Liên đoàn bóng đá Thế giới (FIFA) hồi cuối tháng 3 đã công bố kế hoạch phân bổ các suất tham dự World Cup cho phiên bản mới bắt đầu từ World Cup 2026. Theo nhận định của báo Christian Science Monitor, đây là chi tiết cho thấy World Cup đang tiến dần tới nghĩa đen của nó - tức chiếc cúp của cả thế giới.
Hồi tháng Một qua, FIFA đã bỏ phiếu thông qua kế hoạch mở rộng quy mô giải đấu bóng đá vốn đã lớn nhất hành tinh này, từ 32 đội lên 48 đội thi đấu vòng chung kết. Kế hoạch phân bổ của FIFA như sau: Châu Á (AFC) 8 suất trực tiếp, châu Phi (CAF) 9 suất, Caribe và Bắc Trung Mỹ (CONCACAF) 6 suất, Nam Mỹ (CONMEBOL) 6 suất, châu Đại dương (OFC) 1 suất và châu Âu (UEFA) 16 suất. Như vậy còn 2 suất "vé vớt" sẽ được tính sau.
Kế hoạch của FIFA sẽ còn chờ quyết định cuối cùng trong cuộc họp hội đồng vào tháng 5 tới. Và dù tất cả các châu lục đều được tăng số suất trực tiếp, có vẻ những người vui hơn cả là châu Á và châu Phi. Đơn giản, hai nền bóng đá này lâu nay vẫn chưa để lại dấu ấn nào đáng kể trong các vòng chung kết World Cup, và thành tích tốt nhất của họ là lọt vào bán kết như trường hợp tai tiếng của chủ nhà Hàn Quốc năm 2002.
Như vậy so với 16 đội năm 1978, thời điểm Argentina của Mario Kempes bước lên đỉnh cao, giải bóng đá thu hút khán giả nhất thế giới đã mở rộng số lượng lên gấp ba lần. Cơ hội được tham dự giải đấu số một hành tinh đang lớn lên từng ngày, đặc biệt với các nền bóng đá yếu. Đó cũng là cách FIFA đem bóng đá đỉnh cao san sẻ cho từng nhà, một thiên hướng tốt đẹp về lý thuyết, để thu hẹp khoảng cách trình độ, nói như cựu Chủ tịch UEFA Michel Platini năm 2013.
Tuy vậy, nhiều người cho rằng câu chuyện mở rộng World Cup chỉ càng khiến giải đấu thêm nhàm chán, do trình độ các đội quá chênh lệch cũng như xuất hiện nhiều đội làng nhàng.
"Lý do World Cup là một sự kiện khổng lồ nằm ở tính độc quyền của nó. Nó chỉ xuất hiện 4 năm một lần, và bao gồm những nền bóng đá mạnh nhất toàn cầu, và cực kỳ khó nuốt bởi giải đấu rất cân não. Bỏ đi thể thức 32 đội và thổi phồng nó lên thành 48, với hàng loạt đội yếu, sẽ có nguy cơ giết chết con gà đẻ trứng vàng", cây bút bình luận thể thao Billy Haisley nói.
Những người làm công tác lãnh đạo ở FIFA luôn bác bỏ ý kiến nói rằng lý do đằng sau thiên hướng tốt đẹp ấy là tiền bạc. Họ cho rằng những trường hợp "kỳ tích" như Iceland làm ở EURO 2016 là minh chứng cho thấy các đội yếu vẫn có khả năng bơm thêm bất ngờ vào môn thể thao vốn dĩ lắm bất ngờ này...