Doanh nhân Võ Công Tồn: Tận tụy hy sinh cho đất nước độc lập, dân tộc tự do

Thanh An| 16/12/2022 06:00

Sinh thời, GS. Trần Văn Giàu phát biểu: “Nếu miền Bắc có núi Ba Vì, thì phương Nam có núi Hai Vì - ấy là Nguyễn An Ninh và Võ Công Tồn”. Họ là hai tấm gương lớn về hoạt động cách mạng ở Nam Bộ nửa đầu thế kỷ XX. Trong đó, doanh nhân Võ Công Tồn được Đảng xem như ân nhân và được đồng bào rất kính trọng.

Kỳ 1: Lò gạch và cách mạng

-3436-1670575109.jpg

Doanh nhân Võ Công Tồn

Doanh nhân Võ Công Tồn tên thật là Võ Văn Tồn, sinh năm 1891 tại làng Long Hiệp, tổng Long Hưng Hạ, quận Trung Quận, tỉnh Chợ Lớn, nay thuộc xã Long Hiệp, huyện Bến Lức, tỉnh Long An. Thân sinh của ông là cụ Võ Văn Suốt và bà Nguyễn Thị Hâm người gốc Phan Thiết, mưu sinh bằng nghề hát bội, sau đó di cư vào Nam lập nghiệp. Hai ông bà khai phá vùng đất mới bên bờ sông Rạch Chanh, tại ấp Cá Trê, nay là ấp Lò Gạch, xã Long Hiệp. 

Tại nơi đây, gia đình ông Võ Văn Suốt đã xây dựng lò gạch sản xuất gạch ngói. Lao động cần cù, chăm chỉ nên công việc kinh doanh của gia đình ngày càng phát đạt. Ông giàu có nhất vùng và luôn quan tâm đến đời sống người dân. Ông thường dùng lẫm lúa của gia đình làm nơi dạy chữ Nho và Quốc ngữ để nâng cao dân trí cho con em trong vùng. Bởi những đóng góp đó, ông rất được dân chúng tín nhiệm, bầu làm hương cả. Vì vậy ông còn được gọi là Cả Suốt.

Võ Công Tồn là con trai độc nhất của ông bà Cả Suốt. Trọng sự học, chính trực và ưa chuộng công bằng nên ông Tồn đã được gia đình chăm sóc và dạy dỗ kỹ lưỡng, tiếp thu những kiến thức tiến bộ của nền văn hóa phương Tây từ rất sớm.

Ông học lớp nhất ở Bến Lức (thuộc Long An ngày nay) rồi tiếp tục học 6 năm trung học ở trường nội trú Taberd (Sài Gòn). Nhưng là con duy nhất nên ông không học tiếp mà trở về phụng dưỡng song thân và nối nghiệp kinh doanh của gia đình. 

Năm 1907, Võ Công Tồn lập gia đình với bà Đào Thị Nhã, con gái ông Đào Văn Thung - một thầy thuốc có tiếng ở ấp Tri Lộc, xã Phước Vân, quận Cần Đước, tỉnh Chợ Lớn, nay thuộc huyện Cần Đước, tỉnh Long An. Ông bà có nhiều con, nhiều người kế tục sự nghiệp của cha.

Thừa hưởng sản nghiệp của gia đình với hai lò gạch, hai trại cưa, vài trăm mẫu đất, lại là người con duy nhất, nên ở tuổi 24, Võ Công Tồn đã nhận làm hương hào, xã trưởng, rồi hương cả. Với tính cách “ưu cải lẻ và ham đấu tranh”, trọng công bình như tính cách người cha, ông thường đề xuất việc mở trường học, bênh vực kẻ yếu nên rất được người dân kính trọng nhưng chính quyền thực dân Pháp không ưa.

Là người chính trực, bặt thiệp, hâm mộ thể thao, thích giao du, lại chịu ảnh hưởng của các phong trào chống Pháp trong những thập niên đầu thế kỷ XX, Võ Công Tồn đã kết thân với nhiều nhân sĩ yêu nước ở Nam Kỳ. Rồi ông bắt đầu tham gia vào các tổ chức chống Pháp như Thiên Địa hội. Nhà ông là nơi tập luyện võ nghệ của nghĩa quân Thiên Địa hội từ năm 1913 cho đến khi nghĩa quân đi phá Khám Lớn, giải cứu Phan Xích Long (thủ lĩnh các hội kín Nam Kỳ, một phong trào kháng Pháp mang màu sắc tôn giáo và tâm linh tại cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX), năm 1916.

Bước ngoặt thay đổi nhận thức về cách cứu nước theo con đường tư sản dân quyền của Võ Công Tồn bắt đầu khi ông quen biết nhà báo Nguyễn An Ninh từ Pháp về Việt Nam năm 1922 và tổ chức các cuộc diễn thuyết về đạo đức, luân lý Đông Tây, về văn hóa “dân ước, dân quyền, dân đạo” cho thanh niên An Nam. Từ sự quen biết với Nguyễn An Ninh, ông tích cực tham gia hoạt động dân quyền và ủng hộ nguồn tài chính lớn cho phong trào này.

-2910-1670575109.jpg

Lò gạch Võ Công Tồn (nguồn cổng thông tin điện tử Long An)

Năm 1923, Võ Công Tồn gia nhập Thanh niên Cao vọng Đảng, sau này là Hội kín Nguyễn An Ninh và trở thành một trong những nhà ủng hộ tài chính cho Nguyễn An Ninh. Đồng thời, ông cùng Nguyễn An Ninh thành lập tờ báo La Cloche felee.

Năm 1926, Võ Công Tồn cùng Trần Huy Liệu mở cuộc vận động đón tiếp Bùi Quang Chiêu (người đưa ra 9 yêu sách với thực dân Pháp, trong đó có quyền tự do ngôn luận, quyền đại diện chính trị của người Việt Nam...). Ông là một trong 12 thành viên của ban tổ chức tang lễ cụ Phan Chu Trinh. Ông bị thực dân Pháp liệt vào “danh sách đen”.

Năm 1927, Võ Công Tồn tham gia thành lập Hội Khuyến học Nam kỳ do thầy giáo Dương Văn Gấm chủ trì ở Gò Đen nhằm nâng cao dân trí, hỗ trợ các hoạt động yêu nước. Ông cổ động, ủng hộ tài chính cho Hội Khuyến học và thành lập ba trường học ở Long Hiệp, Long Can, Long Định. Ảnh hưởng và vai trò của Hội Khuyến học Nam kỳ chi nhánh Gò Đen ngày càng được nâng cao. Hội có một tủ sách đầy đủ của Tự lực Văn đoàn và nhiều sách của Phan Chu Trinh, Phan Bội Châu, Nguyễn An Ninh đã bị chính quyền thực dân cấm lưu hành. 

Hằng tháng, Hội Khuyến học mời diễn giả từ Sài Gòn - Chợ Lớn đến diễn thuyết, thu hút được nhiều người dân trong vùng đến nghe. Từ những bài diễn thuyết đó, quần chúng dần thức tỉnh tinh thần quốc gia dân tộc và tham gia vào hoạt động cách mạng của hội. Cũng trong năm này, Võ Công Tồn còn tổ chức cho một số thanh niên sang Pháp du học, trong đó có Nguyễn Văn Tạo, Phạm Văn Phấn, Nguyễn Văn Bích, Lại Thành Hưng và con trai của ông là Võ Công Phụng. Họ đều là những thanh niên yêu nước. 

Võ Công Tồn còn mua một chiếc tàu của Mỹ về sửa chữa, đặt tên là “Đại phúc kinh” dùng làm phương tiện vượt biển cho một số thanh niên Nam Kỳ sang Quảng Châu, Trung Quốc tham gia các lớp huấn luyện của Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội.

Cuối năm 1927, ông sang Pháp thăm con. Ở Paris, ông đã có những cuộc tiếp xúc và kết bạn với nhiều chí sĩ yêu nước đang du học và làm việc tại đây, như Nguyễn Văn Tạo, Phan Vân Trường, Nguyễn Văn Trân, Nguyễn Thế Truyền, Nguyễn An Ninh. Những cuộc tiếp xúc này làm chính quyền thực dân Pháp lo ngại. Vì thế, ngay khi về nước, ông bị bắt giam tại Sài Gòn 25 ngày, nhưng được thả do không có chứng cứ buộc tội và được gia đình lo lót.

-2626-1670575109.jpg

Nhà Võ Công Tồn thời Pháp thuộc (Nguồn khu di tích Võ Công Tồn)

Trở lại Long Hiệp, Võ Công Tồn tiếp nhận việc sản xuất, kinh doanh gạch ngói của gia đình và thay đổi cách đối xử với người lao động, như trả thêm lương cho công nhân, làm việc 8 giờ mỗi ngày. Đó là chính sách rất tiến bộ bấy giờ. 

Tư gia và lò gạch của gia đình Võ Công Tồn trở thành nơi huấn luyện cũng như cư trú cho nhiều nhà cách mạng. 

Cuối năm 1928, khi một số đảng viên của Việt Nam Quốc dân Đảng ở Bắc Kỳ được bí mật cử vào Nam gây dựng cơ sở và thành lập Kỳ bộ Việt Nam Quốc dân Đảng ở Sài Gòn, Võ Công Tồn và Nguyễn Bình (lúc này lấy tên là Nguyễn Phương Thảo) cùng với Trần Huy Liệu, Hà Thuận Hồng đã vận động quyên góp để xây dựng cơ sở cách mạng. Ông chính thức tham gia Việt Nam Quốc dân Đảng và trở thành đại diện của Việt Nam Quốc dân Đảng ở Nam Kỳ, dự kiến sẽ trở thành Trưởng Ban Tuyên truyền Kỳ bộ.

Cuối năm 1929, Võ Công Tồn bị chính quyền thực dân bắt, bị Tòa đại hình Sài Gòn xét xử cùng với Trần Huy Liệu, Nguyễn Bình, Hà Thuận Hồng. Ông bị kết án 5 năm tù vì tội chứa chấp những thành phần “nguy hiểm” với quốc gia. Tuy nhiên, được sự lo lót từ gia đình nên bản án của ông giảm xuống còn 18 tháng và bị lưu đày cùng với Nguyễn An Ninh ở Hà Tiên. 

Tại Hà Tiên, Võ Công Tồn được các đồng chí tù cộng sản giác ngộ cách mạng. Từ đó ông dần chuyển biến về nhận thức và cộng tác đắc lực với Đảng Cộng sản Đông Dương. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Doanh nhân Võ Công Tồn: Tận tụy hy sinh cho đất nước độc lập, dân tộc tự do
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO