Ấn bản mới sẽ giữ nguyên thiết kế bìa sách cùng một số hiệu đính về mặt nội dung giúp cuốn sách hoàn thiện hơn khi đến tay độc giả. Đây được xem là sự kiện hiếm có trong ngành xuất bản, nhất là với những đầu sách thiên về nghệ thuật.
Câu chuyện nghệ thuật là một trong những tác phẩm kinh điển về lịch sử nghệ thuật của nhà sử học nghệ thuật gốc Áo nổi tiếng E.H. Gombrich, được mệnh danh là một trong những tác phẩm nhập môn nghệ thuật thị giác dễ tiếp cận nhất dành cho mọi đối tượng độc giả. Cuốn sách được in lần đầu năm 1950 và trong 70 năm qua đã được dịch ra gần 30 thứ tiếng với hơn tám triệu bản bán ra trên toàn thế giới.
Bản dịch tiếng Việt phát hành lần đầu tại Việt Nam vào tháng 10/2020 với số lượng phát hành là 5.000 bản in. Đây là bản dịch dựa trên ấn bản mới nhất - lần thứ 16 và được dàn số trang tương đương bản gốc tiếng Anh của NXB Phaidon nhằm đảm bảo tương ứng giữa nội dung cũng như hình ảnh minh họa. Ngay khi ra mắt, tác phẩm đã được nhiều độc giả và chuyên gia đánh giá cao.
Theo họa sĩ - dịch giả Trịnh Lữ, sở dĩ cuốn sách luôn được đón nhận là vì: “E.H. Gombrich đã diễn giải nghệ thuật theo cách khách quan nhất. Tác giả tránh sử dụng những biệt ngữ chuyên môn và chỉ đề cập tới các tác phẩm mà ông đã từng được chiêm ngưỡng và tiếp cận để có thể đơn giản hóa, cũng như làm rõ thông điệp mà người nghệ sĩ muốn truyền đạt. Giữa bối cảnh thông tin chỉ đơn giản lặp lại những điều mà người nghệ sĩ đã nói, khiến cho nghệ thuật trở nên xa lạ và khó hiểu với công chúng thì cuốn sách sẽ giống như một sợi dây nhắc nhở rằng chúng ta cần một nền tảng kiến thức để có thể thưởng thức nghệ thuật. Gombrich nhìn nhận các tác phẩm theo hướng duy vật. Với ông, nghệ thuật là quá trình tạo tác của con người, phục vụ con người và chứa đựng những giá trị lịch sử nhất định. Vì vậy, khi đọc sách, bạn sẽ có cái nhìn rõ hơn về các tác phẩm và nhận ra nghệ thuật không có gì là quá ghê gớm cả.”
Họa sĩ Vũ Đỗ - nhà giáo dục nghệ thuật đồng thời là người sáng lập The Painter’s Studio cho biết: “Dưới góc độ một họa sĩ, điều hấp dẫn tôi là những hình ảnh từ các tác phẩm được minh họa trong sách. Nó giúp một họa sĩ trẻ như tôi học được thêm về bối cảnh, bút pháp của các nghệ sĩ kỳ cựu trên thế giới. Đặc biệt, so với phiên bản trước, sách có những chú thích diễn giải về tôn giáo, những câu chuyện nhỏ giúp bạn hiểu thêm về nghệ thuật tùy vào bối cảnh thời đại lúc bây giờ. Mặc dù tác giả đã tránh dùng những thuật ngữ chuyên môn trong sách những vẫn có những kiến thức về vật liệu, nguyên tắc sáng tối là thiết yếu và căn bản trong hội họa đã được tác giả tinh lọc và diễn giải theo cách dễ hiểu nhất trong cuốn sách này.”