Kuok Khoon Hong - Ông vua dầu cọ "hoàn lương"

08/05/2015 03:50

Biểu tượng cho ngành dầu cọ trị giá 50 tỉ USD là ông vua dầu cọ Kuok Khoon Hong (65 tuổi), Chủ tịch Hội đồng Quản trị Wilmar International (trụ sở đặt tại Singapore).

Kuok Khoon Hong - Ông vua dầu cọ

Ngành dầu cọ từ lâu được các tổ chức môi trường liệt vào danh sách đen vì là nguyên nhân dẫn đến sự biến mất của các khu rừng mưa cũng như đe dọa môi trường sống của các loài động vật quý hiếm ở khu vực Đông Nam Á. Và nếu có một nhà lãnh đạo doanh nghiệp là biểu tượng cho ngành dầu cọ trị giá 50 tỉ USD này thì người đó là ông vua dầu cọ Kuok Khoon Hong (65 tuổi), Chủ tịch Hội đồng Quản trị Wilmar International (trụ sở đặt tại Singapore).

Chính vì được mệnh danh là ông vua dầu cọ nên Kuok cũng không tránh khỏi sự chỉ trích của các nhà hoạt động môi trường và các tổ chức phi chính phủ. Thế nhưng, nay Kuok đã không còn bị xem là “nhân vật phản diện” nữa mà trở thành nhân vật trung tâm trong chiến dịch thúc đẩy ngành dầu cọ phải áp dụng các phương pháp thực hành kinh doanh thân thiện với môi trường.

“Hiện tôi xem mình là một nhà hoạt động môi trường. Cách đây vài năm, tôi đã thay đổi cách suy nghĩ khi chứng kiến những thiệt hại mà biến đổi khí hậu đã gây ra cho môi trường ở một số nước”, ông nói.

Những lời chỉ trích

Được chiết xuất từ phần thịt (cùi) của quả cọ, dầu cọ là loại dầu ăn được sử dụng nhiều nhất trên thế giới. Không chỉ dùng trong thực phẩm, dầu cọ còn được dùng trong công nghiệp để bôi trơn máy móc, sản xuất xà phòng và các loại mỹ phẩm...

Vừa có nhiều tác dụng, dầu cọ lại rẻ và quan trọng hơn là có rất nhiều: quả cọ cho ra sản lượng dầu cao hơn bất kỳ loại quả nào khác. Và diện tích trồng cọ đã lên tới hơn 42 triệu mẫu đất trên toàn thế giới, gấp tới 4 lần diện tích đất nước Thụy Sĩ.

Chính ngành này đã đưa Kuok trở thành một tỉ phú và biến Wilmar International, công ty do ông đồng sáng lập vào năm 1991, trở thành một trong những tập đoàn lớn nhất Singapore với 43 tỉ USD doanh thu vào năm 2014. Dù vậy, ngành dầu cọ cũng dẫn đến tình trạng phá rừng hàng loạt và gây ô nhiễm không khí nặng nề.

Một số người trồng cọ vẫn còn đốt nương làm rẫy để khai phá rừng (mặc dù việc này bị cấm ở Indonesia và Malaysia), thải ra lượng lớn khí CO2 vào không khí. Tại một số nước Đông Nam Á, chỉ 5% các thảm rừng nguyên sinh là còn tồn tại, theo tổ chức môi trường Global Witness.

Kuok đã dần dần thay đổi cách nghĩ và sự thay đổi này phần lớn là do áp lực từ cổ đông và các nhà hoạt động môi trường. Cách đây 2 năm, Government Pension Fund Global của Na Uy, quỹ đầu tư quốc gia lớn nhất thế giới, đã từ bỏ cổ phần trong Wilmar và 22 công ty ngành cọ, với lý do hoạt động của các công ty này gây hại cho môi trường.

Các đoạn video của tổ chức Greenpeace mà cáo buộc những công ty mua dầu cọ góp phần vào việc phá hoại rừng đã có tới hàng triệu lượt người xem trên Youtube. Trong một cuộc họp nhà đầu tư, các nhà hoạt động môi trường đã chất vấn Tổng Giám đốc của Kellogg, tập đoàn sản xuất thực phẩm Mỹ, về việc mua dầu cọ từ Wilmar. Trong năm 2013, Singapore, nơi Wilmar đặt trụ sở cũng là nơi Kuok đang sinh sống, đã bị bao phủ bởi tro bụi do hành vi đốt rừng canh tác có liên quan đến ngành dầu cọ.

Trước những cáo buộc này, Wilmar lập luận rằng Công ty chủ yếu là một doanh nghiệp thương mại và không đóng vai trò trực tiếp trong những vấn đề về môi trường, vì thế không thể nào kiểm soát được ngành dầu cọ. Dẫu vậy, Wilmar và ông chủ của nó vẫn là mục tiêu bị chỉ trích.

Một nhà hoạt động môi trường đã lên cả truyền hình nói rằng tình trạng khói bụi ở Singapore là do Wilmar. Cũng bởi vì vị trí dẫn đầu ngành này mà “chúng tôi mới bị xem như tên tội phạm nguy hiểm nhất”, Kuok nói.

Cuộc gặp định mệnh

Nhà hoạt động môi trường lên truyền hình “tố cáo” Wilmar chính là Glenn Hurowitz, nhà điều hành tại tổ chức tư vấn môi trường Catapult. Và ông cũng là một trong những chiến lược gia đằng sau chiến dịch kéo dài 1 năm trời do các tổ chức phi chính phủ thực hiện nhằm “tấn công” ngành cọ mà Wilmar là mục tiêu số 1.

Để làm ra lẽ, Kuok đã gặp Hurowitz nói chuyện. Và kết quả thật bất ngờ: Kuok đã thay đổi quan điểm. Trong nhiều tuần lễ, Hurowitz đã có mặt trong văn phòng của Kuok vạch ra một kế hoạch thay đổi ngành dầu cọ và xóa đi tiếng xấu liên quan đến tình trạng phá rừng.

“Khi hai chúng tôi bắt đầu nói chuyện, Kuok mới chú trọng đến các vấn đề môi trường. Kuok quả thật là người có tư tưởng vô cùng cởi mở, phóng khoáng”, Hurowitz cho biết rất ấn tượng với Kuok.

Cuối năm 2013, chiến dịch vì môi trường đã đưa cả Tổng Giám đốc Paul Polman của Unilever vào cuộc (vì Unilever mua nhiều dầu cọ nhất thế giới và cũng chịu áp lực từ các nhà hoạt động môi trường). Khi Unilever đồng ý chung tay với Wilmar, Kuok đã đưa ra “lời tuyên thệ” bảo vệ môi trường vào cuối năm đó.

Wilmar và Unilever đã tuyên bố rằng không chỉ sẽ tuân theo các nguyên tắc bền vững, mà còn buộc các nhà cung cấp của mình phải tuân theo. Cả hai đã cam kết sẽ không có cây cối, đất đai hay loài vật quý hiếm nào bị làm hại trong quá trình làm ra sản phẩm.

Và ngày càng nhiều doanh nghiệp đã đồng lòng nói không với việc phá rừng. McDonald’s, P&G và Starbucks là 3 trong số hơn 30 công ty cam kết chỉ mua dầu cọ được cấp giấy chứng nhận bền vững vào cuối năm 2015.

Không chỉ vậy, Wilmar và Unilever đang tài trợ cho một hệ thống cơ sở dữ liệu mà yêu cầu các doanh nghiệp có tham gia vào quá trình mua bán dầu cọ phải cụ thể hóa các giao dịch của mình. Nếu thành công, những người chơi trong ngành sẽ có thể kiểm tra nguồn gốc dầu cọ mình mua vào và quyết định liệu nhà cung cấp có tuân thủ theo các nguyên tắc thân thiện với môi trường hay không.

Một công cụ khác, một bản đồ trực tuyến do tổ chức môi trường World Resources Institute xây dựng - sử dụng hình ảnh vệ tinh để phát hiện các vụ đốt rừng và chặt cây. Hồi tháng 1, Wilmar cũng đã xây dựng một website có ghi rõ tên tuổi các nhà máy cung cấp hàng cho Công ty cũng như các đồn điền và cho phép người xem vào trang web kiểm tra liệu những nhà máy và đồn điền này có nằm trong khu vực do phá rừng mà có.

Tuy nhiên, những chiến dịch “dọn dẹp” lại ngành dầu cọ cũng đối mặt với nhiều thách thức. Đây là một ngành phân tán và không phải công ty nào cũng đồng ý tuân theo các nguyên tắc môi trường.

Ngay cả các sáng kiến mà Wilmar và các công ty khác đã ký vào cũng không có giá trị ràng buộc về mặt pháp lý. Hơn nữa, việc khôi phục lại những khu rừng mưa đã mất và môi trường sống của các loài động vật sẽ phải mất hàng thập niên. Dù gì đi nữa, nỗ lực của ông vua dầu cọ Kuok Khoon Hong đang góp phần tạo nên sự thay đổi cho ngành này.

>16 bí mật thú vị về “ông vua phần mềm” Bill Gates
>Vua du thuyền Tuần Châu: Kỹ nhưng không khó tính
>
Kuan Kam Hon - Ông vua găng tay
>Giải mã bí quyết làm giàu của 'Vua dầu mỏ' Rockefeller
>
Tuyệt chiêu của vua siêu thị Trung Quốc RT-Mart

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Kuok Khoon Hong - Ông vua dầu cọ "hoàn lương"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO