Vùng kinh tế trọng điểm phải đứng đầu các chuỗi giá trị

Nguyễn Loan| 27/05/2020 03:16

Các tỉnh, thành phố (TP) trong vùng kinh tế trọng điểm (KTTĐ) phải đi đầu trong phục hồi phát triển kinh tế sau dịch, thu hút đầu tư của các tập đoàn lớn, công ty đa quốc gia có năng lực công nghệ hàng đầu, đứng đầu các chuỗi giá trị.

Vùng kinh tế trọng điểm phải đứng đầu các chuỗi giá trị

Vùng KTTĐ phía Nam vẫn được coi là “đầu tàu” có vai trò dẫn dắt phát triển kinh tế của cả nước

Đón đầu công nghệ

4 vùng KTTĐ bao gồm: Bắc bộ, Trung bộ, Nam bộ và Đồng bằng sông Cửu Long. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của 4 vùng KTTĐ mỗi năm tăng bình quân 7,25%, quy mô này đạt mức  trên 70% so với GDP của cả nước. Cả 4 vùng đều có lợi thế nằm trong các khu vực nhiều đầu mối giao thông quan trọng (chiếm 6/8 cảng biển quốc gia, tập trung 93% công suất bốc xếp của cảng, 100% công suất của các sân bay quốc tế; Tiếp nhận khoảng 25 triệu lượt khách mỗi năm). Hà Nội và TP.HCM là 2 khu vực tạo động lực tăng trưởng quan trọng của cả nước (giai đoạn 2011-2019 tương ứng 13,08% và 19,9%) 

Cơ cấu lại kinh tế vùng, thu hút đầu tư, đặc biệt trong nhiệm vụ phục hồi, phát triển kinh tế sau dịch bệnh là yêu cầu cấp bách mà Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đặt ra cho các địa phương nằm trong vùng KTTĐ. Tận dụng cơ hội nước ta đã kiểm soát, chống dịch Covid-19 thành công, đi trước các nước, đón đầu thu hút đầu tư mạnh mẽ, thúc đẩy các hoạt động sản xuất kinh doanh; Đón đầu làn sóng dịch chuyển dòng vốn ngay trong khu vực và trên toàn thế giới. 

Đồng thời, Thủ tướng cũng yêu cầu chinh quyền các địa phương không gây khó khăn, áp lực, tạo mọi điều kiện cho các nhà đầu tư và DN phát triển thuận lợi. Áp dụng cơ chế đặc thù, có chính sách ưu đãi về tín dụng, cơ sở hạ tầng, dịch vụ; tạo điều kiện phát triển nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu của các dự án quy mô lớn, công nghệ cao. Huy động tối đa các nguồn lực xã hội trong việc đầu tư các dự án mang tính kết nối (giao thông, du lịch, logistic và các ngành hàng có hàm lượng công nghệ cao, giá trị gia tăng lớn). 

Tạo chuỗi giá trị bền vững

Vùng KTTĐ phía Nam vẫn được coi là “đầu tàu” có vai trò dẫn dắt phát triển kinh tế của cả nước (10 năm liên tục đạt mức tăng trưởng cao hơn 1,5 lần so với bình quân chung). Là trung tâm sản xuất công nghiệp lớn nhất của Việt Nam (129 khu công nghiệp, gần 100 cụm công nghiệp). Năm 2019, toàn vùng thu hút hơn 173 tỷ USD (trong tổng số 345 tỷ USD) dòng vốn đầu tư FDI của cả 4 vùng KTTĐ. 3 tỉnh, thành đạt tỷ lệ cao nhất là TP.HCM, Đồng Nai và Bình Dương. 

Hàng loạt dự án giao thông trọng điểm đã được quy hoạch, triển khai: Các tuyến đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây; Bến Lức - Long Thành;  Biên Hòa - Vũng Tàu; Cảng hàng không quốc tế Long Thành... Khi hoàn thiện sẽ kết nối các tỉnh, thành, đem lại kỳ vọng tạo ra bước tăng trưởng nhanh về kinh tế - xã hội cho toàn vùng

Vùng KTTĐ Bắc bộ với trọng tâm là  Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh; Đặc biệt có lợi thu hút đầu tư công nghệ cao, chế biến chế tạo, điện tử, dịch vụ, tài chính ngân hàng, logistic, nông nghiệp công nghiệp cao; có thế mạnh về nguồn nhân lực, hình thành các trung tâm nghiên cứu ứng dụng công nghệ cao.

KTTĐ Đồng bằng sông Cửu Long và Miền Trung cần phải đẩy nhanh tiến độ triển khai các tuyến cao tốc đã được quy hoạch. Khắc phục hậu quả thiên tai (nắng hạn, bão lụt...) triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020  bằng nhiều giải pháp thúc đẩy phục hồi sản xuất kinh doanh sau dịch và thu hút, tập chung  thu hút đầu tư vào các ngành nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông, thủy sản chủ lực, ứng phó với biến đổi khí hậu. Riêng khu vực KTTĐ Miền Trung, chú trọng kinh tế biển, dịch vụ vận tải và cơ khí chế tạo (đặc biệt hệ sinh thái ô tô) ngang tầm khu vực và thế giới. 

Trong giai đoạn phát triển mới, đặc biệt sau những hệ quả nặng nề của dịch Covid-19, một số ngành sản xuất kinh doanh có tính mũi nhọn của các vùng KTTĐ có nhiều dấu hiệu chững lại, bộc lộ những điểm yếu vì nhiều lý do: trình độ công nghệ không theo kịp tốc độ đổi mới sáng tạo, khủng hoảng nguyên liệu, thị trường, quá trình đô thị hóa quá nhanh... làm ảnh hưởng đến tỷ trọng đóng góp GRDP chung của cả nước.

Một trong những giải pháp đẩy nhanh tốc độ phát triển của các vùng KTTĐ là Chính phủ và các Bộ, ngành phải áp dụng ngay những chính sách kinh tế mang tính đặc thù, vượt trội (trong đó có việc đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2020); Giúp địa phương và doanh nghiệp tập chung cơ cấu lại các ngành kinh tế mũi nhọn; tạo ra những trụ cột về đổi mới sáng tạo; Đẩy mạnh liên kết vùng,tạo ra chuỗi chuỗi giá trị bền vững.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Vùng kinh tế trọng điểm phải đứng đầu các chuỗi giá trị
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO