CEO J. Crew: Thất bại là điều kiện hợp lý để thành công

17/02/2017 06:55

Tôi là một học sinh trung bình, không ai nghĩ rằng tôi sẽ đạt được giấc mơ Mỹ”, Mickey Drexler kể về “triển vọng” của mình khi còn học tại Trường Trung học Khoa học Bronx – một trong những trường trung học công lập tốt nhất nước Mỹ, nơi đào tạo ra nhiều tài năng đoạt giải Nobel và Pulitzer.

CEO J. Crew: Thất bại là điều kiện hợp lý để thành công

Hiện tại, ở tuổi 72, Mickey Drexler là Chủ tịch kiêm CEO của Hãng bán lẻ thời trang J. Crew.

Từng rất ghét trường học

Vào những năm 1950, khi còn ở độ tuổi thiếu niên, Mickey Drexler đã quen với sự tự do của cuộc sống đường phố và không đánh giá cao những cơ hội mà ngôi trường trung học danh giá có thể mang lại cho mình. Ông không thích những con số và các nguyên tắc cứng nhắc ở trường. Hơn nữa, việc ở bên cạnh quá nhiều người giỏi hơn mình cũng khiến cho sự tự tin của cậu bé Drexler bị sụt giảm nhiều. “Nếu ngồi bên cạnh một cậu bạn luôn nhận được điểm A, bạn sẽ rất dễ nhụt chí”, Mickey Drexler kể.

Đến thời điểm này, CEO J. Crew mới nhận ra rằng sự giáo dục mà ông nhận được thời trung học đã giúp ông chạm đến được “giấc mơ Mỹ”. “Trường Trung học Khoa học Bronx đã thay đổi cuộc đời tôi. Tôi được gặp nhiều bạn bè sống ở quận Manhattan, thành phố Riverdale hoặc quận Queens. Tôi bắt đầu nhận ra: Ồ, hóa ra có cả một thế giới rộng lớn nằm ngoài khu phố nhỏ bé mình đang sống”, Mickey Drexler – người đến từ vùng South Bronx (thuộc quận Bronx, thành phố New York) nói với CNNMoney.

Link bài viết

Ngôi trường đó chính là cánh cổng dẫn vào giảng đường đại học – nơi mà không một người nào trong gia đình bên mẹ ông từng bước vào. Từ đây, Drexler bắt đầu xây dựng một cuộc sống mà cha mẹ ông - những người luôn phải “chiến đấu” vì miếng cơm manh áo – không bao giờ dám mơ tới. Trên bước đường lập nghiệp đó, ông đã góp phần thay đổi ngành bán lẻ của nước Mỹ.

Mickey Drexler là một trong 5 nhà lãnh đạo có tầm ảnh hưởng được CNNMoney chọn phỏng vấn để thực hiện chương trình “Giấc mơ Mỹ: New York”. Sự nghiệp, tài năng và trải nghiệm sống khác nhau nhưng cả 5 “công dân New York tiêu biểu” này đều có điểm chung là niềm đam mê duy trì và phát triển nhân tài cho các thế hệ mai sau.

Ngoài Drexler, 4 nhân vật còn lại được CNNMoney chọn là Alan Greenspan – cựu Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), Ursula Burns – Chủ tịch, cựu CEO Xerox, Howard Schultz – CEO Starbucks và huyền thoại hip-hop Russell Simmons. Mỗi người trong số này đều đã vượt qua nhiều khó khăn và đạt được thành công thậm chí vượt xa niềm mong đợi lớn nhất của chính mình.

Ở giai đoạn hiện tại, “giấc mơ Mỹ” dường như là một điều gì đó quá xa vời. Nhiều người Mỹ tin rằng đó là chuyện viển vông, rằng họ sẽ không bao giờ có thể chạm tới được. Và tân Tổng thống Mỹ Donald Trump có vẻ như đã khá thành công khi đưa ra quan điểm về vấn đề này trong chiến dịch tranh cử của mình, rằng “giấc mơ Mỹ” đã chết và chỉ có ông mới làm cho nó sống lại. Tuy nhiên, dễ dàng nhìn thấy có một khoảng cách khá lớn giữa chính sách của Washington và những gì chính sách có thể làm được. Trong bối cảnh đó, cuộc đời của 5 nhà lãnh đạo kinh doanh tiêu biểu trên chính là một minh chứng sinh động nhất cho sức mạnh bền bỉ của “giấc mơ Mỹ”.

Thất bại lớn, thành công lớn

Trả lời phỏng vấn của CNNMoney trước khi diễn ra cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, Drexler không bày tỏ ý kiến mạnh mẽ về vấn đề chính trị, nhưng khi nói về những lý lẽ giữa các bên tham gia tranh cử, ông cho rằng: “Sự chia rẽ mang đến quá nhiều tiêu cực. Chúng ta bị chìm đắm trong đó. Tôi không nghĩ điều này dẫn đến hạnh phúc hay có thể tạo ra một thế giới lạc quan”.

Mickey Drexler là con một trong những gia đình gốc Do Thái ở thành phố New York. Mẹ ông bất ngờ qua đời khi ông mới 16 tuổi. Căn hộ Drexler sống thời thơ ấu ở Allerton Avenue (khu vực tại một trạm dừng chân tàu điện ngầm) quá nhỏ đến nỗi ông phải ngủ trên một chiếc giường tạm bợ ở lối vào hành lang. Ngay từ nhỏ, ông thường xuyên phải nhìn thấy vẻ mệt mỏi của cha mình sau những ngày làm việc tại khu Garment District (quận Manhattan, thành phố New York) và có lẽ nhờ đó mà ông nhanh chóng học được cách sống tự lập.

Từng không mong đợi nhiều ở bản thân, mong muốn duy nhất của Drexler thời trẻ là tìm được một công việc tốt và chứng minh cho người cha thấy rằng ông hoàn toàn có thể tự mình tạo ra một cuộc sống khấm khá. Tuy nhiên, tham vọng của Drexler đã dần tăng lên khi học xong đại học và làm việc cho hãng bán lẻ thời trang Bloomingdale’s ở tuổi 23.

“Bạn chỉ cần đơn giản là hướng về phía trước. Bạn không thể dừng lại. Tôi không biết người khác nghĩ gì về thất bại này, nhưng tôi nghĩ rằng nó là điều kiện hợp lý và cũng chính là cách thúc đẩy mọi người xây dựng nên một công ty”.

Vai trò định hướng của Drexler được thể hiện rõ ràng ở trụ sở của J. Crew ở Greenwich Village, New York. Tại đây, ông được xem như hiệu trưởng – một cách gọi vui vì ông từng “ghét cay ghét đắng” trường học. Nhân viên của J. Crew có thể nghe được thông điệp do Drexler đưa ra mỗi ngày thông qua một chiếc loa. Thỉnh thoảng ông sẽ ghé vào một trong những cửa hàng bất kỳ của hãng – nơi mà ông đã rành rẽ từng sản phẩm cũng như cách bố trí hàng hóa.

Đối với CEO 72 tuổi này, tương tác với khách hàng là một nhiệm vụ quan trọng. Ông phản hồi một cách kỹ càng mọi email, có khi trong khoảng thời gian lên đến một giờ đồng hồ.

Thành công mang tính bùng nổ nhất của Mickey Drexler đến từ Hãng bán lẻ thời trang Gap – nơi ông nắm giữ vị trí chủ tịch vào năm 1983 và được đề bạt lên chức CEO năm 1995. Ông đã biến Hãng thành thương hiệu thời trang cực mạnh ở Mỹ vào thời điểm đó.

“Triều đại Drexler” kết thúc vào năm 2002. Ông bị sa thải bởi nhà sáng lập Gap sau 12 quý liên tiếp sụt giảm doanh thu. Đó là một giai đoạn cực kỳ khó khăn với Drexler. “Bỏ ra 18 năm để xây dựng công ty, tôi đã bị tổn thương sâu sắc bởi cách mà mọi thứ đã diễn ra”, Mickey Drexler thừa nhận.

Tuy nhiên, giống như những nhà lãnh đạo tài ba khác, ông không để bị chi phối bởi sự thất bại. Drexler nói về cách đối diện với thất bại: “Bạn chỉ cần đơn giản là hướng về phía trước. Bạn không thể dừng lại. Tôi không biết người khác nghĩ gì về thất bại này, nhưng tôi nghĩ rằng nó là điều kiện hợp lý và cũng chính là cách thúc đẩy mọi người xây dựng nên một công ty”.

Triết lý luôn hướng về phía trước cũng đã và đang giúp Mickey Drexler lãnh đạo hiệu quả J. Crew trong giai đoạn biến động của ngành bán lẻ. Bất chấp những thành công đã đạt được, ông luôn cảm nhận được sức nặng của vai trò điều hành trên vai mình. “Một phần của thành công là thức dậy mỗi ngày với một điều gì đó để học hỏi, một điều gì đó để làm và có trách nhiệm với một điều gì đó”, CEO J. Crew nhận định.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
CEO J. Crew: Thất bại là điều kiện hợp lý để thành công
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO