Pianist Bích Trà: "Tôi không muốn thương mại hóa nhạc của mình"

LẠC LÂM thực hiện| 16/07/2014 04:55

Cùng với Đặng Thái Sơn, Bích Trà là niềm tự hào của giới pianist Việt Nam. Với thành công rực rỡ, Bích Trà vẫn bảo rằng mình không bao giờ muốn nổi tiếng và đứng bên ngoài con đường thương mại hóa âm nhạc.

Pianist Bích Trà:

Cùng với Đặng Thái Sơn, Bích Trà là niềm tự hào của giới pianist Việt Nam. Chị đã được hãng đĩa nổi tiếng Naxos mời cộng tác để đưa tên tuổi của Joachim Ralf, một tác giả tài năng nhưng bị lãng quên suốt hơn một thế kỷ qua, trở lại với hào quang của nhạc cổ điển.

>Cây đàn piano giống như một người bạn chung tình

Đọc E-paper

Nhưng với thành công rực rỡ đó, Bích Trà vẫn bảo rằng mình không bao giờ muốn nổi tiếng và đứng bên ngoài con đường thương mại hóa âm nhạc.

* Thay vì trở thành một nghệ sĩ violon giống như cha mình, nghệ sĩ violon Bích Ngọc, tại sao chị lại học piano? Lúc nhỏ, chị có cảm thấy bị ép buộc học đàn?

- Mới 4 tuổi tôi đã được ba cho học violon rồi, nhưng lúc đó tôi rất khổ sở khi phải ngoẹo đầu, tay cong lên để giữ đàn. Ba rất thất vọng vì không thể truyền nghề cho con gái. Rồi tôi chọn học piano vì thích âm thanh du dương của nó và được ngồi đánh thoải mái chứ không khổ sở như khi cầm đàn violon. Có lẽ tôi đến với piano như một sự sắp đặt của định mệnh.

Hình như không chỉ học đàn mà với trẻ con thì học gì cũng được xem là bị ép buộc. 14 tuổi sang Nga học, tôi bắt đầu đam mê âm nhạc và chăm chỉ học vì đam mê chứ không phải vì sức ép của bố mẹ. Tuy nhiên, bây giờ tôi nhận ra, nếu phụ huynh muốn cho con học nhạc thì cũng nên... cứng rắn một chút vì học nhạc cũng cần có kỷ luật.

* Năm ngoái, báo chí Anh đã ca ngợi buổi biểu diễn độc tấu piano của chị tại London, như một sự công nhận tài năng tầm cỡ thế giới của một pianist Việt Nam. Trong suốt 24 năm đi nhiều nơi trên thế giới để rèn đàn, đây có lẽ là thời khắc chị hài lòng nhất với nghề?

- Buổi biểu diễn đó diễn ra tại Wigmore Hall, đây là nhà hát biểu diễn nhạc thính phòng với tất cả các điều kiện về âm thanh, không gian, ánh sáng... thuộc loại tốt nhất thế giới. Tôi thấy rất hạnh phúc vì hôm đó có rất nhiều khán giả châu Á và Việt Nam, đặc biệt có cả mẹ tôi từ quê nhà sang dự. Cũng có chút căng thẳng nhưng khi ra sân khấu, đặt tay lên phím đàn, tôi chỉ còn biết có mình với đàn.

Tôi rất vui vì báo chí Anh đã nhận xét tốt và đó là thành quả đáng khích lệ cho quãng thời gian dài tôi đi học đàn. Làm nghề nào cũng vậy, quan trọng nhất là phải có lòng yêu nghề, nghề nhạc cũng không ngoại lệ.

* Cơ duyên nào khiến chị đến được với nhạc của Joachim Ralf?

- Rất tình cờ tôi và các nhà nghiên cứu đã tìm thấy một kho tàng âm nhạc piano của Joachim Ralf. Ralf dù không học hành bài bản nhưng nét nhạc của ông vẫn rất đẹp với sự nghiệp đồ sộ hơn 200 tác phẩm, trong đó hơn phân nửa viết cho piano. Nhưng Ralf cũng như rất nhiều nhạc sĩ cổ điển khác, danh tiếng không thể vượt qua thế kỷ XX vì nhiều lý do, có cả lý do về công nghệ biểu diễn, nói như thời nay là "lăng-xê”.

Chỉ 10 năm sau khi ông qua đời, các bản nhạc của ông đã không còn được in nữa. Rất may, khi tìm hiểu tư liệu về ông ở Thư viện Quốc gia London, tôi đã có cơ hội đọc nhạc của ông và mê mẩn. Phải nói một điều, các hãng đĩa chuyên thu nhạc cổ điển đến bây giờ vẫn không dám thoát khỏi sự an toàn. Họ thích tìm tác giả trẻ, mới nhưng vẫn thu đi thu lại những Bach, Beethoven..., thì làm sao "vô danh" như Ralf có cơ hội?

Nhạc của Ralf đẹp đến mức làm cho mọi tâm hồn phấn chấn mà lúc đó vẫn chưa có ai thu nhạc của ông. Thế là tôi thu. Ở Anh, hãng đĩa Naxos bỏ rất nhiều tâm huyết để truyền bá nhạc cổ điển, chấp nhận bỏ qua mọi yếu tố thương mại và lợi nhuận để đưa các tác giả vô danh thành gương mặt mới của nhạc cổ điển.

* Với danh tiếng và tài năng của mình, chị dư sức trở nên giàu có nhưng vì sao chị lại kiên quyết không thương mại hóa sản phẩm âm nhạc của mình?

- Hãng Naxos mà tôi cộng tác cương quyết không thương mại hóa bất kỳ sản phẩm nào, họ mong muốn giữ cho thế giới một không gian âm nhạc thật sự hàn lâm, không vướng bất cứ sự uế tạp nào với các chiêu thức thương mại, giữ cho nhạc cổ điển một vị trí tôn nghiêm. Có lẽ tôi phù hợp với con đường đó, nằm ngoài các yếu tố thị trường.

* Có một nghịch lý, danh tiếng, tài năng và các sản phẩm của chị lại được biết đến rộng rãi hơn ở nước ngoài chứ không phải ở Việt Nam?

- Naxos không có đại lý ở Việt Nam. Để đem tiếng đàn của mình đến với khán giả nhà thì chỉ có cách duy nhất là trở về hằng năm để biểu diễn. Tôi vẫn đều đặn thực hiện điều đó, như là một nhiệm vụ bắt buộc với bản thân. Tôi chỉ tiếc là mỗi lần trở về chỉ mới được diễn ở Hà Nội và TP.HCM vì chỉ hai nơi này mới có sân khấu đủ tiêu chuẩn.

* Tác giả cuốn sách "Những kẻ xuất chúng" viết rằng để đạt được đỉnh cao trong âm nhạc cần có sự khổ luyện, và lượng hóa rằng ngay cả trong điều kiện lý tưởng nhất, nghệ sĩ cũng phải cần ít nhất đến 10.000 giờ để luyện tập. Chị có đạt đến mức đó?

- Piano là nhạc cụ rất khó để làm chủ nó, phụ nữ lại càng khó vì cần đến thể lực và cơ địa. Dân trong nghề vẫn thường ví von luyện piano chẳng khác gì tập luyện để đi thi Olympic. Hồi học ở Nga, tôi được dạy rằng từ 14 - 18 tuổi mà chưa làm chủ được cây đàn thì khi lên cao hơn, không còn đủ thời gian để tiếp nhận khối lượng giờ tập lớn hơn, cho nên việc kiểm tra kỹ thuật piano rất nghiêm ngặt. Tôi tập cật lực ít nhất 6 tiếng/ngày. Từng ấy năm, 10.000 giờ hay hơn có lẽ vẫn là chưa đủ (cười).

* Nhìn lại chặng đường từ lúc khởi đầu đến giờ, chị có nghĩ mình toàn gặp thuận lợi?

- Không đâu. Thậm chí trở ngại nhất của tôi lại liên quan đến piano. Bàn tay tôi nhỏ và mảnh, chơi piano rất khó. Có lần tôi nhận được lời mời biểu diễn ở Anh một concerto rất dài. Tôi không chắc mình có đủ sức hoàn thành tác phẩm với bàn tay nhỏ thế này. Nhưng cơ hội thì chỉ đến một lần vì ở Anh có được lời mời như thế là rất vinh dự. Tôi tập cật lực và cũng hoàn thành bài diễn.

Trong cuộc sống, không ai chỉ toàn gặp thuận lợi hay trắc trở. Ở nước ngoài, sức cạnh tranh nghề nghiệp rất lớn, sinh viên piano đào tạo ra nhiều mà cơ hội để làm nghề, chứ chưa nói là biểu diễn chuyên nghiệp, lại rất ít. Nếu không nỗ lực vượt qua khó khăn, sẽ thất bại.

* Chị từng có dự án dạy piano cho trẻ em Việt Nam, đến nay dự án đó tiến hành đến đâu rồi? Từng tham gia giảng dạy tại Anh và trong những chuyến trở về Việt Nam chị cũng có những buổi dạy tại các nhạc viện, theo chị, có sự khác biệt nào trong đào tạo piano ở Việt Nam so với quốc tế?

- Tôi có ý tưởng làm một bộ sách âm nhạc cho trẻ em để đưa lên mạng nhằm phổ cập và giúp các em tiếp nhận âm nhạc được tự nhiên hơn thay vì cứ "hàn lâm" như cách dạy hiện nay. Mục đích là cho các em thấy học nhạc cũng dễ dàng như học đánh vần thông qua sự giải thích sinh động, rõ ràng. Rất tiếc là suốt 5 năm qua, do lịch làm việc, thu đĩa dày đặc nên tôi chưa triển khai được, nhưng chắc chắn tôi sẽ thực hiện khi có điều kiện thuận lợi.

Việt Nam có rất nhiều điểm khác biệt về đời sống xã hội, đặc thù văn hóa so với phương Tây nên việc đào tạo chắc chắn cũng khác. Ngay như các giáo trình dạy nhạc, bao nhiêu năm nay chúng ta vẫn theo mô hình cũ của Nga, tuy có nhiều cái tốt nhưng cũng có nhiều thứ cần phải thay đổi vì hệ thống giáo dục của Nga hay các nước khác hẳn mình.

* Cảm ơn chị về cuộc trao đổi này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Pianist Bích Trà: "Tôi không muốn thương mại hóa nhạc của mình"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO