Mặc cảm hun đúc ý chí

Phương Quyên| 08/08/2012 04:48

Dù sống trên đất mẹ hay làm việc ở xứ người, khó khăn luôn là đòn bẩy để ông Trầm Phước An, Chủ tịch Công ty CP Nữ trang Đan Việt, có thể đến được với những mục tiêu cao hơn cuộc sống đặt ra cho mình.

Mặc cảm hun đúc ý chí

Dù sống trên đất mẹ hay làm việc ở xứ người, khó khăn luôn là đòn bẩy để ông Trầm Phước An, Chủ tịch Công ty CP Nữ trang Đan Việt, có thể đến được với những mục tiêu cao hơn cuộc sống đặt ra cho mình.

Đọc E-paper

Có rất nhiều người thành công khi biết theo đuổi ước mơ. Tôi đã được quen với một doanh nhân người Việt và chứng kiến ước mơ của ông ấy thành hiện thực”, lời giới thiệu của ngài John Nielsen, Đại sứ Đan Mạch, trong chương trình giới thiệu các mẫu thiết kế nữ trang Đan Mạch tại thị trường Việt Nam khiến nhiều người tò mò. Theo ngài đại sứ, bên cạnh sự nỗ lực, tính kiên trì, điều mang đến thành công cho người bạn của ông, Trầm Phước An, chính là biết nghĩ đến cộng đồng.

Mặc cảm tạo nên sức mạnh

Chuyện bắt đầu từ năm 1990, khi Trầm Phước An, ông chủ AABYBRO, thương hiệu nữ trang khá nổi tiếng ở Đan Mạch, sang đây đoàn tụ gia đình. “Trước đó, cùng với khó khăn chung của đất nước, tôi đã có thời niên thiếu gắn liền với khoai mì, bo bo… và những ngày bỏ bữa. Tôi đã từng sống trong cảnh nghèo và sợ cái nghèo kinh khủng”, ông kể.

Lớn lên trong khó khăn, dù được thong thả hơn về vật chất ở xứ người nhưng quá khứ đã trở thành lời nhắc nhớ rất cụ thể để ông phải nỗ lực hết mình.

Tốt nghiệp loại xuất sắc Trường Đại học Kỹ thuật Copenhagen, ngành kim hoàn, ông là một trong ba sinh viên xuất sắc nhất Đan Mạch năm 1996, được Nữ hoàng Đan Mạch trao huy chương đồng, giải thưởng cao quý của quốc gia dành cho sinh viên các trường đại học trên cả nước. Năm đó, chuyện một sinh viên người Việt đạt được giải thưởng của Nữ hoàng đã khiến ông được chú ý nhưng quan trọng hơn, thành tích đó giúp ông được nhận vào Georg Jensen, tập đoàn nữ trang lớn nhất Đan Mạch.

Trầm Phước An cho biết, sở dĩ ông chọn cách đầu quân vào tập đoàn thay vì khởi dựng sự nghiệp riêng là vì muốn trau dồi kinh nghiệm thực tiễn. Hơn nữa, sự bão hòa của thị trường ở các nước phương Tây đòi hỏi một doanh nghiệp mới phải đầu tư rất nhiều mới có thể có chỗ đứng trên thị trường. “Nếu so sánh sẽ thấy yếu tố đang phát triển ở Việt Nam khiến các bạn trẻ khởi nghiệp thuận lợi hơn rất nhiều so với các nước”, ông chia sẻ.

Sáu năm vừa làm việc, vừa học hỏi, khi Georg Jensen có xu hướng chuyển dịch về thị trường Thái Lan cũng là lúc Trầm Phước An thấy mình phải có con đường riêng. Vốn thận trọng, ông bắt đầu thử nghiệm bằng việc mở một xưởng chế tác kim hoàn nhỏ.

Công việc chính của xưởng là gia công, sửa chữa các sản phẩm trang sức. Tay nghề cao, đơn đặt hàng nhiều, doanh thu của xưởng được đảm bảo nhưng ông vẫn cảm thấy chưa hài lòng. “Nhìn sản phẩm của mình xuất hiện trên thị trường dưới thương hiệu của người khác, tôi ray rứt không yên”, ông tâm sự.

Thế nhưng, người Việt ở Đan Mạch không nhiều, mặc cảm vì bị gọi là dân “mắt xéo, da vàng” khiến ông chẳng đủ tự tin để bước ra thị trường. Ông cho biết: “Trị giá các sản phẩm kim hoàn rất lớn, một viên kim cương cũng cả ngàn USD, cần có đủ uy tín khách hàng mới dám đặt niềm tin nơi thương hiệu”.

Phải nói chuyện với rất nhiều người bạn Đan Mạch ông mới có được chút tự tin. Trầm Phước An tiết lộ, khi nghe ông chia sẻ về nỗi mặc cảm dân tộc, những người bản địa đã động viên hết mình và giải thích cho ông hiểu những tiếng lóng không thân thiện kia chỉ ám chỉ một số rất ít người. Thế là mặc cảm đã trở thành sức mạnh. “Tôi muốn chứng minh cho người phương Tây biết khả năng lẫn bản chất của những người mà họ gọi là “mắt xéo”, ông nói. Hơn 10 năm trên thương trường, AABYBRO đã đưa sản phẩm ra các nước châu Âu, đạt giá trị xuất khẩu lên đến hơn 3 triệu USD/năm.

Ước mơ thành hiện thực

Bốn năm sau ngày nhận giải thưởng của Nữ hoàng, Trầm Phước An mới có dịp dùng đến số tiền thưởng đã được ông tự quy định là chỉ phục vụ cho việc du lịch, học hỏi ở các nước khác. Chọn Việt Nam để thăm lại quê cha đất tổ, chứng kiến đất nước chuyển mình, ông vui ít mà ray rứt nhiều: “Thấy đời sống vẫn khó khăn, nhiều người không có nghề nghiệp, chỉ biết lao động chân tay kiếm sống”. Lúc đó, ước mơ của ông chỉ đơn giản là mở được một lớp dạy nghề kim hoàn để có thể truyền nghề cho thanh niên trong nước.

May mắn có dịp trao đổi với ông John Nielsen về những trăn trở của mình, Trầm Phước An mới biết Đại sứ quán Đan Mạch đang triển khai chương trình B2B Hỗ trợ doanh nghiệp hai quốc gia Việt Nam - Đan Mạch liên kết với nhau. Vậy là, tận dụng những hỗ trợ của chương trình, Trầm Phước An kết nối với một công ty trong nước là Như Lam để cho ra đời Đan Việt, một liên doanh trong ngành kim hoàn với chức năng gia công, chế tác và xuất khẩu. Ông tiết lộ: “Ban đầu chúng tôi tập trung xuất khẩu sang thị trường châu Âu, sau đó sẽ là thị trường trong nước”.

Ở một khía cạnh nào đó, Đan Việt cũng là việc AABYBRO mở rộng quy mô, đồng nghĩa với cơ hội kiếm doanh thu của ông cũng nhiều hơn trước. Tuy nhiên, Trầm Phước An xác định, dạy nghề là một trong những nhiệm vụ chính của Công ty. Đây cũng là tiêu chí của chương trình B2B.

Ngày đón chân những người thợ kim hoàn Việt sang Đan Mạch để được huấn luyện, ông vui như đón những người thân của mình. Từ thế hệ thợ đầu tiên này, kỹ thuật chế tác kim hoàn tiên tiến ở châu Âu sẽ được truyền lại cho những người thợ trong nước. Và, từ những đôi tay tài hoa của người Việt, sản phẩm kim hoàn Việt Nam sẽ được đưa đi khắp thế giới. Đó mới chính là ước mơ của ông, một ước mơ đậm tính tự hào dân tộc

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Mặc cảm hun đúc ý chí
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO