Phiên toà luận tội Trump có thể diễn ra ngay sau lễ nhậm chức tổng thống

Khởi Vũ| 15/01/2021 03:45

Theo nguồn tin từ Associated Press (AP), phiên toà luận tội tổng thống Donald Trump tại Thượng viện Mỹ có thể bắt đầu ngay sau thời điểm ông Joe Biden tuyên thệ nhậm chức.

Phiên toà luận tội Trump có thể diễn ra ngay sau lễ nhậm chức tổng thống

Phe Dân chủ có thể sẽ cố gắng sử dụng phiên luận tội để truất tư cách tranh cử sau này của Trump, nhằm ngăn ông quay lại bộ máy chính quyền.

Vào ngày 13/1 qua, Hạ viện đã bỏ phiếu thông qua điều khoản luận tội ông Trump "kích động bạo loạn", nhưng Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi hiện chưa nói khi nào sẽ chuyển điều khoản luận tội này tới Thượng viện. Tuy nhiên, dựa trên lịch trình thủ tục Thượng viện mà phóng viên AP tại Quốc hội Mỹ có được, phiên tòa luận tội Trump có thể bắt đầu lúc 13g00 ngày 20/1/2021, ngay sau thời điểm tổng thống đắc cử Joe Biden tuyên thệ nhậm chức.

Đây là lịch trình khả thi nếu bà Pelosi sớm chuyển điều khoản luận tội tới Thượng viện. Dù các nghị sĩ Hạ viện hối thúc, nhưng phiên tòa luận tội tại Thượng viện đã gần như chắc chắn chỉ có thể mở khi nhiệm kỳ của Trump kết thúc. Do đó, phe Dân chủ có thể sẽ cố gắng sử dụng phiên luận tội để truất tư cách tranh cử sau này của Trump, nhằm ngăn ông quay lại bộ máy chính quyền.

Theo Hiến pháp Mỹ, có 2 cách để trừng phạt một quan chức bị luận tội là phế truất hoặc "truất quyền nắm giữ và thụ hưởng bất kỳ chức vụ danh dự, tín nhiệm hoặc lợi ích nào tại nước Mỹ". Như vậy, ông Trump sẽ bị kết tội và phế truất nếu điều khoản luận tội nhận được ủng hộ của ít nhất 2/3 Thượng nghị sĩ tại phiên tòa.

Tuy nhiên, Hiến pháp không quy định việc truất quyền Trump tái cử có cần tới 2/3 phiếu đồng thuận hay không. Thượng viện từng truất quyền giữ chức vụ trong tương lai của tổng cộng 3 người, tất cả đều là thẩm phán liên bang, với số phiếu chỉ cần quá bán. Dù vậy, việc bỏ phiếu về tương lai chính trị chỉ xảy ra sau khi Thượng viện đã kết tội, tức là kịch bản này vẫn cần vượt qua "cửa ải" 2/3 phiếu đồng thuận.

Link bài viết

Kịch bản khả thi nhất

Kịch bản có khả năng lớn nhất là Thượng viện sẽ không kết tội Trump, theo đó không dẫn đến tiến trình bỏ phiếu định đoạt tương lai chính trị của ông. Cần tới 67 Thượng nghị sĩ tán thành việc kết tội, đồng nghĩa nếu tất cả Thượng nghị sĩ Dân chủ đồng tình, vẫn cần thêm 17/50 phiếu Thượng nghị sĩ Cộng hòa.

Tuy nhiên, vẫn có biến số khiến mọi việc thay đổi. Dù đảng Dân chủ khó có thể lôi kéo đủ Thượng nghị sĩ kết tội Trump, nhưng chỉ cần lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện Mitch McConnell gật đầu, cục diện nhiều khả năng sẽ đổi khác, khi McConnell là người có uy tín rất lớn trong đảng.

Theo bình luận viên Chris Cillizza của CNN, đã có sự khác biệt trong phản ứng lần này của McConnell so với lần luận tội trước của Trump. Khi đó, McConnell đã nhanh chóng phản đối cáo buộc, và Trump rốt cục cũng được tha bổng. Thế nhưng, McConnell giờ đây lại có nhiều lý do hơn để ủng hộ luận tội Trump.

Lãnh đạo phe Cộng hòa tại Thượng viện Mitch McConnell trong cuộc họp báo ở tòa nhà quốc hội Mỹ hôm 13/1. Ảnh: AFP.

Lãnh đạo phe Cộng hòa tại Thượng viện Mitch McConnell trong cuộc họp báo ở Điện Capitol hôm 13/1. Ảnh: AFP.

Dù vẫn còn nhiều thành viên trong đảng trung thành với Trump, nhưng những diễn biến thời gian qua, cộng thêm 4 năm hỗn loạn dưới thời tổng thống, đã cho thấy Trump là người hoàn toàn không thể lường trước và thiếu kiểm soát.

Thế nên, tầm nhìn trung và dài hạn của McConnell, cũng như các đảng viên khác, khiến họ khó có thể tiếp tục bỏ qua những phát ngôn và hành động của Trump.

Hơn nữa, việc luận tội này lại được đặt trong bối cảnh hàng loạt doanh nghiệp Mỹ tuyên bố ngừng quyên góp cho nghị sĩ Cộng hòa phản đối kết quả bỏ phiếu đại cử tri trong phiên họp Quốc hội hôm 6/1/2021. 

Vấn đề này vô cùng đáng lo ngại với McConnell và toàn bộ lãnh đạo đảng Cộng hòa, bởi họ cần giành lại quyền kiểm soát lưỡng viện trong các cuộc bầu cử tương lai.

Theo Cillizza, dù việc luận tội và phế truất Trump giờ đây hầu như không có tác động thực tế nào, mà chỉ mang tính biểu tượng, song trong chính trị cũng như cuộc sống, tính biểu tượng và những phát ngôn đóng vai trò vô cùng quan trọng, có thể tạo ra tác động to lớn, như quan điểm mà cựu tổng thống Barack Obama từng đưa ra.

"Đúng là các bài phát biểu không giải quyết được tất cả vấn đề. Tuy nhiên, sự thật là nếu chúng ta không thể truyền cảm hứng để đất nước vững tin trở lại, dù có đưa ra bao nhiêu chính sách và kế hoạch cũng chẳng có nghĩa lý gì", Obama phát biểu trong chiến dịch vận động tranh cử năm 2008.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Phiên toà luận tội Trump có thể diễn ra ngay sau lễ nhậm chức tổng thống
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO