![]() |
Một trong những nội dung mới của dự án Luật Bảo vệ môi trường trình Kỳ họp thứ 9 Quốc hội xem xét lần này là việc thanh tra, kiểm tra đột xuất về bảo vệ môi trường không cần thông báo công bố trước để đảm bảo tính hiệu quả. Theo đó, Điểm b, Khoản 2, Điều 174 (dự thảo) nêu: Thanh tra đột xuất được tiến hành khi phát hiện cơ quan, tổ chức, cá nhân có dấu hiệu vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, theo yêu cầu của việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng hoặc do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), Chủ tịch UBND cấp tỉnh giao. Việc thanh tra đột xuất không công bố trước trong trường hợp cần thiết.
Bộ TN&MT cho biết, lý do đưa ra đề xuất trên nhằm tăng cường hiệu quả các cuộc thanh tra đột xuất, đề phòng trường hợp đối tượng bị thanh tra biết trước có hành động đối phó với công tác thanh tra. Việc thanh tra đột xuất không làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của các đơn vị bị thanh tra vì đã được quy định chặt chẽ, cụ thể. Đặc biệt, chỉ được tiến hành thanh tra đột xuất khi được Bộ trưởng Bộ TN&MT hoặc Chủ tịch UBND cấp tỉnh giao nhiệm vụ.
Bên cạnh đó, dự luật cũng quy định thanh tra về bảo vệ môi trường không quá một lần trong một năm đối với một tổ chức, cá nhân hoặc không quá một lần trong hai năm liên tiếp đối với các tổ chức, cá nhân. Quy định này sẽ hạn chế thấp nhất việc ảnh hưởng tới hoạt động của doanh nghiệp.
Liên quan đến đề xuất này, Ủy ban khoa học công nghệ và môi trường (cơ quan thẩm tra dự luật) cho biết, có nhiều ý kiến đồng ý với việc cần có quy định về thanh tra, kiểm tra đột xuất. Tuy nhiên cũng có ý kiến đề nghị cần thận trọng xem xét kỹ vấn đề này vì việc thanh tra đột xuất đã được quy định mang tính nguyên tắc tại Luật Thanh tra.