Trước khi Hội đồng châu Âu công bố lệnh trục xuất Nga theo dự kiến, Nga ngày 15/3/2022 đã thông báo quyết định rút khỏi cơ quan giám sát nhân quyền hàng đầu khu vực này với lý do các nước phương Tây đã phá hoại cơ quan giám sát nhân quyền châu Âu.
Thủ tướng Ukraine Denys Shmyhal phát biểu trước Hội đồng châu Âu qua video trong phiên họp bất thường tại Strasbourg, Pháp, ngày 14/3. Ảnh: Reuters. |
Phó chủ tịch Duma Quốc gia Nga (Hạ viện Nga) Pyotr Tolstoy nói Ngoại trưởng Sergey Lavrov đã chuyển một bức thư tới Tổng thư ký của Hội đồng châu Âu về việc rút khỏi cơ quan này. Hội đồng châu Âu xác nhận đã nhận thư của Moskva.
Leonid Slutsky - người đứng đầu Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Nga, cáo buộc các nước thuộc NATO và Liên minh châu Âu coi Hội đồng châu Âu là "phương tiện hỗ trợ ý thức hệ cho mục đích mở rộng chính trị, quân sự và kinh tế sang phía đông".
"Mọi trách nhiệm về việc cắt đứt đối thoại với Hội đồng châu Âu thuộc về các nước NATO - các nước suốt thời gian qua luôn sử dụng chủ đề nhân quyền để thực hiện các lợi ích địa chính trị của họ và phục vụ cho các cuộc tấn công vào đất nước chúng tôi", thư gửi của Ngoại trưởng Nga viết.
Nhấn mạnh Nga rời khỏi tổ chức dựa trên "ý muốn tự do của riêng mình", ông Tolstoy giải thích rằng "quyết định cân bằng và thấu đáo” này được đưa ra trong bối cảnh Hội đồng nghị viện Ủy hội châu Âu (PACE) đang thảo luận các biện pháp trừng phạt Nga mà ông cho là có thể dẫn đến một nghị quyết chống Nga dựa trên những quy tắc không liên quan đến tình hình thực tế".
Trong nghị quyết soạn thảo ngày 14/3 và thông qua ngày 15/3 sau khi Nga ra tuyên bố, Hội đồng châu Âu khẳng định Nga nên bị trục xuất và không có chỗ đứng trong ngôi nhà chung châu Âu vì chiến dịch quân sự tại Ukraine.
Hội đồng đã đình chỉ tư cách thành viên của Nga hôm 25/2 - một ngày sau khi ông Putin phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.
Như vậy, Công ước châu Âu về nhân quyền sẽ không còn áp dụng với Nga, còn người Nga sẽ không thể khiếu nại chính phủ lên Tòa án Nhân quyền châu Âu nữa.
Áp lệnh trừng phạt với Tổng thống Biden
Trong một diễn biến khác, Bộ Ngoại giao Nga đã ra thông cáo áp lệnh trừng phạt nhắm vào Tổng thống Biden cùng hàng loạt quan chức hàng đầu của Mỹ.
"Để đáp trả hàng loạt lệnh trừng phạt chưa từng có tiền lệ, trong đó có cấm quan chức Nga nhập cảnh Mỹ, từ ngày 15/3, Tổng thống Joe Biden, Ngoại trưởng Antony Blinken, Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin sẽ bị đưa vào danh sách cấm nhập cảnh dựa trên cơ sở có đi có lại", thông cáo viết.
Tổng thống Biden trong một sự kiện ở thủ đô Washington hôm 14/3. Ảnh: Reuters. |
Các quan chức Mỹ bị cấm đến Nga còn có Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mark Milley, Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan, giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) William Burns và nhiều người khác. Thủ tướng Canada Justin Trudeau và cựu ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton cũng thuộc danh sách này.
"Đây là hậu quả không tránh khỏi bởi các hành động bài Nga cực đoan được chính quyền Mỹ áp dụng. Họ đã vứt bỏ toàn bộ lễ nghi phép tắc và dựa vào đối đầu trực diện với Moskva để duy trì vị thế thống trị của Washington", thông cáo viết.
Tuy nhiên, đây dường như là động thái mang tính biểu tượng, không có nhiều tác động thực tế do Bộ Ngoại giao Nga khẳng định Moskva vẫn duy trì quan hệ với Washington, cũng như bảo đảm liên lạc cấp cao với những người trong danh sách cấm vẫn được tiến hành nếu cần thiết.