Thành phố Thủ Đức nên hưởng cơ chế nào?

Anh Tuấn| 22/09/2022 03:03

TP. Thủ Đức được kỳ vọng là hình mẫu khu đô thị sáng tạo, tạo đà tăng trưởng cho “cực Đông” của TP.HCM. Tuy nhiên để nơi đây vươn mình mạnh mẽ, cần có những cơ chế đặc thù phù hợp với chiến lược phát triển mô hình "thành phố thuộc thành phố".

Theo Nghị quyết số 1111/ UBTVQH14, TP.Thủ Đức chính thức thành lập từ ngày 1/1/2021 trên cơ sở hợp nhất ba quận cũ là Thủ Đức, Quận 2 và Quận 9. Nơi đây được kỳ vọng là hình mẫu khu đô thị sáng tạo, tạo đà tăng trưởng cho “cực Đông” của TP.HCM. Tuy nhiên, TP.Thủ Đức vừa thành lập thì dịch Covid 19 kéo đến, khiến việc giải quyết những hạn chế trong vấn đề vận hành đô thị phải tạm gác để ưu tiên chống dịch. Trong khuôn khổ Quốc Hội sắp tổ chức đánh giá Nghị quyết 54 về Cơ chế đặc thù cho TP.HCM, vấn đề tổ chức chính quyền đô thị tại TP. Thủ Đức cần được thảo luận sâu hơn.

Trong kỳ họp của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ngày 12/9, Chủ tịch Quốc Hội Vương Đình Huệ đã đặt vấn đề tổ chức chính quyền TP.Thủ Đức: “Đây là loại gì trong tổ chức đơn vị hành chính của chúng ta? Hôm trước làm việc, TP.HCM có kiến nghị rất chính đáng nên nghiên cứu có cơ chế, chính sách hoặc thể chế cho TP.Thủ Đức và tới đây phải có mô hình "thành phố thuộc thành phố".

-3179-1663824181.jpg

Hội thảo Khoa học “Hoàn thiện pháp luật về tổ chức chính quyền thành phố trực thuộc trung ương, từ thực tiễn TP.Thủ Đức”

“Lên thành phố mà vẫn như cũ thì lên để làm gì?”

Sau gần hai năm hoạt động theo mô hình mới, với các quy định hiện hành, thì TP.Thủ Đức vẫn chưa thể hiện đúng tầm vị trí của một đô thị vệ tinh trong một đại đô thị là TP.HCM. Điều này gây khó khăn cho công tác quản lý và điều hành, bởi lẽ, quy mô hiện tại của TP.Thủ Đức chiếm 10% diện tích TP.HCM và có dân số lớn hơn 21 địa phương trên cả nước (trên 1,2 triệu dân), song thẩm quyền của các cơ quan quản lý nơi đây chỉ tương đương các cơ quan cấp huyện.

Tại hội thảo khoa học “Hoàn thiện pháp luật về tổ chức chính quyền thành phố trực thuộc trung ương, từ thực tiễn TP.Thủ Đức” do Trường ĐH Kinh tế - Luật tổ chức ngày 16/9/2022, ông Nguyễn Hữu Hiệp - Bí thư TP. Thủ Đức chia sẻ rằng nhiều người dân đặt vấn đề: “Cứ nghĩ khi lên thành phố, con hẻm gần nhà hết ngập nước nhưng vẫn thấy ngập, việc thu gom rác sẽ hiện đại hơn nhưng vẫn y như cũ thì lên thành phố làm gì?”.

Dân số hiện tại của TP.Thủ Đức khoảng 1,2 triệu người, công tác điều hành của bộ máy chính quyền từ khi thành lập cho đến nay còn nhiều khó khăn do quy mô lớn, các đầu mối hành chính trực thuộc nhiều, các vấn đề tồn đọng từ 3 quận cũ trước đây khá lớn, trong khi đó đội ngũ nhân sự lãnh đạo UBND lại phải thu gọn tương đương cấp quận và thiếu một cơ chế tổ chức hoạt động phù hợp. Điều này khiến cho việc phục vụ người dân chậm hơn trước.

Ông Hiệp cho biết thêm “Trước đây, một việc ba người làm ở ba nơi có bán kính đi lại giao dịch gần  hơn, còn bây giờ một việc một người làm ở một nơi xa hơn nên chậm hơn là đúng”. Ông Hiệp lấy ví dụ:  “Người dân Long Bình (Quận 9) sẽ không chịu đến Quận 2 để giao dịch hành chính, đề nghị văn phòng UBND dời lên gần Long Bình hơn. Bên cạnh đó, công nghệ lại chưa đủ sức phủ để người dân khỏi mất thời gian đi lại".

Đồng thời, các chuyên gia đều cho rằng TP.Thủ Đức đang loay hoay trong “một cái áo quá chật”. TP.Thủ Đức chưa có được sự chủ động về nguồn lực phát triển như mục tiêu đã hoạch định, các nguồn thu chiếm tỷ lệ cao như: thuế xuất nhập khẩu, hoạt động cảng biển,... lại không thuộc thẩm quyền của địa phương. Nguồn thu được để được để lại cho địa phương cân đối 100% chỉ chiếm khoảng 5% trong tổng nguồn thu ngân sách nhà nước, khiến cho trong thời gian tới sẽ khó khăn trong việc chủ động nguồn chi.

Bên cạnh đó, hiện tại thẩm quyền của Chủ tịch UBND TP.Thủ Đức hiện tại vẫn không có gì khác so với Chủ tịch của một trong ba quận cũ trước đây. Đơn cử, trong lĩnh vực đất đai, Chủ tịch UBND TP.Thủ Đức có thẩm quyền xử phạt đối đa đến 100 triệu đồng với cá nhân (200 triệu đồng với tổ chức). Thẩm quyền này chỉ tương đương với thẩm quyền Chủ tịch UBND cấp huyện. Trong khi đó, việc lấn đất, chiếm đất tại TP. Thủ Đức bị phạt gấp hai lần so với mức xử phạt đối với loại đất tương ứng ở nông thôn. Do đó khi mức xử phạt này cao hơn 100 triệu đồng thì phải chuyển cho Chủ tịch UBND TP.HCM xử phạt. Điều này chắc chắn kéo dài thời hạn ban hành quyết định xử phạt và vô hình trung có thể khiến cho việc xử phạt gặp nhiều khó khăn.

-6968-1663824181.jpg

Một con đường ở TP.Thủ Đức ngập nước sau trời mưa

Nên có Luật tổ chức chính quyền đô thị

Để khắc phục những bất cập nêu trên, các chuyên gia đều đồng tình rằng cần có những quy định, cơ chế phân cấp, phân quyền hợp lý hơn cho TP. Thủ Đức cũng như TP. HCM. Và về lâu dài, mô hình “thành phố trong thành phố” đang được nhiều địa phương nghiên cứu, tham khảo theo mô hình Thủ Đức để triển khai, do đó, việc có những cơ chế cụ thể về mô hình này là vô cùng cần thiết cho việc tổ chức chính quyền tại các đô thị.

TS. Nguyễn Thị Thiện Trí - ĐH Luật TP.HCM, cho rằng cần xác định lại vị trí của TP.Thủ Đức như một đô thị vệ tinh hay chỉ là một đơn vị hành chính tương đương cấp huyện, để từ đó xác lập thể chế tổ chức và vận hành hợp lý, tránh tình trạng hình thức hóa qua tên gọi bên ngoài.

Ông Trần Văn Bảy - Phó giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường TP.HCM, khẳng định cần một “cơ chế đặc thù đặc biệt” cho TP.Thủ Đức. Theo đó, Thủ Đức phải là một cấp chính quyền hoàn chỉnh có UBND và HĐND và về lâu dài cần Luật tổ chức chính quyền đô thị để giải quyết những vấn đề do cơ chế xin - cho gây nên. 

Theo ông Bảy, để giải quyết vấn đề này cần hai giải pháp: Một là, tăng cường phân cấp ủy quyền cho TP.HCM, cho phép TP. HCM được tăng cường và mở rộng phạm vi phân cấp ủy quyền cho TP.Thủ đức. Hai là, xin ý kiến Quốc hội bố sung một số chức năng thẩm quyền cho TP.Thủ Đức.

Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng việc trao quyền cho chính quyền TP.Thủ Đức không đơn thuần là trao nhiệm vụ và biến chính quyền nơi đây thành một con “rô-bốt”, tuân thủ các lệnh được lập trình sẵn trong các nghị định, thông tư, văn bản hướng dẫn của cấp trên mà là phải trao quyền tự do lựa chọn phương pháp, cách thức thực hiện các nhiệm vụ của mình. PGS.TS Tô Văn Hòa - Trường ĐH Luật Hà Nội cho rằng cần tăng sự chủ động của chính quyền TP.Thủ Đức trong việc xác lập số lượng biên chế, tổ chức cho chính quyền thành phố. Ông nhận định việc áp dụng chủ trương tinh giản biên chế trong bối cảnh TP.Thủ Đức mới thành lập là không phù hợp. “ Đề án thành lập TP.Thủ Đức không đặt mục tiêu tinh giản bộ máy hành chính của Thành phố. Tinh giản biên chế không phải là mục tiêu mà chỉ là phương tiện để đạt hiệu quả vận hành bộ máy hành chính”, ông nhấn mạnh. 

Việc trao quyền một cách hợp lý cho TP.Thủ Đức sẽ tạo ra sự chủ động, sáng tạo trong việc thu hút các nguồn đầu tư cũng như hạn chế việc thất thoát những nguồn lực. Từ đó, TS. Cao Vũ Minh - Trường ĐH Kinh tế Luật đề xuất một số chính sách, biện pháp ưu đãi, khuyến khích đặt biệt mà chính quyền TP.Thủ Đức có thể hướng đến là:

(1)  Đơn giản các thủ tục thành lập doanh nghiệp nhằm đáp ứng nhu cầu tạo ra môi trường khởi nghiệp, kinh doanh và kinh tế sáng tạo, xứng đáng là trung tâm khởi nghiệp lớn nhất Việt Nam;

(2)  Áp dụng chính sách miễn, giảm các loại thuế như thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập, thuế tài sản nhằm phát triển Khu công nghệ cao - Trung tâm sản xuất tự động hóa và Khu công viên khoa học;

(3)  Đơn giản hóa các thủ tục hải quan nhằm phát huy thế mạnh của cảng Cát Lái;

(4)  Tự do hóa các dòng chảy vốn đầu tư, lợi nhuận nhằm thu hút các hoạt động công nghệ tài chính tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm;

(5)  Tạo thuận lợi trong việc sử dụng kết cấu hạ tầng, giao thông, đất đai nhằm phát triển khu Tam Đa, Long Phước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Thành phố Thủ Đức nên hưởng cơ chế nào?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO