"Kẻ phá bĩnh" Jeff Bezos

01/12/2012 01:01

Các buổi họp của ban điều hành Amazon, đế chế sách trị giá 100 tỉ USD, đều bắt đầu bằng việc... đọc.

Các buổi họp của ban điều hành Amazon, đế chế sách trị giá 100 tỉ USD, đều bắt đầu bằng việc... đọc.

> CEO Amazon là "Doanh nhân của năm"

Trước khi thảo luận vấn đề gì, cả nhóm, trong đó có Tổng Giám đốc (CEO) Jeff Bzoes, phải ngồi im lặng trong 30 phút để đọc các báo cáo dài 6 trang giấy. Trong khi ngày nay, người ta đã chuyển sang chiếu các slide PowerPoint trong các cuộc họp thì cách làm của Bezos “hơi kỳ cục”, như nhận xét của chính ông.

Bezos cho biết việc đọc như vậy đảm bảo nhóm sẽ không bị phân tán sự chú ý và mọi người đều hiểu rõ được vấn đề trước khi thảo luận. Đó cũng là cách rèn luyện khả năng tư duy và suy nghĩ thấu đáo cho cấp quản lý.

Từ “kẻ ngẫu hứng” đến “doanh nhân của năm”

Jeff Bzoes - CEO Amazon - "Doanh nhân của năm" 2012

Mặc cho ai nói gì, Bezos vẫn luôn làm theo cách của mình, không chỉ trong cách điều hành mà cả trong kinh doanh. Ông nhảy vào các lĩnh vực mới dường như chẳng ăn nhập gì nhau với biên lợi nhuận rất thấp, theo một cách mà nhiều người cho rằng quá là ngẫu hứng.

Thế nhưng, không có gì là ngẫu hứng trong chiến lược của Bezos. Giống như những bản báo cáo mà ông bắt các nhà quản lý của mình phải viết một cách súc tích, các động thái của ông, dù có vẻ tùy hứng nhưng đều xuất phát từ một tầm nhìn chiến lược rất rõ ràng và hoàn toàn có ý đồ. Đó là lý do phải mất một thời gian các đối thủ mới hiểu được hành động của Bezos. Nhưng lúc hiểu ra thì đã quá muộn.

Bezos đúng là một kẻ phá bĩnh, ông làm đảo lộn ngành sách và khiến các công ty kinh doanh hàng điện tử bị thất nghiệp. Hiện nay ông đưa Amazon bành trướng vào mọi thứ từ bán lẻ thời trang cao cấp, sản xuất phim cho đến máy tính bảng đọ sức với iPad. Amazon thậm chí còn bán phần mềm cơ sở dữ liệu cực rẻ cho các doanh nghiệp.

Bezos sẵn sàng chấp nhận rủi ro và mất tiền. Tuy nhiên nhà đầu tư lại rất yêu mến ông, khi đẩy giá cổ phiếu Amazon tăng 30% tính từ đầu năm đến nay. Và dù Amazon liên tục phát triển, Bezos vẫn không ngừng nghĩ đến việc làm thế nào đem đến trải nghiệm tốt nhất cho người sử dụng. Đó là lý do vì sao nhà đầu tư yêu mến ông, khách hàng yêu ông và vì sao ông lại được xướng tên trong bảng vàng “Doanh nhân của năm 2012” do Tạp chí Fortune bình chọn, chứ không phải là Tim Cook của Apple (xếp thứ hai trên danh sách này).

Ngay cả những đối thủ lớn cũng phải thán phục Bezos. “Jeff là một đối thủ đáng gờm, một con người rất thú vị và là một nhà cung cấp đáng tin cậy”, Tổng Giám đốc Reed Hastings của Netflix thừa nhận, mặc dù Netflix đang bị điên đảo bởi dịch vụ truyền tải phim xem liền của Amazon.

Mọi thứ đều bắt đầu từ khách hàng

Amazon đã tung ra sản phẩm sách điện tử mới Kindle Serials. Với giá 1,99 USD, khách hàng có thể nhận được một tập truyện gửi đến thiết bị đọc sách điện tử Kindle của họ mỗi tuần 1 kỳ mà không bị tính thêm một đồng nào. Điều này cũng tương tự như trước đây, các nhà văn như Charles Dickens cho xuất bản tiểu thuyết trên các tờ báo theo từng chương, trước khi hoàn thiện chúng thành một cuốn sách.

Kindle Serials có thể không đóng góp nhiều vào doanh thu của Amazon, vốn dự kiến sẽ đạt tới hơn 60 tỉ USD trong năm nay. Nhưng hãy lắng nghe cách Bezos nói về lịch sử của việc xuất bản truyện theo kỳ, bạn sẽ thấy được cách ông nghĩ về những ý kiến phản hồi của khách hàng và cách Amazon phản ứng với những ý kiến đó. “Vào thời của Dickens, ông ấy đã để tâm đến những lời phê bình của bạn đọc trong các kỳ đăng trước đó và khai thác chúng một cách có lợi cho kỳ truyện tiếp theo”, ông nói.

Đó cũng là cách Bezos làm để cải tiến không ngừng Amazon. Chúng tôi cải tiến bằng cách bắt đầu với người tiêu dùng và sau đó mới bắt tay vào triển khai. Việc ông đưa ngành xuất bản vào lĩnh vực sách điện tử cũng đến từ một ý kiến của bạn đọc. Khi ông tung dạng sách này ra, bạn đọc đã nhanh chóng hưởng ứng, không chỉ vì chúng tiện lợi mà còn vì họ được đọc sách với giá thấp hơn.

Theo Bezos, văn hóa tập trung vào khách hàng là điều làm cho Amazon khác biệt. “Trong khi các công ty khác cứ luôn nghĩ làm cách nào để họ đi trước đối thủ thì chúng tôi lại nghĩ làm thế nào để tạo ra thứ gì đó mới và hữu ích cho khách hàng”, ông nói.

Một cách để phục vụ người tiêu dùng của Bezos là bán cho họ với giá thấp nhất có thể. Để đưa ra giá thấp nhất, Amazon phải cực kỳ tằn tiện. Không giống như các công ty ở Thung lũng silicon, nhân viên của Amazon phải tự trả tiền ăn cho mình. Và nhiều năm trời, Bezos đã phục vụ khách hàng bằng cách đưa ra các mức phí vận chuyển cực rẻ, hơn là bỏ tiền vào các mẩu quảng cáo đắt đỏ trên tivi.

Việc cần kiệm còn thấy cả trong việc trả lương thấp cho hơn 8.000 người ở Amazon. Phần thưởng hầu như duy nhất cho nhân viên là cổ phiếu hạn chế chuyển nhượng, loại cổ phiếu chỉ có giá trị qua thời gian khi Công ty thành công. Jeff Wilke, phụ trách bộ phận tiêu dùng Bắc Mỹ của Amazon, năm ngoái kiếm được 165.000 USD. Mức thu nhập của Wilke là cao nhất ở Amazon. Mặc dù lương thấp nhưng Wilke nắm giữ cổ phiếu hạn chế chuyển nhượng trị giá hơn 20 triệu USD Bezos thì kiếm được hơn 80.000 USD năm ngoái. Ông không nắm giữ loại cổ phiếu này nhưng cổ phiếu sáng lập của ông lại trị giá hơn 19 tỉ USD.

Việc cần kiệm cho phép Bezos tung ra những sản phẩm chất lượng với mức giá rẻ nhất cho người tiêu dùng. Gần đây, ông tuyên bố sẽ tung ra chiếc Kindle Paperwhite. Đây là thiết bị đọc sách mới nhất của Amazon lần đầu tiên có chức năng phát sáng, dành cho những ai muốn đọc trên giường trong bóng tối mà không muốn quấy rầy giấc ngủ người nằm bên cạnh.

Steve Jobs thứ hai

Mọi thứ về Amazon, từ các sản phẩm mới cho đến lời tuyên bố chắc nịch của Bezos rằng Amazon đang đem đến “chiếc máy tính bảng tốt nhất ở bất kỳ mức giá nào” đã không khỏi khiến nhiều người liên tưởng ông với Steve Jobs, vị CEO huyền thoại quá cố của Apple. Rất khó mà không so sánh Bezos với Jobs khi cả 2 có quá nhiều điểm tương đồng.

Rất khó mà không so sánh Bezos với Jobs khi cả 2 có quá nhiều điểm tương đồng

Bezos luôn định hướng trong dài hạn cho Amazon giống như Jobs với Apple, cho dù vấp phải sức ép từ nhà đầu tư. Trong những năm đầu thành lập Amazon, Bezos đã khiến nhiều nhà đầu tư phiền lòng vì ông không chịu hiện thực hóa lợi nhuận của Amazon. Tuy nhiên đến năm 2007, các khoản đầu tư của Amazon bắt đầu kết trái. Năm đó, Amazon đã tăng được gấp đôi lợi nhuận lên 476 triệu USD, trong khi doanh số bán tăng 38%, đạt xấp xỉ 15 tỉ USD. Và nhà đầu tư rất hào hứng. Cổ phiếu Amazon đã tăng gấp 10 lần trong vòng 6 năm.

Bezos, giống như Jobs, luôn đối xử với Phố Wall với thái độ phớt lờ, hơi có chút khinh khi. Các nhân viên của Amazon nổi tiếng là rất kín miệng về công ty mình. Và cũng như Jobs, Bezos có một đội ngũ các nhà điều hành cấp cao cực kỳ trung thành, làm việc chặt chẽ với ông trong nhiều năm. Wilke, người đứng đầu mảng tiêu dùng Bắc Mỹ, làm việc ở Amazon đã được 13 năm. Trong khi đó, Jeff Blackburn là nhà đàm phán thương vụ hàng đầu của Bezos, đã ở Amazon từ năm 1998. Andy Jassy, phụ trách bộ phận Amazon Web Services là một cánh tay đắc lực khác của Bezos, đã đầu quân cho Amazon từ năm 1997.

Giống như Jobs, Bezos là người khôn ngoan, sắc sảo, thậm chí có một chút tàn nhẫn. Các nhà điều hành tại Drugstore.com, nay trực thuộc hãng bán lẻ dược phẩm Walgreen, vẫn còn nhớ cách đây 10 năm, Amazon đã khai trương bộ phận sức khỏe và chăm sóc sắc đẹp nhằm cạnh tranh trực tiếp với Drugstore.com. Lúc đó, Amazon đã nắm số cổ phần lớn tại Drugstore.com và Bezos có ghế trong hội đồng quản trị của hãng dược này. Vào năm 2010, Bezos đã tiếp thị đến các bà mẹ những sản phẩm dành cho trẻ em ngay lúc Amazon đang đàm phán mua lại Quidsi, công ty mẹ của Diapers.com. Mục đích của Bezos là hạ giá thương vụ mua lại bằng cách khiến cho những người mua khác phải rúng sợ.

Có nhiều điểm giống nhau giữa Jobs với Bezos, nhưng ở một số mặt, 2 nhà sáng lập tài ba này lại là 2 thái cực. Không giống như Jobs, chiến lược xuyên suốt của Bezos là đưa ra mức giá thấp với biên lợi nhuận thấp như câu nói ưa thích của ông là “biên lợi nhuận của bạn là cơ hội của tôi”. Thực vậy, trong khi Jobs và Apple tự hào về mức giá cao cấp của mình với biên lợi nhuận hoạt động 31% trong năm 2011 thì Amazon chỉ có 2%. Bởi lẽ, phương châm của Bezos là bán với giá thấp nhất, thậm chí đủ để hòa vốn với niềm tin rằng Amazon có thể kiếm ra tiền ở những lĩnh vực khác.

Amazon thậm chí chấp nhận “thu nạp” các lĩnh vực không ăn nhập với nhau dưới một mái nhà. Chẳng hạn, Amazon Web Services, chuyên cung cấp công nghệ hạ tầng trực tuyến cho các doanh nghiệp, không liên quan gì đến Kindle. Nhưng Bezos không phiền lòng, miễn là chúng đều tạo ra giá trị cộng thêm cho thương hiệu Amazon.

Có thể thấy, điều xuyên suốt ở Amazon là sự cải tiến. Đó là lý do khiến Bezos luôn sẵn sàng mạo hiểm lấn sân sang những lĩnh vực mới, để đem lại trải nghiệm mới cho người sử dụng. “Có 3 ý tưởng lớn tại Amazon: nghĩ dài hạn, tập trung vào khách hàng và luôn luôn cải tiến”, ông đúc kết.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
"Kẻ phá bĩnh" Jeff Bezos
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO