Việt Nam - thị trường bán lẻ đầy tiềm năng

HỒNG NGA| 01/01/2008 05:01

Đó là nhận định của ông Steven H L Gol, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Singapore, Giám đốc điều hành Công ty tư vấn quản lý bán lẻ The Bussiness company...

Việt Nam - thị trường bán lẻ đầy tiềm năng

Đó là nhận định của ông Steven H L Gol (ảnh), Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Singapore, Giám đốc điều hành Công ty tư vấn quản lý bán lẻ The Bussiness company (Singapore) kiêm Giám đốc Công ty xuất bản tạp chí các doanh nghiệp bán lẻ hàng đầu châu Á Retail Asia Publishing trong buổi gặp gỡ báo chí nhân chuyến viếng thăm Việt Nam theo lời mời của Liên hiệp Hợp tác xã thương mại TP.HCM (Saigon Co.op). Dịp này, phóng viên Doanh nhân Sài Gòn đã trò chuyện với ông.

* Lần đầu tiên sang Việt Nam, ông cảm nhận thế nào về đất nước chúng tôi?

Ấn tượng đầu tiên của tôi là đất nước các bạn khá đông đúc. Trong khi dân số Singapore chỉ có 4 triệu người thì chỉ tại thành phố TP.HCM này đã có 4 triệu chiếc xe gắn máy. Như vậy, số xe gắn máy ở một thành phố của các bạn đã bằng số dân của đất nước chúng tôi!

Trong đêm Noel, ở khu vực trung tâm thành phố, tôi có cảm giác như có đến 200 triệu chiếc xe gắn máy. Và một điều nữa mà tôi thấy ở đất nước các bạn là tỷ lệ người trẻ chiếm khá đông và đây cũng là tiềm năng để phát triển thị trường bán lẻ. Qua trao đổi với các doanh nghiệp Việt Nam, tôi thấy lợi nhuận của các doanh nghiệp bán lẻ chưa cao. Ngay như Saigon Co.op, một đơn vị bán lẻ lớn nhất của Việt Nam nhưng mức lợi nhuận cũng còn khá thấp.

Mặc dù các chi phí về lương, tiền thuê mặt bằng, quảng cáo và vận chuyển ở Việt Nam thấp hơn nhiều so với các thị trường phát triển như Hong Kong, Hàn Quốc hay Đài Loan, Tokyo, Singapore...nhưng lợi nhuận mà các bạn thu được chỉ bằng nửa họ. Vì thế, dù tiềm năng còn nhiều nhưng để phát triển, còn nhiều thứ để doanh nghiệp Việt Nam phải làm.

* Đã có hơn 20 năm kinh nghiệm làm việc trong ngành kinh doanh bán lẻ tại Singapore và Đông Nam Á, ông nhận định thế nào về thị trường bán lẻ Việt Nam?

Như tôi đã nói, ngành bán lẻ của Việt Nam có rất nhiều tiềm năng để phát triển. Thứ nhất, thị trường bán lẻ của các bạn hiện còn “sơ khai”, còn quá nhiều tiệm tạp hóa. Có thể coi các đơn vị kinh doanh theo mô hình hiện đại như chuỗi siêu thị Co.opMart, Diamond... là những đơn vị có tổ chức và các tiệm tạp hóa là mô hình kinh doanh không có tổ chức, thì tỷ lệ kinh doanh có tổ chức và không tổ chức tại Việt Nam là 20-80.

Trong khi đó, tại các thị trường phát triển như Hàn Quốc, Hong Kong, Đài Loan... thì tỷ lệ này là 80-20. Ở Nhật Bản, mô hình bán lẻ hiện đại chiếm đến 90% (10% cho cửa hàng tạp hóa), ở Trung Quốc tỷ lệ này là 60% hiện đại, 40% theo truyền thống. Như vậy, so với các nước, Việt Nam còn nhiều tiềm năng để phát triển ngành bán lẻ.

Thứ hai là thu nhập bình quân của người dânViệt Nam hiện đang tăng. Dân số trẻ, đông và thu nhập cao sẽ dẫn đến lối sống thay đổi, tạo cơ hội cho thị trường bán lẻ của Việt Nam phát triển.

* Ông đánh giá như thế nào về sức cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam so với các tập đoàn bán lẻ thế giới?

Kinh nghiệm của Trung Quốc và Ấn Độ cho thấy họ không “mở cửa” như Việt Nam. Trước khi gia nhập WTO, Trung Quốc không cho các tập đoàn bán lẻ vào và từ khi mở cửa (tháng 12/2005), họ cũng có biện pháp mạnh để bảo vệ doanh nghiệp trong nước. Hiện tại, Trung Quốc có một số nhà đầu tư nước ngoài nhưng thị phần bán lẻ vẫn thuộc về doanh nghiệp trong nước.

Còn tại Ấn Độ, chính phủ nước này cũng bảo vệ các đơn vị bán lẻ trong nước một cách khá bài bản. Họ chỉ cho các nhà bán lẻ nước ngoài kinh doanh một thương hiệu như Nike, Adidas... tham gia thị trường, còn những đơn vị kinh doanh siêu thị, trung tâm thương mại không được vào. Vì thế, hiện nay, các tập đoàn bán lẻ lớn như Metro, Wall Mart đang gặp khó khăn ở thị trường Ấn Độ.

Trong khi đó, ở Việt Nam, Chính phủ cũng bảo hộ doanh nghiệp trong nước nhưng vẫn dễ dãi đối với doanh nghiệp nước ngoài. Bằng chứng là mới gia nhập WTO một năm, nhưng ở hầu hết các thành phố lớn của Việt Nam đều đã có các siêu thị, trung tâm thương mại của nước ngoài như Metro, Parkson và mới đây là Dairy Farm. Như vậy, các doanh nghiệp Việt Nam cũng sẽ gặp khó khăn hơn trong việc cạnh tranh với các đối thủ nước ngoài.

* Ông sẽ nói gì với các các tập đoàn bán lẻ có ý định đầu tư vào Việt Nam?

Kinh doanh ở Việt Nam, các nhà bán lẻ cần xem xét các yếu tố sau: Thứ nhất, phải chọn khách hàng, tức phải biết khách hàng của mình là ai trước khi quyết định đầu tư. Thứ hai là bán sản phẩm gì, địa điểm ở đâu, giá cả thế nào, tiếp thị, khuyến mãi ra sao và cuối cùng là quy trình quản lý, điều hành thế nào để có hiệu quả...

Và khi vào Việt Nam, theo tôi, các nhà bán lẻ nước ngoài nên chọn đối tác địa phương vì những đối tác này hiểu rất rõ thị trường trong nước. Một điều nữa không kém phần quan trọng là phải linh hoạt, không nên “bê nguyên xi” mô hình kinh doanh ở nước mình để áp dụng vào Việt Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Việt Nam - thị trường bán lẻ đầy tiềm năng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO