Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19

ThS-BS. Trịnh Thị Bích Hà| 26/08/2022 06:00

Đại dịch Covid-19 làm phát sinh nhiều vấn đề trong việc chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, nhất là những người mắc bệnh nền.

Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19

Đại dịch Covid-19 ảnh hưởng sức khỏe người cao tuổi

Hiện nay, nhìn chung việc chăm sóc sức khỏe người cao tuổi không khác gì nhiều so với giai đoạn trước dịch Covid-19, tuy nhiên có một số vấn đề điển hình và phát sinh cần được quan tâm.

Người cao tuổi không chỉ dễ bị ảnh hưởng trực tiếp do virus SARS-CoV-2  mà trong thời gian đại dịch hoành hành vừa qua, những thay đổi về hoàn cảnh sống, điều kiện kinh tế, y tế cũng góp phần gián tiếp làm xấu đi sức khỏe của họ.

Covid-19 ảnh hưởng trực tiếp về thể chất lẫn tinh thần của người cao tuổi. Trong thời điểm giãn cách xã hội, tâm lý sợ lây nhiễm, không đến cơ sở chăm sóc y tế dẫn đến bệnh mạn tính trở nên xấu đi và khó kiểm soát. Trường hợp nhiễm nCoV, người cao tuổi mắc các bệnh hen, đái tháo đường, thận mạn, tim mạch, tiền căn đột quỵ và COPD (bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính) có nguy cơ tăng nặng, thậm chí tử vong.

Nghiên cứu gần đây tại Khoa Lão - Chăm sóc giảm nhẹ Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM cho thấy, người cao tuổi có ba bệnh nền trở lên có nguy cơ nhập viện gấp 5 lần so với người không mắc bệnh, độ tuổi càng cao thì tỷ lệ nhập viện và tử vong càng lớn. Bên cạnh đó, các loại thuốc điều trị Covid-19 như Dexamethasone, thuốc kháng virus, thuốc ức chế miễn dịch, thở oxy dòng cao... có thể làm nặng thêm tình trạng bệnh mạn tính đối với người bệnh cao tuổi.

Khi nhiễm SARS-CoV-2, người cao tuổi có thể bị tổn thương nhiều cơ quan dẫn đến bệnh thận mạn, xơ phổi do thở oxy, suy tim... các biến chứng do bệnh nền hoặc hội chứng hậu Covid-19 kéo dài. Đặc biệt, người cao tuổi dễ bị rối loạn giấc ngủ, trầm cảm và lo âu do những di chứng tâm lý khi vào sống ở khu cách ly, phải thở máy hoặc mất người thân, thiếu người thân chăm sóc.

Những lưu ý khi chăm sóc sức khỏe người cao tuổi

Bên cạnh, tiếp tục các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm dịch bệnh, người cao tuổi mắc các bệnh mạn tính cần tuân thủ điều trị theo chỉ dẫn của bác sĩ, không được ngưng thuốc đột ngột và phải tái khám định kỳ để được theo dõi tình trạng sức khỏe. Người bệnh và người nhà cần có kiến thức về những bệnh lý mắc phải, biết được các dấu hiệu bệnh trở nặng cũng như khi nào cần phải đi khám và nhập viện. 

Việc động viên, hỗ trợ tâm lý cùng chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt tại nhà cũng cần được quan tâm đúng mực để hỗ trợ cho người bệnh cao tuổi, giúp người bệnh phối hợp tốt trong điều trị cũng như chủ động hơn trong việc tự chăm sóc sức khỏe. Trước tình trạng người nhiễm SARS-CoV-2 nặng đang có xu hướng tăng trở lại, người cao tuổi và người thân không nên lơ là các biện pháp phòng, chống dịch. Cụ thể, tiêm vaccine ngừa Covid-19 đủ số lần khuyến cáo. Đeo khẩu trang đúng cách khi ra khỏi nhà, không sờ lên mặt ngoài khẩu trang và không dùng một khẩu trang nhiều lần, khẩu trang vải cần giặt sạch và phơi khô sau mỗi lần sử dụng.

Ngoài ra, rửa tay thường xuyên bằng nước và xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn; tránh đưa tay lên mắt, mũi, miệng khi chưa rửa tay. Cần che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, tốt nhất bằng khăn vải hoặc ống tay áo để làm giảm phát tán dịch tiết đường hô hấp. Không khạc nhổ nơi công cộng. Giữ nơi ở sạch sẽ, thoáng mát. Nhà cửa nên thường xuyên vệ sinh, khử trùng, nhất là bề mặt vật dụng tiếp xúc thường xuyên như phòng khách, phòng ngủ, nhà vệ sinh, tay nắm cửa.

Bên cạnh đó, chế độ ăn uống, dinh dưỡng, nghỉ ngơi hợp lý cũng là vấn đề cần được quan tâm cho người cao tuổi...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO