Tom Dixon – nhà thiết kế công nghiệp hàng đầu thế giới

17/04/2013 03:33

Nhà thiết kế Tom Dixon sinh năm 1959 tại một gia đình có cha là người Anh và mẹ mang hai dòng máu Pháp và Latvia. Ông từ Sfax (Tunisia) chuyển đến nước Anh khi lên 4 tuổi nên ông từng được theo học nhiều năm tại London

Tom Dixon – nhà thiết kế công nghiệp hàng đầu thế giới

Nhà thiết kế Tom Dixon sinh năm 1959 tại một gia đình có cha là người Anh và mẹ mang hai dòng máu Pháp và Latvia. Ông từ Sfax (Tunisia) chuyển đến nước Anh khi lên 4 tuổi nên ông từng được theo học nhiều năm tại London.

Ông đã lựa chọn trường Mỹ thuật Chelsea sau khi tốt nghiệp bậc trung học, nhưng chỉ sau sáu tháng nhập học thì ông gặp phải một tai nạn xe máy và phải nhập viện suốt ba tháng. Những ngày nằm viện không làm ông suy sụp mà còn giúp ông nhận ra mình đang có rất nhiều thời gian để sửa chữa chiếc xe hỏng và tìm thấy niềm đam mê trong kỹ thuật công nghiệp, đặc biệt là ngành hàn.

Từ niềm đam mê mới này, Tom Dixon đã khám phá tiềm năng của ngành trang trí và cấu trúc sản phẩm làm từ vật liệu tái chế hoặc phế liệu công nghiệp. Dù gặp phải nhiều trở ngại ban đầu do chưa từng học qua các trường đào tạo thiết kế bài bản, nhưng Tom Dixon không bỏ cuộc.

Thay vì hạn chế sức sáng tạo bằng cách ép mình học những khuôn phép trong sách vở, Tom Dixon tự phát triển khả năng thiết kế thông qua các buổi thực nghiệm. Đó là chuỗi ngày gian nan nhất trong cuộc đời Tom Dixon khi ông liên tục phải mày mò sáng chế, phạm sai lầm, huỷ bỏ, điều chỉnh rồi bắt tay làm lại từ đầu ngay trong xưởng sản xuất. Tom Dixon tự nhận mình là người thiếu kiên nhẫn nhưng thực tế đã cho thấy ông là người có nghị lực và sức chịu đựng đáng nể hơn ai hết. Ông cho phép bản thân phạm phải sai lầm trong thiết kế để từ đó ông học hỏi rất nhiều ở những sai lầm ấy.

Tom Dixon sớm bộc lộ óc kinh doanh từ những năm 1980, London thời đó ngập trong các bãi kim loại phế liệu từng bị xem như rác thải vô dụng. Chỉ có Tom Dixon nhận thấy chúng là một mỏ vàng. Ông đã nung chảy các chân bàn và chân ghế kim loại hư hỏng vào khuôn đúc, tái chế chúng thành những sản phẩm nội thất hoàn toàn mới. Từ đó, các sản phẩm của ông bắt đầu thu hút sự chú ý của công chúng. Không lâu sau, Tom Dixon tích luỹ đủ kinh phí để đầu tư quy mô vào ngành sản xuất công nghiệp, đưa tên tuổi vượt xa khỏi biên giới nước Anh. Ngày càng nhiều công ty quốc tế muốn hợp tác với ông, trong số đó có hãng nội thất Cappellini của Ý.

Cappellini nhanh chóng nhận ra quyết định hợp tác là đúng đắn khi chiếc ghế mang tên S do Tom Dixon thiết kế đã đưa cả hai bước lên đỉnh vinh quang vào năm 1989. Vừa ra mắt, ghế S lập tức trở thành hiện tượng của phong cách tự do. Đến nay ghế S đã bước vào khu vực trưng bày biểu tượng vượt thời gian của bảo tàng Nghệ thuật hiện đại ở New York. Sau thành công của ghế S, Tom Dixon tiếp tục hợp tác với Cappellini để cho ra đời những tác phẩm thành công khác như chiếc ghế Bird Rocking, bộ sưu tập Pylon…

Với bước đà thuận lợi, chiếc đèn Jack đột phá với công nghệ khuôn đúc quay tiếp tục đem về cho ông giải Thiên niên kỷ dành cho thiết kế xuất sắc nhất Anh quốc vào năm 1998. Ông cũng được trao tặng giải OBE tại British Design trong năm 2000. Đến năm 2002, Tom Dixon mở công ty sản xuất đèn và đồ nội thất mang tên ông.

Kể từ khi thành lập, Tom Dixon thoả sức phát triển các bộ sưu tập do chính ông sáng chế bao gồm hệ thống đèn chiếu sáng hiện đại và đồ nội thất cao cấp. Với óc sáng tạo sắc sảo kết hợp với khả năng kinh doanh nhạy bén của ông, không lấy gì làm lạ công ty Tom Dixon liên tục đứng vị trí số một trong ngành đèn thế giới trong nhiều năm qua. Thương hiệu Tom Dixon ngày càng nổi tiếng với hàng loạt dòng sản phẩm nội thất ăn khách được tung ra đều đặn tại hơn 60 quốc gia trên thế giới.

Đến với ngành thiết kế muộn màng với hai bàn tay trắng, nhưng quyết tâm cao độ, cộng với niềm đam mê học hỏi đã giúp Tom Dixon trở thành tên tuổi gạo cội trong ngành. Báo chí ca ngợi những sáng tạo của ông trong công cuộc hồi sinh ngành nội thất Anh quốc, còn những nhà thiết kế lừng lẫy ưu ái gọi ông là "Vertebrate designer" (tạm dịch: nhà thiết kế xương sống) vì ông luôn có hứng thú với cấu trúc thiết kế ở bên trong hơn là lớp vỏ bên ngoài của sản phẩm. Ông từng hai lần ghé thăm Việt Nam, lần gần nhất vào năm 2011. Ông rất thích đồ thủ công mỹ nghệ của Việt Nam, đặc biệt là tranh ảnh, sơn mài và đồ gốm.

Tom Dixon đã thực hiện nhiều nghiên cứu vật lý, toán học trước khi sáng tạo những tuyệt tác như thế này.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Tom Dixon – nhà thiết kế công nghiệp hàng đầu thế giới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO