“Chúng tôi dạy cách kiếm tiền tốt nhất”

19/07/2009 07:04

DN Nguyễn Hoài Bắc, Việt kiều Canada sau thời gian sống ở nước ngoài, đã trở về "nguồn cội" mang tài năng và tâm huyết của mình góp sức dựng xây quê hương...

“Chúng tôi dạy cách kiếm tiền tốt nhất”

“Tôi không tham vọng trường của chúng tôi đào tạo “ông nọ, bà kia” mà chỉ trang bị cho người học kỹ năng làm việc để họ có thể kiếm tiền nhanh nhất, hiệu quả nhất trong khuôn khổ luật pháp” - ông Nguyễn Hoài Bắc, Chủ tịch HĐQT Trường nghề Việt Nam-Canada chia sẻ.

“Tôi không tham vọng trường của chúng tôi đào tạo “ông nọ, bà kia” mà chỉ trang bị cho người học kỹ năng làm việc để họ có thể kiếm tiền nhanh nhất, hiệu quả nhất trong khuôn khổ luật pháp” - ông Nguyễn Hoài Bắc, Chủ tịch HĐQT Trường nghề Việt Nam-Canada chia sẻ.

Thù lao thấp do tay nghề kém



Cách đây ít lâu bà Deanna L. Horton Đại sứ Canada tại Việt Nam khi trả lời phỏng vấn chúng tôi đã khẳng định sự quan tâm hàng đầu của Chính phủ Canada với Việt Nam là giáo dục và đào tạo nghề. Ông nhận định gì về thông tin này?

Canada được đánh giá là một trong ba nước (Mỹ, Anh, Canada) có nền đào tạo nghề hàng đầu trên thế giới. Trong khi đó ở Việt Nam từ nhiều thập kỷ qua, việc đào tạo nghề hết sức trì trệ, không đáp ứng được nhu cầu trong nước và nhất là thế giới. Cũng vì vậy mà nhiều năm qua, dù đã nỗ lực đưa hàng vạn người xuất khẩu lao động nhưng họ thường không đáp ứng yêu cầu và đòi hỏi của các doanh nghiệp nước sở tại. Do đó, thù lao mà giới chủ trả cho người lao động Việt Nam thuộc vào hàng thấp nhất thế giới.

Và đây chính là cơ hội để Việt Nam có thể tiếp cận với phương pháp đào tạo mới?

Đúng là như vậy. Nếu Chính phủ Canada mở rộng trong lĩnh vực này tại Việt Nam sẽ giải quyết được khá nhiều khó khăn của chúng ta hiện nay. Nghĩa là người lao động Việt Nam được tạo điều kiện tiếp xúc, sống, lao động, làm việc tại một quốc gia hàng đầu thế giới về đào tạo nghề, môi trường an sinh xã hội tốt. Đáng chú ý là mức lương bắt buộc tối thiểu theo quy định của Chính phủ Canada đối với người lao động cao gấp nhiều lần các nước mà hiện nay ta đang có thị trường.

Không đào tạo để thất nghiệp

Ông có chắc rằng Trường nghề Việt Nam - Canada sẽ đáp ứng được nhu cầu của giới chủ ở Canada và cả vùng Bắc Mỹ?

Tất nhiên là như vậy vì chúng tôi đã xây dựng ngôi trường này trên cơ sở kinh nghiệm thực tiễn. Là một Việt Kiều đã sống ở Canada nhiều năm nên tôi hiểu giới chủ Canada cần gì ở người lao động. Trước đây khi còn ở Việt Nam,, tôi cũng đã từng theo học một trường đào tạo nghề và khi sang Canada, tôi vẫn tiếp tục học tập và lao động nên hiểu khá rõ về lĩnh vực này.

Và ông thấy một khoảng cách khá lớn?

Đúng là như vậy. Ví dụ như ở Canada, họ đào tạo nghề theo nhu cầu thực tế của thị trường lao động. Nghĩa là thị trường lao động cần gì, yêu cầu chất lượng như thế nào... thì nhà trường sẽ cung cấp phù hợp với yêu cầu đó. Họ làm rất tốt mô hình liên kết ba nhà: Chính phủ - Nhà trường - Doanh nghiệp.

Trong đó, Chính phủ đưa ra chính sách và hỗ trợ vốn (lãi suất bằng 0). Đối với nhà trường, định hướng ngay từ khi tuyển sinh nhu cầu từng ngành nghề và nắm bắt xu thế phát triển của từng loại ngành nghề để từ đó có hướng đào tạo hợp với yêu cầu thực tế. Các doanh nghiệp có đơn đặt hàng với nhà trường theo nhu cầu tuyển dụng.

Như vậy tất cả các học viên được đảm bảo có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp. Trong giai đoạn đầu, Chính phủ còn tiếp tục hỗ trợ học nghề thực tế bằng 1/2 mức lương cho những người lao động chưa đáp ứng nhu cầu. Tôi nghĩ chúng ta cũng nên tham khảo mô hình liên kết ba nhà của họ.

Ông chủ trương đào tạo theo mô hình của họ có nghĩa là nếu được đào tạo tại Trường nghề Việt Nam - Canada chắc chắn sau khi ra trường sẽ có việc làm?

Chúng tôi đảm bảo chắc chắn sẽ đào tạo lao động một cách bài bản, "đầu xuôi, đuôi lọt" chứ không theo kiểu "đem con bỏ chợ" để học viên ra trường nơm nớp nỗi lo thất nghiệp như không ít trường đào tạo nghề hiện nay. Muốn làm điều này, chúng tôi phải liên kết với một số các trường nổi tiếng của Canada như Học viện Công nghệ đào tạo dạy nghề NAIT, Trường nghề Camosun...

Các trường này dều dạy theo phương pháp thực nghiệm là chính, học nghiệm là phụ. Tức là thực hành là chính, lý thuyết là bổ trợ. Mặt khác, chúng tôi đã ký kết "đầu ra" với một số doanh nghiệp ở Canada. Vì vậy, sau khi học viên hoàn thành khóa học sẽ được đưa ngay sang đó làm việc mà không gặp bất cứ trở ngại gì.

Tôi không mở trường để làm từ thiện

Cụ thể, nhà trường sẽ dạy họ những gì?

Trước hết, chúng tôi sẽ dạy ngôn ngữ cơ bản của nước sở tại cho các học viên để sau khi tốt nghiệp, họ có thể đặt chân sang Canada một cách suôn sẻ, có thể giao tiếp mà không bị cản trở vì bất đồng ngôn ngữ. Thứ hai là trang bị kiến thức về văn hoá sống bao gồm phong tục tập quán, lối sống, tác phong... Cuối cùng mới là kĩ năng hành nghề trong một môi trường mới. Đây là công việc chính trong giáo trình giảng dạy tại trường theo phương châm "Trăm hay không bằng tay quen". Các học viên sẽ được rèn giũa kĩ năng theo nhu cầu của các doanh nghiệp mà chúng tôi đã hợp tác. Chúng tôi dạy nghề cho các học viên để họ kiếm tiền chứ không dạy làm "ông này bà nọ".

Một tư duy rất hay. Trong khi ở ta, tư tưởng học để thành "nhà này nhà nọ", "ông này ông kia" thì ông lại chỉ dạy họ kiếm tiền. Tại sao vậy?

Tôi luôn đánh giá mỗi con người bằng câu hỏi người đó đã làm gì cho bản thân, cho gia đình và cho cộng đồng. Do đó, tôi không quan tâm họ là ai, họ làm việc gì mà điều tôi quan tâm là họ đã làm gì cho cá nhân họ và cho toàn xã hội. Một người đi xuất khẩu lao động kiếm được nhiều tiền đem về thì họ không chỉ làm giàu cho gia đình họ mà còn làm giàu mạnh cho đất nước bởi phương châm của ta là "Dân giàu, nước mạnh".

Ông là người đầu tiên ở Việt Nam đưa học sinh, sinh viên của Việt Nam sang Canada du học (từ năm 1992) đến bây giờ ông lại đem giáo trình của Canada sang giảng dạy tại Việt Nam. Vậy mục tiêu của ông là gì? Kinh doanh hay... từ thiện?

Mục tiêu của chúng tôi là đưa được thật nhiều người lao động Việt Nam sang Canada và Bắc Mỹ với tiêu chí người Việt Nam đủ khả năng kiếm tiền và được pháp luật, Chính phủ Canada chấp nhận. Còn mục đích tiên quyết của doanh nghiệp là phải sinh lời và tôi không có ý định dùng trường làm từ thiện, ít nhất là trong các năm tới. Vấn đề là thu lợi như thế nào và bằng cách nào mà thôi.

Ông Nguyễn Hoài Bắc và BGH trường Việt Nam - Canada

Thị trường chủ yếu là Canada và Bắc Mỹ



Ông dự tính thu lợi như thế nào và bằng cách nào?

Tôi tạo công ăn việc làm cho người lao động Việt Nam ở tại nước ngoài với thu nhập cao. Khi đó, họ hạnh phúc, gia đình họ hạnh phúc, tôi cũng hạnh phúc. Đó là "lợi nhuận nhân văn", phi vật chất mà tôi có thể nhận được. Nhà trường dạy nghề cho họ đi kiếm tiền thì họ phải trả chi phí để Trường trả công đào tạo và tái đầu tư mở rộng. Phương châm của chúng tôi là hai bên cùng có lợi.

Được biết là kinh phí đào tạo của trường khá cao...?

Tôi không nghĩ là cao hay thấp mà tính giá trị cuối cùng. Nếu tôi đào tạo để người lao động kiếm được 200USD/tháng mà thu của họ 100USD thì cao nhưng nếu anh giúp họ kiếm được 2.000USD/tháng mà thu của họ 500USD thì là hợp lý. Mà mức thu nhập 2.000USD/tháng ở Canada không khó khăn gì nếu người lao động được đào tạo đúng bài bản và chăm chỉ.

Yêu cầu tuyển sinh của trường cụ thể là gì, thưa ông?

Như trên tôi đã nói, nguyên nhân lao động xuất khẩu ở ta bị trả lương thấp chủ yếu là trình độ văn hoá và tay nghề chưa được đào tạo cơ bản. Vì vậy, tiêu chuẩn tuyển sinh của chúng tôi là các học viên phải tốt nghiệp PTTH, đạt yêu cầu về sức khoẻ do chúng tôi kiểm tra, tuổi đời từ 18 - 40, có trách nhiệm đối với công việc (được thẩm định trong quá trình rèn luyện tại trường). Ngoài ra còn phải có kinh phí để chi trả cho quá trình đào tạo và các thủ tục khác. Sau khi tốt nghiệp ra trường các học viên phục vụ chủ yếu cho xuất khẩu lao động tại Canada và cả Bắc Mỹ.

Sự “ưu ái” của Bà Đại sứ?

Nhưng hiện nay visa vào Canada rất khó?

Vừa qua, khi trả lời báo chí, Bà Đại sứ Canada đã cam kết trong thời gian tới, việc cấp visa vào Canada sẽ thuận lợi hơn rất nhiều đặc biệt là với du học sinh và những học viên được đào tạo bài bản theo giáo trình của Canada. Tôi đánh giá rất cao cố gắng này.

Còn bà Đại sứ thay mặt cho Chính phủ đánh giá cao mô hình của ông?

Có lẽ do ở Việt Nam từ trước tới nay chưa có một trường dạy nghề nào do tư nhân làm chủ được đầu tư đúng mức như trường của tôi về cơ sở hạ tầng, trang thiết bị cũng như giáo trình nên có sự "ưu ái" đó chăng? (Cười).

Một thông tin cuối cùng nhưng không kém quan trọng: Nếu có nhu cầu, sẽ liên lạc với các ông như thế nào?

Hãy liên lạc với chúng tôi theo địa chỉ: Trường nghề Việt Nam - Canada K39, Quốc lộ 18 - Xã Cộng Hòa, Chí Linh, Hải Dương. Số điện thoại 03203594667 hoặc 03203594668. Email: hoangduong@vietcanschool.com Web:www.vietcanschool.com.

Xin cảm ơn ông!

Nguyễn Hoài Bắc sinh năm 1958 tại huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương. Năm 1987 anh phải rời xa quê hương, xa mái ấm gia đình, chuyển sang định cư ở Canada . “Miền đất hứa” đó, mọi thứ không như anh nghĩ, trong cuộc sống gặp phải không ít khó khăn, thử thách. Anh quyết tâm học trong hoàn cảnh đời sống hết sức khó khăn và đó cũng chính là quãng thời gian để anh thấm thía chân lý của cuộc đời và giá trị của lao động.

Năm 1992, anh trở về quê hương với vai trò của nhà đầu tư sau khi thành lập công ty Á Đông Trave International chuyên nhập khẩu quần áo từ Việt Nam sang và bán vé máy bay trên các tuyến trong và ngoài lãnh thổ Canada . Anh tiếp tục mở rộng lĩnh vực hoạt động kinh doanh khi đầu tư vào lĩnh vực đưa học sinh Việt Nam sang du học Canada . Kinh doanh thành công đã giúp anh có vốn, đầu tư vào một số lĩnh vực khác của ngành công nghiệp, xây dựng tại Việt Nam.

Hiện nay, anh đảm nhiệm nhiều chức vụ quan trọng ở những tập đoàn, công ty lớn có các đối tác nước ngoài đầu tư như: Tổng Giám đốc Công ty liên doanh IQLinks - một công ty của bốn đối tác lớn: Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Công ty Ubiquam (Hàn Quốc), Công ty cổ phần IQLinks Chí Linh và Tập đoàn Qualcomm (Mỹ), lần đầu tiên trực tiếp đầu tư ra nước ngoài trong chuyển giao công nghệ và sản xuất các thiết bị điện tử viễn thông dựa trên công nghệ CDMA, công nghệ định vị tiên tiến nhất hiện nay; Tổng Giám đốc, cổ đông của các công ty TNHH Home Deco Corp - chuyên sản xuất chăn, ga, gối; Công ty Cổ phần Phát triển và đầu tư Đại Sơn, Công ty cổ phần Cao su Hòa Lâm, và Hiệu trưởng trường Trung cấp nghề Việt - Mỹ.

Anh không tự nhận mình là người có tài, nhưng những gì anh đã, đang và sẽ làm đã chứng minh anh là người có tâm, có hiếu với gia đình, với quê hương, đất nước. Anh bỏ tiền đầu tư xây dựng đường sá, đình chùa, trường học, kết hợp với các chuyên gia là bác sĩ đến từ Hoa Kỳ, Canada... thực hiện chương trình phẫu thuật nụ cười cho nhiều cháu nhỏ bị khuyết tật bẩm sinh tại quê nhà tỉnh Hải Dương...

Sau 16 năm về nước đầu tư, doanh nhân Nguyễn Hoài Bắc đánh giá cao các chính sách mở cửa của Việt Nam nhưng anh cũng mong muốn để các chính sách, nghị định này nhất quán, có hiệu lực hơn nữa cần phải nâng lên thành Luật thì mới có tác dụng thúc đẩy phát triển kinh tế. Anh cho rằng: “Nhà nước cần phải tạo một môi trường kinh doanh thuận lợi, công bằng, ở đó không có sự phân biệt giữa doanh nghiệp trong và ngoài nước nhằm kích thích sự đầu tư vốn của Việt kiều về quê hương. Có làm được điều này mới xóa bỏ được tận gốc tâm lý “e dè” của Việt kiều khi mang tiền về nước đầu tư”.

Anh cũng ước nguyện, mỗi doanh nhân Việt kiều tại khắp các châu lục trên thế giới hãy là một vị đại sứ về chính trị, kinh tế, văn hóa… của Việt Nam, để dựng nên một ngôi nhà “hòa bình, ổn định, phát triển kinh tế” giữa người Việt Nam với bạn bè quốc tế. Anh là tấm gương cho lối sống tràn đầy khát vọng và ý chí vươn lên, chứng tỏ với bạn bè quốc tế rằng: tài năng, tâm hồn, nghị lực và sức sáng tạo của người Việt Nam không hề nhỏ bé chút nào...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
“Chúng tôi dạy cách kiếm tiền tốt nhất”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO