Tôi cố gắng làm một ngọn nến nhỏ

KIM ANH/DNSGCT| 21/12/2012 05:00

To, cao, đen, khuôn mặt thô rám, mái tóc xoăn bướng bỉnh lúc nào cũng dựng đứng trên đầu, Xuân Bình mang hình hài của một kẻ không biết bằng lòng, cam chịu với những gì số phận dành tặng. Với hơn chục lần xuyên Việt và đã đặt chân tới gần 30 quốc gia, Xuân Bình lăn lộn suốt những hành trình tự khám phá và chinh phục bản thân.

Tôi cố gắng làm một ngọn nến nhỏ

To, cao, đen, khuôn mặt thô rám, mái tóc xoăn bướng bỉnh lúc nào cũng dựng đứng trên đầu, Xuân Bình mang hình hài của một kẻ không biết bằng lòng, cam chịu với những gì số phận dành tặng. Với hơn chục lần xuyên Việt và đã đặt chân tới gần 30 quốc gia, Xuân Bình lăn lộn suốt những hành trình tự khám phá và chinh phục bản thân.

Tranh: Hoàng Tường

Anh đi nhiều để được học hỏi nhiều hơn từ đời sống thực với những trải nghiệm vui buồn. Anh đọc nhiều để cố gắng không sa vào vòng luẩn quẩn của những kinh nghiệm rất mau cũ mòn. Anh tiết giảm tối đa những giao tiếp, giao đãi xô bồ để tự tìm cho mình những khoảng lặng. Giản đơn chỉ là để: Tu thân!

* Tốt nghiệp Đại học Báo chí (báo viết), nhưng sao bây giờ nói đến Xuân Bình, người ta nghĩ ngay đến anh như một nghệ sĩ nhiếp ảnh?

Xin cảm ơn bất kỳ sự ghi nhận nào của đời sống! Có thể từ kiểu chụp không giống ai, những bức ảnh khác thường tới giải thưởng quốc tế đã xui khiến một mặc định như thế. Nhưng bản thân tôi chưa bao giờ nghĩ rằng mình có thể là một nghệ sĩ, càng không phải là nghệ sĩ nhiếp ảnh.

Hơi cay đắng một chút, tôi luôn nghĩ rằng: chưa bao giờ khái niệm, định nghĩa “nghệ sĩ” trong từ điển tiếng Việt lại bị hiện thực làm biến dạng và tha hóa đến vậy. Để là một nghệ sĩ đích thực, người ta rất cần một thứ, đó là tự do.

Với suy nghĩ như thế, tôi luôn sử dụng nhiếp ảnh như một phương tiện ghi chép trung thực và phù hợp nhất. Và đối với cái tên Xuân Bình thì viết và chụp là hai cánh tay của một đời sống chỉ biết hành động, là đôi chân của một thực thể nhận thức.

* Trước khi nổi danh bởi nhiếp ảnh, anh từng có những bài viết đáng nhớ?

- Phần lớn các bài báo đều có số phận rất ngắn ngủi. Sự “đáng nhớ” là của bạn đọc, có lẽ chị nên hỏi hoặc chất vấn họ. Tuy nhiên tôi thích trả lời câu hỏi này vì nó giúp tôi nhớ lại những bài viết non nớt và cả nhiều điều luyến tiếc cho một thực trạng báo chí.

Năm 1993, có thể kể đến loạt bài phân tích về kinh tế, tài chính trên báo Doanh nghiệp như: “Vụ cướp tập thể chưa từng có”; “Pacific Airlines – con đại bàng gãy cánh”; “Chuyển giao bao gánh nặng cho năm tài chính 1994”, “Tri thức là của cải lớn nhất” - bài viết từng bị cảnh cáo phê bình.

Năm 1994, thật khó quên với bài Hải Phòng, vận hội mới mối lo cũ. Bài viết cảnh báo về việc các địa phương vờ ngây thơ, quá vội vã, rất bất cẩn trong việc tiếp nhận các dự án đầu tư nước ngoài. Tít bài bị tòa soạn báo Lao Động cắt đi phần cuối…

Năm 1995, bài công phu nhất là phỏng vấn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Cao Sĩ Kiêm: Đằng sau sự “phục sinh” của Ngân hàng thương mại cổ phần Hải Phòng. Bài viết nhìn nhận việc cấp phép cho ngân hàng này hoạt động trở lại đã phạm rất nhiều điều khoản được quy định trong Pháp lệnh Ngân hàng và Luật công ty. Bài viết cảnh báo nguy cơ sụp đổ của hệ thống ngân hàng thương mại. Tiếc thay cả Thời báo kinh tế Việt Nam Tuổi Trẻ đều từ chối đăng tải…

* Nếu phải kể một kỷ niệm về nghề viết, anh chọn câu chuyện nào?

- Trước khi học Đại học Báo chí, tôi làm ở Đài Phát thanh – Truyền hình Hải Phòng. Bài đầu tiên trong cuộc đời làm báo (1982) tôi kể về làng Lãm – một ngôi làng nổi tiếng với nghề đánh dậm (một loại phương tiện được làm bằng tre dùng để bắt cá – PV) ở Đồ Sơn (nay là Kiến Thụy).

Vào kỳ giáp hạt, cả làng mỗi người gánh một chiếc dậm trên vai, nối đuôi nhau đi hết cánh đồng này, dòng sông kia, vùng quê khác.

Gần 20 năm sau, một lần đi chùa Hương tôi bắt gặp một đoàn dài những người đàn bà nghèo khổ đang lặn ngụp đánh dậm. Bóng của họ kín đen cả một đoạn sông đào. Dừng chân hỏi thăm thì thật bất ngờ họ chính là người làng Lãm. Không thể nói được điều gì, chỉ có thể ứa nước mắt.

Có lẽ chưa có nông dân ở làng quê Bắc bộ nào lại có thể khắc họa chân dung “Dũng sĩ giương cung đạp đất” hoành tráng hơn người làng Lãm.

Ngay lúc đó và cho đến bây giờ, tôi luôn nhớ như in một buổi sớm mùa đông giá buốt, lần trong sương mờ những đoàn người câm lặng, dật dờ trôi đi bên dòng sông Đa Độ. Hành trình của họ tháng này qua tháng khác, đi từ tỉnh này sang tỉnh khác, bao giờ đến mùa mới dắt díu nhau trở về…

Đó là kế sinh nhai chủ yếu trong lúc đồng ruộng chưa có khoán sản phẩm. Đó là một hướng đi gói ghém đầy những phấp phỏng, chở đầy những hy vọng về một tương lai nào đó khác biệt. Đó là cơ hội để từng người làng Lãm có thể vượt qua giới hạn làng, vượt qua những hạn chế của chính mình.

* Điều gì tiếp theo câu chuyện về bài viết ám ảnh này?

- Cho đến bây giờ, hình ảnh những người đi đánh dậm không thể nào tả bằng lời ấy vẫn luôn đồng hành cùng tôi trong mọi chuyến đi.

Thật khó quên bài viết của một phóng viên tập sự đã được Tổng biên tập Đài Phát thanh – Truyền hình Hải Phòng chấm nhuận bút bằng với định mức của phóng viên bậc 5/6.

Lớn hơn số tiền là sự thôi thúc tôi đến gần hơn với nhiếp ảnh. Mẹ con tôi quyết định vay nợ hai chỉ vàng để mua máy ảnh. Đó là cơ hội cho phép tôi có thể cầm máy suốt 30 năm qua để ghi lại những khuôn hình đáng nhớ, những khoảnh khắc không thể tái hiện, những hiện thực trần trụi, không giả dối, không hoa hòe hoa sói.

Và ý nghĩa hơn cả nhuận bút hay một nghề mới chính là nhận ra rằng nhà báo, nghề báo cũng chẳng khác gì nông dân và nghề đánh dậm. Trong hoàn cảnh bình thường cũng như bĩ cực, con đường để thay đổi của mọi số phận là sự không ngừng dịch chuyển. Không ngừng ĐI!

* Nói như thế, có nghĩa viết và chụp giúp anh nhìn nhận những mối quan hệ cũng như giá trị cốt lõi của nghề?

- Mỗi bức ảnh là một bài báo trung thực đến mức không thể tranh luận, bàn cãi. Không có được sự chắt lọc, lấp lánh của ngôn từ, không được tư duy ngôn ngữ dẫn dắt, thiếu cách hiểu của người cầm bút, nhiếp ảnh rất dễ trở nên nhạt nhẽo, điệu đàng, vô duyên hoặc đoản mệnh. Nhưng nhiếp ảnh báo chí thì hơn hẳn ngôn từ, chữ nghĩa và bài viết ở chỗ nó khó cho phép tác giả uốn éo, thêm thắt…

Một nhà ngôn ngữ bình thường, một cây viết kha khá có thểỷ vào kinh nghiệm và sức bịa của mình để hoàn tất một… sản phẩm báo chí. Nhưng một nhiếp ảnh gia không thể không gí mũi vào sự kiện, không thể không hít hà hiện thực và càng không thể chụp cái mà mình nghĩ hay điều mà các thư ký tòa soạn tưởng tượng…

* Mấy năm gần đây chủ đề các bài viết của anh có vẻ thiên về khảo cứu các vấn đề xã hội, văn hóa nhiều hơn… Điều gì dẫn đến những thay đổi này?

- Trước khi tiếp cận một cách khoa học một vấn đề nào tôi muốn kéo dài trục hoành của nhận thức. Cái dài, rộng của không gian tri thức là cơ sở, định đề cho mình nhìn nhận đúng hơn, tốt hơn những vấn đề mà cuộc sống đang đặt ra.

* Vậy cái trục tung nhận thức của anh có thể được xác định bởi tọa độ nào?

- Khi tới Nhật Bản, tôi tự hỏi giữa Fukuzawa và Nguyễn Trường Tộ có gì khác biệt? Nhật Bản, Macao, Hongkong, Singapore có mối liên hệ gì với Anh quốc? Cũng là những hòn đảo, cũng là cấu trúc địa lý bị phân mảnh, dịch chuyển ra khỏi đại lục nhưng các nền kinh tế này có thể trở thành một Anh quốc ở phương Đông?

Ngay ở đất nước mà Thích Ca từng nói với Anan rằng đây sẽ là thủ đô tương lai của Phật giáo, ngay trong một đêm hồi năm 2007 bị quân cảnh bố ráp trước cửa nhà bà Aung San Suu Kyi, tôi đã có một niềm tin mơ hồ về tương lai của Myanmar.

Khi đứng ở dải Gaza, trong tôi có nhiều liên tưởng gần gũi giữa Israel với Việt Nam và tôi nghĩ Biển Đông có thể là một Palestine mới trên bàn cờ chính trị thế giới?

* Đâu là điều được mất sau khi anh chuyển hướng?

- Khi tôi rời tòa soạn để thành người hành nghề tự do thì việc chuyển dần sang nghiên cứu văn hóa hay tiến tới phản biện độc lập (dự định, ước mơ) là một bước đi thích hợp và có chủ đích. Tôi có thể hành nghềở bất cứ đâu mà không cần đến thẻ nhà báo. Tôi có thể viết bất cứ gì mà chẳng bận tâm đến tòa soạn nào cả.

Được đi, được chụp cái mình thích, được viết cái mình muốn, tôi được thỏa mãn nhu cầu sống, được thực thi bổn phận.

* Khi anh nói “thỏa mãn nhu cầu sống” tôi muốn chúng ta trở lại với tuyên ngôn của anh: “Tự đào tạo lại mình để giống như một con người”. Câu nói này là sự bất mãn, thách thức, phản kháng hay là anh có một định nghĩa, quan niệm nào khác biệt về con người đích thực?

- Tôi may mắn được trời đất, cha mẹ cho tặng một thể xác cũng khá ngon lành. Tôi chưa một lần đi khám bệnh hay điều trị về tâm thần. Hai lý do này ngạo nghễ phủ nhận những suy nghĩ của một vài người quen cho là tôi tách mình ra khỏi… đồng loại.

Câu nói nào cũng có không gian tồn tại riêng. Đó chỉ là lời phiếm chỉ, một câu nói tự răn mình. Câu nói này sẽ là một độc dược và chống chỉ định với bất kỳ ai khác.

Nhiều năm qua tôi cố hoạch định các chuyến đi chung quanh 30 vĩ độ Bắc, hầu hết các di sản của nhân loại đều tập trung ở tọa độ này.

Trong những hành trình đó tôi phát hiện ra từ lâu lắm rồi rất nhiều kẻ tự xưng mình là Người, đại nhân, The Man… Những tên hay thằng người này thường có tuyên ngôn xuất chúng, hợp thời, nhưng lại không mang lại ích lợi gì cho loài người – trái lại, trong nhiều trường hợp, nó chi phối số phận của những người yếu bóng vía, gây ra một xã hội nhiễu nhương.

Tôi không nghĩ đó là những con người. Con người là sản phẩm của hoàn cảnh. Có ai dám chắc trong mình không lây nhiễm virus súc sinh hoặc không bị cấy ghép tế bào ma quỷ?

Trong một quỹ sống ngắn ngủi, với thông điệp có phần nghịch lý, đầy mâu thuẫn trên, tôi hy vọng sẽ thành một văn nhân chứ chẳng hề muốn mình là nạn nhân.

* Bằng cách nào, thưa anh?

- Điều khó nhất là tự hiểu mình là ai, muốn gì, có thể làm gì, có thể đi tới đâu. Giải pháp quan trọng nhất của tôi là điều chỉnh và tiết giảm nhu cầu vật chất. Liệu pháp tinh thần quan trọng nhất là cố tĩnh lặng, tĩnh tại.

* Và điều này xui khiến một gã Nhâm Dần từng được mệnh danh là giang hồ có hạng đã thu mình, ở ẩn như một con mèo?

- Trong 12 con giáp, chỉ có mèo là gần người nhất. Nếu có chuyển kiếp, tôi tiếp tục hy vọng mình sẽ đầu thai thành mèo. Cũng là để lược bớt đi vài trò mèo!

Trong đời sống xa xưa có rất nhiều kẻ sinh bất phùng thời, tâm trạng luôn thấy bất an, hành vi luôn thể hiện sự bất đắc chí và họ thường lựa chọn xa lánh đời sống. Tôi không phải là kẻ bất đắc chí và cũng chưa đủ căn số để có thể ở ẩn.

Gần đây, tôi cai bồ bịch, gần đoạn tuyệt với nhậu nhẹt, năm thì mười họa mới tụ tập chém gió, có thời điểm vài tháng không ra khỏi ngõ… Tất cả những tiểu tiết đó dù có nhiều hơn nữa thì cũng không hội đủ ý nghĩa của một khái niệm đặc biệt sâu sắc: Ở ẩn.

Khi tĩnh lặng con người trở thành một vùng trũng rộng lớn. Nhiều thông tin tự đến và thẩm thấu vào mình. Tôi chú ý tu thân bằng cách tĩnh lặng hơn, đọc nhiều hơn, suy ngẫm nhiều hơn và khi trả lời được nhiều điều tự vấn, tôi thấy mình sống tốt hơn.

Chính vì thế mà những bài viết của tôi đỡ bức xúc hơn, đằm hơn và nhân bản hơn.

* Đào tạo lại mình, anh có những thang chuẩn mực nào?

- Trong một vài văn bản lớn của nhân loại, từ Tổng thống Mỹ Thomas Jefferson đến người khai sinh ra Trung Hoa dân quốc Tôn Trung Sơn đều nêu cao giá trị độc lập cho dân tộc, tự do cho dân quyền và hạnh phúc cho dân sinh.

Trong mấy giá trị cơ bản nhất của kiếp người đó tôi chỉ dám lựa lấy hai chữ “tự do”. Độc lập trừu tượng và rộng lớn như khái niệm dân tộc.

Phan Chu Trinh từng nói: Đất nước có độc lập mà dân không tự do thì độc lập chẳng có chút ý nghĩa nào. Hạnh phúc có hay không, dày hay mỏng thế nào là tùy thuộc quan niệm của mỗi người.

Tôi cũng hoài nghi nhân Hạnh và quả Phúc. Và nếu không có tự do, con người mất hẳn nhân tính, tự tước bỏ phần người.Tôi là một nhà báo mà trong từng suy nghĩ, từ mỗi hành động, tôi luôn gắn bó, kết nối và không tách rời: Con người và Tự do.

* Nói chuyện với anh, tôi nhận thấy anh là kẻ rất “ham sống”. Điều này có mâu thuẫn gì với việc anh đã từng vài lần có ý định tự tử?

- Mỗi cá thể đều chứa đựng đầy mâu thuẫn. Những kẻ nhiều khát vọng, cao vọng thường ôm theo nhiều điều ngớ ngẩn. Những kẻ tưởng chừng cao to đen, hôi, vẻ ngoài “hầm hố”, “mạnh mẽ”, “hung hăng”… nhưng trong thâm tâm lại rất nhiều phần yếu đuối, rất nhiều gót chân Asin.

Lúc đầu và khi còn trẻ tôi bất mãn với mọi tác nhân chung quanh. Khi đã trưởng thành, khi không thể sống với chính mình, không thể nói ra những chính kiến cũng như không thể làm những điều để bảo vệ chính kiến ấy, tôi chỉ tự trách mình.

* Anh có thực sự tin rằng mình sẽ đào tạo được mình thành “con người”?

- Ngày bé, thế hệ chúng tôi đầy tham vọng dời non lấp biển, dám làm tất cả vì điều mình cho là lý tưởng. Một ngày đẹp trời chợt đọc trong Tứ thư, có dạy: Sự thành công của con người tùy thuộc năm yếu tố: nhất Vận, nhì Mệnh, tam Phong thủy, tứ Âm phần và ngũ Độc thư. Sự thông minh, học vấn hay giá trị cá nhân (bao gồm cả nỗ lực, ước mơ) chỉ đứng ở thứ năm và rất nhỏ bé so với bốn phần kia.

Từ đó, tôi thấy rằng, cố gắng để thay đổi xung quanh theo ý mình là điều khó khăn nhường nào. Nhưng tôi thích câu nói của Thượng tọa Thích Nhất Hạnh, đại ý: Cuộc đời như đêm dông gió, có thể bị thổi tắt đấy, nhưng cứ cố thắp lên một ngọn nến. Nhiều người thắp nến thì bóng tối sẽ lui dần, bình minh ló dạng…

Tôi tự hiểu về bản thân và cuộc sống mà tôi được may mắn sinh ra với tất cả những gì khổ đau nhất, sung sướng nhất. Tôi sẽ cố gắng làm một ngọn nến nhỏ hy vọng góp phần soi đường hoặc giúp người khác nhìn thấy công tắc để bật đèn lên.

* Vậy thì gia đình ở đâu trong quá trình tự đào tạo của anh?

- Điều quan tâm nhất bây giờ là tề gia, hướng về gia đình, yêu vợ, chăm con, hết! Gia đình chính là quốc gia, là thiên hạ.

* Cụ thể, “quốc gia riêng” được anh xây dựng như thế nào?

Tôi dám đảm bảo mình là người hết lòng với gia đình và chắc chắn là ít có ông bố nào dành nhiều thời gian cho con bằng tôi. Từ bé, cháu đã được nhiều lần đi xuyên Việt với bố.

Tôi cho con đi là để chỉ bảo cho cháu hiểu đất nước mình có đủ ngắn – dài, đẹp – xấu, hay – dở chứ không chỉ có rừng vàng biển bạc. Hằng ngày tôi đọc, biên soạn và viết về các vấn đề nào đó thiết thực trong gia đình, trên lớp học, ngoài xã hội.

Mỗi sáng các cháu có một bài học khác hẳn nhiều bài giảng cũ mòn, giáo điều và nhiều phần lạc hậu trong sách giáo khoa. Sau khi tập thể dục, các cháu đọc cho nhau nghe, tự phân tích, tự hiểu và tự liên hệ. Tôi không ép buộc, chỉ đóng vai trò dẫn chương trình.

Tôi luôn nói: Các con có thể không thông minh, điểm số bình thường, mai này không cần trở thành ông nọ, bà kia. Nhưng các con phải khỏe mạnh, không lười biếng, biết trung thực để trước hết là người lao động tử tế. Trong năm học này tôi cố gắng soạn xong một bộ sách Ngữ văn riêng cho con và trẻ con hàng xóm.

* Xin được hỏi câu cuối cùng, vì sao khi đã tìm về tĩnh lặng, không thích giao tiếp, hạn chế kết nối với xung quanh nhưng anh vẫn sẵn sàng trả lời phỏng vấn báo chí, vẫn làm nhân vật cho các phóng sự dài trên truyền hình…?

- Tại sao ư? Chắc chắn không phải là để đánh bóng tên tuổi của mình, bởi tôi chẳng còn lấn bấn trước hư danh. Đơn giản là tôi muốn chia sẻ những trải nghiệm vui – buồn, sướng – khổ, được – mất. Đó là bổn phận và cũng là sự sòng phẳng với những gì cuộc đời ban tặng. Biết đâu những kinh nghiệm ấy sẽ giúp được các bạn trẻ tránh được những sai lầm mà tôi đã mắc phải.

* Cảm ơn anh về những chia sẻ!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Tôi cố gắng làm một ngọn nến nhỏ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO