NSƯT Thành Lộc: Liên tục tận hiến với đời

HÒA BÌNH| 14/02/2018 06:54

Đã 56 tuổi, danh tiếng nổi như cồn, nhưng NSƯT Thành Lộc vẫn tiếp tục tận hiến cho đời những vai diễn - vở diễn rực cháy ngọn lửa đam mê nghệ thuật.

NSƯT Thành Lộc: Liên tục tận hiến với đời

NSƯT Thành Lộc trong tạo hình Cụ Đồ Chiểu

Cuối năm 2017, khi vở nhạc kịch Tiên Nga do NSƯT Thành Lộc đạo diễn ra đời, khán giả và giới nghệ sĩ xôn xao chào đón. Bởi trước nhất Tiên Nga đóng dấu cái tên Thành Lộc - một bảo chứng rằng đó là một vở diễn sẽ đem lại điều gì đó đặc biệt, đó sẽ là vở diễn đậm chất nghệ thuật của một trong những tác phẩm đỉnh cao như cái cách Thành Lộc dốc hết sức mình tận hiến cho nghề, cho đời trong suốt mấy chục năm qua.

Nhiệt huyết của người nghệ sĩ công dân

Tiên Nga của nghệ sĩ Thành Lộc dựa theo truyện thơ Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu. Tiên Nga là tên ghép của 2 nhân vật chính Lục Vân Tiên và Kiều Nguyệt Nga của câu chuyện. Nhưng Tiên Nga không đơn thuần là vở diễn kể câu chuyện tình chung thủy, trắc trở của đôi trai gái Vân Tiên và Nguyệt Nga đi cùng những đạo lý nhân nghĩa ở đời.

Vẫn câu chuyện tình ấy với gần như đầy đủ các tình tiết và thông điệp đạo lý nhân nghĩa của nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu gửi gắm, song Tiên Nga của nghệ sĩ Thành Lộc rừng rực ngọn lửa yêu nước khiến người xem lay động mãnh liệt thông qua nhân vật nữ thứ chính Kim Liên. Trong Tiên Nga, Kim Liên sau khi thay Kiều Nguyệt Nga cống Hồ đã hành thích vua Phiên với tấm lòng yêu quê hương, bảo vệ Tổ quốc.

Link bài viết

Đây là lớp diễn đắt giá nhất vở diễn và là sáng tạo độc đáo của nghệ sĩ Thành Lộc.Trong lớp diễn đó, nghệ sĩ Thành Lộc trong vai nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu bước ra hùng hồn đọc những áng văn yêu nước, căm thù giặc bùng cháy trong Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc.

Nhân vật nhà thơ đã nâng nhân vật Kim Liên đứng dậy, chia sẻ lòng căm thù giặc với cô, xoa dịu nỗi đau thể xác, tinh thần cô đang hứng chịu khiến người xem rưng rưng. Rồi nhân vật Kim Liên hiển thánh, hóa thân thành một nàng tiên xinh đẹp trắng ngát trong sen trong mây bay về quê hương khiến người xem ngơ ngẩn.

Hỏi Thành Lộc khác biệt này là ý của anh hay có sẵn trong kịch bản của các tác giả Nguyễn Thành Châu, Nguyễn Hồng Dung, Nguyễn Thị Minh Ngọc mà anh hợp soạn, Thành Lộc nói: "Đó là ý của tôi, là tính công dân của người nghệ sĩ ở tôi. Tôi nhờ chị Nguyễn Thị Minh Ngọc viết lời cho nhân vật cụ Nguyễn Đình Chiểu và đưa Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc vào. Tôi đã thấy rằng chúng ta đang sống trong một thời đại giới trẻ thờ ơ với vận mệnh đất nước. Đặc biệt ở những thành phố càng lớn, càng có nhiều thứ cho người ta hưởng thụ, thì người ta càng không quan tâm những gì diễn ra trên đất nước mình đang sống. Tôi biết rằng mỗi ngày ngoài biển Đông ngư dân và chiến sĩ bảo vệ hải đảo đã phải hy sinh rất nhiều. Vậy nhưng ở những thành phố lớn, người ta lại chỉ quan tâm cô nào đăng quang hoa hậu và những gì thuộc về thế giới của họ. Điều đó làm bản thân tôi thấy buồn, trăn trở. Qua Tiên Nga này tôi muốn gửi gắm thông điệp đó đến mọi người".

Không chỉ với Tiên Nga, mà trước đó trong những tác phẩm sân khấu do NSƯT Thành Lộc dàn dựng như Bí mật vườn Lệ Chi, Ngàn năm tình sử, Ngôi nhà anh túc... và những vai diễn đây đó của anh, lòng yêu nước, bảo vệ sự công bằng lẽ phải cho xã hội luôn tràn đầy khiến người xem cảm phục về tư cách công dân ở một nghệ sĩ như anh.

Không chỉ thế, ngay trong đời sống, sự khẳng khái của Thành Lộc cũng khiến đồng nghiệp, công chúng mến phục.

Từ say mê nhạc kịch đến những tác phẩm đỉnh cao

Với nghiệp diễn viên, Thành Lộc được mệnh danh là "Phù thủy sân khấu" với sự biến hóa đa dạng, độc đáo qua rất nhiều vai diễn. Nét diễn, cách diễn của anh đã ảnh hưởng không ít đến nhiều nghệ sĩ đàn em thành danh sau này, cũng như lớp diễn viên trẻ.

Với nghiệp đạo diễn, tuy không có nhiều tác phẩm, và dù không được đào tạo chính quy, song Thành Lộc vẫn là một đạo diễn bậc thầy với những tác phẩm được xếp vào hàng đỉnh cao cả về quy mô dàn dựng lẫn đầu tư kinh phí, chất lượng kịch bản, vở diễn như Bí mật vườn Lệ Chi, Ngàn năm tình sử, Tiên Nga...

Đặt biệt Thành Lộc thể hiện rõ niềm say mê với thể loại nhạc kịch và để lại dấu ấn khá rõ với sân khấu phía Nam nói riêng, sân khấu Việt Nam nói chung với những tác phẩm thuộc thể loại này. Anh gần như là người làm nhạc kịch đầu tiên ở sân khấu Việt Nam sau 1975 với vở Tin ở hoa hồng (2003).

Vở diễn này đã thổi một làn gió mát, nhẹ nhàng vào sân khấu lúc đó khiến nghệ sĩ và khán giả hào hứng. Sau Tin ở hoa hồng thì Ngàn năm tình sử (2009) là một bước tiến xa của Thành Lộc với thể loại nhạc kịch khi yếu tố âm nhạc dày dặn hơn, phong phú, quyến rũ và thuyết phục hơn. Quan trọng nhất, cái sự khởi đầu đầy say mê của anh với nhạc kịch đã tạo nên một xu hướng dựng nhạc kịch cho sân khấu Việt Nam về sau.

Nhiều năm nay, Sân khấu kịch IDECAF mà Thành Lộc làm trụ cột liên tiếp có những vở nhạc kịch kiểu này hay kiểu khác. Kịch cho thiếu nhi ở chương trình Ngày xửa ngày xưa của nơi đây thiên hẳn về thể loại nhạc kịch. Trong đó, sau 17 năm ra mắt, nhạc kịch Tấm Cám - được xem là hot nhất của Ngày xửa ngày xưa, vẫn liên tục "cháy vé", thậm chí là tạo nên hiện tượng "vé chợ đen" giữa thời buổi sân khấu nói chung đang khủng hoảng.

Nhiều sân khấu như Kịch Phú Nhuận, Kịch 5B, Kịch Thế Giới Trẻ - Sài Gòn Phẳng, Kịch TKC... lần lượt đều có những vở nhạc kịch. Nhiều diễn viên trẻ cũng hào hứng bước vào con đường làm nhạc kịch chuyên nghiệp như nhóm Buffalo...

Riêng Thành Lộc, đến Tiên Nga thì anh đã hoàn thiện thể loại nhạc kịch với âm nhạc, vũ đạo dày dặn và phong phú.

Cảnh trong vở nhạc kịch Tiên Nga

Cảnh trong vở nhạc kịch Tiên Nga

Đáng kể nhất, đến Tiên Nga thì các diễn viên đã thật sự hát live (sống) và có dàn nhạc sống đàn cho nghệ sĩ trong vở hát theo đúng chuẩn của một vở nhạc kịch thật sự như cách thế giới đã làm, chứ không còn cảnh nghệ sĩ chỉ hát nhép ở những vở được châm chước gọi là nhạc kịch trước đó.

NSƯT Thành Lộc chia sẻ: "Tôi rất thích làm nhạc kịch vì tôi mê âm nhạc và tính hiện đại của nó. Tôi muốn dùng hình thức nhạc kịch làm cầu nối để cho giới trẻ từ từ yêu thể loại kịch cổ trang, lịch sử ở những tác phẩm của mình".

Hỏi Thành Lộc nhận xét gì về xu hướng làm nhạc kịch và các diễn viên trẻ làm nhạc kịch hiện nay, anh nói: "Tôi có đi xem vở Tấm Cám của các bạn Bufalo làm. Tôi thấy, thứ nhất các bạn đó rất say mê nghề, đó là cái điều tôi rất trân quý. Thứ hai tôi thấy nhiều điều tâm đắc như các bạn làm nghề thật sự chứ không phải chơi nghề, làm rất có tâm, làm tử tế, đẹp, nghiêm túc. Tuy nhiên các bạn còn thiếu kinh nghiệm để chuyên nghiệp hơn, hay hơn. Nhưng điều này không sao cả. Nghề dạy nghề. Các bạn cứ làm nhiều là sẽ có kinh nghiệm để làm ngày càng hay hơn".

Đã 56 tuổi, Thành Lộc vẫn tận hiến cho sân khấu những vở diễn như Tiên Nga ấp ủ trong suốt 4 năm ròng, vẫn vắt kiệt sức mình trên sân khấu với vai diễn cụ Đồ Chiểu. Kinh tế khó khăn cũng bởi anh mượn tiền ngân hàng để làm các vở diễn. Nhưng dù khó khăn, hay phải chịu thiệt thòi thì Thành Lộc vẫn không kêu rên, vẫn kiên trì với lối đi mình đã chọn, và không chấp nhận những lời mời tham gia những gameshow dễ dãi bởi "Tôi rất sợ đánh mất mình. Tôi luôn luôn muốn là người cùng người khác làm người truyền cảm hứng làm nghề, cho em cháu của mình. Chúng ta đang sống trong một thời đại mà tất cả mọi thứ đều trở nên thực dụng, nên bản thân tôi chỉ cố thắp lên những que diêm, truyền tay cho những bạn khác những que diêm mình đã có trong bao diêm của mình để các bạn thấy rằng: "A, vẫn còn có nghệ thuật tử tế, vẫn còn, vẫn còn".

Và quả thật, dù sân khấu đang gặp hồi bĩ cực thì vẫn có những người như nghệ sĩ Thành Lộc...kiên trì "thắp lửa" cho sàn diễn sáng đèn, để khán giả yêu "thánh đường" sân khấu vẫn có nơi được đắm mình vào những vở diễn như Tiên Nga...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
NSƯT Thành Lộc: Liên tục tận hiến với đời
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO