Phim hoạt hình 3D Việt Nam đã "cất cánh"?

HOÀNG YẾN| 06/02/2010 00:01

Dành gần hai năm để thực hiện bộ phim hoạt hình 3D Thỏ và Rùa đã hao tổn nhiều tâm sức cho sản phẩm “made in Vietnam” này...

Phim hoạt hình 3D Việt Nam đã

Dành gần hai năm để thực hiện bộ phim hoạt hình 3D Thỏ và Rùa (dài 20 phút, Hãng phim Giải Phóng và Công ty Fanatic Film Production), đạo diễn trẻ Huỳnh Vĩnh Sơn (sinh năm 1979) đã hao tổn nhiều tâm sức cho sản phẩm “made in Vietnam” này. Và anh đã được “trả công” xứng đáng khi bộ phim được chọn mở màn cho chương trình phim ngắn trên VTV6, đoạt giải Cánh diều Bạc (không có Vàng), giải Cánh diều Vàng 2008 và vừa rồi là giải Bông sen Vàng Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 16.

Để chuẩn bị cho bài tập tốt nghiệp Khoa Mỹ thuật hoạt hình của Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội, trong khi các bạn lo vẽ tranh thì Sơn quyết tâm làm phim hoạt hình ngắn. Thế rồi Sơn nung nấu ý định làm phim 3D. Đầu quân về Hãng phim Giải Phóng, nhưng phải mất bốn năm, sau khi được tu nghiệp và thực tập các khóa học thực hiện phim hoạt hình 3D và... chờ đợi, Sơn mới chính thức bắt tay vào dự án mà anh ấp ủ từ lâu.

Sơn đã bỏ chức trưởng phòng ở một công ty có thu nhập tốt để toàn tâm toàn ý cho Thỏ và Rùa. Anh không sợ khó, không ngại làm phim với chế độ thù lao còn quá thấp của một hãng phim nhà nước. “Chưa có nhiều phim hoạt hình Việt Nam làm bằng công nghệ 3D, nên chưa có kinh nghiệm được tích lũy hay ai bày vẽ cho ai. Chúng tôi bắt tay vào làm, vừa làm vừa học nên không tránh khỏi những va vấp”, Sơn chia sẻ.

Sơn cho biết, mỗi một khung hình trên phim là một hình ảnh được tổng hợp từ 4, 5 lớp hình ảnh khác nhau, mỗi giây là 25 hình như thế, và để tạo nên 1 giây hình ảnh, có khi các nhà làm phim phải mất 4 - 5 giờ liền. Chính vì chuẩn bị kỹ lưỡng, nên Sơn mới mất tới hơn hai năm cho dự án này. Có những lúc dự án bị đứt đoạn vì thiếu kinh phí. Sơn đã mời những người trẻ làm phim hoạt hình cả trong Nam lẫn ngoài Bắc ngoài đội ngũ chính khoảng hơn 10 người.

Có người không theo đuổi dự án đến cùng chỉ vì tiền thù lao quá ít ỏi so với công việc cùng loại ở các dự án khác, đặc biệt là của nước ngoài. “Trong quá trình làm phim, nhiều lúc tôi rơi vào căng thẳng và bế tắc. Có lúc nhiều cộng sự bỏ đi, mình tôi xoay xở, thế là hai, ba tháng trời mỗi đêm chỉ ngủ vài ba tiếng. Lúc đó, vợ tôi đang mang bầu. Nếu cô ấy không thông cảm thì tôi khó làm được phim này”, Sơn tâm sự.

Anh cho biết thêm: “Làm phim 3D tốn kém thời gian, tiền bạc cũng như đòi hỏi nhiều máy móc thiết bị và phần mềm chuyên dụng, nên đội ngũ làm phim hoạt hình ở ta chủ yếu gia công 3D cho các hãng nước ngoài. Máy móc chuyên nghiệp có thể giúp làm nhanh gấp ba - bốn lần so với một cái máy có tính năng trung bình. Phần mềm chuyên dụng cũng hỗ trợ đắc lực cả về hiệu quả và thời gian hoàn thành công việc... Nhưng những điều này vẫn chỉ là ước mơ”.

Theo Sơn, tuy ứng dụng công nghệ nước ngoài, nhưng con người và máy móc có hạn nên phải cố gắng đảm bảo về tổng thể sao cho phim hoạt hình 3D Việt Nam là “phim xem được”. Nhưng đầu ra của phim hoạt hình nói chung vẫn là một dấu hỏi lớn. Không nản, Sơn đang cùng các đồng nghiệp bắt tay thực hiện bộ phim 3D thứ hai dài 22 phút Khu đầm có cánh, vẫn hợp tác với tác giả kịch bản Mỹ Linh và dự kiến ra mắt vào tháng Ba năm nay. Tạo hình chú bé Bong Bóng hấp dẫn đến mức một trang web của Tây Ban Nha đã đề nghị đạo diễn cho họ mua bản quyền sử dụng một số hình ảnh.

Sơn mong bộ phim được phát hành bằng DVD để khán giả có thể dễ dàng thưởng thức, cũng như phim hoạt hình Việt Nam thật sự được “cất cánh” chứ không chỉ trông chờ vào sóng truyền hình, hay nằm im trong máy tính sau khi sản xuất, như số phận của Thỏ và Rùa trước đây.

Cảnh trong phim Thỏ và Rùa

Phim có nhiều tình huống vui vẻ, tiết tấu nhanh, thoại chỉ điểm xuyết khi cần thiết. Khán giả đã quen xem phim nước ngoài sẽ không phải than thở “sao phim Việt Nam chậm chạp vậy” khi xem Thỏ và Rùa. Ê-kíp lồng tiếng gồm NSƯT Thành Lộc, Đình Toàn… thật sự thổi hồn cho những nhân vật trong phim.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Phim hoạt hình 3D Việt Nam đã "cất cánh"?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO