“Ông hội đồng” và hành trình vượt khó

KIM DUNG| 10/06/2009 02:42

Trong giới doanh nhân Bà Rịa - Vũng Tàu, cái tên Trần Văn Dũng không xa lạ. Ông được mọi người quý trọng bởi cách hành xử có trước có sau; bởi sự kiên trì, quyết liệt trong hành trình vượt khó, từng bước đưa Công ty cổ phần Chế biến - Xuất nhập khẩu thủy sản Bà Rịa - Vũng Tàu (BASEAFOOD) từ bờ vực phá sản cách đây 10 năm, lọt vào top 5 trong ngành thủy sản của tỉnh, với doanh thu xuất khẩu năm 2008 đạt 30 triệu USD…

“Ông hội đồng” và hành trình vượt khó

Trong giới doanh nhân Bà Rịa - Vũng Tàu, cái tên Trần Văn Dũng không xa lạ. Ông được mọi người quý trọng bởi cách hành xử có trước có sau; bởi sự kiên trì, quyết liệt trong hành trình vượt khó, từng bước đưa Công ty cổ phần Chế biến - Xuất nhập khẩu thủy sản Bà Rịa - Vũng Tàu (BASEAFOOD) từ bờ vực phá sản cách đây 10 năm, lọt vào top 5 trong ngành thủy sản của tỉnh, với doanh thu xuất khẩu năm 2008 đạt 30 triệu USD…

Trong một chuyến đi công tác ở Nam Phi

Trao quyền đúng người đúng việc

* Tính đến năm 2009 này là đã tròn một thập kỷ ông giữ cương vị lãnh đạo cao nhất ở BASEAFOOD. Trong quãng thời gian ấy, điều ông nhớ nhất là gì?

- Năm 1999, khi đang là Phó giám đốc Công ty Dịch vụ hậu cần thủy sản Bà Rịa - Vũng Tàu thì tôi được điều sang BASEAFOOD. Lúc này, công ty đang mấp mé trên bờ vực phá sản, nợ nhà nước 30 tỷ đồng, nợ ngoài 15 tỷ đồng, nhân sự chỉ còn khoảng 60 người, xuất khẩu chỉ đạt 400.000USD, dù trước đó có năm đã đạt mức 10 triệu USD. Với hàng loạt khó khăn chồng chất như vậy, thú thực lúc đầu tôi đã không dám nhận. Chủ tịch tỉnh gọi tôi lên, bảo: “Những cái cũ thì bỏ ngang. Nhiệm vụ của cậu là phải làm cái mới”.

Sau đó, một mặt tỉnh vận động Chính phủ đề nghị ngân hàng không tính lãi và cho phép BASEAFOOD trả nợ trong 5 năm, một mặt tỉnh cho vay vốn và bảo lãnh cho công ty vay ngân hàng để giải quyết khó khăn. Còn với cá nhân tôi thì không phải chịu trách nhiệm về pháp lý các món nợ cũ.

* Và để gỡ cái “mớ bòng bong” ấy, việc đầu tiên ông làm là gì?

- Sắp xếp lại bộ máy. Tôi chủ trương giữ lại ê kíp cũ và cố gắng giao việc theo đúng sở trường của mỗi người. Mất nửa năm để vừa làm, vừa điều chỉnh trong sự giám sát của của lãnh đạo Sở Thủy sản, rồi mọi việc cũng ổn. Tận dụng tối đa những mối quan hệ cũ trong ngành thủy sản cũng như xuất nhập khẩu của mình, tôi trực tiếp trò chuyện với họ để tạo sự tin tưởng. Kết quả, sáu tháng cuối năm 1999, chúng tôi xuất khẩu được 2 triệu USD, lãi khoảng 400 triệu đồng. Đáng mừng hơn, một số công nhân cũ cũng quay trở lại và một số nhà cung cấp (chủ vựa) nối lại việc hợp tác với công ty.

Thấy chúng tôi đã bước đầu xoay chuyển được tình thế, các ngành chức năng của tỉnh đều đồng lòng ủng hộ. Chớp lấy thời cơ này, tôi xin vay vốn từ ngân sách để nâng cấp nhà máy ở Bà Rịa theo tiêu chuẩn xuất khẩu. Tỉnh đồng ý và chúng tôi đã đầu tư gần 20 tỷ đồng cho nhà máy này. Năm 2000, BASEAFOOD xuất khẩu được 4 triệu USD, lãi 800 triệu đồng. Để tiếp tục giải quyết vấn đề về vốn, chúng tôi quyết định bán lại cơ ngơi khá “hoành tráng” của công ty ở Bà Rịa cho tỉnh, lấy 3 tỷ đồng để trả bớt nợ và dời trụ sở chính về thành phố Vũng Tàu (2001). Lúc này, cả công ty chỉ còn một chiếc xe tay lái nghịch để làm phương tiện đi lại, trời nóng phải mở kiếng, trời mưa phải mặc áo mưa. Thậm chí, khi đi giao dịch với khách hàng, đối tác, tôi phải cho tài xế đậu xe ở xa vì sợ quê!

* Rồi đến khi nào thì BASEAFOOD mới hết cảnh nợ nần, thưa ông?

- Năm 2003, chúng tôi thanh toán hết nợ ngân hàng và nợ ngoài. Đến năm 2005 thì nợ ngân sách cũng trả hết. Riêng tiền vay để xây dựng nhà máy thì đến năm 2007 cũng dứt điểm.  

* Ai cũng biết, một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất của người lãnh đạo là ra quyết định. Với ông, trong suốt quá trình “gồng mình vượt khó” ấy, quyết định nào được xem là “đáng giá” nhất?

- Đó là quyết định sử dụng nhân sự tại chỗ để vực dậy công ty. Cũng vẫn những con người ấy thôi, nhưng khi được sắp xếp lại, được trao quyền thì họ đã phát huy rất tốt năng lực của bản thân. Và cũng nhờ có quyết định này mà tôi đã giữ được sự đoàn kết nội bộ, khích lệ mọi người cùng hướng tới mục tiêu chung.

* Ông vừa nhắc đến vấn đề trao quyền. Đây là một nguyên tắc quản trị được doanh nhân ngày nay nhắc đến khá nhiều, nhưng trên thực tế thì không phải ai cũng giám trao quyền một cách đúng nghĩa. Với ông thì sao?

- Hiện tại, tôi là giám đốc, nhưng lại chẳng phải làm gì cả (cười), mọi việc đều có cộng sự đảm trách. Nhiều khi tôi đi công tác nước ngoài cả tháng mà công việc ở công ty vẫn trôi chảy. Tất cả là nhờ phân việc và trao quyền đấy. Tôi đặc biệt tin tưởng vào lớp trẻ và chỉ can thiệp vào công việc của anh em khi có khúc mắc. Còn lại, cứ theo quy chế mà vận hành.

Tại siêu thị của BASEAFOOD


Liên kết xuất khẩu - nội địa

* Năm 2008 là một năm khó khăn của hầu hết doanh nghiệp Việt Nam do ảnh hưởng của lạm phát rồi khủng hoảng kinh tế toàn cầu, nhưng BASEAFOOD vẫn đạt được những thành tích đáng kể. Bí quyết ở đây là gì, theo ông?

- Năm 2008, chúng tôi đạt được 4 cái nhất: Doanh thu xuất khẩu cao nhất từ trước tới nay (đạt 30 triệu USD), sản lượng lớn nhất (đạt 14.000 tấn), lợi nhuận cao nhất (15,5 tỷ đồng), chi cổ tức cao nhất (25%). Thành quả này là bàn đạp để chúng tôi tiếp tục giải quyết hàng tồn kho và tìm kiếm thị trường hiện nay.

Đa phần doanh nghiệp thủy sản, chỉ khi gặp khó khăn về thị trường xuất khẩu thì mới quay về “o bế” thị trường nội địa. Nhưng với BASEAFOOD thì khác, chúng tôi đã quan tâm đến thị trường nội địa từ nhiều năm nay. Cụ thể, từ năm 2005, chúng tôi đã thành lập xí nghiệp kinh doanh dịch vụ, rồi mở hệ thống siêu thị. Giai đoạn khủng hoảng vừa qua đã chứng minh quyết định này là hoàn toàn đúng. Riêng siêu thị tại Vũng Tàu, doanh thu bình quân mỗi ngày khoảng 40 triệu đồng. Dịp cao điểm (lễ, Tết), doanh thu có ngày lên tới 500 - 600 triệu đồng. Doanh số từ thị trường nội địa năm 2008 đạt 35 tỷ đồng.

Theo tôi, đã là doanh nghiệp thì cứ có lời là làm, bao gồm cả thị trường nội địa và xuất khẩu. Khi thị trường xuất khẩu chịu tác động của suy thoái kinh tế toàn cầu thì thị trường nội địa sẽ giúp doanh nghiệp duy trì sản xuất, đảm bảo việc làm cho công nhân. Làm gì cũng vậy, phải “đi bằng hai chân” thì mới vững được.

Trong bối cảnh hiện tại, nếu doanh nghiệp nào chưa xây dựng được hệ thống phân phối ở thị trường nội địa từ trước thì có thể liên kết với một số doanh nghiệp khác vốn đã có thế mạnh trong nước để cùng làm. Nếu bước vào siêu thị của BASEAFOOD thì bạn sẽ thấy có rất nhiều sản phẩm của các thương hiệu khác như Cầu Tre, Sa Giang... Tóm lại, muốn phát triển bền vững thì phải đẩy mạnh hoạt động liên kết, cả trong xuất khẩu lẫn nội địa.

Giữ lời hứa và sòng phẳng công nợ

* Được biết, thị trường xuất khẩu chính của BASEAFOOD là Nhật và châu Âu. Thời gian qua, tuy là một nước bị ảnh hưởng nhiều từ khủng hoảng kinh tế toàn cầu, nhưng thị trường Nhật vẫn khá ổn định. Còn với thị trường châu Âu thì các doanh nghiệp đều khốn đốn. Đứng trước khó khăn chung này, ông đã đưa ra giải pháp gì?

- Cuối năm 2008, Ban lãnh đạo Công ty đã thống nhất một số phương án chống khủng hoảng. Trước tiên, chúng tôi mời gọi những khách hàng nhỏ lẻ (đã có quan hệ từ trước, nhưng bị gián đoạn) để cung cấp trở lại những mặt hàng ít lãi hay số lượng ít. Quan điểm của chúng tôi là lời ít cũng làm, không lời cũng làm, lỗ ít cũng làm để đảm bảo việc làm cho người lao động.

Tiếp theo là tập trung giữ chân các đầu mối cung cấp cũng như khách hàng trên tinh thần chia sẻ khó khăn với nhau. Chẳng hạn, với khách hàng, chúng tôi đã dùng chính sách giảm giá và cho phép họ thanh toán gối đầu. Chính nhờ những giải pháp kịp thời và linh hoạt này mà trong 5 tháng đầu năm nay chúng tôi đã xuất khẩu được 6 triệu USD, bằng 65 % của cùng kỳ năm ngoái.

* Người ta bảo, người Nhật rất khó tính, nhưng một khi đã xây dựng được lòng tin với họ rồi thì “khoẻ re”! Trong quá trình hợp tác làm ăn, ông đã học hỏi được gì từ những doanh nhân Nhật?

- Để vào được thị trường Nhật là rất khó, còn khó hơn cả thị trường Mỹ và châu Âu. Người Nhật họ bàn kỹ đến từng xu. Nguyên tắc chung là phải đặc biệt giữ chữ tín và sòng phẳng, phải giao hàng đúng hẹn và đảm bảo chất lượng như đã cam kết, nếu có khó khăn thì cứ nói một cách trung thực, đối tác Nhật luôn tìm cách chia sẻ.

Tôi học hỏi được từ doanh nhân Nhật rất nhiều điều, đặc biệt là sự nghiêm túc, hết mình trong công việc, làm ra làm, chơi ra chơi. Mặt khác, sự đồng hành trong quan hệ đối tác của doanh nhân Nhật cũng rất đáng để chúng ta học tập. Họ luôn chủ động hỗ trợ đối tác khi có khó khăn trên tinh thần vì sự hợp tác lâu dài. Chẳng hạn, khi Công ty gặp khó khăn về nguyên liệu, họ đã mách nước và dẫn chúng tôi sang tận Ấn Độ, Pakistan... để tìm nguồn hàng.

* Theo thống kê, ở Bà Rịa - Vũng Tàu hiện nay có khoảng hơn 30 doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản “có tiếng tăm” và khoảng hơn 100 cơ sở nhỏ. Để có thể chủ động về nguyên liệu đầu vào, ông đã tuân thủ nguyên tắc kinh doanh nào?

- Với các nhà cung cấp, không phải cứ trả giá cao là họ sẽ bán. Cũng giống như các doanh nghiệp, họ muốn có sự ổn định về đầu ra và được thu mua với sản lượng lớn. Để duy trì mối quan hệ với các nhà cung cấp, quan trọng nhất là phải giữ đúng lời hứa và sòng phẳng về công nợ.

* Quản lý một lúc 8 đầu mối (6 xí nghiệp, một trụ sở chính tại TP.Vũng Tàu, một chi nhánh tại TP.HCM), cái khó lớn nhất của ông hiện nay là gì?

- Là việc luân phiên đi cơ sở. Tuy đã giao việc và phân quyền cụ thể, nhưng người lãnh đạo vẫn cần sự sâu sát với anh em để kịp thời điều chỉnh, hỗ trợ khi họ gặp khó khăn. Mặt khác, việc giữ chân người lao động để có thể chủ động về nhân sự cũng không hề đơn giản. Bên cạnh việc đảm bảo các chế độ, chính sách cho người lao động, hằng năm chúng tôi còn phối hợp với chính quyền địa phương xây dựng nhà tinh thương, cấp kinh phí sửa nhà cho công nhân của mình. Việc tham gia hoạt động từ thiện vì cộng đồng là cần thiết và luôn được thực hiện, nhưng với tôi, quan trọng hơn cả là phải chăm lo cho công nhân của mình trước đã.

Khi thị trường xuất khẩu chịu tác động của suy thoái kinh tế toàn cầu thì thị trường nội địa sẽ giúp doanh nghiệp duy trì sản xuất, đảm bảo việc làm cho công nhân. Làm gì cũng vậy, phải “đi bằng hai chân” thì mới vững được


"Ông Hội đồng " và "Dũng Hà Tiên"

* Không chỉ là một doanh nhân thuần túy, ông còn là đại biểu hội hội đồng nhân dân của Bà Rịa - Vũng Tàu. Trong vai trò của một “ông hội đồng”, ông thường mang đến nghị trường những gì?

- Tôi thường mang theo hai tiếng nói: một của cử tri, một của ngành thủy sản. Nhiệm vụ quan trọng của đại biểu hội đồng nhân dân là làm cầu nối, chuyển tải ý kiến của cử tri. Điều khiến tôi trăn trở là nhiều khi việc giải trình của các cơ quan chức năng cũng như người có thẩm quyền chưa thật tới nơi tới chốn. Tôi bị dân trách cứ vì những khó khăn của họ chưa được giải quyết hoặc việc giải quyết còn quá chậm. Ai cũng biết là do cơ chế và đây cũng chính là điều khiến tôi luôn có cảm giác lực bất tòng tâm!

* Quan sát phòng làm việc của ông, tôi thấy, xen lẫn giữa những chiếc cúp ghi nhận thành tích trong hoạt động sản xuất kinh doanh của BASEAFOOD và cá nhân ông, còn có khá nhiều giải thưởng về thành tích thể thao. Ông chơi tennis lâu chưa?

- Ngày nhỏ tôi rất mê bóng bàn. Từ 1989 đến nay tôi chơi tennis thường xuyên vào thứ Bảy và Chủ nhật. Đây không chỉ là môn thể thao giúp tôi rèn luyện sức khỏe, mà còn là sân chơi để có cơ hội mở rộng quan hệ bạn bè, đối tác. Tôi cũng có nhiều thú đam mê, ngoài tennis còn mê hát, viết nhạc, chơi ghi ta, thích chụp ảnh.

* Thế còn biệt danh “Dũng Hà Tiên” do đâu mà có, thưa ông?

- À, chả là tôi hay hát bài hát về Hà Tiên (cười).

* Nghe nói ông chuẩn bị làm… sui?

- Đúng vậy! Vợ chồng tôi chuẩn bị làm đám cưới cho con trai và gả chồng cho con gái. 

* Xin chúc mừng ông! Cho đến giờ, nếu làm một cuộc tổng kết nho nhỏ về những năm tháng đã qua, ông có thấy là mình may mắn?

- Quả thật là tôi luôn có “quý nhân phù trợ”, dù tuổi thơ không êm đềm. Quê gốc ở Bình Định, nhưng tôi lại sinh trưởng tại Kon Tum. Mồ côi cha mẹ từ năm 10 tuổi, một năm sau tôi theo chị gái về sống ở Vũng Tàu và gắn bó với mảnh đất này từ đó đến nay. Sau ngày giải phóng miền Nam, tôi vừa làm vừa học Đại học Ngoại thương và Đại học Luật. Năm 1980 tôi đã là phó phòng kế hoạch của một công ty và từ đó có nhiều cơ hội tiếp xúc với một số lãnh đạo tỉnh. Tôi học hỏi được rất nhiều trong cách hành xử của các chú, các anh đi trước và điều này đã giúp tôi rất nhiều trong công việc quản lý sau này. Khó khăn nào rồi cũng có cách gỡ, quan trọng là phải bình tĩnh để giải quyết cho có tình có lý. Tôi nghiệm ra rằng làm gì cũng phải có mục tiêu cụ thể. Và để mọi sự được suôn sẻ thì việc huy động sức mạnh cũng như sự đồng thuận của tập thể là vô cùng quan trọng.

* Và một câu hỏi cuối: Ông có thể tự nhận xét một cách ngắn gọn về mình?

- Tôi là người nhiệt tình với công việc, công tâm và luôn biết người biết ta.

* Xin cám ơn ông về cuộc trò chuyện này! 

Tiền thân của BASEAFOOD là một doanh nghiệp nhà nước, được thành lập năm 1992, năm 2004 tiến hành cổ phần hóa. BASEAFOOD hiện có 1.600 nhân viên, doanh thu từ thị trường nội địa chiếm gần 10%, phần còn lại là từ xuất khẩu. Ngoài hai thị trường chính là Nhật và châu Âu, BASEAFOOD còn xuất khẩu hải sản sang Nga, Hàn Quốc...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
“Ông hội đồng” và hành trình vượt khó
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO