Hàn Quốc có khá nhiều chaebol, nhưng quyền lực và giàu có nhất vẫn là "Bộ Tứ" Hyundai Motor Company, SK Group và hai nhà thông gia, hai kẻ thù thế kỷ Samsung và LG.
Người dân Hàn Quốc thập niên 1990 có một câu đùa như thế này: "Nếu nhân viên của các chaebol vô tình bắt gặp một con gấu trong rừng, họ sẽ làm gì?".
Câu trả lời: "Nhân viên của Hyundai sẽ 'đập' chết con gấu mà không cần phải suy nghĩ gì cả. Người Daewoo sẽ gọi cho Chủ tịch Kim Woo-jung và đợi lệnh ngài. Samsung sẽ tổ chức một cuộc họp ngay trước mặt con gấu để đưa ra quyết định sẽ làm gì tiếp theo. LG sẽ chờ đợi phản ứng của Samsung và sau đó... bắt chước y hệt".
Đó chỉ là một ví dụ nhỏ về ảnh hưởng của các chaebol với cuộc sống của người dân xứ Hàn. Mặc dù ngày nay Daewoo Group đã phá sản, các tập đoàn tài phiệt khác vẫn tiếp tục là thế lực chi phối nền kinh tế, văn hóa và chính trị tại xứ sở Kim Chi. Hàn Quốc có khá nhiều chaebol, nhưng quyền lực và giàu có nhất vẫn là "Bộ Tứ" Hyundai Motor Company, SK Group và hai nhà thông gia, hai kẻ thù thế kỷ Samsung và LG.
Dưới bàn tay của các chaebol, Hàn Quốc đã từ một đất nước nghèo đói đi qua cuộc nội chiến tàn khốc trở thành quốc gia có GDP đứng thứ 13 thế giới (số liệu World Bank 2015). Chỉ trong vòng vài thập kỷ, rất nhiều chaebol đã trở thành các tên tuổi đứng đầu thế giới và đôi khi là trở thành bộ mặt của các ngành công nghiệp. Có ai không biết về smartphone Samsung Galaxy, máy giặt/tivi LG hay xe hơi Hyundai? Có một sự thật đáng ngạc nhiên rằng những công ty đi ra từ một mẩu chuyện cười của người dân xứ Hàn lại chính là những đối thủ đáng gờm nhất trong các lĩnh vực chi phối nền kinh tế toàn cầu.
Samsung Town tại Seoul. |
Trong hàng chục năm qua, tình cảm của người dân Hàn Quốc đối với các chaebol đã nhiều lần đổi chiều theo hoàn cảnh kinh tế, chính trị và xã hội của từng thập kỷ. Tham gia vào nhiều lĩnh vực khác nhau và đôi khi là cạnh tranh gay gắt, các chaebol Hàn Quốc đều có một điểm chung: họ hiểu rõ rằng năng lực công nghệ sẽ là yếu tố quyết định liệu họ sẽ tàn phai như Daewoo hay sẽ trở thành những thế lực sống "bách lão".
Tổ hợp khổng lồ của Hyundai tại Ulsan. |
Hán tự của chaebol là hai chữ "tài phiệt": đây phải là những tập đoàn có khả năng chi phối, thao túng thị trường. Trong văn hóa Hàn Quốc, mỗi chaebol có thể coi là một triều đại gia đình trị. Sự đóng góp của các chaebol vào nền kinh tế xứ Hàn lớn tới mức các vị chủ tịch lãnh đạo đều nổi tiếng không kém gì các diễn viên, ca sĩ hạng nhất. Tại mỗi chaebol, họ vừa là "tộc trưởng" vừa là những nhà lãnh đạo có quyền hành tuyệt đối.
Các vị trí then chốt gần như lúc nào cũng được trao cho những người họ hàng của nhà sáng lập/chủ tịch chaebol. Ví dụ, CEO hiện tại của LG Electronics, Koo Bon-joon cũng là em trai của chủ tịch tập đoàn mẹ LG Group, Koo Bon-mon. Hay, chủ tịch Lee Myung-hee của chuỗi bán lẻ Shinsegae cũng chính là em gái của chủ tịch Samsung Lee Kun-hee.
Phó chủ tịch LG Electronic, em trai của Koo Bon-Moo, Koo Bon-Joo trong một cuộc hội đàm với thủ tướng Ấn Độ Modi. |
"Gia đình trị" không phải là đặc trưng duy nhất của các chaebol: mỗi tập đoàn đều phải tham gia kinh doanh trên ít nhất là 2 lĩnh vực khác nhau. Ví dụ, Samsung có công ty con được biết đến nhiều nhất là Samsung Electronics song cũng sở hữu nhiều công ty chuyên về bất động sản, bảo hiểm hay hóa chất. Samsung SDI, công ty sản xuất pin cho chiếc Note7 xấu số và nhiều mẫu iPhone, cũng là một thực thể độc lập so với Samsung Electronics.
Một đặc điểm nổi trội khác của các chaebol là mô hình sở hữu vốn chồng chéo. Vào thời điểm cực thịnh những năm cuối thập niên 1990 và cũng là lúc chưa bị chính phủ Hàn thắt chặt quản lý, các chaebol trong cùng một tập đoàn có mức độ sở hữu chéo lên tới 43%. Các khoản vay giữa các thực thể kinh tế khác nhau trong cùng một tập đoàn luôn được thực hiện một cách dễ dàng – tất cả là để bảo vệ quyền sở hữu và kiểm soát của gia đình làm chủ.
Mô hình ở hữu chéo rất phức tạp của các công ty trực thuộc Samsung Group. Con số bên trong mỗi mũi tên là tỷ lệ % sở hữu. |
"Rất khó để có thể tìm ra mô hình tương tự như chaebol tại nước ngoài", giáo sư Park Sang-in của trường Đại học Seoul khẳng định. "Các nước nói tiếng Anh gần như không còn các nhóm công ty mà chỉ còn các công ty đơn lẻ nắm quyền sở hữu 100% với các chi nhánh. Tại Châu Âu, các tập đoàn chẳng bao giờ đạt tới quy mô như các chaebol và quyền sở hữu, điều hành cũng thường được chia sẻ một cách nghiêm ngặt".
"Trái lại, một chaebol sẽ luôn bao gồm nhiều công ty nhỏ có mức độ giao dịch chéo rất cao nhưng lại được kiểm soát bởi một vị chủ tịch quyền năng duy nhất, người vừa là chủ vừa là lãnh đạo của toàn bộ tập đoàn".
Chủ tịch hiện tại của Hyundai Kia, ông Chung Mong-Koo là con trai thứ ba của nhà sáng lập Chung Ju-yung. |
Một số chaebol, ví dụ như Doosan Group, khởi nghiệp từ khi chế độ phong kiến Hàn Quốc vẫn còn tồn tại. Rất nhiều chaebol bắt đầu từ giai đoạn Nhật Bản chiếm đóng Hàn Quốc. Nhiều người còn cho rằng mô hình chaebol chịu ảnh hưởng rất lớn từ mô hình zaibatsu của Nhật Bản (hai từ này có chung Hán Tự). Các zaibatsu đã bắt đầu tan rã từ sau Thế Chiến thứ 2, và đến ngày hôm nay hậu duệ của các tập đoàn tài phiệt Nhật Bản không được quản lý tập trung như các chaebol mà chỉ là các công ty cùng tên có rất ít liên hệ với nhau.
Vào thời điểm năm 1953, GDP bình quân của Hàn Quốc chỉ đạt mức 67 USD, tương đương với 2% GDP của Mỹ. Sau một thời gian dài bị Nhật Bản chiếm đóng và sau cuộc nội chiến tàn khốc, đất nước Nam Triều Tiên lúc này vẫn đang chìm trong nghèo khó. Mối đe dọa từ Bắc Triều Tiên vẫn luôn luôn hiện hữu, và chính quyền miền Nam lúc này hoặc là thờ ơ, hoặc là bất lực không thể giúp người dân xóa nghèo.
Là một nhà độc tài đầy tranh cãi nhưng không thể phủ nhận tướng Park (giữa) đã có nhiều chính sách rất đúng đắn cho kinh tế Hàn Quốc. |
Đến năm 1963, tướng Park Chung-hee tiến hành đảo chính và trở thành nhà độc tài lãnh đạo Hàn Quốc. Với sự công nhận của Mỹ, ông Park bắt đầu tiến hành xây dựng một nền kinh tế vững mạnh để Nam Triều Tiên có thể trở thành một thế lực toàn cầu.
Trong cùng một năm, các chaebol cùng nhau thành lập Liên hiệp Công nghiệp Hàn Quốc FKI để vừa bảo vệ quyền lợi của chính mình, vừa thúc đẩy các mục tiêu do Tổng thống Park đặt ra. Sau khi thành lập, FKI trở thành tiếng nói đại diện cho các chaebol với nhiệm vụ cao cả nhất là thúc đẩy sự hợp tác giữa các chaebol với nhau. Mặc dù quyền lực của FKI nay đã không còn như trước, đã có lúc vị chủ tịch của liên hiệp này được coi là ngang hàng với Bộ trưởng Kinh tế Hàn Quốc và cũng nắm quyền lực chính trị không hề nhỏ.
Mối quan hệ do ông Park xây dựng với tập đoàn tài phiệt đã góp phần định hình cho nền kinh tế-chính trị Hàn Quốc từ thập niên 1960 cho đến nay. Một mặt, tổng thống Park áp dụng vô số biện pháp ép buộc, thao túng và thậm chí là đe dọa các tập đoàn phải theo ý của mình. Nhưng ngược lại, ông cũng đưa ra rất nhiều biện pháp khuyến khích, từ các khoản vay, giảm thuế cho đến những chính sách khuyến khích kinh doanh đầy ưu đãi.
Một cuộc gặp gỡ của Tổng thống Park và chủ tịch Samsung Lee Byung-chul vào năm 1965. |
"Hàn Quốc lúc đó có thể coi là một quốc gia 'nhà nước phát triển', nơi chính quyền can thiệp và hợp tác chặt chẽ với các công ty. Nhìn từ một số khía cạnh, điều đó là cần thiết vị thị trường vẫn chưa hoàn thiện. Thế là các chaebol ra đời", giáo sư Cho Dong-keun, bộ môn Kinh tế, ĐH Myongji cho biết.
Park Chung-hee đến thăm một nhà máy vào năm 1965. |
Di sản của tổng thống Park để lại là đầy tranh cãi nhưng rõ ràng các chính sách kinh tế của ông đã thay đổi bộ mặt của Hàn Quốc. Sự giàu có đi kèm với lòng tự tôn dân tộc càng ngày càng dâng cao, và các thành công của các chaebol – công cụ phát triển kinh tế của Park – được coi là thành công của dân tộc Hàn Quốc. Chính phủ Park tạo ra bản vẽ, chaebol xây dựng. Trong số các ưu đãi đặc biệt của chính phủ Park, các khoản viện trợ nước ngoài về vốn và công nghệ đã đóng góp phần quan trọng cho sự trỗi dậy của các chaebol. Dưới vỏ bọc "tư bản có định hướng", chính phủ Hàn Quốc sẽ tuồn vốn và cấp dự án cho một số ít các chaebol, đồng thời đưa ra cam kết sẽ bồi thường cho các chủ đầu tư nước ngoài nếu các tập đoàn này không thể trả nợ.
Quang cảnh hoành tráng tại xưởng đóng tàu Hyundai. Con tàu mang tên Atlantic Baron hạ thủy năm 1974. |
Mặt khác, chính quyền cũng đặt ra mục tiêu kinh doanh ngặt nghèo cho các chaebol. Kết quả là trong hai thập niên 1960 và 1970, Hàn Quốc vươn mình trở thành một trong những quốc gia xuất khẩu mạnh mẽ bậc nhất Châu Á, đối lập hoàn toàn với thời kỳ Syngman Rhee (tổng thống đầu tiên của Nam Hàn).
Nhưng chìa khóa thành công của chaebol không chỉ đến từ các ưu đãi của Park Chung-hee. Gần như bất cứ một chaebol nào cũng sẵn sàng xâm chiếm các lĩnh vực kinh doanh mới mẻ. Tinh thần sáng tạo và khả năng thích nghi được đặt lên trên tất cả. Chính điều này tạo ra một nền kinh tế chaebol nghe có vẻ cứng rắn nhưng lại cực kỳ năng động: những năm 1960, Hàn Quốc vẫn đang còn tập trung vào xuất khẩu may mặc thì từ giữa thập niên 1980, các ngành công nghiệp nặng, công nghiệp hóa chất và quốc phòng đã trở thành chủ đạo.
Thời đại này đã chứng kiến sự trỗi dậy mạnh mẽ của 2 tập đoàn điện tử sau này sẽ đứng top toàn cầu: Samsung và LG. Mối quan hệ giữa 2 ông lớn điện tử và tổng thống Park là không hề đơn giản. Hai vị chủ tịch của Samsung và LG vốn là hai nhà thông gia thân thiết cuối cùng quay ra không nhìn mặt nhau vì Samsung dám bước chân vào lĩnh vực điện tử vốn là lĩnh vực do LG khai phá. Phải đến tận khi chủ tịch Lee Byung-chul gặp mặt trước tiếp với Tổng thống Park Chung-hee để xin được tham gia sản xuất thiết bị điện tử, lịch sử của Samsung mới thực sự sang trang.
Điều thú vị là ông Lee vì hơn tuổi nên không hề tôn trọng ông Park, còn nhà độc tài Hàn Quốc thì lại cực kỳ coi thường miệng lưỡi dẻo quẹo của ông Lee. Trong kế hoạch phát triển 5 năm của Tổng thống Park, chính phủ Hàn Quốc sẽ nhiều lần tịch thu các công ty con làm ăn phát đạt của các chaebol. Samsung đã nhiều lần trở thành nạn nhân của chính sách này khi phải từ bỏ một chi nhánh ngân hàng, một đơn vị sản xuất phân bón và một đài phát thanh theo yêu cầu của Tổng thống Park. Tuy vậy, chính sách tập trung vào công nghiệp của Park Chung-hee vẫn sẽ trở thành chìa khóa tiên quyết để gia đình Lee Byung-chul và Lee Kun-hee xây dựng một đế chế hùng mạnh trong những năm 1970.
Cũng dưới thời Park Chung-hee, Hyundai từ một công ty xây dựng "làng nhàng" đã vươn lên trở thành một trong 4 chaebol quyền lực nhất Hàn Quốc. Chủ tịch của Hyundai, ông Chung Ju-yng chỉ là con trai một gia đình nông dân và thậm chí còn chưa học hết tiểu học nhưng lại có tinh thần "tất cả hay là chết" rất được Tổng thống Park quý trọng. Với những ưu đãi đặc biệt từ chính quyền, ông Chung liên tiếp thực hiện thành công nhiều dự án tưởng chừng bất khả thi, đặc biệt là con đường cao tốc Gyeongbu dài 400km nối từ Seoul đến Busan chỉ trong vòng 2 năm rưỡi.
Cao tốc Gyeongbu được Hyundai hoàn thành vào năm 1970. |
Daewoo, công ty do con trai của một người thầy đã từng dạy học cho Tổng thống Park sáng lập, cũng chuyển mình trở thành một chaebol uy quyền vào thập niên 70. Được Park cho phép mua lại các công ty quốc doanh đang thua lỗ, chủ tịch Kim Woo-jung xây dựng nên một tập đoàn tài phiệt có quy mô ngang ngửa với Hyundai, LG và Samsung từ chính những thất bại cay đắng của chính phủ Hàn Quốc. Bị tổng thống Park ép buộc tham gia đóng tàu, Daewoo vẫn nhanh chóng tạo ra được những con tàu, dàn khoan có giá phải chăng nhưng chất lượng không hề thua kém nước ngoài.
Tiền thân của Daewoo Motors là Saehan Motors. |
Ngành công nghiệp giải trí của Hàn Quốc vào những năm 1970 vẫn chưa phát triển như ngày nay, và thế chỗ cho các diễn viên, ca sĩ nổi tiếng là các vị chủ tịch chaebol đầy quyền uy. Theo nhiều cách, họ là những vị anh hùng đại diện cho một dân tộc đi lên từ nghèo khó. Khắp nơi, người ta đồn đại về những điều các vị chủ tịch đã nói, đã làm. Những bài học thành công được thổi phồng thành truyền thuyết; cách nghĩ của các vị chủ tịch cũng trở thành triết lý hành động cho nhân viên.
Đầu kéo của Daewoo. |
Ví dụ, nhân viên Hyundai rất nổi tiếng với lối hành xử "làm trước, nghĩ sau" – nếu có lỡ thất bại thì cũng đừng lo lắng mà hãy tìm cách sửa chữa. Ở thái cực còn lại là Samsung với tư duy cẩn trọng: bao giờ người Samsung cũng sẽ tính hết tất cả các phương án rồi mới đưa ra lựa chọn cuối cùng. Cho đến tận bây giờ, hai chaebol này vẫn được coi là hai thái cực đối lập của văn hóa Hàn Quốc.
Khủng hoảng tài chính 1997 bị người dân Hàn Quốc đổ lỗi cho IMF, nhưng rõ ràng một phần lỗi không nhỏ thuộc về các chaebol. |
Tổng thống Park bị ám sát vào năm 1979, nhưng đến thập niên 1980, nền kinh tế xuất khẩu của Hàn Quốc vẫn tiếp tục bùng nổ. Năm 1985, Hàn Quốc chuyển mình từ nhập siêu thành quốc gia xuất siêu. Cuối những năm 1980, các chaebol đã trở nên độc lập về mặt tài chính và không còn phải phụ thuộc vào viện trợ từ chính phủ nữa. Các tập đoàn như Samsung, LG, Hyundai, Kia, Lotte thống trị ngành công nghiệp Hàn Quốc và đặc biệt áp đảo trong các ngành sản xuất, công nghiệp nặng.
Đến thập niên 1990, Hàn Quốc trở thành một trong các nước công nghiệp mới với mức sống ngang ngửa các quốc gia phát triển phương Tây. Năm 1996, GPD bình quân đầu người tại xứ sở Kim Chi đã lên tới 10.135 USD.
Đại bản doanh của Daewoo sau này sẽ bị đổi tên thành "Seoul Square". |
Thế nhưng, các chaebol sẽ sớm nhận một cú tát trời giáng: Khủng hoảng Kinh tế Châu Á 1997. Cho đến tận bây giờ, vẫn chưa một ai dám khẳng định chắc chắn nguyên nhân khiến kinh tế Hàn Quốc rơi vào khủng hoảng là gì. Báo chí nước ngoài khẳng định các chaebol đã bước chân quá vội vã vào các mảng kinh doanh mới mà không chịu suy tính kỹ càng; mô hình sở hữu chéo/chiết khấu chéo đã khiến các tập đoàn bất lực nhìn công ty con của mình chìm vào thua lỗ mà không có cách nào thoát ra được. Báo chí tại Hàn Quốc thì lại đổ lỗi cho các tổ chức tài chính nước ngoài vì đã rút vốn đầu tư quá nhanh chóng.
Chủ tịch Daewoo Kim Woo-choong quay trở về Hàn Quốc nhận án sau 6 năm lẩn tránh tại Bắc Hàn. |
Bất kể ai đúng ai sai, giới tài chính Hàn Quốc vẫn mang một niềm tin bất diệt rằng các chaebol "quá khổng lồ để có thể sụp đổ". Càng lo sợ về nguy cơ phá sản của các công ty con, các ngân hàng càng sẵn sàng gia tăng khoản vay - với họ, các chaebol đứng sau đơn giản là quá hùng mạnh ngay cả trong những lúc khốn đốn nhất.
Mối quan hệ chồng chéo giữa các chaebol, các ngân hàng và cả các công ty nhỏ hơn đã tạo ra một phản ứng dây chuyền lên toàn bộ nền kinh tế Hàn Quốc: tại thời điểm tồi tệ nhất cứ mỗi tháng sẽ có 3.500 công ty Hàn Quốc phá sản. Trong vòng 2 năm từ 1997 đến 1999, 11 trong 30 chaebol lớn nhất sụp đổ. Năm 1997, tỷ giá đồng won sụt giảm còn một nửa so với năm trước đó.
Đau đớn và gây hại nhiều nhất có lẽ là trường hợp của Daewoo. Trong lúc tất cả các chaebol khác phải tiến hành cắt giảm quy mô kinh doanh thì Daewoo vẫn tiếp tục mở rộng theo cách truyền thống là mua lại các công ty khác. Tổng cộng, năm 1998 Daewoo đã mua thêm 14 công ty khi đã có tới 275 chi nhánh. Kết quả là gã khổng lồ đứng thứ hai Hàn Quốc phải chịu lỗ 458 triệu USD trên tổng doanh thu 51 tỷ USD. Các khoản nợ tăng tới mức 80 tỷ USD.
Khi Daewoo tuyên bố phá sản vào giữa năm 1999, chủ tịch Kim Woo-Jung bỏ trốn sang Bắc Triều Tiên và phải đến năm 2005 mới trở lại Nam Hàn nhận án. Trong phiên tòa xét xử, ông Kim, người từng là một trong số những người hùng của Hàn Quốc, nói trong nước mắt: "Tôi không thể trốn tránh trách nhiệm vì đã sai lầm cài chiếc khuy cuối cùng của số phận" trước khi nhận bản án 10 năm tù.
Những chiếc điện thoại khiêm tốn này là thành công đầu tiên của Samsung trên mảnh đất di động. |
Cũng giống như cơn bão phát triển thần kỳ vào thập niên 70, sự can thiệp của chính phủ Hàn Quốc tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong công cuộc hồi sinh của các chaebol. Giải pháp "Đại Thỏa Hiệp" được đưa ra, buộc các chaebol phải tái cơ cấu và giải thể hoặc bán lại các mảng kinh doanh không cốt lõi cho các đối thủ cạnh tranh. Kết quả là Samsung phải bán lại cổ phần cho Renault (Pháp) còn LG phải bán mảng sản xuất vi xử lý cho Hyundai. Chỉ hai năm sau, Hyundai Semoconductor cũng được đổi tên thành Hynix Semiconductor và tách hẳn khỏi tập đoàn mẹ.
Những thay đổi này nhanh chóng tỏ ra có lợi cho chaebol. Trong các giai đoạn trước đó, chiến lược mở rộng vô tội vạ đã khiến cho các chaebol dù nhanh chóng đạt tới quy mô khổng lồ nhưng lại chẳng thu được nhiều lợi nhuận. Mô hình mới cũng đã giảm sự ràng buộc giữa các công ty con bên trong mỗi chaebol, cho phép tăng mức độ tập trung cũng như khả năng thích ứng của các mảng kinh doanh cốt lõi.
Đại Khủng hoảng Tài chính 1997 đã giúp tái sinh nền kinh tế Hàn Quốc, đồng thời mở ra một cơ hội quan trọng: tỷ giá đồng won sụt giảm giúp Hàn Quốc có thể dễ dàng gia tăng quy mô xuất khẩu đúng vào thời điểm cuộc cách mạng điện tử công nghệ chuẩn bị bùng nổ trên toàn cầu.
Đi đầu trong cuộc cách mạng mới tại Hàn Quốc vẫn là Samsung và LG. Tận dụng sự kiêu ngạo của Sony, Samsung và LG nhanh chóng vươn lên dẫn đầu trong cuộc đua TV LCD và tiếp đó là thị trường điện thoại di động vẫn chưa thành hình. Quyết định tập trung đầu tư vào công nghệ mạng không dây của chính phủ Hàn Quốc đã trở thành kim chỉ nam để Samsung và LG vươn lên trở thành các đối thủ xứng tầm của Nokia và Motorola. Cũng nhờ vào chiến lược này, nhà mạng SK đã vươn lên thế chỗ Daewoo để trở thành một trong "Tứ Đại Chaebol" của Hàn Quốc bên cạnh Samsung, LG và Hyundai.
Các tập đoàn tài phiệt gia đình của Hàn Quốc không bao giờ chậm chân với thời thế. Sau khi Apple khởi động cuộc đua smartphone, Samsung là tên tuổi đầu tiên vươn lên cạnh tranh với chiếc Galaxy S. Sau một vài năm, Samsung đã trở thành nhà sản xuất smartphone số 1 thế giới. Ngày nay, khi cuộc cách mạng smartphone đã nguội lạnh, Samsung và LG đang là 2 thế lực đi đầu trong cuộc chiến nhà thông minh/Internet of Things chuẩn bị bùng nổ.
Về phần mình, Hyundai cũng đang là một trong những thế lực đi đầu trong công cuộc phát triển và thử nghiệm xe tự lái thông qua nhiều thương vụ hợp tác với Google, Uber cũng như các dự án tự phát triển. Là chaebol đầu tiên được chính phủ Hàn Quốc bật đèn xanh, Hyundai đang đặt ra mục tiêu ra mắt xe tự lái thương mại vào năm 2020.
Hiện tại, các chaebol vẫn đang chiếm giữ một phần quan trọng trong nền kinh tế Hàn Quốc: trong năm 2012, Samsung đóng góp 25% còn Hyundai đóng góp 12% GDP quốc nội. Với tổng trị giá tài sản lên tới hàng trăm tỷ USD, Samsung, LG, Hyundai và SK đang chia nhau nắm giữ các ngành công nghiệp trọng yếu của Hàn Quốc.