“ Sống còn” cùng thời trang Việt

CÁC NGỌC| 30/06/2009 00:01

Đặc thù hơn các hệ thống siêu thị khác, Vinatex Mart không chỉ kinh doanh đủ các ngành hàng mà nhiệm vụ quan trọng nhất là mở rộng kênh bán lẻ hiện đại để giới thiệu hàng dệt may trong nước...

“ Sống còn” cùng thời trang Việt

Đặc thù hơn các hệ thống siêu thị khác, Vinatex Mart không chỉ kinh doanh đủ các ngành hàng mà nhiệm vụ quan trọng nhất là mở rộng kênh bán lẻ hiện đại để giới thiệu hàng dệt may trong nước. Đã 8 năm vừa bền bỉ vận động người tiêu dùng mặc hàng VN, vừa kiên trì kêu gọi doanh nghiệp (DN) hàng dệt may hướng đến thị trường nội địa một cách đúng đắn, giờ đây, bà Nguyễn Thị Hồng Hương, Tổng giám đốc Công ty Vinatex Mart lại chuẩn bị kế hoạch quảng bá cho hàng thời trang sản xuất trong nước.

* Bà có điều gì trăn trở khi là cầu nối để đưa hàng dệt may VN đến nhiều vùng miền. Theo bà các nhà sản xuất trong nước đã chinh phục được người tiêu dùng chưa?

- Là nhà phân phối, tôi thấy mình có trách nhiệm cùng nhà sản xuất thẳng thắn xem từ trước đến nay hàng thời trang VN đã thật sự được ưa chuộng và những mặt nào còn tồn tại thì phải tìm ra nguyên nhân để khắc phục nhanh. Các DN VN chưa có thói quen tự kiểm soát chất lượng. Khi sản xuất hàng tiêu thụ trong nước, DN nghĩ khách hàng nội địa dễ tính nên chưa chú tâm chất lượng, nhất là kỹ thuật may.

- Người tiêu dùng ngày một hiểu biết hơn, đòi hỏi cao hơn, họ không chỉ quan tâm mẫu mã mà còn xem kỹ từng đường kim mũi chỉ để phân biệt đẳng cấp của nhà sản xuất. Khi chúng tôi nói về vấn đề này, có nhà sản xuất hiểu ra vấn đề, cải tiến ngay, nhưng cũng có người chưa thấy đây là đòi hỏi cấp thiết. Tôi sẽ cố gắng thuyết phục để làm sao cho nhà sản xuất chịu cải tổ để họ và mình cùng phát triển trong sự hài lòng của người tiêu dùng.

Bà Hồng Hương trao đổi với ông Nguyễn Trung Tín, Phó chủ tịch UBND TP.HCM tại hội chợ máy móc thiết bị, nguyên phụ liệu dệt may vừa tổ chức vào đầu tháng 4/2009 tại TP.HCM

- Với ngành thời trang thế giới phát triển như hiện nay, người có thu nhập cao vẫn khó có đủ thông tin, kiến thức cập nhật để tự đưa mẫu đúng mốt cho thợ may. Trong khi đó, nước ta đã có đội ngũ thiết kế chuyên nghiệp giúp cho khách hàng chọn được những kiểu thời trang riêng biệt, độc đáo.

- Như vậy, có một sự chuyển biến về nhu cầu hàng may sẵn, thậm chí người càng có thu nhập cao càng muốn mặc hàng hiệu, được cung cấp bởi nhà thiết kế chuyên nghiệp, thợ may lành nghề, kỹ thuật may khéo. Nhà sản xuất hàng may mặc luôn phải cập nhật các xu hướng thời trang và phải tạo được nét riêng cho người tiêu dùng mà họ nhắm tới để người phân phối tư vấn với khách hàng chọn lựa cho phù hợp.

- Mặt khác, cần hỗ trợ kiến thức tiêu dùng cho khách hàng, giúp họ tin tưởng khi sử dụng hàng thời trang VN. Nếu có sự chuyển biến đồng bộ thì sẽ loại bỏ được hàng dệt may kém chất lượng, thay vào đó hàng may mặc của VN chỉ có chất lượng tốt đến xuất sắc, có đủ, đúng các đẳng cấp người tiêu dùng mong muốn. Các DN chú trọng đến chất lượng sản phẩm sẽ xem đây là cơ hội khẳng định mình để phát triển.

- Còn kiểu kinh doanh “ăn xổi ở thì”, bề ngoài quần áo kiểu dáng đẹp, trông cũng sang trọng nhưng chất liệu vải thì tệ, giặt vài lần phai màu, trước sau gì cũng bị đẩy lùi. DN hướng tới thị trường nội địa thì nên tạo niềm tin về chất lượng vì với người tiêu dùng, mua rẻ mà xài không được bền, đẹp, tức là mua mắc, còn trả tiền cao hơn một chút nhưng sản phẩm ưng ý thì không là mắc.

* Bà có nghĩ thị trường thời trang trong nước đã để một khoảng trống rất lớn cho hàng Trung Quốc, Hàn Quốc và Thái Lan? Ví dụ, giới trẻ mê thời trang Hàn Quốc, còn phụ nữ trung niên thì tìm mua hàng Trung Quốc.

- Đúng vậy. Thời trang trong nước đã và đang thua ngay trên sân nhà vì không tạo được ấn tượng tốt, một thương hiệu giá trị. Về mặt gây ấn tượng, phim ảnh Hàn Quốc đã khiến giới trẻ nước ta nghĩ đến thời trang Hàn Quốc. Họ có một chiến lược tổng thể để phát triển và hỗ trợ các mặt hàng “Made in Korea”; phim ảnh và thời trang chỉ là một mắt xích trong chiến lược này.

- VN đã có những bộ phim hay, mình có thể lựa chọn thời trang VN để lồng vào giới thiệu, nhưng rất tiếc, phim VN xuất hiện không nhiều như phim Hàn Quốc, Trung Quốc và ít phim gây ấn tượng mạnh.

* Như vậy, để tuyên truyền cho hàng VN thì không chỉ có nhà sản xuất, nhà phân phối, cơ quan truyền thông ủng hộ, mà cả các nhà hoạt động văn hóa - nghệ thuật cũng nên vào cuộc?

- Nếu được vậy thì quá tốt. Hầu như các siêu thị hiện giờ có rất nhiều hàng may mặc của Trung Quốc, nhưng riêng hệ thống Vinatex Mart của chúng tôi liên tục 8 năm chỉ kinh doanh hàng VN. Hằng năm, doanh thu hàng may mặc trong Vinatex Mart trung bình tăng trên 40%. Vinatex Mart có mặt ở vùng nông thôn, cao nguyên, nhu cầu sử dụng hàng may mặc chất lượng cao rất lớn.

- Thị trường còn tiềm năng mà không có phương pháp thích hợp thì cũng không thành công được. Qua thời gian quyết sống còn cùng hàng may trong nước, tôi đúc kết, nếu như hàng thời trang VN được đầu tư đúng mức từ mẫu mã đến chất liệu, kỹ thuật, giá hợp lý, thì người tiêu dùng sẽ đến với mình.

- Vinatex Mart nhận rất nhiều lời chào mời nhập hàng từ Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan với lợi nhuận khá cao. Tôi nghĩ muốn lấy lợi nhuận, trước mắt quá dễ nhưng hậu quả kèm theo là các nhà sản xuất trong nước không có chỗ đưa hàng vào.

Hàng thời trang VN trong siêu thị Vinatex Mart - Ảnh: Quý Hòa - Các Ngọc

- Chúng tôi sẵn sàng chia sẻ, hỗ trợ nhà sản xuất trong nước, mong người tiêu dùng ưu ái hàng VN nhiều hơn. Tuy nhiên, nếp nghĩ của nhà sản xuất phải thay đổi. Chẳng hạn, người ở tuổi 50 vẫn có nhu cầu mặc quần jeans, kaki chứ không phải chỉ dành cho thanh niên, nhưng phải may theo kiểu đứng đắn.

* Bà rất tâm huyết với thời trang VN, có lẽ đã gắn bó với ngành dệt may rất lâu?

- Tôi chỉ mới “dính” đến ngành dệt may 8 năm. Còn thời gian nhiều nhất tôi sống ở Lực lượng thanh niên xung phong TP.HCM (TNXP). Từ năm 20 tuổi, tháng 3/1976, tôi đi TNXP, trưởng thành trong môi trường này 20 năm... Ngày xuất quân đầu tiên của lực lượng này, từ nhiệm vụ đại đội phó, chính trị viên trưởng đại đội, liên đội phó hậu cần, tổng đội phó chính trị, rồi thường vụ chuyên trách đoàn Lực lượng TNXP TP.HCM.

- Đến năm 1996, khi Saigon Co.op quyết định mở hệ thống bán lẻ, chị Nguyễn Thị Nghĩa mới đến Lực lượng TNXP xin cán bộ, tôi được chuyển về Saigon Co.op, trở thành một trong những cán bộ đầu tiên xây dựng hệ thống Co.opMart.

- Cuối năm 2001, Tập đoàn Dệt may VN (Vinatex) thực hiện chỉ đạo của Bộ Thương mại và Bộ Công nghiệp (cũ) mở thêm một hệ thống bán lẻ trong nước để thâm nhập thị trường nội địa cho hàng VN. Lãnh đạo Vinatex sang Saigon Co.op xin người, các anh đề nghị tôi về Vinatex. Nghe vậy, nhiều người khuyên tôi cân nhắc, đang ở thế trụ cột trong Saigon Co.op - một hệ thống bán lẻ hiện đại có uy tín, triển vọng thăng tiến, không nên đi.

- Đã ở tuổi 45 rồi mà phải làm lại từ đầu, cực dữ lắm. Thế nhưng, nghe các anh bên Vinatex nói, nếu như không ai xung phong về giúp thì không có hệ thống siêu thị thứ hai vừa mang tính kinh doanh vừa mang tính xã hội vì sự nghiệp chung của ngành bán lẻ VN. Mấy anh thuyết phục, trước đây cực khổ còn phấn đấu được thì không có lý nào giờ đã có vài năm kinh nghiệm mà không dám rời bỏ để đi khai phá cái mới.

- Tôi suy nghĩ thấy nếu việc mình làm có ích cho xã hội thì cũng nên thử thách ở môi trường mới, thiếu mình thì Saigon Co.op vẫn hoạt động tốt vì có nhiều người giỏi và hệ thống siêu thị Co.op Mart đã tương đối vững vàng.

* Lúc mở Vinatex Mart đầu tiên, bà có gặp khó khăn lắm không?

- Rất chật vật. Vừa lúc đó là tháng 10/2001, để đón kinh doanh dịp Tết năm 2002, tôi mở ngay cửa hàng thời trang Vinatex trong siêu thị Sài Gòn, giờ cũng còn. Điểm thứ hai là mở cửa hàng thời trang Vinatex ở thị xã Cao Lãnh.

- Lúc đó, ai cũng nói ở thành phố sao không làm mà về nhà quê. Tôi bảo điều kiện mình có thế nào thì làm thế đó, nhờ địa phương ủng hộ. Tôi nghĩ quyền lợi người tiêu dùng ở tỉnh cũng như người tiêu dùng thành phố. Tiếp theo đó, chúng tôi về Sa Đéc, mở một siêu thị tại tầng trên của chợ. Lại một lần nữa, ai cũng nói mình làm chuyện khác người.

- Đúng là chúng tôi gặp phải phản ứng rất gay gắt, tiểu thương nói sự hiện diện của Vinatex Mart là “đập bể nồi cơm” của họ. Tôi phải phân tích cho tiểu thương hiểu sự hiện diện của siêu thị là cùng làm sung túc khu vực Sa Đéc, để thu hút người dân ở các huyện chung quanh về mua sắm, chứ không hề gây khó cho tiểu thương.

- Tôi khẳng định tiểu thương có ưu điểm nhanh nhạy, mang hàng đến tận nơi phục vụ. Chúng tôi sẵn sàng kết hợp với tiểu thương mua chung những lô hàng lớn để có giá tốt bán ra, cùng niêm yết giá như nhau và bán đúng giá, người tiêu dùng muốn mua ở chợ hay siêu thị tùy thích.

- Tôi còn nói rõ có những mặt hàng siêu thị không thể kinh doanh được vì đòi hỏi tính tỉ mỉ, như vàng bạc, đồng hồ, mỹ phẩm... Sống với tiểu thương, tôi rút ra được nhiều kinh nghiệm hành xử trong kinh doanh.

- Lần mở siêu thị ở Bình Dương còn cực nữa. Chợ Thủ Dầu Một có 3 tầng, từ lâu tiểu thương chỉ bán ở tầng trệt và lầu một, còn lầu hai bỏ không, bụi bám nhện giăng. Tình cờ đi tìm thị trường, UBND thị xã Thủ Dầu Một nghe nói mình có mở siêu thị trong chợ ở Sa Đéc, nên họ giới thiệu mở siêu thị tại đây. Nào ngờ đụng phải sự va chạm với tiểu thương rất lớn.

- Lần này bị hô hoán siêu thị sắp sập. Tôi phải yêu cầu các cơ quan chức năng ở địa phương xác nhận sự an toàn của siêu thị. Qua thời gian, tiểu thương cũng hiểu sự hiện diện của mình là làm cho trung tâm thương mại tốt hơn. Đến giờ, nói về thị trường nông thôn hay kinh doanh chung với tiểu thương, tôi thấy mình có nhiều bài học rất hay.

* Hiện hệ thống Vinatex Mart có bao nhiêu siêu thị và cửa hàng?

- Đã có 54 điểm trên 22 tỉnh - thành, trong năm nay chỉ tiêu mở 10 điểm. Bốn siêu thị, trung tâm thương mại sẽ mở tại Bạc Liêu, Buôn Ma Thuột, Phan Thiết, KCN Mỹ Phước 2 - Bình Dương, còn lại là những cửa hàng ở Hà Nội. Hưởng ứng chương trình đưa hàng về nông thôn, chúng tôi mở thêm những điểm kinh doanh tại các huyện, thị đông dân cư ở những vùng xa, những KCN, cung cấp hàng hóa chất lượng cao và giá phải chăng để người dân tiếp cận hình thức mua sắm hiện đại.

* Được biết, bà luôn nghĩ đến việc quảng bá hàng may mặc VN không chỉ trong nước mà còn ra thị trường nước ngoài. Nếu nói với Bộ Công Thương để có được sự ủng hộ thì bà sẽ nói gì?

- Tôi muốn Bộ Công Thương nhìn thấy hiện nay tại thị trường nông thôn, nhu cầu mua sắm rất lớn. Thông qua chương trình bán hàng nông thôn thử nghiệm hồi tháng Ba vừa qua của Câu lạc bộ Hàng VN chất lượng cao, DN nhận diện rõ hơn về thị trường nông thôn, chứ trước đây ai cũng bi quan lắm vì nghĩ người dân thu nhập thấp, trong khi hàng hóa vận chuyển về xa xôi thì chi phí cao, dẫn đến các DN khó khăn khi đầu tư vào thị trường nông thôn.

Vinatex Mart tham gia chương trình bán hàng về nông thôn tại xã Vĩnh Bình, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang

- Nếu Chính phủ có hỗ trợ, chẳng hạn hỗ trợ vận chuyển thôi là cũng khuyến khích DN về nông thôn bán hàng. Tôi nhận thấy sức mua ở nông thôn khá tốt, nhưng thị trường để hở cho các kiểu kinh doanh không lành mạnh, đưa hàng kém chất lượng, hàng không rõ xuất xứ về bán cho người dân. Các DN làm ăn đàng hoàng cùng tiến về nông thôn thì sẽ chuyên chở được hàng hóa chất lượng bảo đảm và thông tin đầy đủ cho người dân để họ hưởng những dịch vụ văn minh hiện đại theo đà phát triển chung.

- Không chỉ riêng DN tiến về nông thôn mà các cơ quan truyền thông, chính quyền địa phương cũng cần gắn chặt với DN. Phải coi đây là chính sách bền vững lâu dài, chứ không làm theo phong trào. Chúng tôi đang chuẩn bị một kế hoạch tiếp thị, quảng bá trên quy mô lớn cho hàng dệt may VN. Tôi hy vọng sẽ nhận được sự ủng hộ của mọi người. Tôi tin người tiêu dùng vẫn luôn sẵn sàng dành ưu ái cho hàng thời trang VN.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
“ Sống còn” cùng thời trang Việt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO