Cơn sốt giá hàng hóa
Giá dầu thế giới đã tăng gần 50% kể từ đầu năm đến nay, trong bối cảnh kỳ vọng nền kinh tế thế giới phục hồi sẽ thúc đẩy nhu cầu năng lượng gia tăng trở lại. Tuy nhiên, mức tăng giá dầu mới bằng phân nửa với mức tăng 100% khí thiên nhiên. Đặc biệt, khí thiên nhiên hóa lỏng tại châu Á đã tăng 1.000% trong vòng 12 tháng qua, do nguồn cung bị gián đoạn.
Các mặt hàng năng lượng khác cũng đi lên mạnh mẽ, như giá than đã tăng hơn 100% tính từ đầu năm đến nay. Giá khí propan (thường được sử dụng làm nhiên liệu sưởi ấm, đun nước nóng, nấu ăn và xe cộ) tăng hơn 70%, giá xăng tăng hơn 60%, còn giá ethanol tăng 55%.
Ở mặt hàng kim loại, lithium vốn được sử dụng sản xuất pin cho xe điện và hệ thống thu năng lượng mặt trời, đã tăng 100%, trong khi cobalt - cũng là thành phần chủ chốt trong pin lithium-ion được sử dụng cho ô tô điện, đã tăng gần 60%. Các kim loại khác như thiếc tăng gần 70%, nhôm tăng 50%, niken tăng gần 40%, đồng có lúc tăng hơn 35%, giá quặng sắt tăng vọt đẩy giá thép leo cao.
Các mặt hàng nông sản cũng không chịu thua kém khi giá cà phê đã tăng hơn 50% tính từ đầu năm đến nay, giá đường tăng 30%. Giá đậu tương và ngô cũng lên cao nhất trong nhiều năm qua do nhu cầu tăng mạnh ở Trung Quốc khi quốc gia này tái đàn lợn. Việc xây dựng tăng cao gây bất ngờ cho các nhà máy cưa ở Bắc Mỹ khi giá gỗ xẻ lên kỷ lục.
Đáng lưu ý là đà tăng giá nhiều loại hàng hóa từ đầu năm đến nay tiếp nối mức tăng từ mức đáy xác lập vào tháng 4. Cụ thể, chỉ số giá hàng hóa tổng hợp CRB theo dõi 19 loại hàng hóa, từ kim loại, năng lượng cho đến nông sản, đã tăng hơn 30% trong 9 tháng qua và tăng hơn 100% tính từ tháng 4 năm ngoái đến nay.
Trước tình hình ấy, nhiều ý kiến lo ngại siêu chu kỳ tăng giá hàng hóa đã bắt đầu và sẽ gây ảnh hưởng xấu đến nền kinh tế toàn cầu. Không như một chu kỳ tăng giá ngắn ngủi được tạo ra bởi cú sốc nguồn cung như mất mùa hay đóng cửa các mỏ quặng, siêu chu kỳ tăng giá có thể kéo dài đến 10 năm khi nhu cầu thị trường tăng tới mức các nhà cung cấp dù cố đến đâu cũng không đáp ứng kịp.
![]() |
Giá khí hóa lỏng LNG trong một năm qua |
Siêu chu kỳ tăng giá và những hệ lụy
Từ đầu thế kỷ XX đến nay, đã có 4 siêu chu kỳ tăng giá, mỗi siêu chu kỳ bị chi phối bởi một sự kiện lớn. Quá trình công nghiệp hóa tại Mỹ tạo ra siêu chu kỳ đầu tiên vào đầu những năm 1900.
Siêu chu kỳ thứ hai đến từ việc tăng cường lực lượng vũ trang và sự trỗi dậy của Đức quốc xã vào giữa những năm 1930 và đạt đỉnh vào giữa những năm 1940. Siêu chu kỳ thứ ba diễn ra khi quá trình tái thiết ở châu Âu và Nhật Bản sau Thế chiến II. Siêu chu kỳ thứ tư bắt đầu từ năm 1996-2015 nhờ quá trình công nghiệp hóa nhanh chóng ở Trung Quốc nói riêng và khối BRIC (Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc) nói chung.
Đợt bùng nổ hàng hóa này chủ yếu do nhu cầu tăng từ các thị trường mới nổi, đặc biệt là Trung Quốc, từ năm 1992-2013, cũng như lo ngại về nguồn cung hàng hóa dài hạn. Nhìn chung, quá trình công nghiệp hóa và thời kỳ tăng trưởng của một nền kinh tế lớn thường là động lực chính cho một siêu chu kỳ tăng giá.
Có lý do để lo ngại những hệ lụy khó lường của siêu chu kỳ tăng giá hàng hóa, mà đầu tiên là sẽ gây áp lực lên lạm phát, khiến đà phục hồi kinh tế mong manh của nhiều quốc gia có thể bị đe dọa.
Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 gây ra thiệt hại khôn lường, nhiều quốc gia buộc phải áp đặt chính sách siêu nới lỏng tiền tệ thông qua mức lãi suất thấp kỷ lục và bơm hàng nghìn tỷ USD vào thị trường để khôi phục và ngăn chặn sự sụp đổ nền kinh tế.
Tuy nhiên, tiền rẻ quá mức sẽ chạy vào các thị trường tài sản, hàng hóa, đẩy giá tăng vọt. Việc đẩy mạnh xây dựng cơ sở hạ tầng, chuyển đổi năng lượng thúc đẩy nhu cầu sử dụng kim loại, năng lượng khiến giá các mặt hàng này tăng vọt.
Trong hơn một năm rưỡi qua, giá nhiều loại hàng hóa bùng nổ và có một số dự báo cho rằng chúng sẽ tiếp tục tăng mạnh, là một trong những dấu hiệu cho thấy siêu chu kỳ tăng giá đang dần hình thành. Trong báo cáo mới đây, hãng Moodys dự báo giá trung hạn của quặng sắt, thép, than, nhôm, vàng, bạc, niken, đồng và kẽm sẽ vượt những mốc cao kỷ lục trước đây.
Có lý do để lo ngại những hệ lụy khó lường của siêu chu kỳ tăng giá hàng hóa, mà đầu tiên là gây áp lực lên lạm phát, khiến đà phục hồi kinh tế mong manh của nhiều quốc gia có thể bị đe dọa.