Xin lén kể về hai nhân cách

Thanh Thủy| 12/10/2021 08:00

Hơn 20 năm làm báo, tôi quen biết nhiều doanh nhân, trong đó không ít người có nhân cách đặc biệt - cách đối nhân xử thế với những người yếu thế. Và chị Toàn Ý, Thảo Phạm là hai nhân cách mà tôi ngưỡng mộ...

Chi-Toan-Y-pha-che-hang-ngan-c-5093-9919

Chị Toàn Ý pha chế hàng ngàn chai nước rửa tay tặng cho mọi người trong mùa dịch vừa qua

Năng lượng giúp đỡ người khác chưa bao giờ vơi

Chị Toàn Ý giàu nhưng không bao giờ khoe những gì mình có, chị giỏi nhưng không bao giờ cho mình đã đủ hiểu biết. Lúc nào chị cũng khiêm tốn, ân cần và chu đáo với mọi người, nhất là dồi dào năng lượng giúp người này người kia. Chị không hứa hẹn, không kể lể những việc mình đã làm, chị luôn làm ngay những việc cần làm trong tâm thế vui vẻ và ân cần.

Gia đình chị sống ở Mỹ và bản thân chị cũng là công dân Mỹ nhưng chị sống ở Việt Nam nhiều hơn và di chuyển bằng xe gắn máy giống như bao người. Là một dược sĩ, chị bảo nếu ở Mỹ, tiền chị kiếm được chỉ hữu ích cho gia đình, còn duy trì công ty ở Việt Nam (công ty mà hai vợ chồng chị chắt chiu gầy dựng trước khi định cư ở Mỹ) chị sẽ giúp được nhiều người, và đó là điều chị muốn. 

Những buổi tiệc tất niên mà tôi được chị mời tham dự, ấn tượng để lại luôn là việc chị không quên một ai, từ công nhân viên đến đối tác và khách mời. Ngay đến nhân viên nhà hàng phục vụ bữa tiệc, chị cũng cảm ơn và lì xì cho họ. Tôi cũng cảm nhận được tình cảm trìu mến của mọi người dành cho chị, đặc biệt là nhân viên của chị. Đối với họ, “cô Ý không chỉ là bà chủ đáng kính mà còn là người thầy”.

Tai-diem-trao-qua-cua-chi-Toan-5714-8162

Nhân viên công ty chị Toàn Ý trao quà cho một người dân hồi tháng 6/2021

Tôi có duyên biết chị từ 10 năm trước, khi chị gửi 40 triệu đồng tiền phúng điếu đám tang của chồng giúp đỡ trẻ bị ung thư ở Việt Nam. Từ ngày đó, dịp Tết Trung thu, lễ Giáng sinh, Tết Nguyên đán năm nào chị cũng gửi tiền và quà giúp trẻ em bị bệnh điều trị ở Bệnh viện Ung Bướu TP.HCM. Có năm chị còn tài trợ nệm trải giường và tặng tủ sách cho các bé ở Khoa Nhi bệnh viện này. Trong đợt dịch Covid-19 năm 2020 và đầu năm 2021, chị tặng các bé Khoa Nhi Bệnh viện Ung Bướu vừa tiền, vừa thực phẩm, sữa, khẩu trang và nước rửa tay.  

Đi với chị nhiều lần để trao quà cho trẻ em bị bệnh, tôi cảm được tấm lòng yêu quý bọn trẻ của chị, từ cách chị cẩn thận lựa chọn từng phong bì đựng tiền lì xì, chọn bánh kẹo đủ dinh dưỡng hay thú nhồi bông không gây dị ứng, đến cách chị luôn ngồi xuống hoặc cúi mình ngang tầm bọn trẻ để trao quà với sự ân cần, trìu mến. 

Không chỉ nặng lòng với trẻ bị ung thư, chị còn tài trợ Quỹ Hiếu học Nguyễn Hiến Lê trao tặng học bổng cho trẻ em nghèo ở nhiều tỉnh, tài trợ cho  Quỹ Chia sẻ tình thương, trong đó có việc đào giếng nước cho dân nghèo ở miền Trung… 

Chị giống như vị sứ thần kết nối những mảnh đời khốn khó ở Việt Nam với các nhà hảo tâm là chị em ruột và con cháu trong đại gia đình của chị ở Mỹ. Từ tháng 4 đến tháng 6/2021, Quỹ An thiện của đại gia đình chị đã tổ chức nhiều đợt “mời cơm” và “trao quà” cho những người nghèo, cơ nhỡ đi ngang qua văn phòng công ty chị ở quận Bình Tân.  

Luon-cui-xuong-voi-cac-benh-nh-9882-6565

Luôn cúi xuống với các bệnh nhi ung thư và những thân phận yếu thế là phong cách của chị Toàn Ý

Đến tháng 7, để phòng chống đại dịch, TP.HCM buộc giãn cách triệt để, không tổ chức giúp ai được ở văn phòng thì chị gọi shipper trao quà cho bà con ở những khu nhà trọ quận Bình Tân. Sau đó, vì “ai ở đâu thì ở yên đó” nên chị cùng hàng xóm nấu cơm trưa cho nhân viên y tế ở Bệnh viện Dã chiến số 10. Vì sống một mình nên chị chỉ có những cái nồi nhỏ xíu, để có đủ 12 phần cơm trưa gửi tặng y bác sĩ, chị phải nấu cơm và thức ăn đến ba lần trong một buổi sáng.  

Là dược sĩ, chị đã làm hàng ngàn chai nước rửa tay sát khuẩn để tặng đồng bào khi dịch bệnh xảy ra. Đến giữa tháng 8/2021, được biết y bác sĩ, điều dưỡng bị lở hoặc hăm da vì mặc đồ bảo hộ suốt ca trực 12 - 14 tiếng đồng hồ hằng ngày, chị lại pha chế thuốc trị cho bệnh viện dã chiến. 

Một vị ni sư biết chị nhận xét: “Người không hề ở không, buông cái chầm, cầm cái chèo. Ý nghĩa của cuộc sống là đây nè: Biết tận dụng sự sống, không để ngày giờ hững hờ trôi đi”. 

Nhìn chị Toàn Ý làm việc, tôi chóng cả mặt. 

chi-14-1124-1633753595.jpg

Một bình hoa chị Thảo Phạm cắm theo phong cách Ikebana tạo sự an bình cho người xem 

Lòng nhân từ là phương thức thành công

Từng là bà chủ một doanh nghiệp kinh doanh đồ chơi Lego, Crayola, Tomica… chị Thảo Phạm đã phải bán công ty vì thất bại. Tuy nhiên, với tôi, chị chưa bao giờ thất bại, vì lòng nhân mà chị để lại cho bao người là cách chị thành công. 

Những ngày còn làm bà chủ công ty đồ chơi, chị đã tạo dựng sân chơi cho bọn trẻ ở một số trung tâm thương mại. Trước khi đủ tiền mua món đồ chơi yêu thích, bọn trẻ đã được chơi miễn phí thỏa thích. Và năm nào đến Noel, chị và nhân viên cũng gói những túi quà đồ chơi tặng cho trẻ em bị bệnh điều trị ở Bệnh viện Ung Bướu TP.HCM. Không chỉ cho đi những hộp bút chì màu đẹp và đắt tiền, những hộp đất sét màu không độc hại, những chiếc xe hơi nhỏ xinh nhập từ nước ngoài, chị còn bảo nhân viên viết thiệp chúc các bé mau khỏi bệnh. Tấm lòng của chị đối với trẻ không may thể hiện trong cách gói quà, trong những lời chúc, hệt như chị đang “phục vụ” những vị khách đặc biệt vậy. 

Thao-Pham-2-8929-1633753595.jpg

Dù kinh doanh đồ chơi hay đồ gốm, sự thiện tâm của chị Thảo Phạm thể hiện trong cách chị buôn bán và tiếp xúc với khách hàng 

Bây giờ chị là bà chủ một cửa tiệm nhỏ bán đồ gốm làm bằng tay. Chỉ cần đọc những dòng chị giới thiệu đồ gốm là ai cũng muốn làm khách của chị: “Đất đưa vào lò nung có thành gốm không? Không. Vì ngoài sự hội tụ của đất, lửa, gió, còn cần duyên. Duyên là bàn tay nghệ nhân, đặt tinh thần và tài hoa vào đất. Mọi yêu thương xin được giữ lại”. 

Yêu đồ gốm Nhật, chị học cắm hoa theo phong cách Ikebana của Nhật Bản và tạo ra những “bình hoa thiền” với nhành cây, chiếc lá, cánh hoa, thể hiện cái hồn của người tạo dựng nó. 

Trong những ngày giãn cách để phòng chống đại dịch, đọc những dòng chị viết, nhìn những bức ảnh chị chụp, bình hoa chị cắm, ai cũng thấy nhẹ lòng. Cuộc đời là vậy mà, ai cũng muốn giông gió qua mau để có những khoảng lặng bình yên… 

Chưa bao giờ gặp nhau vậy mà cách sống của hai chị Toàn Ý và Thảo Phạm thật giống nhau. Đó là trước khi yêu thương người khác, hãy yêu thương gia đình của mình trước. Nhìn cách hai chị yêu gia đình nhỏ và thân nhân của mình, tôi hiểu vì sao hai chị dễ dàng đồng cảm, thấu cảm với người khác. 

Hai chị không thích viết về mình đâu, tôi lén kể đấy. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Xin lén kể về hai nhân cách
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO