Lorde – biểu tượng hay hiện tượng?

PHƯƠNG PHI/DNSGCT| 05/07/2014 07:31

Lorde, một cô gái 17 tuổi nhưng đã làm nên kỳ tích khi đứng đầu các bảng xếp hạng lớn trên toàn thế giới nhiều tuần liền với hit đình đám Royals và hai giải Grammy danh giá.

Lorde – biểu tượng hay hiện tượng?

Lorde, một cô gái 17 tuổi nhưng đã làm nên kỳ tích khi đứng đầu các bảng xếp hạng lớn trên toàn thế giới nhiều tuần liền với hit đình đám Royals và hai giải Grammy danh giá.

Đọc E-paper

Cô gái Ella Maria Yellich O’Connor, sinh ra tại đất nước New Zealand bình dị đã có cơ hội tiếp xúc với âm nhạc từ khi mới 5 tuổi. Trong một lần tham gia đội kịch của trường, cô đã bắt đầu phát triển niềm đam mê âm nhạc của mình.

Vào thời điểm 13 tuổi, Ella đã mạnh dạn gửi đến các nhà tìm kiếm tài năng hai ca khúc đình đám được cô cover lại là Warwick avenue của Duffy và Mama do của Pixie Lott.

Với chất giọng trầm ấm hiếm thấy, cùng với cách hát khác xa so với bản gốc của hai ca khúc trên, Ella nhanh chóng thu hút được sự chú ý của hãng đĩa Universal. Không lâu sau họ đã tìm đến cô và một hợp đồng dài hạn được ký kết, cái tên Ella ngây thơ thuở nào cũng được thay thế bằng nghệ danh Lorde mạnh mẽ và quyền lực, như chính giọng hát và phong cách của cô vậy.

Nhiều người nhận định rằng Lorde chỉ là một ca sĩ đạt được thành công kiểu “One hit wonder”, tức là một ngôi sao vụt sáng trong giây lát rồi phụt tắt, bằng chứng là các giải thưởng và tiếng tăm của cô có được đều nhờ tấm “giấy thông hành” Royals. Tuy nhiên, đây là một nhận định hoàn toàn sai lầm và việc Royals thu hút sự chú ý đặc biệt của thế giới chỉ có thể khẳng định đây là ca khúc đỉnh cao trong sự nghiệp hiện tại của Lorde, chứ không thể kết luận rằng cô là một ngôi sao xẹt.

Sự thật là trước khi album Pure heroine đến được tay khán giả, trước cả khi hit Royals làm mưa làm gió trên Hot Billboard 100, Lorde đã từng phát hành một đĩa mở rộng (EP) mang tên The love club gồm năm ca khúc, trong đó ca khúc cùng tên EPRoyals được hưởng ứng nồng nhiệt tại thị trường châu Úc và Bắc Mỹ khi cả hai cùng liên tục chiếm lĩnh vị trí số 1 trong suốt nhiều tuần liền.

Lorde lại tiếp tục tung ra thêm một EP thứ hai trong đó có Tennis Court, bài hát cùng tên EP, được đánh giá rất cao. Theo nhiều nguồn tin, ca khúc này còn được yêu thích hơn cả Royals về mặt âm nhạc lẫn hình ảnh! Điều này một lần nữa khẳng định Lorde không phải là một nghệ sĩ “One hit wonder” như nhiều người vẫn lên tiếng chỉ trích bấy lâu.

Sau những thành công trên, tiếng tăm của Lorde ngày càng được khẳng định trong lòng những người yêu nhạc alternative và họ đang tôn cô lên làm vị nữ hoàng mới của dòng nhạc này. Nhận thấy thời cơ đã chín mùi, Lorde thôi trò “đuổi bắt” với khán giả bằng việc phát hành chính thức một album thực thụ và khi ấy, Pure heroine ra đời.

Đồng thời, cô chính thức xác nhận Royals là single đầu tay, Tennis Court Team là những single tiếp theo bằng cách tung MV và làm nhiều hoạt động quảng bá toàn cầu khác. Thế là các ca khúc này bắt đầu đem lại lợi nhuận cho cô và không còn là những track miễn phí, phát hành hạn chế trên mạng nữa.

Cá tính âm nhạc của Lorde được ảnh hưởng khá nhiều từ những nghệ sĩ huyền thoại như Prince, Bon Iver, Elta James, The Weekend và gần đây nhất là rapper Nicki Minaj. Bên cạnh dòng nhạc alternative rock cổ điển, u ám mà Lorde đã chọn làm chủ đề cho album Pure heroine, bạn sẽ dễ dàng nhận ra chất electronica, indie và synthpop nổi bật trong đó, khiến cho toàn bộ album trở nên hiện đại và dễ nghe hơn rất nhiều.

Đây vừa là một điểm mạnh vừa là một điểm hạn chế của Pure heroine. Trong khi thế giới vẫn đắm mình trong những bản nhạc dance sử dụng autotune và dubstep làm hiệu ứng chính, Lorde đã chọn một hướng đi hoàn toàn khác so với thời đại. Có thể nói đó là lý do chính mang đến sự thành công tuyệt đối của cô ngày hôm nay. Tuy nhiên, sự hạn chế chính là ở chỗ, nhạc của cô không phải kiểu nhạc có thể gây hứng thú ngay từ lần đầu.

Bạn phải nghe và trải nghiệm album ít nhất là đến lần thứ 3 thì ca từ và giai điệu sẽ bắt đầu “gây nghiện” như chính tên của nó. Cuối cùng, bạn sẽ bất giác phát hiện ra mình đang trong trạng thái hát vu vơ đoạn điệp khúc rất bắt tai của Royals: “Let me be your ruler!”…

Khi Royals và bản thân Pure heroine bắt đầu chiếm cảm tình của đông đảo người yêu nhạc, họ vẫn chưa thật sự biết Lorde là một cô gái như thế nào. Mãi đến khi hai giải Grammy danh giá thuộc hai hạng mục lớn là Song of the year và Best pop solo performance được trao cho Lorde, khán giả mới ngỡ ngàng trước hình tượng một cô gái trang điểm đậm theo phong cách rocker thập niên 80, không hề giống Lorde 17 tuổi trong MV Royals.

Bất ngờ tiếp nối bất ngờ, cô nàng liên tục có những phát ngôn sốc như khi được hỏi nếu được chọn hẹn hò cầu thủ David Beckham điển trai hoặc Harry Styles đào hoa của One Direction, cô sẽ chọn ai thì cô nàng đã phũ phàng bảo rằng cô có thể bỏ qua cả hai và đi du lịch châu Âu được không?!

Ngoài ra, cô nàng còn thẳng thắn buông lời chê bai đàn chị Selena Gomez, Taylor Swift, từ chối lời mời hợp tác với DJ David Guetta, đả kích những icon như Britney Spears, Amy Winehouse… Bên cạnh đó, ngay từ khi mới bắt đầu, cô định lấy nghệ danh là Lord (Chúa tể) nhưng vì bị công ty phản đối, cô đành thêm chữ “e” vào để cái tên nữ tính và ít “ngông” hơn. Bấy nhiêu đó đã nhanh chóng khiến cho giới truyền thông “kết án” cô vào tội “chảnh”!

Thật ra, Lorde thể hiện sự kiêu ngạo cũng là một bước trong việc đánh bóng tên tuổi của mình. Với phong cách chủ đạo là ủng hộ nữ quyền, cô nàng chọn cách áp dụng nó ngay vào đời sống của mình. Nữ quyền giờ đây không chỉ là sự bình đẳng giữa phụ nữ và đàn ông, cô muốn đưa đến thông điệp phụ nữ mới là những kẻ thống trị thế giới! Và tất nhiên, với một thông điệp hết sức táo bạo và ngông cuồng như thế, lại xuất phát từ một cô gái 17 tuổi, Lorde nhanh chóng trở thành hiện tượng.

Có một điều chắc chắn rằng, với sự nghiệp đang lên như diều gặp gió, không sớm thì muộn cô cũng sẽ được tôn lên hàng biểu tượng. Một điểm xuất sắc khác trong tầm nhìn của cô gái thế hệ 1996 đó là chọn dòng nhạc để theo đuổi. Tư tưởng nữ quyền trong âm nhạc đã có nữ hoàng Beyoncé trong R&B, Lady Gaga trong dance-pop, Avril Lavigne trong pop-rock,…

Vì thế, Lorde đã tự lượng sức mình, mượn tay dòng nhạc alternative, vừa để tái sinh lại dòng nhạc huyền thoại này, vừa khẳng định được cái danh nữ hoàng của mình trong giới nghệ thuật. Từng bước, từng bước vươn đến đỉnh cao đều đã được vạch sẵn trong cái đầu xinh đẹp của cô gái trẻ.

Single Royals vừa được hâm nóng trở lại khi tại lễ trao giải MuchMusic Video Awards 2014 trong tháng 6 vừa qua, ca khúc được vinh danh trong hạng mục International video of the year. Không ngủ quên trên chiến thắng, Lorde đã thông báo cô đang tiếp tục sáng tác và sẽ nhanh chóng vào phòng thu để phát hành album mới.

Chúng ta hãy cùng chờ đợi sự trở lại của Lorde trong tương lai để thật sự trả lời được câu hỏi: Với cái đầu thông minh và phong cách cá tính như vậy, Lorde thật sự là một biểu tượng 17 tuổi hay chỉ là một hiện tượng của năm 2013 mà thôi.

>Lorde “Nữ hoàng” tuổi 17
(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Lorde – biểu tượng hay hiện tượng?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO