị trường của niềm tin, nên khi nhà đầu tư nghĩ kinh tế hay chính trị có thể có biến động, doanh nghiệp mà mình định mua cổ phiếu đang phát triển tốt hay gặp khó thì sẽ phản ứng, hoặc tích cực, hoặc tiêu cực.
* Thị trường chứng khoán Việt Nam đang rất tốt một phần nhờ vào dòng vốn nước ngoài, nhưng dòng vốn này vào rồi lại ra. Theo ông, nó ảnh hưởng thế nào đến thị trường?
- Người ta vào vì nghĩ rằng đây là cơ hội kiếm tiền, tiêu tiền hiệu quả do bệ đỡ từ nền kinh tế đang tăng trưởng. Còn người ta ra khi cảm thấy những thị trường khác tốt hơn. Không có nhà đầu tư nào vào thị trường chứng khoán là sẽ vào mãi. Nền kinh tế thế giới luôn có chu kỳ, tăng trưởng rồi có lúc sẽ thoái trào và lại tăng trưởng. Chứng khoán cũng vậy.
* Ông có nghĩ thị trường chứng khoán Việt Nam là "ngôi sao đang lên" để dòng vốn nước ngoài đổ vào?
- Thị trường chứng khoán Việt Nam đang rất tốt, và là điểm đến cho nhà đầu tư nước ngoài. Có thể thấy điều này thông qua các yếu tố dư mua và dòng tiền vào thường xuyên, đồng thời chính dòng vốn nước ngoài cũng tạo đà cho thị trường tăng trưởng tốt nhất trong quý I/2018.
Link bài viết
* Nhưng FED vừa tăng lãi suất. Ông có lo ngại dòng vốn ngoại rút ra khỏi thị trường Việt Nam?
- Thị trường Mỹ dịch chuyển thì sẽ ảnh hưởng đến thị trường Việt Nam. Hiện nay, Mỹ tăng lãi suất dẫn đến đồng USD mạnh lên, nhưng chỉ số việc làm vẫn không được cải thiện thì nền kinh tế Mỹ sẽ có vấn đề. Tổng thống Donald Trump có những động thái khó lường, chính sách không nhất quán cũng gây ảnh hưởng đến thị trường tài chính thế giới. Nhưng các quốc gia đều có kế hoạch hành động riêng để đối phó khi đồng USD tăng hay giảm để tránh rủi ro.
* Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cố gắng đưa ra nhiều sản phẩm mới. Ông có nghĩ như vậy thì nhà đầu tư sẽ có "sân chơi" tốt hơn?
- Thị trường tài chính càng nhiều sản phẩm thì các nhà đầu tư càng có nhiều lựa chọn. Nếu thị trường quá ít sản phẩm, người ta sẽ quay sang mua đất. Thị trường tài chính sống được nhờ nhận định khác nhau về sản phẩm tài chính, dù có khi chỉ là thay vỏ sản phẩm. Một khi có nhiều sản phẩm, nhà đầu tư này cảm thấy thích mua, còn nhà đầu tư khác không thích thì bán. Do đó tạo ra thị trường có mua có bán và như vậy là có thanh khoản.
Bản thân thị trường chứng khoán không sinh ra của cải vật chất, cho nên người này được thì người khác mất. Về nguyên tắc, một người bán một sản phẩm đi, rồi ngày mai nó lên giá, có nghĩa là họ đã mất và người khác được. Cũng có thể cả hai cùng được nếu nền kinh tế tốt, thị trường cũng lên theo. Nhưng thị trường không bao giờ lên mãi được.
* Người ta hay nói đến kỳ vọng giá, mà để nhận định chính xác giá lại rất khó?
- Không có gì là hoàn hảo. Nếu cái gì cũng hoàn hảo thì không có người bán, người mua. Chẳng hạn, có người nghĩ giữ lại cổ phiếu, nhưng ngày mai lỡ nó lại xuống giá thì sao, vậy là người ta bán, nếu không, thị trường làm gì có thanh khoản.
* Vừa rồi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước tuyên bố sẽ siết margin (ký quỹ). Theo ông thì...
- Nhà nước phải luôn có kịch bản mới để lường trước thị trường, nhưng đều phải theo nguyên lý cung cầu; và phải kiểm soát margin thế nào là tốt, thế nào là vừa phải, không gây ảnh hưởng đến thị trường quá mức. Khi vượt các ngưỡng thì Nhà nước phải điều chỉnh. Nhiều khi điều chỉnh vì muốn tập trung đầu tư theo hướng nào đó nhưng nhu cầu thị trường nhiều hơn thế thì phải giảm tỷ lệ để phục vụ cái chung.
* Liệu thị trường chứng khoán Việt Nam đã phát triển đến mức hình thành trong suy nghĩ người dân đó là nơi đáng để đầu tư bên cạnh gởi tiền tiết kiệm?
- Tôi nghĩ điều này phụ thuộc vào chính sách của Nhà nước. Chẳng hạn, Singapore không đánh thuế vào phần lợi nhuận, hay Chính phủ Mỹ chỉ đánh thuế vào phần thặng dư (lợi vốn). Sắc thuế rất quan trọng trong việc mua giữ hay mua bán chứng khoán. Nếu đánh thuế vào lợi nhuận thì nhà đầu tư mua giữ, vì bán ra thì phải đóng thuế.
Để đạt đến mục tiêu cuối cùng là kênh thu hút nhà đầu tư và giữ tiền, còn phụ thuộc vào các sản phẩm tài chính cạnh tranh khác, hoặc thói quen của người đầu tư. Để chứng khoán là kênh đầu tư tốt nhất cho nhiều người thì sản phẩm phải minh bạch, có nhiều lựa chọn, và quyền lợi nhà đầu tư phải được bảo vệ.
Nhà nước phải đảm bảo các doanh nghiệp lên sàn phải công khai và minh bạch về tài chính, và phải được kiểm soát, nếu không nhà đầu tư không thể tuân thủ các điều kiện của người đưa ra sản phẩm. Làm được như thế, nhà đầu tư có thể có lời hoặc lỗ, tùy theo cách đầu tư của họ, nhưng họ không thể chấp nhận thông tin bị bưng bít hay bóp méo. Khi thông tin doanh nghiệp lên sàn minh bạch, nhà đầu tư tham gia thị trường có thể thắng, có thể thua, thua nhưng vẫn vui.
* Thời gian qua, chỉ số VN-Index tăng rất mạnh, ông có thấy đó là điều đáng lo?
- Nếu nhìn về chỉ số tăng trưởng thì không đáng lo, vì các yếu tố nội tại của nền kinh tế Việt Nam đang tốt. Trước đây, các yếu tố dễ tác động đến thị trường chứng khoán là nợ xấu, nợ quá hạn, ngân hàng mất thanh khoản, nhưng hiện giờ không còn những cản ngại ấy. Vì đang là điểm đến tốt cho dòng vốn nước ngoài, mà nếu bị phụ thuộc vào nó, rủi ro cho thị trường chứng khoán Việt Nam nằm chính ở thị trường thế giới.
Link bài viết
* Hiện thị trường chứng khoán đang còn những rào cản gì, thưa ông?
- Xem xét kỹ có thể thấy nhiều thứ chưa hoàn thiện. Nếu là cách nay 10 năm, không ai có thể nghĩ thị trường chứng khoán Việt Nam sau 10 năm lại tốt đến vậy. Thử hình dung thị trường theo cách này: không thể nào hôm nay 0 điểm, ngày mai lên 10 điểm. Nếu 0 điểm thì phải lên 1-2-3-4-5 điểm.
Những con số này vẫn là dưới trung bình theo cảm quan của nhiều người. Nhưng để từ 0 điểm lên 2 điểm, có nghĩa nội lực đã tốt đến 200%, tương tự từ 1 lên 5 điểm là 500%. Từ đó có thể thấy, thị trường đã có bước đi tốt hơn, nhanh hơn, minh bạch hơn nhiều so với kỳ vọng của 10 năm trước.
* Vừa rồi thị trường chứng khoán vượt đỉnh của năm 2007, liệu nó có khác gì so với 10 năm trước?
- Năm ấy thị trường đạt đỉnh rồi rớt một mạch xuống còn 200 điểm, nhưng giờ chỉ dao động xung quanh mức đỉnh đó. Nguyên nhân là quy mô thị trường đã khá lớn, rất nhiều quỹ đầu tư nước ngoài tham gia, cho nên các phiên xanh, đỏ phụ thuộc rất nhiều vào việc mua ròng hay bán ròng của nhà đầu tư nước ngoài bên cạnh sự hào hứng của đám đông nhà đầu tư nhỏ lẻ.
* Nhiều năm qua, SSI dẫn đầu về thị phần môi giới, điều gì khiến nhà đầu tư đặt niềm tin vào Công ty?
- Trong 18 năm hoạt động, SSI không có sự cố lớn, có thể chỉ có những sự cố ngoài mong muốn, như trục trặc hệ thống kỹ thuật, hoặc vài nhân viên chưa làm tròn trách nhiệm. SSI luôn tập trung vào sự minh bạch, trung thực trên cơ sở lấy lợi ích các bên làm nền tảng.
Ở SSI, từ sếp đến nhân viên đều thấu hiểu bảo vệ tiền của nhà đầu tư cũng như bảo vệ tiền của chính mình. Thế nên tại SSI không có phong trào đánh lên, hay lôi kéo vào cổ phiếu này, cổ phiếu kia, mà tất cả đều có thông tin đầy đủ cho nhà đầu tư lựa chọn.
Hiện nay, một số công ty chứng khoán đang nỗ lực bám đuổi SSI và tìm cách "soán ngôi". Tôi thích có sự cạnh tranh để làm động lực phát triển, và để SSI ngày càng hoàn thiện, không chủ quan và bứt phá nhanh hơn.
Để duy trì thị phần thì chỉ có làm đúng. Làm đúng là đặt khách hàng lên trên hết và cung cấp các dịch vụ khách hàng cần, phục vụ tốt để mang lại lợi ích cho nhà đầu tư. Tất nhiên là chưa thật hoàn hảo, nhưng ngày càng có nhiều nhà đầu tư tin vào SSI, nên thị phần của SSI vẫn tăng. Điều này chứng tỏ SSI đang tốt trong mắt nhà đầu tư. Nhưng để đạt được thị phần dẫn đầu là cả một quá trình dài.
* Có thể thấy SSI đang là nhà tạo lập thị trường rất lớn trên thị trường chứng khoán, mọi động thái tăng hay cắt giảm margin của SSI chắc chắn tác động đến thị trường?
- Chúng tôi quản lý margin cho một cổ phiếu dựa trên nhiều điều kiện, như tổng giá trị cổ phiếu, phiên giao dịch, hạn mức khoản vay, tính thanh khoản...
Nhìn chung, việc áp dụng margin phụ thuộc vào từng thời điểm và mục tiêu của Công ty. Tuy nhiên, nguyên tắc của SSI là đảm bảo an toàn margin cho Công ty, đồng nghĩa đem đến sự an toàn cho nhà đầu tư. Vì quan hệ margin là quan hệ giữa công ty chứng khoán và nhà đầu tư. Rủi ro của công ty chứng khoán xuất phát từ rủi ro của nhà đầu tư. Một khi công ty chứng khoán cảm thấy không an toàn thì buộc phải điều chỉnh. Do đó, đừng thấy công ty chứng khoán cắt margin mà buồn, vì đây là hình thức gián tiếp để bảo vệ nhà đầu tư, họ phải hiểu điều đó.
Link bài viết
* Ông là người theo thị trường chứng khoán từ những ngày đầu tiên và trải qua rất nhiều biến động. Cảm nhận của ông về thị trường chứng khoán Việt Nam trong 18 năm qua như thế nào?
- Tôi nghĩ làm trong ngành tài chính, điều quan trọng là đừng có lạc quan quá, và cũng đừng sợ hãi quá. Khi trên thị trường nhiều người đang say sưa, vui với sự tăng trưởng của lợi nhuận, mình đừng có quá chìm đắm trong cuộc vui đó. Và khi thị trường tanh bành, đừng hãi hùng quá, mà phải hiểu đó là quy luật. Và khi đã hiểu quy luật thì phải biết cách làm sao cùng tồn tại với nó.
Mười tám năm có lẽ khá ngắn nhưng cũng đủ dài cho thị trường chứng khoán Việt Nam. Rõ ràng đến giờ phút này, những diễn biến của thị trường đã cho quá nhiều bài học. Hãy sợ hãi khi người khác tham và cũng cần có lúc tham khi người khác sợ hãi. Đó là quy luật của thị trường chứng khoán, mà đã là quy luật thì không thể tránh khỏi.
* Giả dụ thế này: trong khi thị trường tràn ngập sắc đỏ thì tiếng nói của người lãnh đạo công ty chứng khoán hàng đầu có khiến thị trường đảo chiều?
- Thị trường tài chính vốn khá nhạy cảm. Tôi không có khả năng chỉ với một lời nói có thể biến thị trường từ "đỏ” thành "xanh" hay ngược lại. Tôi chỉ có thể "cảm nhận" được thị trường sẽ diễn biến thế nào trong thời gian tới thì nói ra, mà nhiều người thường cho rằng tôi đoán đúng.
* Xin cám ơn ông về những chia sẻ thú vị