![]() |
Bên cạnh vô số các vấn đề thuộc về con người như chính trị và kinh tế, chính phủ các nước - đặc biệt ở châu Á, còn phải đối diện với thiên tai. Đó là một thách thức không bao giờ có thể giảm xuống bằng 0, nói theo cách hãng tin Nikkei của Nhật Bản nhận định trong bài viết đăng tuần trước.
Ngày 11/3 là thời điểm kỷ niệm 6 năm ngày xảy ra khủng hoảng động đất, sóng thần tại Tohoku (Nhật Bản). Nó khiến chính phủ nước này phải gặp rất nhiều vấn đề trong khâu tái thiết, nhất là trong bối cảnh nước Nhật gặp khó khăn ở nguồn lực con người và phải chuẩn bị cho các sự kiện lớn như Olympic 2020.
Hậu quả của thảm họa vẫn hiển hiện cho đến nay, gián tiếp tạo áp lực lớn cho chính quyền Nhật Bản, vì bộ phận người dân chịu ảnh hưởng nặng nhất là người nghèo.
Theo ước tính của Liên Hiệp Quốc, tác động từ thiên tai mỗi năm khiến tài sản thế giới hao hụt hơn 300 tỷ USD. Đây là ước tính đơn thuần về tài sản, chưa kể đến khả năng hồi phục, sinh kế và tương lai của những người nghèo.
Lấy ví dụ, khoảng 26 triệu người đã trở nên nghèo đói vì thiên tai mỗi năm, bao gồm 2 triệu người dạng này trong trường hợp bão Haiyan tràn vào Philippines năm 2013, Nikkei Asian Review cho biết.
Điều đáng nói là người giàu nếu mất khoảng 1.000 USD thì không sao, nhưng đối với người nghèo - mức sống chỉ vài USD mỗi ngày, đó có thể là một tài sản tích góp. Trong số này, khu vực Đông Á và Thái Bình Dương chịu ảnh hưởng nặng nhất với tổn thất hơn 200 tỷ USD mỗi năm, gần 40% so với tổng số trên toàn cầu, nếu xét chi phí thiệt hại tăng từ 300 tỷ USD lên 520 tỷ theo cách tính mới.
Tuần trước trong báo cáo về "Thuyên giảm hậu quả và tái hồi phục từ thảm họa" của Ngân hàng Thế giới và Quỹ toàn cầu, các nhà nghiên cứu đặt ra mục tiêu chính là “xây dựng khả năng phục hồi của người nghèo trước thiên tai”.
Nhiệm vụ đầu tiên tất nhiên thuộc về công tác tăng cường cảnh báo. Hiệu quả cảnh báo này thể hiện qua trường hợp Ấn Độ: Năm 2013 cơn bão Phailin làm chết 38 người và chính phủ sơ tán gần 1 triệu người, nhưng đó dẫu sao cũng là sự thay đổi so với 14 năm trước, khi không có cảnh báo và số người chết lên hơn 10.000 người.
Thứ hai, các biện pháp hỗ trợ sinh kế cho người nghèo sau thiên tai đã chứng minh hiệu quả, dựa vào việc quản lý an sinh xã hội, bảo hiểm và hỗ trợ tiền mặt - tài khoản ngân hàng. Ở Bangladesh, chương trình sinh kế Chars Livelihoods Program đã giúp 95% người dân thoát khỏi cảnh mất trắng sau thảm họa. Bên cạnh đó, việc dồn tài lực vào việc xây dựng công trình trường học, bệnh viện cũng là cách hữu hiệu giúp người nghèo tránh thiên tai, và giảm thiểu thiệt hại từ ngân sách...
Theo ước tính, "gói chính sách cho khả năng phục hồi" có thể giúp các quốc gia tiết kiệm hơn 100 tỷ USD mỗi năm, khi thiên tai là điều không thể tránh khỏi.