Ca sĩ Quang Đại: Đi để được hát

HOÀNG HOÀI HƯƠNG| 20/02/2015 00:58

Đi để được hát nhưng lòng tôi vẫn nặng nợ đất quê, vẫn thèm những ngày Tết về với mẹ, về với đỗ xanh, thịt mỡ, bánh chưng, với cái gió lạnh khô ở quê nhà.

Ca sĩ Quang Đại: Đi để được hát

Đi để được hát nhưng lòng tôi vẫn nặng nợ đất quê, vẫn thèm những ngày Tết về với mẹ, về với đỗ xanh, thịt mỡ, bánh chưng, với cái gió lạnh khô ở quê nhà.

1. Sài Gòn thấy gió se lạnh là thấy Tết. Giờ này ở quê chắc mẹ tôi đang tất bật nào dây phơi, nào lá, nào gạo nếp, đỗ xanh, thịt mỡ, tất bật làm thêm bánh chưng bên chõ xôi vẫn đồ hằng ngày để kiếm chút đỉnh lo Tết. Cái nghề theo mẹ ngót hơn nửa đời người, vun vén, chắt chiu nuôi bầy con nheo nhóc...

Ngày nhỏ, tôi bị viêm cầu thận cấp. Nhà chẳng có gì đáng giá, bố mẹ cầm cố miếng đất từng chắt chiu, đưa tôi thoát khỏi những cơn co giật liên hồi. Bốn năm ròng ra vào viện như người ta đi chợ, lúc tôi khỏi bệnh, gia tài còn lại của bố mẹ là một cái gọi là nhà cũng được mà chòi cũng xong, mỗi đận gió về, lạnh buốt tới xương. Những ngày mưa tầm tã, anh em tôi căng mấy cái áo mưa vá chằng vá đụp, rồi lấy nồi niêu, xoong chảo hứng nước chống dột, co ro ôm nhau ngủ cho qua cơn đói. Cái nghèo ám ảnh vào tận giấc mơ.

Thương mấy đứa em học hành không tới nơi tới chốn, hết lớp 9, bố cho tôi ra Hà Nội học sửa xe máy. Khổ nỗi, tôi mê hát từ hồi còn bé xíu, tiếng hát váng vất đầu, học nhớ trước quên sau. Thuở nhỏ, trong xóm loáng thoáng ở đâu có tiếng nhạc, tôi đều ba chân bốn cẳng chạy tới xem cho kỳ được. Tôi không dám mơ làm ca sĩ, chỉ nghĩ, sau này phải lúc nào cũng được hát thì sướng biết mấy!

Ra Hà Nội, tôi chỉ nôn nao mong đến cuối tuần, đi bộ từ Kim Liên ra mé Hồ Tây, đứng thập thò ngoài cửa quán cà phê nho nhỏ nghe người ta hát, tàn cuộc rồi về. Vậy là mãn nguyện rồi chớ nghèo quá, đâu có dám vô quán kêu ly cà phê, ngồi nghe đàng hoàng. Nỗi thèm hát ngày một lớn dần. Được gần một năm, tôi về hỏi bố: “Bây giờ con muốn hát thì phải làm thế nào?”, bố nhìn tôi hồi lâu, rồi bảo: “Cách duy nhất là vô Sài Gòn”. Vậy là tôi đi. Nhẹ tênh. Đi, để được hát.

Tôi nhớ như in vé xe khách tuyến Bắc - Nam hồi đó tám chục ngàn đồng. Bố vét hết túi cũng chỉ được bốn chục. Nghĩ mẹ cần tiền mua gạo nấu xôi, tôi không nỡ cầm. Nhờ đi xe quen, tôi thỏa thuận được “đi chịu”, vào đến nơi nhờ bạn giúp. Ở nhờ nhà người quen đúng ba ngày, tôi bắt đầu bươn bả đi tìm việc. Khó nhọc tới đâu cũng nhận, chỉ cần có đủ tiền sống và đi hát là được.

Xưởng in lụa nhận tôi vào làm, hứa trả ba trăm ngàn mỗi tháng mà sau đó chỉ trả có một phần ba. Quần quật từ sáng đến tối vẫn không đủ ăn, tôi chuyển sang học làm băng video, mở tiệm nhỏ làm riêng. Nghề làm băng hình thời điểm đó rất thịnh, mua băng hư về sửa lại, có ngày kiếm được vài trăm ngàn. Nhưng chỉ thời gian ngắn, thị trường nghe nhìn chuyển sang dùng đĩa, tôi ra chợ trải bạt bán đĩa dạo. Bố tôi cũng vào Sài Gòn từ dạo ấy. Nghĩ buôn bán nay đây mai đó hoài không ổn, tôi với anh cả quay lại sửa xe máy.

Không biết tại số tôi lận đận hay ông Trời muốn thử thách lòng người mà làm đâu cũng bị người ta quỵt tiền công. Buồn, tủi và ức lắm mà đâu làm gì người ta được. Thôi thì khóc một trận cho đã rồi lăn lộn sống tiếp. Tôi vào làm cho xưởng đá hoa cương, chuyên cắt xẻ đá lát cầu thang, nền nhà.

Có những lần xẻ từ sáng đến khuya, công việc nặng nhọc cộng thêm gần cả tháng trời thiếu ngủ, người lúc nào cũng như lơ lửng trên mây, nhiều khi chỉ sợ ngủ gục trong lúc đang ôm khối đá, nó rơi xuống chắc có nước chết. Sực nhớ tới bố, tới mẹ vẫn đang phải thức khuya dậy sớm, tôi gắng sức gượng dậy. Tiếng hát tự nhiên vang lên, giúp vơi mệt nhọc.

2. Nếu không có âm nhạc, đời tôi chắc ủ dột và buồn tẻ lắm. Ngoài giờ làm, tôi kiếm khắp chỗ để đi hát. Hết tham gia sinh hoạt văn nghệ ở Trung tâm Văn hóa Quận 5, tôi lại qua Nhà Văn hóa Quận 12. Cuối tuần nào tôi cũng mượn xe đạp của ông chủ tiệm sang đó hát cho “sướng miệng”.

Nhiều bữa về muộn, không dám gọi cửa, tôi lang thang ngủ ngoài đường mà lòng phấp phới, khoan khoái lạ. Chính những tháng ngày ấy “se duyên” cho tôi với nhiều cuộc thi văn nghệ. Duyên chưa đủ thì biến cố ập đến: bố tôi bị xuất huyết não, nhập viện ít lâu thì mất.

Suốt ba năm sau khi bố ra đi, tôi không tập trung làm được việc gì cho ra hồn. Tối nào cũng nằm mơ thấy bố. Giật mình thức dậy, nước mắt chảy ướt gối. Nhớ lời bố thì thào trước khi nhắm mắt: “Ước gì thằng Đại đi hát, tháng kiếm chừng 2 triệu thôi cũng được”...

Tôi đến các phòng trà xin hát không thù lao, nhen nhóm lại giấc mơ trở thành ca sĩ nhưng cánh cửa khép chặt. Lại quay về cắt xẻ đá hoa cương. Cũng do mất tập trung, tôi bị tai nạn khi xẻ đá. Giấc mơ hát hò tưởng đã vụt tắt thì đúng lúc ấy, một người chủ phòng trà kêu tôi tới hát thử. Vậy là đủ đầy cho một khởi đầu.

Dần dà, tôi được các anh chị ca sĩ thành danh cảm mến giới thiệu qua nhiều phòng trà khác. Rồi tôi đi thi, được nhiều khán thính giả biết đến. May mắn được cô Hương Lan tận tình giúp đỡ, điều mà trước đây có mơ tôi cũng chưa bao giờ dám nghĩ tới. Hành trang tôi mang theo khi đi hát chẳng có gì ngoài khát khao được hát thỏa thuê và những tháng ngày lang bạt...

Mười mấy năm ở phố, nếu tôi nói chẳng ôm mộng định cư ở phố, liệu có ai tin? Người ta vì mưu sinh mà bám phố xa quê, chứ lòng nặng nợ đất quê, đi sao cho đành. Tự dưng thoáng nghĩ, mai này tuổi già, tôi lại về quê, chăm đàn gà, gốc cây nơi mái nhà bố mẹ tôi một đời tần tảo, sống mũi bỗng cay cay.

Mùa này, quê tôi gió lạnh gắt và khô, đất đen như hóa trắng. Cả đời mẹ tảo tần hôm sớm, mong manh như cây trước gió. Tết này, con lại không về! Ráng ít năm nữa thôi, mẹ ơi...

>Thương như cha, yêu như mẹ
>Hẹn mẹ Xuân sau
>Xuân của mẹ

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Ca sĩ Quang Đại: Đi để được hát
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO